Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bánh ít đi để bánh quy lại?

Định Tường

 

(VNTB) – VPG bày tỏ mong muốn được đầu tư hàng loạt dự án vào quê hương của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

 

Chi phí “lobby” tại Việt Nam đôi khi được hiểu là những khoản tiền “đút”, tiền “cửa sau” được các doanh nghiệp, cá nhân dùng trong việc tạo mối quan hệ thân quen với những cá nhân, đơn vị, cơ quan chính quyền nhằm giúp họ suôn sẻ trong một dự án nào đó.

Theo cách hiểu chung, thì “lobby” có nghĩa là “vận động hành lang”, thuyết phục hoặc đại diện cho số đông để tác động lên mục đích, chính sách hoặc quyết định chính quyền liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân, thường là các nhà lập pháp hoặc thành viên của các cơ quan quản lý.

Lobby được thực hiện bởi nhiều nhóm người, hiệp hội và các nhóm có tổ chức, bao gồm các cá nhân trong khu vực tư nhân, các công ty, nhà lập pháp hoặc quan chức chính phủ, hoặc các nhóm vận động.

Liệu loạt tin tức tiếp theo đây có phải là khoản “lobby” theo cách hiểu nháy nháy của bánh ít đi – bánh quy lại ở Việt Nam?

Tin tức cho biết, ngày 21-4, tại tỉnh Đắk Nông, Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Phương (VPG) đã tài trợ cho tỉnh Đắk Nông 1,2 triệu USD để thuê tư vấn nước ngoài tư vấn chiến lược quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng ngày, VPG cũng đã có báo cáo về 4 dự án đang trong quá trình khảo sát, xin chủ trương đầu tư tại Đắk Nông. Bao gồm: dự án tổ hợp bôxit – alumin –  nhôm Đắk Glong; dự án điện gió (thuộc huyện Tuy Đức, Đắk Song và Đắk Glong); khu công nghiệp Nhân Cơ 2; tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng tại thành phố Gia Nghĩa.

VPG mong muốn tỉnh thống nhất cho đơn vị được lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư, sớm có văn bản trình Bộ Công thương bổ sung 6 dự án điện gió vào quy hoạch để công ty đầu tư.

Đắk Nông cơ bản chấp nhận các kiến nghị, kế hoạch đầu tư của VPG. Tỉnh yêu cầu sở, ngành cùng với công ty xử lý, giải quyết những vướng mắc, nhất là tích hợp các quy hoạch trong tổng thể chung.

Trước đó, VPG cũng bày tỏ mong muốn được đầu tư hàng loạt dự án vào quê hương của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Tin từ văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết VPG đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương cho công ty được khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất vật liệu Cristobalite tại Khu công nghiệp Tam Thăng 2. Trong đó, diện tích đất sử dụng của dự án là 6ha; công suất dự kiến 160.000 tấn/năm (giai đoạn 1: 80.000 tấn/năm); tổng mức đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng; nguồn nguyên liệu từ nguồn cát trăng chất lượng cao tại tỉnh Quảng Nam; thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương được khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến cát silic, bột oxit silic ít sắt chất lượng cao tại Khu công nghiệp Tam Thăng 2. Cụ thể: Diện tích đất sử dụng của dự án là 10ha; công suất dự kiến là 1.000.000 tấn/năm; tổng mức đầu tư dự kiến là 350 tỷ đồng; nguồn nguyên liệu từ nguồn cát trắng tại tỉnh Quảng Nam.

VPG cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh giới thiệu địa điểm để công ty nghiên cứu, khảo sát, tiến tới thu hồi và tận thu vùng nguyên liệu cát trắng, đá thạch anh với trữ lượng 30.000.000 tấn – 40.000.000 tấn.

VPG còn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận cho công ty nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm xây dựng bến cảng chuyên dụng và khu hậu cần tại Khu công nghiệp hậu cần Cảng Tam Hiệp. Cụ thể: Diện tích đất khoảng 100ha; quy mô dự kiến 1-2 cầu cảng, đáp ứng tàu tải trọng 20.000-50.000 DWT; tổng mức đầu tư dự kiến trên 1.200 tỷ đồng.

Mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu thông thương hàng hóa xuất khẩu và trong nước đối với các sản phẩm của công ty cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh tại chính Khu công nghiệp hậu cần Cảng Tam Hiệp, đồng thời đáp ứng các hoạt động thông thương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Theo giới thiệu thì các dự án Khoáng sản tại Việt Nam của VPG trải rộng từ Bắc vào Nam. Với lĩnh vực này, VPG đã đầu tư quy mô lớn vào các ngành Cát trắng, Đá vôi, Bauxite, Vàng,…

Tại Huế, VPG sở hữu Mỏ cát trắng Phong Điền với trữ lượng 27 triệu tấn. Công suất khai thác hơn 1 triệu tấn/ năm.

Tại Quảng Nam, Công ty MINCO với khả năng khai thác 180 nghìn tấn/ năm với các sản phẩm Cát khuôn đúc và Kính xây dựng.

VPG tự giới thiệu rằng họ hiện đang sở hữu những mỏ khoáng sản quy mô lớn tại Việt Nam và khu vực ở Thừa Thiên Huế, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Nam…; Đắk – chưng, Sê – kông, cho đến Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào,…

VPG hiện là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng TMCP Việt Á – VietABank (VAB).

Có đồn đoán về tương lai của Chủ tịch nước đương nhiệm sẽ sớm là người giữ quyền lực cao nhất quốc gia, và khi ấy các chi phí lobby mà VPG đã bỏ ra hôm nay xem ra sẽ thu về gấp bội những “bánh quy”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Cựu phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam là cháu vợ của Nguyễn Xuân Phúc?

Do Van Tien

VNTB – Phê duyệt dự án sân golf Đak Đoa: ‘đám cưới chạy tang’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Trách nhiệm công vụ của cựu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.