Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chấm phá đời tôi (10)

Ngụy Hữu Tâm

 

(VNTB) – Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan.

 

Tôi viết bài này vào ngày thứ ba, 25.10. Sáng hôm đó chúng tôi có cuộc gặp mặt rất vui với anh Lê Phú Khải, nhà báo danh tiếng mới từ Sài Gòn ra. Rất vui vì lâu lâu không gặp, mà có đến trên 20 người nên cứ tíu tít suốt từ 10h mà đến tận 13h30 mới lục tục kéo nhau về. Gặp nhau mãi tận bên đường Nguyễn Sơn bên Gia Lâm nên khi sang tôi phải dùng xe bus đi 2 chặng, nhưng về thì có mấy chiếc xe hơi nên anh em đưa về gần nhà, rồi dùng chung taxi với chị Mai, cùng làm nghiên cứu sinh với anh TX Hoài ở Berlin, đang làm chủ một doanh nghiệp, và nhà riêng ở Phố Thi Sách, rất gần nhà tôi. Lần này gặp anh Chu và đi nhờ xe anh về nội thành, còn lần trước, cách nay cũng chỉ hơn tuần, gặp anh HX Phú. Hai nhà toán học hàng đầu (lề trái) Việt Nam hiện nay, nhưng mỗi anh mỗi tính cách. Phú học Đức về nên rất chính xác, nặng về mặt lý luận và có nhiều bài rất hay liên quan tới các vụ án ở Việt Nam mà anh biết kỹ luật pháp Đức nên bài của anh rất bổ ích. Chu vốn học Nga nên tuy là nhà toán học nhưng lại thực tế hơn rất nhiều, anh có nhiều bài rất hay liên quan tới những vấn đề chính trị, kinh tế, giao thông, giáo dục, y tế… tức là tất cả mọi vấn đề hiện đang xảy ra trên đất nước ta.

Còn việc làm ăn (tuổi U80 lại chưa chữa lành u ác mà nói chuyện này cũng kỳ, nhưng đó là thực tế ở Việt Nam, nước nghèo ngang Palestin vì GDP đầu người như vậy theo cách tính của UN, duy nhất Palestin được có ai hỗ trợ lại bị Israel chèn tới số còn Việt Nam thỏa sức đu dây giữa các cường quốc, lại vốn láu cá nhất hành tinh nên càng dễ làm việc này, tôi tuổi khỉ nên hiểu điều này quá rõ), tôi tạm kể chuyện với anh chàng Günter Stößer ở Leipzig. Như bài trước nói, tuần này anh lên nhà máy trên Bắc Giang chuẩn bị bình nước lọc 19l Quelle để chào hàng, giao tôi dịch tờ rơi 6 trang của hãng PROVITEC, tôi bảo cuối tuần xong. Chần chừ mãi làm cầm chừng, để đến đêm thứ 4 mới dịch, cũng xong, G bảo phải công chứng, tưởng dễ hóa ra chẳng ai chịu làm (đến Hưng NXB Thế giới vốn thân thiết thế mà cậu Thanh ở đó từ chối thẳng thừng) vì chẳng bõ, mãi mới có nơi nhận (TT Dịch thuật Công chứng mãi tận Phố Trần Phú) nhưng mất trọn một ngày, sáng thứ 6 mới có, G giục quýnh lên, Hà cũng đòi bình, nhưng G đang thiếu tiền, ai trả cho chuyến chuyển bình về Hà Nội. G còn bảo bà Hà, giám đốc bên Công ty Vạn Thịnh Phát Hà Nội, phải thanh toán tiền dịch. G hết tiền rồi chăng? Thôi đành để hồi sau phân giải.                                  

Báo mạng đáng xem gần đây có bài „Khi ý thức hệ thắng cuộc“ (Sau 10 năm đọc lại “Bên thắng cuộc”) là đáng xem. Tác giả đánh giá khá đúng về tác phẩm văn học-lịch sử này. Về chiếc ấn vàng của Vua Bảo Đại bị mang bán đấu giá ở Paris, chắc chắn chính phủ Việt Nam không thể tảng lờ được mà nhất định phải vào cuộc, nó liên quan tới uy tín dân tộc và quan hệ quốc tế đấy nhé.       

 Trở lại phần điểm báo Đức. Tờ Spiegel số 34 chủ yếu dành số này cho tình hình nội bộ nước Đức, nói về hai phó thủ tướng trong liên minh Ampel của Đảng Xanh là Habeck và của FPD là Lindner. Trong tình trạng rối như canh hẹ này thì Habeck là người được quần chúng yêu thích nhất vì ông này ăn nói giỏi, đưa giọng điệu mới vào các cuộc tranh luận, cách nói của ông đầy tính người, luôn nghi ngờ nhưng lại rất tình cảm. Vì là người của đảng Xanh, khi đến thăm thị trấn Esbjerg ven biển của Đan Mạch, ông tự là phóng viên đi hỏi và động viên dân chúng,  trước sống bằng nghề cá, sau nhập dầu khí, và bây giờ nhờ điện gió, ông bảo phải tăng công suất lên gấp nhiều lần, rồi đưa lên mạng. Rồi làm các báo cáo khác nữa, rất dân dã, thậm chí mỵ dân hơn hẳn các chính trị gia khác. Có vẻ như được lòng dân đấy, nhưng bao nhiêu là kịch, và kiểu này sẽ kéo dài được bao lâu? Còn Bộ trưởng Tài chính Lindner của FPD lại tự khẳng định mình là Chủ tịch đảng này với định kiến cố hữu là đảng của tầng lớp giàu khi không đứng về phía người nghèo trong cuộc tranh luận về việc giảm bớt gánh nặng cho người nghèo khi giá năng lượng đang lên vù vù khắp thế giới và nhất là Đức vốn phụ thuộc Nga, nay bị cấm vận. Nói chuyện nội bộ nước Đức, đầu tiên dĩ nhiên là khủng hoảng năng lượng do quá nhiều năm nay phụ thuộc khí đốt từ Nga và sai lầm của lãnh đạo đất nước từ nhiều năm nay. Là vấn đề nữ quyền mà nhiều bài trong số này dành cho nữ giới, như làm chính trị là rõ nhất, và nhiều chuyện khác. Là vấn đề Đông Tây mà sau mới 30 năm, làm sao hàn gắn nổi, người Đông Đức lại đòi tách ra: phong trào Säxit ở thành phố Zwickau đòi „Freie Sachsen-xứ Xắc-xô-ni tự do“. Là vấn đề người nhập cư, với 3 người tiêu biểu đến từ Syria, Afganistan và –mới nhất- Ucraina. Là vấn đề lịch sử, ôn lại 1956, mười năm sau Thế chiến hai, bình xăng xe phải luôn đầy. Giới trẻ tức giận vì thế cuộc thay đổi. Kinh tế khó khăn thì keo kiệt lại là cần thiết. Còn có bài về Trump: Đảng Cộng hòa càng ngày càng giống một giáo phái cực đoan. Về Nga: Nhóm quân sự Wagner tuyển lính đánh thuê từ tù nhân, và  Trung Quốc: chính lược „Vành đai và con đường“.  Còn số 35a hoàn toàn dành cho giới trẻ, ngay ở tiêu đề: Die System-Sprengler, wie die Generation Krise alles besser machen will – Những kẻ đạp đổ chế độ, Thế hệ Khủng hoảng muốn làm tất cả mọi thứ đều tốt hơn như thế nào.

Số 36 dành cho Gorby: Der Anti-Putin, người chống lại Putin. 

Số 38 lại dành cho nước Đức: Schwarz Rot Kalt (chơi chữ đen đỏ lạnh – thay cho vàng – là màu Quốc kỳ Đức, cũng là khủng hoảng năng lượng vì thiếu khí đốt của Nga): Bùng nổ giá cả, các hãng phá sản, nỗi sợ kinh tế đi xuống, nước Đức đang đứng trước những năm gian nan. Câu hỏi rất hay ngay từ trang đầu: Đã sẵn sàng để suy thoái hay chưa? Lạm phát, thụt lùi, bùng nổ giá năng lượng, nước Đức đang hứng chờ một thập niên u ám với suy giảm thịnh vượng, bất bình đẳng đe dọa tiếp tục tăng, liệu bây giờ đang bắt đầu thời đại phân bố lại của cải mà trước tiên giới trung lưu hạng cao (là giới chủ yếu ở Đức vì nước Đức đứng đầu thế giới về kinh tế mà) sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.           

 Trở lại kỷ niệm xưa, nói chuyện sau khi bảo vệ luận án TS ở ZOS, Berlin, ngay trước Noel 1977, tôi lên tàu hỏa từ Ostbahnhof làm chuyến Zabaical 14 ngày đi từ Berlin qua Vacxava, Moscow, Bắc Kinh để về lại Hà Nội như 4 lần trước, khi còn là cậu bé Thiếu sinh quân, chứ không dùng máy bay của hãng Interflug chỉ bay IL 18 trên chục giờ qua các điểm dừng Moscow, Taschkent, Islamabad hay New-Dehli hay Calcutta, tới Gia Lâm, Hà Nội vì khi đó chưa có sân bay Nội Bài khi là anh nghiên cứu sinh ở VHLKH CHDC Đức, Đông Berlin. Chuyện đóng hòm cũng gay cấn lắm nhưng bạn bè và thầy giúp nên cũng xong, ngoài 2 vali mang theo người, còn lại gửi tàu chậm và thậm chí cả tàu biển vì thày tôi cho cả hòm nặng phụ tùng cơ khí và điện, cứ như tôi đang chuẩn bị xây một Viện vật lý nhỏ ở Hà Nội vậy.

