Nguyễn Nam
(VNTB) – Việt Nam vẫn cứ loanh quanh chống tham nhũng ở mấy cái thứ đậm chất nho giáo như: “nêu gương”, “phê và tự phê”, “xây dựng văn hóa từ chức”, “danh dự mới là quan trọng”
Tại sao không dùng cách thức khác để phòng chống tham nhũng, hối lộ – những cách thức mà cả thế giới đang dùng và chứng minh là rất hiệu quả như đề cao pháp trị, kiểm soát quyền lực…
Thay vào đó thì người đứng đầu cơ quan phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn cứ loanh quanh ở mấy cái thứ đậm chất nho giáo như: “nêu gương”, “phê và tự phê”, “xây dựng văn hóa từ chức”, “danh dự mới là quan trọng” ??
(Xem thêm: https://vietnamthoibao.org/vntb-van-hoa-the-nay-thi-nhan-quyen-ra-sao/).
Sở dĩ Việt Nam không thể chống tham nhũng như các quốc gia khác bằng việc chọn pháp trị, tức là dùng pháp luật điều chỉnh mọi quan hệ trong xã hội, pháp luật là căn cứ duy nhất để mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức hành xử, giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống, vì lẽ rất đơn giản là thể chế chính trị ở Việt Nam không có yếu tố cạnh tranh giữa các đảng phái, nên cũng không mấy đặt nặng ‘phổ thông đầu phiếu’ từ dân chúng.
Nguyên tắc cơ bản của pháp luật là không vì người thân quen, quyền cao chức trọng mà vị nể, nhẹ tay trừng phạt hay né tránh với hành vi tham nhũng. Nguyên tắc này đã được áp dụng hàng thập kỷ qua tại các nước phương Tây, với họ pháp luật là tất cả, mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức đều tuân thủ pháp luật và chính họ nhờ pháp luật bảo vệ mình và gia đình, tinh thần “thượng tôn pháp luật” và “pháp luật bất vị thân”.
Đối với họ, thì việc tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng hay bất cứ cá nhân, tổ chức nào ngay cả trong thành phần tưởng chừng không thể tham nhũng là cơ quan, tổ chức phòng chống tham nhũng cũng có thể bị điều tra, kết án nếu có hành vi tham nhũng.
Pháp luật là căn cứ duy nhất, là tinh thần chủ đạo, là ưu tiên số một tại các quốc gia phương Tây.
Vấn được đề đặt ra hiện nay là giải pháp này khó thể phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam vì mối quan hệ giữa tổng bí thư – thủ tướng – bộ trưởng… còn là ‘tình đồng chí’ trong cùng một đảng duy nhất. Do vậy, để dung hòa, giải pháp Đức trị được lựa chọn. Tức là dùng ý thức, dùng đạo đức, dùng tinh thần để chi phối điều chỉnh xã hội mà những người đứng đầu có quyền, có trách nhiệm phải là “tấm gương sáng” để tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân noi theo.
Tuy nhiên cần công tâm nhìn nhận là vấn đề lâu nay ngay trong mấy triệu đảng viên, liệu tỷ lệ những tấm gương sáng như thế chiếm bao nhiêu?.
Tại hội nghị toàn quốc các cơ quan Nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tổ chức mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đợt này quyết định phải chống tham nhũng, tiêu cực; tiêu cực là tập trung vào chống sự suy thoái về phẩm chất chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, đó là cái quan trọng, là gốc.
Lãng phí chỉ là một khía cạnh, tiêu cực nhiều lắm. Đạo đức không trong sáng, lành mạnh sinh ra tham ô, đi ăn cắp vặt, rồi dần dần ăn cắp lớn, rồi cấu kết với nhau để làm hại ngân khố của Nhà nước, hủy hoại đạo đức xã hội, làm mất niềm tin của dân. Cái đó rất lớn”…
Trong các hình thái tham nhũng, có tham nhũng quyền lực. Tham nhũng quyền lực là gốc, “đẻ” ra tham nhũng kinh tế. Thực tế thời gian qua cho thấy, những người tham nhũng kinh tế thường là những người nắm giữ quyền lực; quyền lực càng lớn mà thiếu đạo đức thì tham nhũng càng lớn.
Thế nhưng như đã nói ở trên, tham nhũng quyền lực trong thể chế chính trị đơn nguyên là rất dễ dàng, vì thiếu hẳn sự giám sát mang yếu tố cạnh tranh về sức ảnh hưởng với dân chúng giữa các đảng phái chính trị.
Nếu ‘nịnh nọt’ Đảng, có lẽ tạm kết ở đây bằng một ý ve vuốt Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng ngài rất thâm nho, khi dùng “Đức trị”, tức ra sức tuyên truyền, giáo dục tinh thần, ý chí và đạo đức cách mạng là cơ bản để kết hợp thống nhất, hài hoà với “Pháp trị” bằng việc ‘đốt lò’ răn đe, trừng phạt.
Tiếc là ông Tổng bí thư còn độc quyền báo chí nên dân chúng không được đáp ứng về chuyện yêu cầu cả chính phủ lẫn Đảng phải minh bạch mọi vấn đề, thông qua báo chí tự do chẳng hạn…