Minh Quân
(VNTB) – Cái chết của người nghèo chưa bao giờ bị chế độ mặc định chắc chắn như giờ đây!
Một quan chức ngành y tế than thở “Vẫn còn đến 27 tỉnh, thành chưa hoàn thành việc tăng giá dịch vụ y tế theo lộ trình”, và nêu quyết tâm “sắp tới sẽ phải hoàn thành kế hoạch tăng giá dịch vụ y tế”.
Theo một “nghị quyết” của Bộ Y tế vào năm 2015, từ quý I/2017, viện phí sẽ tính thêm tiền lương nhân viên y tế và áp dụng với 27 địa phương còn lại trên cả nước. Với việc đưa lương vào viện phí, hàng ngàn dịch vụ kỹ thuật sẽ tăng giá khoảng 30%-50%.
Dân nghèo cũng bởi thế đang chết đuối dưới cơn sóng lừng ập lên đầu họ.
Đừng nhìn vào bản báo cáo của Bộ Y Tế – địa chỉ của một nữ bộ trưởng quá tai tiếng bởi chân dung cá nhân gắn liền với hình ảnh phong bì cùng biệt danh “Tiến kim tiêm”, nhưng vẫn “kiên định xã hội chủ nghĩa” bám chặt ghế – mà hãy nghe lời tách bạch của những chuyên gia phản biện: hoàn toàn chẳng khó để nhận ra nếu chuyển viện phí sang tính theo cơ chế thị trường, chi phí khám, chữa bệnh có thể tăng từ hai đến năm lần. Chẳng hạn chi phí chạy thận nhân tạo sẽ tăng từ 460.000 đồng một lần hiện nay lên ít nhất 0,9 – 1 triệu đồng một lần. Còn giá khám bệnh sẽ tăng gấp 5 lần, từ 20.000 đồng lên đến 100.000 đồng. Giá chụp CT có thể cũng sẽ tăng từ 500.000 đồng lên 1 triệu đồng…
Nhưng thực ra, tất cả những việc tăng giá y tế như tên chỉ là việc hợp thức hóa cho chuyện đã rồi. Đã từ nhiều năm qua, nhiều cơ sở y tế và bệnh viện đã tăng giá vô tội vạ, còn các đoàn thanh kiểm tra của sở ngành y tế chỉ như cưỡi ngựa xem hoa và bị đồn đoán không thiếu gì chuyện quà cáp, phong bao.
Cái chết hữu thể của những bệnh nhân không tiền, cùng cảnh thất học của những sinh viên bị móc túi, đang biến dư luận xã hội và nỗi phẫn uất dân chúng thành nơi chôn cất cuối cùng cho một chính thể “ăn của dân không chừa thứ gì.”
Không thiếu gì cái chết của bệnh nhân bị đẩy ra nằm ở hành lang khu cấp cứu quá lâu, khi người nhà không đủ tiền để “tạm ứng” cho bệnh viện. Ngày càng hiện ra nhiều hơn những mạng người ra đi để càng tô thắm cho một chế độ “của dân, do dân và vì dân.”
Giá cả chữa bệnh lại đạp lên đầu lương tâm để vượt dốc. Những năm qua, chiến dịch tăng giá phi mã viện phí đã thường nâng mặt bằng giá dịch vụ y tế bình quân lên gấp rưỡi đến hai lần qua mỗi năm, quá đủ để làm bệnh nhân khốn đốn và thỉnh thoảng lại có người lao mình từ tầng mười bệnh viện xuống đất.
Phải chăng đó là là “tăng giá dịch vụ y tế để tạo sự bình đẳng” như giới quan chức y tế và chính phủ Việt Nam vẫn huấn thị?
“Bình đẳng xã hội chủ nghĩa” là như vậy.
Khó có thể nói khác hơn, giới quản lý và thực thi chính sách xã hội đã biến chủ trương “xã hội hóa” từ vài chục năm qua thành phản cảm, và hơn nữa là đang tâm phản động.
Những kẻ đang tâm tăng viện phí và hợp thức hóa cho chiến dịch này lại rất đồng lòng, đồng cảm và đồng túi với những kẻ đang dốc sức bù lỗ lên đầu dân nghèo bằng các chiến dịch tăng giá điện và xăng dầu.
Năm nay, 2017, kinh tế đình đốn và một chân đã sa vào khủng hoảng, ngân sách không còn biết tìm ra nguồn thu nào khác ngoài việc bổ thuế lên đầu dân, bất chấp bao nhiêu cảnh nạn môi trường, đất đai, chợ búa, mất mùa, bị ép giá chưa bao giờ dồn lên đầu dân chúng thê lương như hiện thời.
Cái chết của người nghèo cũng chưa bao giờ bị chế độ mặc định chắc chắn như giờ đây!