Đến ga Moscow, đã có cô em NTNhung đón, ở lại chơi hàng tuần. Đầu tiên thăm thú Moscow như Quảng trường Đỏ, siêu thị GUM, các ga metro rất đẹp… mà mấy lần trước chỉ đi qua nên chưa vào thăm được, nay còn ghé thăm được cả cô VHP, con gái đại tướng, vừa bắt đầu làm TS về laser ở Đại học Lomonosov, cái nhà chót vót trên đồi Lenin, nên tạm gọi là đồng nghiệp, anh VSLực người Phòng QH chúng tôi đang là thực tập sinh cao cấp nên có căn hộ rất sang trọng ở nhà khách VHL, và còn thăm được anh Phan Phải và chị Lê, chuyên gia hàng đầu nước ta về di truyền học, sau này về nước tham gia xây dựng ngành di truyền học trong nông nghiệp, đầu tiên ở VHLKHVN, rồi sau do chuyện của „tổ chức“, sang Bộ Nông nghiệp, và rất đáng tiếc, anh Phan Phải lại mất sớm dẫu rất tâm huyết với ngành nông nghiệp. 

Lên tàu đi Leningrad và ở ký túc xá dành cho nghiên cứu sinh của Đại học Tổng hợp Leningrad mang tên Jdanov, ở chung khu với các anh Lê Đức Tố ngành địa lý, hai anh em anh Nguyễn Tác An và Nguyễn Tác Anh, ngành vật lý biển mà sau này anh An về làm Viện trưởng Viện Biển Nha Trang rất nhiều năm, mà tôi từng kể ở những bài trước, tôi có ghé thăm nhiều lần. Tôi còn được cô em dẫn đi thăm Zimny Dvorez-Cung điện Mùa đông, Bảo tàng tranh Ermitage và nhất là cung điện vua Petergof, cứ như Sans Souci Potsdam của Đức hay lâu đài Versailles gần Paris mà tôi cũng có dịp  tới thăm trọn một ngày, với phong cách hoàn toàn Pháp-Ý. Kỷ niệm chung là nước Nga tuyệt đẹp, rất giàu có về tài nguyên nhân thiên nhiên nhưng dân thì nghèo vì… quá lạnh nên uống quá nhiều rượu, nên quá nghèo. So với Đức, ngay cả CHDC Đức thời đó mà cũng còn kém quá xa. Chúng tôi vào ăn nhà hàng mà chỉ có…cá khô! Còn lạnh, cả 2 thành phố đều –22Co, cóng đến tận xương.

Còn về Bắc Kinh, cũng đang còn nghèo ghê gớm, và tất cả thành phố đang đào bới bụi mù làm đường metro, xe điện ngầm, mà người Tàu đông dân đào xuống sâu rồi lấp lại, chứ không thèm áp dụng công nghệ thế giới! Càng thêm yêu mến cái nước Trung Hoa cộng sản!..

Còn ít ngày nữa Viện Goethe Hà Nội sẽ tổ chức kỷ niệm 25 năm thành lập Viện. Vậy nên cũng xin giới thiệu một bài viết của tôi nhân dịp này:

 

Những kỷ niệm với Viện Goethe Hà Nội

Ít dòng về những kỷ niệm với Viện Goethe Hà Nội, coi như là một lời tri ân với Viện nói riêng, và lời cảm ơn chân thành tới nhân dân và nước Đức nói chung   

Thời gian qua nhanh như thoi đưa. Thấm thoát thế là tôi đã vào tuổi U 80.

Nhớ 1995 tôi từ Paris trở về lại Hà Nội sau biết bao biến cố, mà đâu phải chỉ cho riêng cá nhân, gia đình hay đất nước tôi, mà là trên toàn thế giới, khi bức tường sắt sụp đổ, Liên Xô và khối XHCN Đông Âu tan rã, nước Đức thống nhất. Cứ như hiện nay với 4.0, biến đổi khí hậu, chiến tranh Ucraina…

Dĩ nhiên đặc biệt nhất vẫn là biến cố năm 1989, Gorby ở Liên Xô với perestroika-cải tổ, chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh, die Wende-bức tường Berlin đổ để cho nước Đức được thống nhất.

Đối với chúng tôi, những người Việt nhưng đã từng lớn lên, học tập và trưởng thành ở nước CHDC Đức trước đây, đó thực sự là một cuộc thay đổi khôn lường.

Tôi lập lại gia đình ở tuổi 51, nhưng bấy giờ thì vẫn chưa già, sau đó ít lâu có cậu con trai mà ít ngày nữa tốt nghiệp trường ĐHBKHN, với tấm bằng KS điện tử viễn thông và những hoài bão của người thanh niên mới bắt đầu lập nghiệp, khác xa với lứa chúng tôi ở lứa tuổi đó vào năm 1968, đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến Việt-Mỹ, mà CHDC Đức đứng bên này, CHLB Đức phía bên kia…

Và 2 năm sau, vào cái năm 1997 đáng nhớ ấy, ở thành phố Hà Nội cũng có một sự kiện, tuy không lớn nhưng lại có nhiều ý nghĩa.

Viện Goethe Quốc tế, một cơ quan văn hóa của chính phủ CHLB Đức, mở chi nhánh tại Hà Nội, cùng với Bangkok và Djakarta làm cầu nối văn hóa đến khu vực Đông Nam Á. Mà khi đã hết chiến tranh, dù là chiến tranh ‚lạnh’ chứ không phải là ‚nóng’ như đã diễn ra ở đất nước chịu quá nhiều biến cố như ở nước ta, thì song song với phát triển kinh tế, nhất thiết phải là phát triển văn hóa.

Và chính phủ CHLB Đức thống nhất, vốn qua CHDC Đức đã có những mối liên hệ quá khăng khít với chúng ta, nên việc mở cơ quan này là tất yếu. Thế nhưng vẫn phải nói, họ quá sáng suốt khi khánh thành trung tâm này ở Hà Nội, sau đó mới mở chi nhánh ở TP HCM.

Tôi còn nhớ như in buổi lễ long trọng đó tại địa điểm đầu tiên của nó là ở phố Hàng Đường, ăn thông sang Hàng Cân, với vị Giám đốc đầu tiên là TS. Winterscheidt. Ông là một người có rất nhiều kinh nghiệm chuyên môn và trải nghiệm đời, nói không thể hết lời được về những ứng xử rất thân thiện của ông. Về thời kỳ này tôi nhớ nhất là ông đã tổ chức cho một họa sĩ Đức, trong nhiều tháng đứng trên tầng cao nhất tòa nhà vẽ toàn cảnh khu phố cổ của Hà Nội vào thời đó, dĩ nhiên gồm rất nhiều bức tranh. Hy vọng vào đợt kỷ niệm này, khách mời của Viện Goethe Hà Nội lại có dịp chiêm ngưỡng tác phẩm hội họa này vì nó sẽ là một kỷ niệm hay, xem 1/4 thế kỷ qua khu phố cổ của chúng ta có những thay đổi gì.

Còn kỷ niệm đáng nhớ là ông có tổ chức cho đoàn nhà văn Việt Nam gồm các nhà văn Phạm Tiến Duật, Nguyễn Huy Thiệp và Y Ban sang thăm CHLB Đức. Ở buổi giới thiệu họ thì tôi có dịp dịch đuổi ngược cho anh Thiệp khi anh yêu cầu đích thân tôi làm việc ấy, đây cũng là vinh dự lớn và kỷ niệm hết sức đáng nhớ cho tôi. Nhất là anh Thiệp đã ra đi năm rưỡi nay, sau cả chục năm trên giường bệnh.

Qua 4 đời giám đốc, nay đã là TS. Eckstein, mà cũng là thời gian chót của nhiệm kỳ, ông cũng là người đặc biệt và giúp đỡ tôi rất nhiều. TS. Eckstein là người giám đốc đầu tiên dám học tiếng Việt vốn khó đến thế cho người châu Âu với 6 thanh và dấu. Nay ông đã có thể giao tiếp bằng tiếng Việt dù rất khiêm tốn, ít khi thổ lộ điều ấy với khách, và khi chúng tôi đến làm việc với ông, phải qua tiếng Đức, Anh hay … Pháp.         

Thế cho nên cũng phải nói, với cá nhân tôi thời gian giao tiếp với Viện Goethe Hà Nội là vừa sau một thời gian dài công tác ở nước ngoài nay về nước, chỉ còn non chục năm nữa là về hưu, nên cũng cần một công việc gì cho ổn định, cả sau khi về hưu, làm chuyên môn thì hầu như không thể vì đặc trưng nghề nghiệp – làm vật lý thực nghiệm mà, chỉ sau một năm là hụt hẫng ngay.  Thế nhưng sau đó, với trí thức thì về hưu không có nghĩa là hết trách nhiệm với xã hội mà vẫn phải hoạt động gì đó.

Vì thế cho nên phải nói – không kiêu ngạo – rằng, tôi đã chọn được đúng hướng hoạt động cho mình khi liên kết – hoàn toàn cá nhân – với Viện Goethe Hà Nội. Không ngoa khi nói các anh bảo vệ Viện Goethe Hà Nội chán chẳng thèm hỏi khi tôi đến đó, mà chỉ chào theo phép lịch sự: “Anh lại đến à!”, vì quá thường xuyên. Làm sao mà có thể gắn bó với ngôn ngữ và văn hóa Đức mà không thường xuyên đến đọc và tiếp xúc ở Viện Goethe Hà Nội?

Cũng phải nói thêm, tôi dịch được nhiều tác phẩm từ tiếng Đức về tiếng Việt như hôm nay, ngoài chuyện chăm đến đọc sách, báo mà trước tiên là tờ Spiegel, còn là nhờ tôi có cuốn Duden. Tôi được Sứ quán Đức trao cho cuốn sách to đùng khổ 16x24cm, dầy cộp 1816 trang này, ngày 20.02.1997, đúng 2 năm sau khi về nước, và cũng là năm thành lập Viện Goethe Hà Nội.

Từ cha tôi để lại, thì tôi đã sở hữu nhiều cuốn từ điển, nhưng cuốn sách này không thể thiếu cho những ai muốn dùng tiếng Đức nghiêm chỉnh. Dịch xuôi cũng như dịch ngược. Thế là tôi bắt đầu dịch rồi biến tấu hay cho văn vẻ hơn là biên tập lại cho nhiều tờ tạp chí tiếng Việt, chẳng hạn Văn Nghệ, Khoa học và Tổ Quốc … Rồi dịch và cho ra kha khá số sách tiếng Việt. Cũng phải nói thêm là trong số đó cũng có một cuốn sách dịch từ tiếng Anh và một cuốn dịch ngược sang tiếng Đức. Và cũng nên nhắc lại, năm 2019 tôi dịch Peter Handke trước khi ông được giải Nobel, khó ra trò, mà khó thì mới cần người tài.

Việc như vậy tôi quen nhiều nhà báo, tác giả sách, nhà xuất bản là tất yếu. Cơ duyên nào đó đưa tôi đến tờ tạp chí và NXB Mỹ Thuật ở số 44B phố Hàm Long tôi chẳng nhớ nữa, nhưng chắc chắn phải ngót nghét chục năm nay rồi, tôi cứ tạm gọi là nhờ ơn Chúa Trời, hay như người Việt ta nói ngắn gọn là “ơn Trời” thì cũng được, và hoàn toàn chính xác, dù cho tôi là dân khoa học tự nhiên gốc và có lẽ chính vì thế mà nay khi về già, chúng tôi đâm ra mê tín. Cũng là lẽ tự nhiên vì khi có nhiều trải nghiệm, người ta mới biết được rằng, sức của mỗi cá nhân, hay thậm chí toàn thể nhân loại trên cái Trái Đất nhỏ bé này, nếu so sánh với vũ trụ, và như vậy chúng ta lại phải trở về cuộc tranh luận muôn thuở giữa Faust và Mephisto, tức cũng chính là Goethe, tác giả vở kịch thơ.

Thế cho nên, về sách mỹ thuật, ngoài cuốn “Về cái tinh thần trong nghệ thuật” của Kandinsky mà đã được tái bản, gần đây chúng tôi còn dịch được cuốn “Thuyết màu” của J.W. Goethe. Chỉ mong lần tái bản tới, cuốn sách dầy dặn hơn với nhiều chú thích để bạn đọc Việt Nam hiểu kỹ hơn nhà văn, nhà thơ, triết gia kiêm nhà bác học này.

Vì ở nước ta có quá ít người biết về cuốn “Thuyết màu”, nên ở đây xin trích ít trang trong lời giới thiệu:  

                      Giới thiệu sơ lược “Thuyết Màu”
       Cuốn sách THUYẾT MÀU “Farbenlehre” của tác giả Johann Wolfgang von GOETHE, xuất bản năm 1810, là cuốn sách đầu tiên ở châu Âu mang tính lý thuyết hàn lâm về màu sắc. Trước thời điểm này châu Âu chỉ mới xuất hiện vài cuốn đơn giản bàn về đề tài màu sắc: một cuốn của tác giả người Ý Leone Battista Alberti (khoảng năm 1435) sau đó là của Leonardo Da Vinci (khoảng 1490) và cuối cùng là cuốn bàn về quang học và màu sắc “Optiks” (Quang học) của Isaac Newton năm 1704.

Từ đó đến nay, màu sắc và khoa học thị giác (vision) trở nên một đối tượng khoa học kỹ thuật phát triển trong rất nhiêu ngành khác nhau: nhãn khoa, tâm lý học, vật lý, quang học, máy tính, trí khôn nhân tạo…Tra trong Google, nếu đưa từ “lý thuyết về màu sắc” bằng tiếng Anh (theory of colours) thì sẽ có tới hơn 232 triệu kết quả liên quan, bằng tiếng Pháp (théorie/traité des couleurs) cũng có tới hơn 10 triệu, và nếu bằng tiếng Việt cũng có tới vài nghìn. Nói như vậy để thấy màu sắc được quan tâm và phát triển nhanh và to lớn như thế nào trong khoa học công nghệ thời nay, kể cả khoa học nhân văn, triết học, hội họa, nghệ thuật. Màu sắc lại càng trở nên rất quan trọng trong thương mại thế giới hiện đại: người ta đã làm khảo sát thống kê cho thấy rằng 99% quyết định mua một sản phẩm công nghệ được dựa trên màu sắc của sản phẩm đó.
       Cuốn sách được xuất bản năm 1810 (chính xác là ngày 16 tháng 5 năm 1810 với số lượng 500 bản trên giấy trắng và 250 bản trên giấy màu xám) nhưng thực sự ông đã quan tâm vấn đề này từ 1790 sau thời gian ở Ý trở về Weimar. Ông từng coi tác phẩm này là một công trình có giá trị nhất của ông và cũng đã từng nghĩ rằng chắc đến năm 2000, thiên hạ mới hiểu được mục tiêu cuốn sách này (!). Có thể coi tác phẩm này như một chuyển tiếp rõ ràng nhất của trào lưu cổ điển sang lãng mạn trong mỹ học bởi phương pháp nghiên cứu mô tả trong đây tiệm cận một cách mới mẻ với Tự Nhiên mà khoa học tự nhiên cũng cần xem xét và noi theo.
        Thuyết ánh sáng và màu sắc của Newton: Đang thống trị châu Âu thì Goethe bắt đầu để tâm nghiên cứu về màu sắc.
        Isaac Newton (1642 – 1727) là một nhà toán học, vật lý, thiên văn học thiên tài người Anh, có thể gọi là người khổng lồ trong khoa học tự nhiên. Ông công bố năm 1687 cuốn “Những nguyên lý toán học cơ bản của triết học tự nhiên”(1) đặt nền móng cho cơ học cổ điển(2)  đại số vi phân, tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn qua đó giải thích hầu hết các hiện tượng thiên văn quan sát được… Ông cũng nghiên cứu và giảng dạy về quang học, màu sắc từ những năm 1666 và qua đó công bố cuốn “Quang học” (Optiks) năm 1704. Lý thuyết về màu của Newton dựa trên kết quả thí nghiệm khi ánh sáng trắng chiếu qua một lăng kính, ánh sáng bị khúc xạ và tán sắc thành nhiều màu khác nhau. Ông cũng quan sát thấy phổ màu đi ra khỏi lăng kính bị giãn dài ra, có màu sắc khác nhau tùy thuộc góc độ khác nhau của tia ánh sáng chiếu vào. Ông còn có thể thực hiện được việc kết hợp các ánh sáng nhiều màu trong quang phổ đó trở lại thành ánh sáng trắng khi đi qua một thấu kính và một lăng kính khác. Ông cũng cho thấy từng ánh sáng màu trong phổ màu này có đặc tính không thay đổi dù chúng được chiếu trực tiếp hay phản chiếu với nhiều môi trường khác nhau.
       Từ đó Newton kết luận là mỗi màu là kết quả của sự tương tác qua lại giữa vật thể với ánh sáng màu liên quan chứ bản thân vật thể đó không tự tạo ra màu cho nó được và màu sắc là thuộc tính nội tại của ánh sáng, một đề tài gây tranh cãi trong nhiều thế kỷ kế tiếp. Cũng phải nói thêm là vào năm 1800 William Herschel tìm ra tia hồng ngoại và tiếp theo năm 1801, Johann Wilhelm Ritter tìm ra tia cực tím.
        Thuyết ánh sáng và màu sắc của Newton là cuốn sách dựa trên các nghiên cứu về vật lý quang học, sau này được nhiều nhà vật lý phát triển toàn diện. Ánh sáng còn được coi như một vật chất mang sóng vật lý và hạt vật lý.
        Lý thuyết về màu sắc của Goethe được viết dưới ngòi bút của một nhà thơ – người viết tiểu thuyết – họa sĩ – nhà văn hóa. Nó cho thấy con người nhận biết màu sắc như thế nào, khác biệt thế nào với cách nhìn của nhà toán – lý Newton. Trước Goethe, chưa một ai có thể giải thích một cách khoa học mối liên hệ giữa màu sắc với cảm xúc con người. Mục đích cuốn sách là để giải thích các hiệu ứng xúc cảm mà phổ màu thị giác tác động đến não bộ và tư tưởng con người. Vào thời kỳ mà thuyết quang học của Newton thống trị, có rất nhiều ý kiến nghi ngờ và phản ứng chống lại những quan điểm của cuốn sách. Nhưng như một nhận xét của Jonah Lehrer năm 2006, hình như Newton và các nhà vật lý quá tin vào toán học hơn là tin vào các cảm quan ở đôi mắt của mình (!).
        Quan niệm màu sắc của Goethe ảnh hưởng rất lớn và rất nhiều đến trào lưu lãng mạn trong hội họa, văn hóa nghệ thuật, triết học. Rất nhiều họa sĩ cận đại sáng tác theo tinh thần đó như Wassily Kansdinsky (Nga/Đức/Pháp, 1866-1944), Hilma af Klint (Thụy Điển,1862-1944)…, xu hướng Bauhaus trong kiến trúc… Nhiều triết gia, nhà nghiên cứu tâm lý cũng chứng minh và lên tiếng tán thành những quan niệm của Goethe như Arthur Schopenhauer (1788 – 1860: triết gia Đức mô tả thế giới hiện tượng như sản phẩm của ý muốn mù quáng và siêu hình không hạn độ. Ông cũng là một trong những nhà tư tưởng Tây phương đầu tiên tán đồng và phổ biến các giáo lý trong triết học Ấn Độ như chủ nghĩa khổ hạnh, phủ nhận bản ngã… Tư tưởng triết học của ông ảnh hưởng rất lớn đến nhiều thế hệ trí thức và nghệ sĩ tiếp nối như F. Nietzsche – Đức, L. Tolstoi – Nga, S. Beckett – Mỹ, B. Shaw – Mỹ… kể cả nhà vật lý vĩ đại A. Einstein, nhạc sĩ R. Wagner.).
       Triết gia Rudolf Joseph Steiner (Áo – 1861 – 1925, cũng đồng thời là kiến trúc sư, nhà phê bình văn học) trong lần tái bản cuốn sách tại Đức năm 1891 đã viết lời giới thiệu cho các giá trị tư tưởng, triết học của thuyết màu sắc của Goethe. Ông cho rằng Goethe đã dùng trí tưởng tượng mang tính thực chứng khoa học như là công cụ cho nghiên cứu màu sắc, tức là cảm quan của đôi mắt cùng với phản ứng của trí tuệ để xác định nên màu sắc. Khi xem xét đến các màu cơ bản: xanh lá cây, đỏ hồng, đen và trắng, ông cho rằng: – Màu xanh lá cây (màu lục) tượng trưng cho hình ảnh không đời thực của cuộc sống – Màu đỏ hồng tượng trưng cho hình ảnh sống động của trí tuệ – Màu trắng hoặc ánh sáng tượng trưng cho hình ảnh của tâm hồn trong trí tuệ – Màu đen thể hiện hình ảnh tinh thần trong môi trường không đời thực. Với ông rõ ràng màu đã là hình ảnh. Và ông còn phát triển lý thuyết của Goethe bằng khái niệm màu thụ động và màu hoạt động, màu mang sự hào nhoáng, tự nó phát sáng như – màu vàng là sự phát sáng của trí tuệ – màu xanh lam là sự phát sáng của linh hồn – màu đỏ là sự phát sáng sự sống. Ông đã nâng cái cảm quan thành sự thật khách quan.
        Thực sự, cũng khó để nói rằng đây là cuốn sách “lý thuyết” về màu sắc bởi ngay chính Goethe cũng đã viết trong cuốn “Nghiên cứu khoa học”: Ý đồ của cuốn sách là mô tả hiện tượng chứ không giải thích. Goethe không định đưa ra các mô hình và những giải thích mà ông chỉ tập hợp các hình mẫu ông đã quan sát được. Đã có thời gian ông là người phụ trách việc thu thập thông tin thời tiết cho trường Đại học Jena. Khi nghiên cứu về địa chất, cho đến khi ông mất, ông có một bộ sưu tập cá nhân số lượng lên tới 17.800 mẫu quặng, một con số đáng nể, có lẽ lớn nhất châu Âu. Chính ông đã dùng cách tiếp cận đó khi ông nghiên cứu màu sắc. Đáng nhẽ phải dùng cách chọn lựa, loại trừ dần để cô lập lại một trường hợp đưa đến một kết quả cuối cùng quan trọng nhất chứng minh hoặc bác bỏ một lập luận thì ông lại thu thập càng nhiều càng tốt các biểu hiện để rút ra được một đặc tính cơ bản nào đó của màu sắc mà không cần một sự giải thích nào cho các hiện tượng quan sát được. Điểm then chốt của lý thuyết về màu sắc lấy từ nguồn các thực nghiệm chứ không phải là áp đặt các định luật mang tính lý thuyết. Goethe tìm cách để màu sắc và ánh sáng được thể hiện trong một loạt các thí nghiệm theo trình tự để độc giả có thể tự mình xem xét, thực hành và phát triển.
          Nghiêm túc, trung thực với các nhận biết của mình mà không cần đến việc phải giải thích là cái lõi trong phương pháp nghiên cứu của Goethe. Những hiện tượng mà ông đưa ra thực sự không phải là lý thuyết mà là sự mô tả một cách lý trí về màu sắc. Đối với Goethe “cái cần thiết nhất là phải hiểu rằng tất cả các biểu hiện quan sát được thực sự đã là lý thuyết. Màu xanh lam của bầu trời hé lộ cho ta thấy nguyên lý cơ bản của màu sắc. Đừng tìm kiếm cái gì khác ngoài những hiện tượng vì chính chúng đã là lý thuyết rồi”. Mà cũng chính Goethe đã nói một câu bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều biết: “Mọi lý thuyết đều khô xám, chỉ có cây đời mãi mãi nở hoa tươi”. Cuốn sách cũng được coi như một “cơ sở dữ liệu” cơ bản, đầy đủ, phong phú và quan trọng đầu tiên để phát triển các lý thuyết màu sắc trong tương lai. Ông không cung cấp cho người đọc bất kỳ sự giải thích nào về bản chất chủ yếu của các màu và chỉ coi chúng như một hiện tượng tự nó tồn tại, nói cho chúng ta biết làm sao chúng được tạo ra mà không nói đến chúng là gì. Ông đưa ra khái niệm màu sắc sinh học mà không nói gì đến khái niệm màu sắc vật lý. Cuốn sách trình bày một cách hệ thống các thực tế hiện tượng và chỉ dừng lại ở đó. Ludwig       Wittgenstein (1889-1951), triết gia Anh gốc Áo chuyên nghiên cứu về logic học, triết học của toán học, triết học của suy tưởng và triết học của ngôn ngữ, đã nhận xét về cuốn sách: “Goethe đã nhấn mạnh đến phương pháp nghiên cứu của ông trong cuốn ‘Thực nghiệm là người trung gian giữa khách quan và chủ quan’ như sau: nhân loại, bằng việc sử dụng triệt để các cảm quan của mình, thứ thiết bị vật lý chính xác nhất có được, để tồn tại. Tôi tin rằng cái mà Goethe tìm kiếm không phải là lý thuyết màu sắc sinh lý mà là lý thuyết màu sắc tâm lý”. Như vậy màu sắc đối với Goethe là sự cảm nhận chủ quan của con người, dựa trên sự thụ cảm của chính con người.
        Những chủ đề được bàn trong tác phẩm
        Sáng và Tối
        Không như những người đương thời, Goethe không coi tối như là một trạng thái không có ánh sáng mà coi nó là một cực ngược với sáng nhưng tương tác với sáng. Ông thấy: “sáng là một tồn tại đơn giản nhất, đồng nhất nhất, không thể phân chia được. Đối nghịch với nó là tối.” (theo thư của ông gửi cho Jacob). Dựa vào các thực nghiệm với các môi trường mờ đục, ông đặc tính hóa màu sắc như là sự tác động giữa sáng và tối. Theo ông tối có thể làm yếu tác động của sáng và ngược lại sáng có thể giới hạn cường độ năng lượng của tối và từ đó một màu phát sinh ra. Với ông màu trắng khi đậm lên sẽ ngả sang màu vàng; màu đen khi sáng nhạt sẽ ngả sang xanh lam. Hay nói cách khác, màu vàng chính là sáng bị tối phủ lên và màu xanh chính là tối bị sáng làm cho yếu đi.

  1. Philosophiæ Naturalis Principia Mathematica – Mathematical Principles of Natural Philosophy.
    2. Ngày nay thế giới có cơ học lượng tử, thuyết tương đối của Albert Einstein…

Nếu bạn đọc nào muốn có bản PDF của „Thuyết màu“ xin liên hệ email với người dịch qua Ban Biên tập VNTB.   

Còn các bài báo về mỹ thuật, tôi cũng dịch được nhiều, nhưng đáng nói có lẽ là gần đây tôi giới thiệu được Gerhard Richter, họa sĩ gốc gác Dresden, nơi chúng tôi thời trẻ từng gắn bó, một họa sĩ cũng khá là khó hiểu với giới nghệ thuật nói riêng và bạn đọc Việt Nam, nói chung.

Để kết thúc bài viết ngắn gọn này, chỉ xin nói ngắn gọn một câu.    

Từ khi Viện Goethe Hà Nội đang tọa lạc tại Phố Hàng Đường nay về Nguyễn Thái Học, 25 năm trôi qua, đã đến vị giám đốc thứ tư mà cũng sắp sửa hết nhiệm kỳ. Tôi chân thành cám ơn các vị và qua các vị, gửi lời cám ơn chân thành tới nhân dân và nước Đức, là nhân tố làm cho tôi từ khi còn là đứa trẻ 12 tuổi là Moritzburger ở thành phố Dresden, nay được như ngày nay, với những đóng góp, dù hết sức nhỏ bé, cho xã hội.

 

Chú thích:

Hình minh họa lịch sử: J.W. von Goethe và bìa cuốn „Thuyết màu“ của J.W. Goethe.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Vài nét chấm phá từ cuộc đời tôi (bis 23)  

Phan Thanh Hung

VNTB – Vài nét chấm phá từ cuộc đời tôi (bis 18)  

Phan Thanh Hung

VNTB – Kỷ niệm với trường Maxim Gorki Heim

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo