Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tăng lương sẽ khiến lạm phát tăng theo?

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – Nếu tăng lương cơ sở vào đầu năm 2023 sẽ tạo thêm sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá.

 

Lạm phát đang tăng nên…

Giải trình rõ hơn về vấn đề tăng lương và cải cách tiền lương, đại diện Bộ Tài chính khẳng định cải cách tiền lương là cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 và giá cả xăng dầu, hàng hóa cơ bản… tác động tới nhân dân cả nước.

“Song trước nguy cơ lạm phát cao, việc cải cách chính sách tiền lương cần được thực hiện một cách thận trọng, hài hòa với các mục tiêu điều hành kinh tế – xã hội nói chung”, theo Bộ Tài chính.

Với lập luận đó, Chính phủ tham mưu chưa thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2023. Thay vào đó, Chính phủ đề xuất từ ngày 1/7/2023 sẽ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%), cơ bản bù đắp mức độ trượt giá thời gian qua.

Giải thích về thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2023 thay vì từ đầu năm 1/1/2023, Bộ Tài chính cho biết, do thời điểm đầu năm gần với tết dương lịch và âm lịch, nhu cầu mua sắm sử dụng hàng hóa dịch vụ của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh. “Nếu thực hiện tăng lương vào thời điểm này (1/1/2023) sẽ gây thêm sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát”, Bộ Tài chính lý giải.

Về đề nghị xác định thời gian cụ thể thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2024 tránh tình trạng trì hoãn, kéo dài, Bộ Tài chính cho biết trường hợp các áp lực lạm phát giảm, không có biến động lớn về kinh tế – xã hội, Chính phủ sẽ khẩn trương trình các cấp thẩm quyền về lộ trình thực hiện cải cách tiền lương.

Công nhân đã “sống để ra con người chưa”?

Ông Vũ Quang Thọ – cựu viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, nhìn nhận, “tôi phải nói thật là với mức lương như hiện nay, người lao động mới chỉ đủ để tồn tại. Sống để ra con người thì chưa đúng nghĩa. Ăn không ra ăn, ngủ không ra ngủ. 4, 5 công nhân phải thuê một cái phòng độ chục mét vuông để làm chỗ ở thì đủ hiểu đời sống công nhân hiện nay ra sao”.

Nhắc câu chuyện dịch giã Covid-19 khốc liệt của một năm về trước, ông Vũ Quang Thọ nói rằng, “Chúng ta cứ nhìn trên truyền hình, những đoàn xe máy chở công nhân rồng rắn về quê hoặc đến một khu công nghiệp khác để mưu sinh trong thời gian diễn ra đại dịch covid-19… Tài sản của người công nhân lao động có gì ngoài vợ con họ đang ngồi đằng sau và cái xe máy chở bao tải gồm tư trang, quần áo?”.

Ông Thọ cho biết ở điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy có 5% người được hỏi cho biết rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt cá (chỉ khoảng 1- 2 lần/tuần), và 34% cho biết thỉnh thoảng (3 lần thịt cá/tuần); 41% cho biết họ chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. Họ không dám đi khám bệnh vì không có tiền.

Đối với lao động nhập cư, để bảo đảm cuộc sống, 11,2% người lao động cho biết thường xuyên (hàng tháng) phải đi vay tiền; 35,6% thỉnh thoảng (từ 3 – 4 tháng/lần) phải đi vay. Bên cạnh đó có hơn 21 số người được khảo sát cho biết họ đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần.

Lương tăng cao nhưng lạm phát cao thì cũng bằng thừa

“Nhiều công nhân khi chúng tôi thực hiện các cuộc khảo sát, trước câu hỏi ngoài thời gian làm việc, thời gian còn lại anh làm gì? Họ trả lời là chúng tôi chỉ cần được làm thêm. Thứ nhất, họ tiêu tốn bớt thời gian đi. Cái này là đi ngược lại với xu thế là tăng năng suất lao động để người lao động có thời gian tất yếu để phát triển văn hóa tinh thần.

Thế nhưng nghịch lý là muốn tăng thêm đời sống văn hóa thì phải trả tiền mà tiền ở đâu ra. Chính vì thế người ta muốn làm thêm để tiêu tốn bớt thời gian còn lại đi.

Thứ hai nữa là làm thêm họ có thêm thu nhập hợp pháp chính đáng. Nghe câu chuyện của họ, chúng tôi chảy nước mắt. Họ đã phải làm lụng quần quật cả ngày, chỉ dành ra có mấy tiếng để ngủ. Thế thì sao gọi là sống được.

Do vậy tôi yêu cầu phải có một cơ quan chức năng đặc trách công bố con số có hiệu lực được các bên thừa nhận về nhu cầu sống tối thiểu, về mức lương tối thiểu hiện nay của người lao động.

Bên cạnh đó là Chính phủ phải cam kết kiểm soát được mức độ lạm phát của nền kinh tế. Chứ nếu lương tăng cao nhưng lạm phát cao thì bằng thừa. Cam kết kiểm soát lạm phát chính là cam kết cho đời sống của người lao động” – ông Vũ Quang Thọ ý kiến qua những ghi nhận thực tế.


 

Tin bài liên quan:

Bộ Tài chính: Tăng thuế môi trường với xăng dầu để bù đắp nguồn thu

Phan Thanh Hung

VNTB – Kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023

Do Van Tien

VNTB – Cú áp phe mang tên “Sinopharm” của Vạn Thịnh Phát

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo