Việt Nam Thời Báo

VNTB- Tại sao không cho người dân tưởng niệm công khai ngày “Thảm sát Trường Sa 14/03/1988” ?

Hàn Giang

(VNTB) – Nhiều người bị an ninh thường phục canh cửa và bị công an gửi giấy mời làm việc nên các hoạt động nhằm tưởng niệm 29 năm ngày “thảm sát Trường Sa 1988” (14/03/1988 – 14/03/2017) năm nay 2017 ở Sài Gòn và Hà Nội không được người dân tham gia đông đảo như vài năm trước. 

Tại sao việc người dân tham gia tưởng niệm những người hy sinh vì Tổ quốc đặc biệt là những người hy sinh này trực thuộc Quân đội nhân dân lại bị chính quyền Việt Nam ngăn cản, gây khó khăn và câu lưu…?


Coi người dân là “thần dân”chứ không phải “người dân”

Trường Sa là tên một quần đảo nằm ở Biển Đông hiện có nhiều quốc gia tranh chấp chủ quyền như; Brunei, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam. Ngày 14/03/1988, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã xảy trận đụng độ giữa các bãi đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, do các bãi đá này lúc bấy giờ không có quân đội đồn trú nên Hải quân nhân dân Việt Nam đưa quân ra bảo vệ và xây công trình trên các đảo này. Phía Trung Quốc cho quân đổ bộ ngăn chặn, nổ súng, bắn đại pháo vào tàu vận tải Hải quân nhân dân Việt Nam. Kết thúc trận đụng độ, phía Việt Nam bị mất ba tàu vận tải, 64 thủy binh đã thiệt mạng. Trung Quốc bị hư hại một số xuồng đổ bộ, thương vong 24 thủy binh. Trung Quốc đổ quân chiếm đóng bãi đá Gạc Ma và hai nước cùng cho hải quân ra đóng giữ một số đá ngầm khác mà hai bên cùng tên bố chủ quyền. Sự kiện này được gọi là “Hải chiến Trường Sa 1988”, nó chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng hậu quả để lại cho đến ngày nay vẫn chưa dứt.

Những năm gần đây, các nhà nghiên cứu sử liệu ở Việt Nam cho đây là một trận “thảm sát Trường Sa 1988” chứ không thể gọi là Hải chiến Trường Sa bởi do lúc nổ ra đụng độ phía Việt Nam chỉ có công binh, tự vệ trên đảo và bị phía Hải quân Trung Quốc thảm sát.

Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo chia sẻ với Việt Nam Thời Báo là ông giữ quan điểm gọi sự kiện Trường Sa 1988 là một trận thảm sát chứ không thể gọi là trận hải chiến.

Nhắc lại chuyện này để thấy rằng đây là một trận thảm sát chứ không phải là cuộc Hải chiến vì phía Việt Nam cử một số công binh đi củng cố những nơi chiếm giữ thì bị phía Trung Quốc dùng lực lượng vũ trang đánh mạnh, đánh bất ngờ và dã man.”

Theo ông Tạo, chủ yếu phía Việt Nam hy sinh là những người ở trên tàu HQ 604, cũng có một số người bị phía Trung Quốc bắt giữ nhưng sau đó được trao trả về và cũng có số người hy sinh nay đã nhận được tử thi. Hiện còn 64 thi thể mất tích, chính quyền Việt Nam tuyên bố đã hy sinh.

Cũng như dịp tưởng niệm ngày Việt Nam mất quần đảo Hoàng Sa vào tay Trung Quốc 19/01/1974, ngày “thảm sát Trường Sa 1988” là ngày 14/03 hằng năm cũng bị phía chính quyền Việt Nam gây khó khăn, nếu như không nói là chính quyền không cho phép người dân tổ chức các hoạt động tưởng niệm công khai. Đơn cử như ngày 14/03 tưởng niệm thảm sát Trường Sa 1988 năm nay, người dân ở Sài Gòn và Hà Nội không thể tổ chức các hoạt động tưởng niệm như ý muốn và cũng không có đông đảo người tham dự, thậm chí ở Hà Nội có người còn bị đánh đổ máu sau khi đi tổ chức hoạt động tưởng niệm trở về.

Người dân thắc mắc nếu chính quyền ngăn chặn không cho tổ chức tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa 1974 điều này cũng dễ hiểu, bởi những binh sĩ hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974 là những người lính thuộc quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, còn dịp tưởng niệm ngày thảm sát Trường Sa 1988, những binh sĩ hy sinh là những người thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam của chế độ hiện tại là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mà người dân cũng bị ngăn chặn, gây khó khăn, không cho tổ chức tưởng niệm là điều người dân rất khó hiểu.

Nhà báo Võ Văn Tạo thừa nhận cũng có nhiều người dân thắc mắc về điều này và theo ông Tạo, mấu chốt của vấn đề không phải những binh sĩ hy sinh thuộc quân đội thể chế nào mà do ở những người lãnh đạo độc tài Việt Nam muốn người dân là “thần dân”, là con cừu, là robot chứ không phải là “người dân”. Ông Tạo nói:

“Tại sao đi tưởng niệm ngày những chiến sĩ bộ đội ta hy sinh tại Gạc Ma- Trường Sa 1988 mà vẫn bị đánh đập, bị cấm cản và bị khủng bố? Hôm nay ngày 14/03 theo tôi được biết là có mấy người bị đánh đổ máu tại Hà Nội là Dũng Phi Hổ (Nguyễn Viết Dũng) và Đỗ Thanh Vân, vậy theo tôi nghĩ mấu chốt của vấn để không phải ở chổ người lính quân đội hy sinh ấy thuộc về thể chế nào? Mấu chốt là ở đây; Thứ nhất là, thể chế độc tài Việt Nam vô cùng kinh sợ các tổ chức Xã Hội Dân Sự, các hội nhóm tổ chức các hoạt động dân sự, tức là họ chỉ một số người họp lại rủ nhau đi làm chuyện gì đó bất kỳ cũng bị coi là kẻ thù nguy hiểm đối với các nhà lãnh đạo ở chế độ độc tài, những người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam họ cũng quan niệm như thế, dưới chế độ mà họ cai trị mọi người dân đều là thần dân, là robot. Ví dụ câu nói câu nói đơn giản là “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” từ người phát ngôn của Bộ ngoại giao, Thủ tướng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đều nói cho đến việc lan tải trên các kênh truyền thông, báo đài đầu tư rất tốn kém nhưng không sao thậm chí còn được vỗ tay. Thế nhưng, bạn là một công dân, một người bình thường, bạn lặng lẽ mặc những chiếc áo có dòng chữ đó mà đứng chổ đông người xem. Tôi nghĩ là trong vòng ít phút là công an xuất hiện đến hỏi han bạn ngay đại loại như; Ai cho mày nói? Anh cho mày đi? Ai bảo mày làm? Khi nào tao bảo mày mới được đi…bản chất của thể chế độc tài nhất là độc tài cộng sản người ta không muốn có công dân, người ta chỉ muốn có thần dân hoặc con robot thôi, và chỉ có người ta mới có quyền làm người còn hơn chín mươi mấy triệu dân chỉ là con robot, là cừu, robot người. Bản chất là ở chỗ ấy thôi.”

Thà ngồi với đế quốc từng xâm lược còn hơn ngồi với dân chủ…  

Tuy chính quyền Việt Nam chặn người dân tham gia tưởng niệm ngày thảm sát Trường Sa 1988 và Hoàng Sa 1974, nhưng cũng phải thừa nhận là trong những năm gần đây báo đài nhà nước Việt Nam đã được ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cở mở cho phép đăng những bài nói về 2 sự kiện này. Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết điều này không khó để hiểu, vì là người trong nghề nên ông Tạo cũng có biết hoặc qua trao đổi với các đồng nghiệp báo chí nên cho rằng, hơn 800 tờ báo và đài truyền thông ở Việt Nam chỉ có một ông Tổng biên tập là Ban Tuyên giáo Trung ương, tất cả đều viết và đăng theo định hướng cho phép chứ không dám làm trái ý, vượt cấp. Nhân sự kiện Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988, có lúc báo chí ở Việt Nam phải im bật, có lúc lại được bật “đèn xanh” cho phép đăng. Dư luận quan tâm đến chính trị Việt Nam cho đây là một đấu tranh giằng co trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam, một bên giữ một tư duy lệ thuộc và một bên có tư duy muốn thoát khỏi sự lệ thuộc Bắc Kinh.

Nhà báo Võ Văn Tạo nói: Điều đó nói lên cái gì? Tôi thì tôi vẫn biết là xu thế thoát ra khỏi sự lệ thuộc Bắc Kinh là chắc chắn, là không thể đảo ngược lại được nhưng sẽ rất khó, không được suôn sẻ cho lắm. Ở trong nội bộ ban lãnh đạo Việt Nam tôi tin điều này vẫn đang xảy ra. Như khi nãy bạn hỏi tại sao báo chí được đăng mà vẫn đàn áp tưởng niệm thì cũng vẫn như ý tôi đã nói, thứ nhất là muốn thoát ra và có nhiều anh em nói chủ yếu là Hà Nội để làm giá với Bắc Kinh nhưng đối với tôi chủ yếu nếu không cho báo chí nói thì dân người ta chửi bới quá, ngay cả người trong hàng ngũ Đảng viên họ cũng thấy mích lòng vì vậy phải cho nhấp nhá đèn một chút.”

Nhắc đến sự kiện thảm sát Trường Sa 1988 cũng cần phải nói đến cuốn sách có tên “Gạc Ma- Vòng Tròn Bất Tử”, quyển sách được cho là có danh sách chính xác 64 người đã thiệt mạng trong ngày 14/03/1988, ghi lại các sự kiện do các gia đình liệt sĩ tham chiến tại Trường Sa 1988 và các binh sĩ bị Trung Quốc bắt giữ thời ấy kể.

Cuốn sách do nhà sử học Dương Trung Quốc viết lời giới thiệu. Thiếu Tướng Lê Mã Lương chủ biên và viết lời tựa. Năm 2016, ông Nguyễn Văn Phước là Giám đốc công ty Sách First News Trí Việt tiết lộ trên mạng xã hội rằng tác phẩm đã bị 13 nhà xuất bản từ chối, với độ cao bản thảo in ra nộp, chỉnh sửa lên tới 2 mét. Trước sự quan tâm của công luận, đặc biệt là giới phản biện, giới hoạt động dân chủ ở Việt Nam và dự kiến cuốn sách sẽ phát hành vào ngày 14/03/2017 nhưng thực tế đã cho thấy cuốn sách “Gạc Ma- Vòng Tròn Bất Tử” vẫn đang còn đóng băng.

Như một vòng quanh quẩn và câu hỏi khi nào chính quyền Việt Nam mới để yên cho người dân Việt Nam công khai tổ chức các buổi tưởng niệm ngày Hoàng Sa 19/01, chiến cuộc biên giới phía Bắc 17/02 và Trường Sa 14/03? 

Cũng cần phải nói rằng, hầu hết là những buổi tưởng niệm các sự kiện này trong thời gian qua hầu như do các Hội đoàn Xã Hội Dân Sự kêu gọi và đứng ra tổ chức. Câu trả lời mấu chốt hẳn ở đây như lời nhà báo Võ Văn Tạo nói được Việt Nam Thời Báo hiểu là chính sách đối với dân chủ ở các nước độc tài là điều không thể, giới chóp bu Hà Nội có thể tiếp ông Tướng quân đội Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam nhưng không bao giờ họ chịu ngồi với một người đại diện cho Dân chủ Việt Nam ví dụ như ông Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải hay Trần Huỳnh Duy Thức, luật sư Nguyễn Văn Đài…

Chưa bao giờ tôi thấy, tôi cho nó giống như còn hơn mối thâm thù đế quốc thực dân từng giết hàng triệu đồng bào mình.”./.

Tin bài liên quan:

VNTB- Bầu cử Quốc Hội 2016: Không kỳ vọng sẽ mở ra vận mệnh Tự do, Dân chủ và Nhân quyền cho VN

Phan Thanh Hung

VNTB- Linh mục Đặng Hữu Nam bị kẻ “nặc danh” khủng bố, đe dọa qua điện thoại

Phan Thanh Hung

VNTB- Nghệ An: Biểu tình phản đối lạm thu trước trường tiểu học số 1 Phúc Thành

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo