Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phiên tòa trực tuyến ở Việt Nam sẽ như thế nào?

Hiền Lương

 

(VNTB) – Ở Việt Nam hiện nay, pháp luật chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh để điều chỉnh hướng dẫn cách thức tổ chức xét xử trực tuyến.

 

Chiều 23-10, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đề xuất xử trực tuyến từ 1-1-2022.

Theo đó, phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm.

Tòa án nhân dân tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản, tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.

Không mở phiên tòa trực tuyến đối với vụ án hình sự, hành chính, dân sự có tài sản ở nước ngoài;

Vụ án hình sự bị cáo bị đưa ra xét xử về một trong các tội quy định tại Chương XIII “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia”, Chương XXV “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu”, Chương XXVI “Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự;

Vụ án hình sự, hành chính, dân sự thuộc trường hợp có thể xét xử kín theo quy định của pháp luật tố tụng.

Tuy nhiên với những gì mà Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày ở chiều ngày 23-10, cho thấy vẫn còn băn khoăn bởi ở Việt Nam hiện nay, pháp luật chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh để điều chỉnh hướng dẫn cách thức tổ chức xét xử trực tuyến.

Để tòa án được xét xử trực tuyến, trước hết luật phải có quy định xét xử trực tuyến. Hiện, luật quy định xét xử trực tiếp bằng lời nói không có quy định xét xử trực tuyến.

Cụ thể, tại phiên tòa, người bị đưa ra xét xử, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, người bào chữa có quyền bổ sung chứng cứ, đồng thời mọi chứng cứ được xem xét, thẩm định, đánh giá trực tiếp tại phiên tòa, nếu không trực tiếp tại phiên tòa sẽ không cung cấp được chứng cứ, không xem xét, thẩm định, đánh giá được chứng cứ, đặc biệt là vật chứng.

Do đó, nếu xét xử trực tuyến, những người không có mặt tại phiên tòa sẽ không cung cấp, xem xét, đánh giá chứng cứ để thực hiện quyền bào chữa, quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình được.

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự tại Điều 26, quy định: Phiên tòa xét xử vụ án hình sự phải có mặt đầy đủ những người theo quy định của Bộ luật này, trường hợp vắng mặt phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc trường hợp khác do Bộ luật này quy định.

Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa.

Ngoài ra, tại Điều 250, quy định “Hội đồng xét xử phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi, nghe ý kiến của bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ, người làm chứng, người giám định, người khác tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập; xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập; công bố biên bản, tài liệu và tiến hành hoạt động tố tụng khác để kiểm tra chứng cứ; nghe ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự”.

Như vậy, trước khi đưa vụ án ra xét xử trực tuyến, phải sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, và kéo theo hàng loạt các quy định khác phải được thay đổi chứ không thể chỉ đơn giản là tờ nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến mà Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trình bày ở chiều ngày 23-10-2021.


Tin bài liên quan:

VNTB – Điều gì xảy ra nếu ông Nguyễn Hòa Bình điều tra vụ Đỗ Văn Minh giết người thế xác?

Phan Thanh Hung

VNTB – Cần khởi tố hình sự đối với nhà sư Thích Trúc Thái Minh

Phan Thanh Hung

VNTB – Chuyện phòng nhì

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo