Việt Nam Thời Báo

VNTB – Người cộng sản đã giết Phan Thanh Giản thêm lần nữa

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đã yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy không phê duyệt đặt tên đường liên quan đến hai nhân vật lịch sử là Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký.

 

Kể từ ngày 4-8-1867, cụ Phan Thanh Giản kết thúc đời mình bằng 17 ngày nhịn ăn và chén thuốc độc tự vẫn vì buồn đau, thương dân thương nước, thì đến ngày 05-01-2022, tức 155 năm sau đó, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lại buộc cụ Phan Thanh Giản thêm chén thuốc độc nữa khi tiếp tục cho rằng cụ là người có tội trong việc để mất 6 tỉnh Nam Kỳ vào tay quân Pháp khi cụ làm Chánh sứ toàn quyền đại thần ký hòa ước Nhâm Tuất 1862, từ đó có câu ca dân gian lên án Phan Thanh Giản “bán nước”: “Phan, Lâm mãi quốc; triều đình khí dân” (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước, triều đình coi thường dân).

Cảo thơm lần giở trước đèn

Ngày 04-08-2008, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND), Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bến Tre, Huyện ủy, UBND, HĐND huyện Ba Tri, các ban ngành, sở, xã Bảo Thạnh (Ba Tri) đến viếng mộ và đền thờ Phan Thanh Giản ở huyện Ba Tri nhân ngày giỗ của cụ.

Dịp này, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cũng đã tổ chức lễ rước và an vị tượng Phan Thanh Giản tại Khu Di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long – nơi Kinh lược sứ đại thần Phan Thanh Giản tuẫn tiết. Pho tượng do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phụng hiến. Tượng đúc bằng đồng, cao 85cm, nặng 250 kg, được tỉnh Vĩnh Long đặt trang trọng tại nơi thờ trong Văn Thánh Miếu.

Cụ Phan Thanh Giản sinh năm 1796, đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa thi Đình năm Bính Tuất (1826) ở Huế. Cụ là người đỗ Đại khoa tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ. Năm 1834, cụ được phong Sung Cơ mật viện. Tháng 9-1835, cụ được phong Hiệp biện Đại học sĩ, đó là chức quan hàm tùng nhất phẩm, trên thượng thư một bậc. 1848 đổi sang Thượng Thư Bộ lại; 1851 làm Kinh lược phó sứ Nam Kỳ; 1853 Thượng thư Bộ Hình, Sung Cơ mật viện; 1856: Chánh tổng tài Quốc sử quán…

Những năm 1836, 1840 bị giáng chức vì can ngăn vua, có năm phải đi khai mỏ vàng ở Thái Nguyên (1838) sau đó lại được phục hồi chức phẩm. Cụ là Tổng tài phụ trách việc biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục trong ba năm 1856-1859, là bộ Quốc sử đồ sộ, lớn nhất thời Nguyễn gồm 53 quyển.

Về văn thơ cụ có Lương Khê thi thảo gồm 454 bài thơ và Lương Khê văn tập (1876) do các con tập hợp in sau khi cụ mất. Cụ còn có các tập thơ, nhật ký như Sứ Thanh thi tập, Tây phủ Nhật ký, ghi chép trong chuyến đi Pháp…

Cụ cùng Nguyễn Thông đã có công xây Văn Thánh Miếu và lập Văn Xương Các ở Vĩnh Long… Chỉ ngần ấy thôi cụ cũng đã là nhà văn, nhà văn hóa, nhà sử học lớn của dân tộc.

Người dân miền Tây hiểu rất rõ công – tội của cụ, rằng thời kỳ đó, triều đình Huế mới là nguyên nhân chính để mất Lục tỉnh Nam Kỳ, vì đã quyết “chủ hòa”. Cụ Phan Thanh Giản không thể tự mình làm trái ý vua. Nên không thể quy cho cụ tội “bán nước” hay “phản bội Tổ quốc”.

Từ đầu năm 1951, tại thành phố Hà Nội lại có đại lộ Phan Thanh Giản và đến năm 1954 thành phố Hải Phòng cũng có đại lộ Phan Thanh Giản. Tuy nhiên, sau năm 1955 ở Hải Phòng con đường này đã đổi tên thành đường Cù Chính Lan cho đến nay; và tại Hà Nội đến năm 1964 thì đường Phan Thanh Giản cũng đổi tên thành đường Nguyễn Hữu Huân cho đến ngày nay.

Tại Đô thành Sài Gòn trước tháng 4-1975, từ ngày 22-3-1955 đường Phan Thanh Giản chính thức được đặt tên cho một trong những tuyến đường lớn và dài nhất. Ngày 14-8-1975, đường này bị thay đổi tên thành đường Điện Biên Phủ (đoạn từ vòng xoay cầu Điện Biên Phủ đến vòng xoay ngã 7) theo Quyết định của Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định.

Tại quận Gò Vấp thuộc tỉnh Gia Định cũ, từ sau năm 1955 đã có một con đường quan trọng mang tên là đường Phan Thanh Giản đi ngang qua khu vực trung tâm quận lỵ Gò Vấp. Mãi cho đến ngày 4-4-1985, đường Phan Thanh Giản này mới bị thay đổi tên là đường Nguyễn Thái Sơn cho đến ngày nay theo Quyết định của UBND TP.HCM.

Còn ở thành phố Cần Thơ trước năm 1975 có ngôi trường trung học Phan Thanh Giản (dành cho nam sinh) tọa lạc ngay trên đường Phan Thanh Giản. Sau năm 1975, trường này bị đổi tên thành trường cấp 3 An Cư, và đến năm 1985 lại đổi tên thành trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm; còn tên đường Phan Thanh Giản bị đổi tên thành đường Phan Đăng Lưu và không lâu sau lại đổi thành tên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, giữ nguyên cho đến ngày nay.

Tên đường Phan Thanh Giản vốn có từ trước năm 1975 ở nhiều thị xã, đô thị tỉnh lỵ và quận lỵ (hiện nay gọi là thị trấn, thị xã và thành phố) trên toàn miền Nam, tính từ Quảng Trị cho tới Cà Mau hầu hết đều đã bị thay đổi bằng tên đường khác sau năm 1975, cụ thể như sau: Bạc Liêu: nay là đường Phan Ngọc Hiển; Sóc Trăng: nay là đường Lê Hồng Phong; Vị Thanh: nay là đường Hải Thượng Lãn Ông; Rạch Giá: nay là đường Trần Quang Diệu;

Sa Đéc: nay là đường Nguyễn Huệ; Vĩnh Long: nay là đường 3 tháng 2; Bến Tre: nay là đường Đồng Khởi; Trà Vinh: nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa; Gò Công: nay là đường Lê Thị Hồng Gấm; Tân An: nay là đường Phan Văn Đạt; Tây Ninh: nay là đường Cách mạng tháng 8; Bà Rịa: nay là đường Nguyễn Đình Chiểu; Vũng Tàu: nay là đường Lý Tự Trọng; Đà Lạt: nay là đường Lê Thị Hồng Gấm; Phan Thiết: nay là một đoạn của đường Chu Văn An; Nha Trang: nay là đường Pasteur;

Pleiku: nay là đường Lê Hồng Phong; Kontum: nay là đường Trần Phú; Đà Nẵng: nay là đường Hoàng Văn Thụ; Huế: nay là đường Lê Quý Đôn.

Tuy nhiên, tại một số đô thị ở miền Nam tên đường Phan Thanh Giản vẫn được giữ lại và không bị xóa tên từ trước năm 1975 cho đến ngày nay, cụ thể như tại Mỹ Tho, Lái Thiêu, Trà Ôn, Tân Châu, Giá Rai.

Đảng cố tình ‘giết’ Phan Thanh Giản

Trở lại với văn bản của Ban Tuyên giáo Trung ương nêu ở phần đầu bài viết này, cho thấy dường như Đảng đang quay trở lại việc ‘định hướng’ cụ Phan Thanh Giản là ‘mãi quốc’.

Dẫn chứng luôn, cuối 2019 đầu 2020, sau gần 1 tháng, cuốn sách “Phan Thanh Giản – Nhà ái quốc và người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862-1867)” của hai tác giả Phan Thị Minh Lễ và Pierre Ph. Chanfreau đã phải tạm dừng phát hành.

Cuốn sách về Phan Thanh Giản từng được nhà xuất bản L’Harmattan (Paris, Pháp) ấn hành vào năm 2002 có tựa đề “Phan Thanh Gian: patriote et précurseur du Vietnam moderne. Ses dernières années 1862-1867”, và được xuất bản tại Việt Nam cuối năm 2019 do dịch giả Phan Tín Dụng chuyển ngữ với tên gọi: “Phan Thanh Giản – Nhà ái quốc và người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862-1867)” của hai tác giả Phan Thị Minh Lễ và Pierre Ph. Chanfreau, liên kết xuất bản giữa Omega và nhà xuất bản Hà Nội.

Nguồn tài liệu được các tác giả dẫn chứng khá phong phú: Văn khố Paris, Văn khố Bộ Hải quân, tập san, tạp chí, báo chí, sách tiếng Pháp và tiếng Việt… Trong đó, các tác giả đặc biệt nhấn mạnh ba nguồn tài liệu quan trọng: 4 tập bản thảo thư từ đặc biệt của Phó đô đốc De La Grandière từ năm 1863 đến năm 1868, cùng một tập tài liệu chưa được mở từ sau cái chết của De La Grandière, trong đó có một lá thư viết tay của Phan Thanh Giản gửi cho bà De La Grandière. Phần tài liệu này có được từ cuộc gặp tình cờ của các tác giả với hậu duệ vị Phó đô đốc.

Kế đến là quỹ vi phim của Bộ Ngoại giao Pháp. Mặc dù được công khai từ lâu, các vi phim này giúp các tác giả cập nhật một số tài liệu, theo quan điểm của họ là chưa được khai thác cho đến thời điểm họ tiếp cận. Rồi đến nguồn châu bản triều Tự Đức (1848 – 1883) – những văn bản này thể hiện nổi bật trách nhiệm của Tự Đức và một số quần thần trong triều đình.

Được biết, mục đích của các tác giả khi xuất bản cuốn sách này là công bố các tài liệu liên quan đến nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản chưa từng được công bố mà họ tiếp cận được, đối chứng sử liệu và trình bày những góc nhìn, quan điểm mà các tài liệu mới gợi ý cho họ. Qua thao tác khảo chứng tài liệu, các tác giả đã chứng minh Phan Thanh Giản là một người yêu nước.

Tuy nhiên, theo nội dung công văn số 09/CV/XBHN của nhà xuất bản Hà Nội: “Trong quá trình rà soát lại, NXB Hà Nội nhận thấy một vài nội dung cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể chỉnh sửa cho phù hợp hơn”, đồng thời đề nghị tạm dừng phát hành quyển sách công phu về nhân vật “gây tranh cãi” Phan Thanh Giản để hai bên cùng thống nhất và tổ chức chỉnh sửa.

Quyết định  không đề cập đến thời gian phát hành trở lại của “Phan Thanh Giản – Nhà ái quốc và người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862 – 1867)”.

Người giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ở thời điểm phát hành công văn số 09/CV/XBHN của nhà xuất bản Hà Nội, là ông Võ Văn Thưởng, một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng nguyên quán ở An Phước, Mang Thít, Vĩnh Long.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương hiện nay là ông Nguyễn Trọng Nghĩa, tướng lãnh quân đội, người xứ Gò Công, Tiền Giang.


Tin bài liên quan:

VNTB – Người nghèo ở TP.HCM được tiêm vắc xin miễn phí

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhà báo tự do và quyền được tham gia hội đoàn

Do Van Tien

VNTB – Lại nói về dân chủ qua vụ án Hội Nhà báo độc lập Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo