Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thế nào là lợi dụng tôn giáo để trục lợi?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Nhân danh mục đích ‘giải phóng dân tộc’, Phật giáo ở Sài Gòn từng bị lợi dụng cho ‘trục lợi chính trị’ của phía chính quyền miền Bắc.

 

Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri tỉnh này liên quan đến việc xử lý các trường hợp lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thu lợi bất chính.

Cụ thể, cử tri đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với việc thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kinh doanh, thu lợi bất chính.

Trả lời nội dung này, Bộ Nội vụ cho hay sau khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 có hiệu lực thi hành, bộ đã chỉ đạo Ban Tôn giáo Chính phủ tham mưu triển khai đồng bộ các nội dung quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Hằng năm, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã chủ động tham mưu thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Như tham mưu xây dựng kế hoạch và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật ở các địa phương trọng điểm và xử lý, giải quyết theo thẩm quyền các vụ việc liên quan.

Kết quả đã tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại 19 tỉnh, thành phố, kiểm tra việc thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại 13 tỉnh, thành phố.

Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, chỉ ra những tồn tại, bất cập trong việc chấp hành pháp luật và hướng dẫn địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần ổn định tình hình và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Nhiều kiến nghị, phản ánh liên quan đến tôn giáo được xem xét, giải quyết kịp thời đã giảm được tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp, tạo lòng tin của nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, cũng đã nhận diện được các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới, “đạo lạ”, “tà đạo” như “Hội thánh Đức chúa trời mẹ”, Pháp Luân công Pháp môn Diệu âm, hiện tượng mê tín dị đoan “Búp bê Kuman Thong”…

Một số hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo lệch chuẩn, vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kinh doanh, thu lợi bất chính như hoạt động của nhóm “Câu lạc bộ tình người”, “Năng lượng gốc”, một số tu sĩ Phật giáo tuyên truyền mê tín dị đoan, xin xăm, giải xăm, mua bán vật phẩm tâm linh giá cao,…

Về cơ bản các vi phạm, hạn chế, tồn tại trong việc chấp hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đều thuộc thẩm quyền xử lý, giải quyết của UBND các cấp.

“Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban Tôn giáo Chính phủ đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kinh doanh, thu lợi bất chính” – trích văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên của Bộ Nội vụ.

Ở đây có một vấn đề mà Bộ Nội vụ đang tránh nói đến, đó là hành vi lợi dụng tôn giáo để trục lợi chính trị. Điều này từng được chính quyền miền Bắc sử dụng rất thành công khi tận dụng những mâu thuẫn giữa tôn giáo với chính quyền ở miền Nam trước 1975 để tạo ra các vụ việc có lợi cho mục đích ‘hoạt động trong lòng địch’ của “Việt cộng nằm vùng”.

Thời bình, việc lợi dụng tôn giáo để trục lợi, phải kể đến là những hình ảnh của các chức sắc, các nguyên thủ đến các chùa chiền, tự viện để cúng vái mà cộng đồng mạng từng đưa lên hình ảnh của Trần Đại Quang (1956 – 2018), Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc,… thậm chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn đeo tràng hạt dâng hương Tam bảo và Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Yên Tử, hồi tháng 4 năm ngoái.

Tại Yên Tử lần đó, theo hình ảnh của Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, thì “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các vị đại biểu trồng cây lưu niệm trước Cung Trúc Lâm Yên Tử”. Và “cây lưu niệm” ở đây là một bồ đề cổ thụ có gốc rất rộng…

Phải chăng ông Nguyễn Phú Trọng cũng đang “lợi dụng tôn giáo” để tạo dựng một hình ảnh Tổng bí thư luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, quyền hành đạo – điều mà “các thế lực phản động” đang cho rằng Việt Nam đàn áp tôn giáo, để rồi phải vào danh sách mà Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ (USCIRF) tiếp tục coi Việt Nam là một quốc gia cần quan tâm đặc biệt vì đàn áp, kiểm soát và vi phạm quyền tự do tín ngưỡng đối với người dân.


Tin bài liên quan:

VNTB – Ai mới thật sự thao túng đất đai?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: Đảng cộng sản Việt Nam cũng sẽ làm được như nhà nước tư bản

Phan Thanh Hung

VNTB – Dự luật biểu tình ‘ngâm tôm’ lâu quá!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo