Lâm Viên
(VNTB) – Hàng trăm hộ dân ở phố núi Đà Lạt bị ngập nặng sau một trận mưa chiều
Dù mưa không quá lớn và chỉ kéo dài khoảng 40 phút nhưng đã khiến cho nhà của hàng trăm hộ dân trên đường Phan Đình Phùng phía đầu giao cắt với Xô Viết Nghệ Tĩnh và La Sơn Phu Tử, thuộc phường 2 thành phố Đà Lạt, và khu vực hẻm 33 Nguyễn Công Trứ bị ngập từ 50 tới 70cm.
Trận mưa cũng khiến một số tuyến đường khác như Ngô Văn Sở, Tô Ngọc Vân, Trương Văn Hoàn… bị ngập. Có giải thích là hệ thống thoát nước của khu phố bị tắc. Người dân phải bậy nắp cống để khơi thông dòng chảy thì nước mới tiêu thoát dần.
Tháng 6-2015, Đà Lạt cũng từng xảy ra trận ngập kinh hoàng – sở dĩ gọi là kinh hoàng vì là thành phố cao nguyên, địa hình khá dốc tạo lợi thế lý tưởng trong việc thoát nước nên không ai dám tưởng tượng một ngày kia Đà Lạt lại ngập vì mưa hệt như Sài Gòn.
Ngày 1-6-2015, nước lũ từ thượng nguồn đổ dồn về suối Phan Đình Phùng, dòng suối đã được cải tạo mở rộng nhưng bị quá tải, nước lũ tràn qua hai bên gây ngập lụt cho hàng trăm hộ dân. Nước suối ở cầu Phan Đình Phùng thoát không kịp kéo cả bùn đất tràn lên mặt đường. Nước trong hồ Đội Có không thoát kịp ra hồ Xuân Hương, tràn lên cả mặt đường Trần Quốc Toản, khiến lưu thông khó khăn. Khu tái định cư Mạc Đĩnh Chi – Hoàng Văn Thụ bị ngập nước, có nơi ngập gần 2 m.
Từ những năm 2000, sau mỗi cơn mưa to, những khu dân cư dọc hai bên suối Cam Ly, dài 60km, chạy xuyên suốt trong lòng thành phố, khiến các vùng rau Thái Phiên, Chi Lăng, Mê Linh, Vạn Kiếp, khu dân cư Nam Thiên và hàng trăm nhà dân đều bị chìm trong nước.
Lịch sử hình thành và phát triển Đà Lạt cũng đã có những trận lũ lịch sử được ghi nhận, cụ thể là tháng 3 năm 1932, hồ Xuân Hương Đà Lạt ngày nay với dung tích trên một triệu mét khối (tên cũ Grand Lac- tiếng Pháp là hồ lớn) đã bị nước lũ cuốn trôi trong một cơn bão.
Lúc đó hồ Xuân Hương được ngăn thành 2 con đập tạo thành 2 hồ nước giữa trung tâm Đà Lạt vào các năm 1919 và 1923 . Đây là một hồ nhân tạo được ngăn từ suối Cam Ly với mục đích tạo cảnh quan cũng như thêm tác dụng điều tiết nguồn nước trên dòng suối chính của Đà Lạt.
Ngoài hệ thống hồ nước, Đà Lạt với diện tích tự nhiên 395 km2, là hàng trăm quả đồi với một hệ thống khe suối bao quanh các thung lũng uốn quanh những quả đồi đó, tạo thành một thế thoát tự nhiên vô cùng hiệu quả. Rất tiếc, hệ thống khe suối này lâu nay không được chú trọng quản lý đúng mức, dẫn đến hệ thống khe suối này từng năm càng bị hẹp dần do người dân lấn suối để mở rộng diện tích canh tác.
Theo quan sát của người viết, từ hồ Xuân Hương ngược về phía thượng nguồn, có hàng ngàn nhà kính trồng rau, hoa, phủ kín hầu hết những vùng đất quanh suối.
Tại những nơi có nhà kính, khả năng thẩm thấu nước gần như bằng không, nước từ mái nhà kính qua máng gom sẽ chảy xuống suối, hay thậm chí chảy xuống những mương thoát nước sinh hoạt, và tạo thành những dòng nước lớn gây ra ngập úng.
Nếu như cuối thập niên 1990, Đà Lạt chỉ có rải rác một số nhà kính thì hiện nay diện tích các nhà kính đã tăng lên khoảng 2.500ha. Những nhà kính này trải đều ở các phường 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, các xã Tà Nung, Xuân Trường, Trạm Hành. Một số nơi trong nội thành có mật độ nhà kính dày đặc như phường 5, 7, 8, 9, 11, 12.
Ngoài hồ Vạn Kiếp thì các hồ Tâm Sự, Thanh Niên hiện cũng không còn; các hồ Đa Thiện 1, Đa Thiện 2 (phường 8) ngày càng thu hẹp do bị nhà kính bao trùm xung quanh.
Ngoài ra, theo lời người dân bản địa, cứ mưa lớn là rác thải trôi về quá nhiều trong khi đó đường mương thoát nước lại quá nhỏ, nhiều đoạn bị “thắt nút như cổ chai” nên nước thoát không kịp, dẫn đến ngập lụt…