Người Tân Định
(VNTB) – Cộng sản luôn mang tham vọng bành trướng. Sự sụp đổ của Liên Xô kéo theo sự tan rã của Khối cộng sản khiến họ tạm thời không thể nghĩ đến dùng sức mạnh quân sự để chiếm toàn thế giới như miền Bắc VN đối với Nam VN, nhưng bản chất xâm lược của họ không thay đổi.
Tất cả các nước trên thế giới đều có chính sách, nói chung là giống nhau, đối với công dân của họ ở nước ngoài, nhưng các quốc gia cộng sản, như Việt Nam, Trung cộng và Bắc Hàn có các “chính sách, kế hoạch, hành động đặc biệt” với người ở nước ngoài của họ. Bài viết “Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài” của ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trên trang web tapchicongsan.org cho thấy rõ chuỗi âm mưu của Đảng CSVN đối với các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài (1).
Cộng sản luôn mang tham vọng bành trướng. Sự sụp đổ của Liên Xô kéo theo sự tan rã của Khối cộng sản khiến họ tạm thời không thể nghĩ đến dùng sức mạnh quân sự để chiếm toàn thế giới như miền Bắc VN đối với Nam VN, nhưng bản chất xâm lược của họ không thay đổi. Việt Nam là điển hình của tham vọng bành trướng qua các chính sách và âm mưu thông qua người Việt hải ngoại. Bài viết này giới hạn trong âm mưu chế ngự và thâu tóm cộng đồng VN ở hải ngoại của ĐCSVN.
Đảng CSVN luôn cho rằng kiều bào là một trong những nguồn lực quan trọng “xây dựng và phát triển đất nước, sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” kiểu cộng sản.
Hiện người Việt ở nước ngoài trên 5 triệu. Những đợt tỵ nạn sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đẩy hàng loạt người Việt phải sống lưu vong và số quốc gia họ định cư hầu như khắp trên thế giới. Các đợt ra đi ngay khi quân đội Bắc Việt tràn vào miền Nam lên đến hàng triệu “Thuyền Nhân”. Tiếp theo là đợt ra đi theo chương trình HO cho những quân, cán, chính VNCH bị cộng sản cầm tù từ 3 năm trở lên; bên cạnh đó là những người nhà nước Việt Nam cho đi học tập, lao động không trở về nước sau khi Liên Xô và khối Đông Âu sụp đổ. Cuối cùng cho đến nay là những người đi theo chương trình đoàn tụ gia đình, tiếp nối người của các đợt ra đi trước.
Hơn 5 triệu người VN định cư tại nước ngoài, đa số từ bỏ quốc tịch VN, nhập quốc tịch nước sở tại. Nói chung, xét về mọi mặt, người Việt nước ngoài vượt trội người trong nước về cả mức sinh hoạt lẫn kiến thức và học thức. Dù không có thống kê cũng dễ thấy người Việt định cư ở các nước phương tây như Mỹ, Úc, Canada và Tây Âu có cuộc sống cao hơn người Việt sinh sống tại các nước Đông Âu trước thuộc cộng sản. Hầu hết việt kiều ở các nước Nga và khối thuộc Nga trước đến từ Bắc Việt Nam. Việt Kiều sống tại các nước phương tây hầu hết từ miền Nam VN.
Theo ông Lương Thanh Nghị Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài “Về tri thức, ước tính có khoảng 500.000 chuyên gia, trí thức, chiếm tỷ lệ 10% trong cộng đồng NVNONN, đang làm việc tại các cơ sở khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các công ty kỹ nghệ lớn ở nước ngoài; nhiều người trong đó có trình độ, năng lực cao, có uy tín trong giới khoa học quốc tế…” Đảng CS VN rất thèm muốn có được khối chất xám rất quan trọng về khoa học, quản trị, đã từng, hay đang tham gia nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học thuộc các ngành mũi nhọn khác nhau ở nước sở tại mà VN khó có thể đào tạo được, để không những góp phần vào việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa VN còn củng cố cho chế độ cộng sản, hay sâu hơn, như họ nghĩ, là đe dọa sự tồn vong của chế độ; do vậy, Đảng CSVN không ngừng tìm cách thâu tóm cá nhân, cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Cho đến năm 2021, Việt Nam đã thu thập đầy đủ thông tin khoảng hơn 100 ngàn trí thức Việt Nam ở nước ngoài, và họ đang nỗ lực một cách bất hợp pháp tìm ra những dữ liệu cá nhân của những người trí thức, nổi tiếng khác còn lại để phục vụ ý đồ lôi kéo, mua chuộc, thậm chí ép buộc những người này làm việc cho họ.
Chỉ thị số 09/CT-TW, ngày 4-10-1982, của Ban Bí thư về “Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài” muốn biến NVONN thành công cụ của đảng CS, một loại đạo quân thứ 5 trong các nước dù là bạn hay thù của VN. Chỉ thị này nhấn mạnh các cộng đồng Việt kiều “là chỗ dựa của Đảng và Nhà nước ta trong công tác vận động đồng bào ta ở nước ngoài, là người trợ thủ trên mặt trận chính trị và ngoại giao của ta ở nước ngoài”. Chỉ thị này yêu cầu kiện toàn tổ chức, củng cố và phát triển các hội người Việt Nam yêu nước, tổ chức hạt nhân lãnh đạo phong trào… hướng về quê hương, đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng CSVN chủ trương hỗ trợ những kẻ nằm vùng đã được họ cài cắm trong các đợt di tản, hay người di tản vì lý do kinh tế nhưng vẫn khuynh hướng thân cộng và sẵn sàng ‘phục vụ cho bất cứ loại đất nước nào nếu có lợi cho cá nhân’, Cộng sản gọi những loại nằm vùng, loại tráo trở cỏ đuôi chồn đó là lực lượng nòng cốt của họ. Họ mở thêm mặt trận mới tập trung định hướng, hỗ trợ và đồng hành cùng các hoạt động của hội đoàn quốc gia với hình thức tuyên truyền, thuyết phục, vận động, cả về vật chất và tinh thần. Mục tiêu của họ là làm sao pha loãng các cộng đồng quốc gia dưới chiêu bài đoàn kết dân tộc, phát triển, hội nhập vào xã hội sở tại và hướng về quê hương, đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chỉ thị này nhận thất bại nặng nề vì ngay sau khi nó ra đời thì kinh tế VN rơi thẳng đứng một cách thảm hại, cộng với Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu sụp đổ. Cộng đồng người Việt tại các nước Đông Âu thân cộng tan rã. Ngược lại người Việt tỵ nạn tại các nước Phương Tây càng học thêm được kinh nghiệm với chủ nghĩa cộng sản, càng đoàn kết chống cộng hơn.
Chỉ thị 67/CT-TW ngày 4-12-1990 về Công Tác Vận Động Người VN ở Nước Ngoài Trong Tình Hình Mới nhằm vào các doanh gia, kỹ nghệ gia và đặc biệt cộng sản tổ chức các hội nghị về khoa học, kỹ thuật để móc nối, lôi kéo trí thức, cũng thất bại.
Nghị quyết 08-NQ/TW năm 1993 đề cao người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) như một trụ cột trong chính sách đối ngoại của đảng, tâng bốc người VN ở nước ngoài như một bộ phận không thể tách rời của tổ quốc VN, kêu gọi đại đoàn kết. Các tính từ đi kèm NVNONN như bọn phản quốc, bọn liếm giầy đế quốc được thay bằng Núm ruột xa quê… Quyết định này cũng bị người Việt ở nước ngoài phớt lờ.
Vò đầu bức xúc với những thất bại liên tiếp, cơ quan tối cao trong đảng CSVN, bộ chính trị, ra nghị quyết ‘riêng’ có tính chiến lược số 36-NQ/TW ngày 26-3-2004 về Công Tác Đối Với Người VN Ở Nước Ngoài. Nghị quyết này ca ngợi, vỗ về cộng đồng NVONN là bộ phận không thể tách rời, là nguồn lực vô cùng to lớn hồi sinh và xây dựng tổ quốc, do vậy Đảng cần có những biện pháp mới tác động vào cộng đồng hải ngoại. Nghị quyết này như con sói đội lốt cừu, giả tiếng giống như người Việt quốc gia kêu gọi cộng đồng hải ngoại đoàn kết dân tộc để giữ vững độc lập, thống nhất tổ quốc, vì dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, xóa bỏ các định kiến, … Nghị quyết này ve vuốt kiều bào bằng những lời giả nhân, giả nghĩa như cố gằng làm ăn, lo hội nhập với điạ phương rồi sau lo cho đất nước.
Nghị quyết này yêu cầu Đảng đẩy mạnh sự tìm hiểu thông tin về cá nhân, tổ chức người Việt. Yêu cầu đẩy mạnh hành động đã chỉ thị trước kia. Tăng cường lượng các phương thức tuyên truyền trong người Việt. Tận dụng mọi cách để xâm nhập cộng đồng và bồi dưỡng khen thưởng các cá nhân tích cực. Nghị quyết này nhấn mạnh công tác đối với cộng đồng NVONN là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân. Tích cực đầu tư cho chương trình dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là cho thế hệ trẻ. Xây dựng và hoàn chỉnh sách giáo khoa tiếng Việt cho kiều bào, cải tiến các chương trình dạy tiếng Việt trên vô tuyến truyền hình, đài phát thanh và qua mạng Internet. Hoàn chỉnh chính sách khen thưởng đối với người Việt Nam ở nước ngoài
Nghị quyết này đặt ra những nhiệm vụ chủ yếu hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài hoạt động đầu tư, kinh doanh ở trong nước, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước. Xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với những chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao cho đất nước, góp phần phát triển nền văn hóa, nghệ thuật của nước nhà.
Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền, giúp cho người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất nước và chính sách của Đảng và Nhà Nước. Đầu tư cho các chương trình dành cho người Việt Nam ở nước ngoài của đài phát thanh, truyền hình và Internet; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức và kỹ thuật của các chương trình này. Hỗ trợ việc ra báo viết, mở đài phát thanh, truyền hình ở ngoài nước.
Việc thực hiện nghị quyết quan trọng của bộ chính trị này được giao cho toàn bộ máy Đảng, Nhà Nước phải thực hiện cho bằng được. Từ ban cán sự đảng Bộ Ngoại Giao phối hợp với ban cán sự đảng ngoài nước và các ban, ngành liên quan, UBTƯ MTTQ Việt Nam phổ biến tuyên truyền ở hải ngoại, cụ thể hóa nội dung nghị quyết thành chương trình hành động. Không những thế BCT còn chỉ thị cả đảng đoàn Quốc Hội, ban cán sự đảng Chính Phủ căn cứ vào nội dung nghị quyết, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy có liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài. Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương, các ban trung ương đảng có kế hoạch thực hiện nghị quyết. Ban cán sự đảng bộ Ngoại giao chủ trì cùng ban cán sự đảng ngoài nước giúp Ban Bí Thư và Bộ Chính Trị theo dõi việc thực hiện nghị quyết. Ban Bí thư tổ chức kiểm tra, định kỳ nghe báo cáo về tình hình và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Dễ dàng thấy nghị quyết 36 mở tất cả các mũi tấn công cộng đồng VN ở nước ngoài trên tất cả bình diện bằng đủ cách. Chúng tôi sẽ nói trong bài sau.
Ngoài ra mỗi tỉnh thành trong nước còn có các hội liên lạc với người Việt ở nước ngoài. Là thành viên của Mặt trận của Tổ quốc Việt Nam các hội này nhận nhiệm vụ trên giao làm cầu nối giữa đồng bào trong nước và người thân ở nước ngoài; góp phần thúc đẩy quan hệ giao lưu giữa kiều bào với người thân. Tạo điều kiện thuận lợi giúp kiều bào về thăm thân nhân, làm ăn hoặc hồi hương về sinh sống trong nước. Phản ánh với Đảng và Nhà nước những tâm tư và nguyện vọng của kiều bào đồng thời kiến nghị với Đảng và Nhà nước những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài(2).
Tóm lại, tùy từng lúc, hoàn cảnh cộng sản Việt Nam thay đổi chiến thuật đối đãi với người Việt ở nước ngoài, nhưng sách lược, âm mưu đen tối của họ không thay đổi. Nhìn hình thức bề ngoài, nghe những lời họ nói, có thể lầm họ đã học được chút gì từ thế giới văn minh và trở nên tử tế hơn, nhưng trái tim và tư tưởng cộng sản trong đầu họ vẫn chưa tiến hóa được, họ luôn xem người Việt ở nước ngoài như một thứ tài nguyên, một công cụ để họ lợi dụng, khai thác làm lợi cho Đảng.
Tham khảo
(2) https://huefo.vn/huefo/hoi-lien-lac-voi-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-tinh-thua-thien-hue/