Trảng Lớn
(VNTB) – Mặc Đạm là một trong những người đã cứu mạng tôi.
Khoảng đầu năm 1976 chúng tôi vẫn còn bị giam ở T5, hòm thơ 7590. Trong “chiếc thòng lọng dễ chịu” của căn cứ quân sự Trảng Lớn thuộc sư đoàn 25BB cũ, hàng ngàn con người thất trận chúng tôi chịu thiếu thốn đủ thứ với môi trường vệ sinh cực kỳ tệ hại. Hầu hết, trừ một số “liên hệ” với bộ đội, được gia đình tuồn tiền bạc, đồ ăn vào, bọn trai tuổi đôi, ba mươi chúng tôi, chỉ hơn nửa năm bị “tập trung” đã được “cải tạo” thành các bộ xương thất thểu trong những bộ quần áo bằng bao tải, bao cát. Mỗi tối nằm ép bụng sôi sùng sục, nghe bên kia trung úy Huỳnh Kiêm Diệp thỉnh thoảng mơ ngủ kêu đói mà nước mắt mình ứa ra. Tối nào cũng mơ thấy mình gọi điện thoại về nhà mà sao chuông không rung. Sáng kể chuyện cho bạn nghe, bạn cũng bảo hay mơ như vậy. Đói. Rét.
Không hiểu sao những tháng cuối năm 1975 lại lạnh đến thế, đỉnh núi Bà Đen hình như cả ngày mây phủ. Hàng ngàn người bị nhốt, ngăn, chia cắt bởi hàng rào kẽm gai thành từng tiểu đoàn trong diện tích bằng sân đá bóng. Hàng chục hố cầu tiêu chung quanh. Mùi hôi thối lâu rồi cũng quen, nhưng ruồi thì không chịu được,chúng đậu trên mặt, trên cổ ngay khi mình đi lại, di chuyển. Buổi trưa, nhìn thằng bên cạnh che mặt nằm im ngủ, người phủ đầy ruồi chỉ muốn ói mửa, thằng khác bảo mình, ” Nhìn mày ngủ, ruồi bu cũng thế, thấy phát ói!” Mỗi lần chia cơm, một bát cơm gạo hẩm, một chút canh “toàn quốc”, hai ba thằng tình nguyện đứng quạt cho bớt ruồi. Phân tươi lấy bón rau, khi thu hoach nộp nhà bếp, trong bẹ cải vẫn còn phân, còn xác dòi. Thế rồi bùng lên dich kiết lỵ. Lúc đầu còn lác đác báo bệnh, sau ngày nào cũng có, có khi mỗi ngày vài người được đưa đi, vài ngày sau có người xuống lấy đồ đạc, hỏi mới biết chết rồi.
Rồi đến lượt tôi. Tại sao lại tôi nhỉ? Lúc đầu thấy quặn đau bụng, chạy ra hố vệ sinh công cộng mới biết mình đã “trúng số”. Bạn bè thương tình cho vài quả trứng gà, nắm lá mơ mà họ “liên hệ, đổi chác” được với bộ đội.Từ vài ba lần một ngày chạy ra cầu tiêu, đến mười lần một ngày. Kiệt sức không ra được đến nơi công cộng, mò ra ngoài, vừa thở hổn hển vừa lịm đi, cái mông trơ xương đau điếng trên vành thùng đạn kê bên hông lán, xong, đậy lại, hậu môn rát như phải bỏng, nằm mệt nhọc thở. Bạn bè bảo đi bệnh viện, mình nói đi cũng chết, ở lại chết còn có chúng mày bên cạnh ấm áp hơn.
Nó tên là Mặc Đạm, hai anh em Mặc Đạm, Mặc Đìa, huấn luyện viên võ thuật trung tâm huấn luyện nhảy dù, quê mẹ Cao Bằng, chúng tôi nghĩ họ là hậu duệ Mạc Đăng Dung, nhưng vẫn đùa bảo nó là “Đạm Tiên chi tử”. Nó chửi!
Vào tù, những thằng sĩ quan trẻ chúng tôi trước chỉ biết đánh giặc, xong về căn cứ; thằng hiền lành, cù lần thì nghe nhạc, đọc sách, thằng quậy thì nhảy đầm, uống rượu, đi với gái, “xuống xóm” lại nẩy nòi ra lắm tài. Nguyễn Ngọc Tiên, hỗn danh Bò Lục vì một bàn tay có hai ngón cái, làm dao từ các miếng thép sau ba lô, cắt bánh xe hơi ngọt lịm như cất miếng bánh dẻo trung thu, cậu ta có vẻ khoái chí “cung cấp miễn phí” hàng chục đôi dép lốp cho những thằng giầy, dép bị hư. Lúc đầu chúng tôi từ chối xỏ chân vào những đôi dép đó, trông giống mấy chú vi-xi, thà đi chân đất còn hơn, sau chân nứt nẻ, sưng mủ đành chịu. Nhìn chân mình lúc đầu thấy…ghê ghê giống cán ngố, riết rồi cũng quen, những thằng rủa bọn tôi “thời cơ” riết rồi cũng thôi. Tôi lê đôi dép lốp cho đến khi về, bị bắt lần sau vẫn mang theo, đến khi đi Mỹ mới bỏ.
Thắng Chuột, đã từng du học Mỹ, có hỗn danh này vì tài bẫy chuột thần kỳ. Anh còn có tài may quần áo. Cả tổ anh lúc nào cũng phây phây nhờ protein chuột của anh và lúc nào cũng tỏ ra quý tộc trong các bộ complet, veston đẹp, vừa khít như thửa từ Aux scissors d’Argent cắt từ bao cát, vải bạt anh cần cù đo, may, cắt cho không. Thằng khác có biệt tài kể chuyện nhiều danh nhân Sài thành, nó có thể kể bất tận về một ông tướng, một ông bộ trưởng có vợ lớn, vợ nhỏ, bồ bịch, lên voi xuống chó, chuyện đảo chánh, phản đảo chánh , ngay cả chuyện làm ăn của các tỷ phú như Lý Long Thân, chuyện quậy phá Maxim, ăn chơi của Hoàng Kim Lân con Hoàng Kim Quy..,đến cả mánh khóe của các thầy bói, như thầy Diễn, thầy Huỳnh Liên, Maitre Khánh Sơn. Chẳng biết chuyện nó thật giả thế nào nhưng đám thính giả trung thành của nó, hàng chục thằng, mỗi đêm tụ tập chè chén, trà lá rất xôm tụ ..Có thằng kể không sót chi tiết nào trong các tác phẩm của Kim Dung, từ thủ đoạn gian manh của chú Vi tiểu bảo đến lời nũng nịu thỏ thẻ của Kim Dung với tình lang Quách Tĩnh. Kể đến những đòn sấm sét Giáng Long Thập Bát chưởng của Hồng Thất Công, nó vẫn y trong tư thế xếp chân bằng tròn, miệng rít xòe xòe, tay từ từ phóng khí lực phát sinh khiến mấy thằng ngồi chung quanh cũng phải né né sợ vướng chưởng.
Trong số các bậc kỳ tài này nảy ra thầy châm cứu Mặc Đạm. Đám bộ đội thường gọi nó thế khi nói chuyện riêng. Sau này về Saigon, Mặc Đạm châm chữa đủ thứ bệnh, trong đó có một anh chàng đi đứng chân tay run lẩy bẩy. Mấy thằng bác sĩ quân y “ngụy” chụm đầu hội chẩn bảo nó bị parkison, chịu thua. Bác sĩ bộ đội cho xuyên tâm liên. Hồi đó bệnh quỷ gì bộ đội cũng chỉ cho xuyên tâm liên và thuốc đỏ. Mặc Đạm châm mãi cho anh chàng này đến ngày anh chàng bị chuyển trại đi đâu đó, không biết có khỏi không. Mới đầu con bệnh muốn được châm phải nộp cho Đạm 10 kim châm, làm từ lò xo trong băng đạn M16, mài thật nhọn một đầu. Nguyễn Ngọc Nhuận có lẽ thích làm công quả, ngày nào cũng cất công mài sắt nên kim, đem cả bó kim cho thày. Khi được một hộp to kim có thể châm cho nhiều con bệnh một lúc, Đạm tha cho không ai phải nộp kim, từ đó các con bệnh được chữa “miễn phí”.
Hồi đó bộ đội thích học, họ đến với bọn tù cải tạo chúng tôi xin học đủ thứ, từ sửa radio ( cũng chính vì có cán bộ thích học sửa radio mà một đám tù cải tạo phải ra tòa trại Tiên Phước vì tội âm mưu liên lạc với nước ngoài, âm mưu tạo phản trong tù. 2 người bị tử hình, vài trự chung thân, 20 năm tù. Năm 1993 tôi ra khỏi tù từ trại Z30D Hàm Tân Thuận Hải vẫn còn cả nhóm sống sót này ở lại trại này. Đau quá!), người học sửa đồng hồ, học toán và nhất là học ngoại ngữ. Lúc đó tôi mới thấy có nhiều người giỏi sinh ngữ trong quân đội VNCH, tiếng Anh, Pháp, Nhật, Tàu, Đức thậm chí cả tiếng Nga, có thằng giỏi chữ Hán Nôm và dáng dấp cũng chẳng khác cụ đồ trẻ măng, có người giỏi cả Sanskrit và Latin. Học trò buổi trưa mang sách đến học. Để tiết kiệm giấy, họ viết cả trên sàn xi măng.
Sau ban chỉ huy trại thấy chướng mắt cấm tiệt không được qua lại linh tinh. Riêng Mặc Đạm vẫn giữ được liên hệ thân thiết với bộ đội, không phải một anh bộ đội, hay hai ba anh, nó hình như thân với tất cả bộ đội trên trung đoàn bộ. Cậy răng mãi, nó mới bật mí nói chữa bệnh liệt dương cho các thủ trưởng. Bộ đội hàng chục năm chiến đấu trong rừng, không đàn bà, chuyện thủ dâm, cộng với nhiều lần mất cả hồn lẫn vía vì bom đạn địch nên phần lớn liệt dương. Sau này về rồi, qua bạn bè, tôi biết nó còn chữa bệnh liệt dương cho vài ông lớn nữa, nổi tiếng lắm.
Mặc Đạm thấy tôi mắc bệnh kiết lỵ, nó cho tôi một đống giẻ rách dùng trong việc vệ sinh, tôi nghĩ nó chẳng thể trị được vi trùng kiết lỵ. Tôi thấy một thằng loét cả rốn vì kim châm của nó mà vẫn: “Chưa thấy gì”. Thằng này vốn là đấu thủ trong đội bóng chuyền quân đội, cao, to, khỏe lắm nên chịu đựng được cả tuần, ở trần khoe rốn lở loét vì kim châm đi tới đi lui. Tôi thì sau một tuần là kiệt sức, Thuốc Lê Đại cho cũng chẳng ăn thua, bạn bè bảo hết nước rồi, lên bệnh xá thôi chứ chết bắt bọn tao khiêng nặng lắm. Mặc Đạm đến gặp tôi. Nó bảo:”Trên tiểu đoàn có nhiều emitine chữa kiết lỵ, tao đưa mày lên xin” Tôi gật đầu.
Còn nhớ chiều hôm đó trời mưa nhỏ nhưng đường đi trơn trợt.Tôi xiêu vẹo đi trong tay Đạm. Chúng tôi đi về hướng cổng ngăn cách tiểu đoàn bộ đội và đám tù. Đạm nói: “Khi nào tao bảo mày xỉu thì mày làm bộ nhá”. Đến cổng nó kêu ầm lên:”Mấy anh bộ đội ơi, có người bệnh nặng lắm, cấp cứu”
Một bóng bộ đội ló ra: “Anh Mặc Đạm hả, vào đi.” Đạm lặc lè cõng tôi vào căn lán trước tiểu đoàn bộ. Tôi nằm trên ghế dài, gối đầu trên đùi Đạm, mặt quay vào trong.
Đạm kể bệnh trạng của tôi, giọng nó “khẩn trương” khiến tôi không nín được cười rung cả người, may mà mặt tôi dấu vào bụng nó. Anh bộ đội y tá thấy tôi “run” quá, mà có lẽ phần nhiều vì anh ta nể Đạm, anh lia lịa nói được, được,được. Anh chạy đi lấy thuốc cho tôi. Anh nói sau khi tiêm xong: “Tôi tiêm cho anh này một mũi Emitine, một mũi C cho khỏe, còn hai ống anh đem về, ngày mai tôi sẽ tiêm thêm cho anh”. Chúng tôi cảm ơn anh bộ đội tốt bụng, Mặc Đạm lại cõng tôi ra cổng.
Sáng sau, chúng tôi bất ngờ phải tập trung sớm để nghe danh sách “biên chế chuyển trại “. Tôi có tên.
Tôi không còn nhớ ai đã giúp tôi mang đồ lề ra xe, chỉ nhớ như in trong đầu, suốt quãng đường cà tưng từ Trảng Lớn đến trại Kà Tum, dưới cái nắng kinh khủng và những cú soóc bật tung người, tôi không cảm thấy đau bụng, mấy thằng bên cạnh đùa: “Xe soóc tung thế này lỗ đít mày cũng bị bít kín, có muốn ỉa cũng không được.” Có lẽ là thế. Cho đến khi cả đám chúng tôi vừa đổ xuống Kà Tum, chưa kịp điểm danh, tôi đã phải ôm bụng “khẩn trương báo cáo” cho phép tìm chỗ giải phóng. Vừa xong thì Mặc Đạm đến, nó kéo tôi lên “trạm xá”,vừa đi vừa than, “Thằng Hà Tham bị kiết lỵ rồi, mày chia cho nó một mũi Emitine”. Sau khi xin anh y tá chích cho tôi một ống, nó chỉ Hà Tham đang ngồi bên cạnh:”Anh làm ơn chích cho anh này nữa.”
Mặc Đạm là một trong những người đã cứu mạng tôi. Hà Tham cũng khỏi bệnh. Ai gặp nó ở đâu cho tôi gửi lời biết ơn.