Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thư chung gửi Ngoại Trưởng Blinken nhân chuyến công du Việt Nam ngày 14 tháng 4.2023

 

(VNTB) – 35 tổ chức và hơn 300 cá nhân đưa khuyến nghị trước chuyến công du Việt Nam của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ  yêu cầu ông lên tiếng với Hà Nội về tình trạng đàn áp tôn giáo leo thang.(*)

 

Ngày 13 tháng 4 năm 2023

Kính gửi Ngài Bộ Trưởng bộ Ngoại Giao Antony Blinken 

Đồng kính gửi Ngài Rashad Hussain, Đại sứ Lưu động về Tự Do Tôn giáo Quốc tế

Ngài Daniel Kritenbrink, Trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương

Ngài Marc Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Thưa Ngài Bộ trưởng Blinken,

Chúng tôi, các tổ chức và cá nhân ký tên dưới đây, viết thư này yêu cầu ông, nhân chuyến thăm Việt Nam sắp tới trực tiếp bày tỏ quan ngại với những người lãnh đạo Việt Nam về các chính sách đối kháng của chính phủ đối với các tôn giáo không phục tùng kiểm soát của chính phủ. Trong mười hai tháng qua, chúng tôi đã quan sát thấy sự leo thang nhanh chóng của các biện pháp đàn áp đối với các nhóm tôn giáo chống lại sự kiểm soát của chính phủ. 

Mối quan tâm đặc biệt là những nỗ lực tăng cường của chính phủ để buộc các Kitô hữu từ bỏ đức tin của họ, đàn áp các hội thánh tư gia không phục tùng sự kiểm soát của chính quyền, và cưỡng ép thành viên của các nhóm tôn giáo độc lập tham gia các tổ chức tôn giáo do chính phủ kiểm soát.

Ngày 8 tháng 4, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt giữ nhà truyền đạo người Thượng Y Krech Bya, một thành viên của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, khi ông đang tổ chức lễ Vọng Phục sinh tại nhà của mình. Ông bị buộc tội hình sự “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo Điều 116 của Bộ luật Hình sự Việt Nam, có thể bị phạt tù tới 15 năm tù. Chính phủ đã đặt hội thánh của ông ngoài vòng pháp luật và ra lệnh cho ông rời khỏi nhà thờ của mình và gia nhập Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Nam được chính phủ công nhận. Do chống lại sự ép buộc này, trong nhiều năm, ông thường xuyên bị gọi đến đồn cảnh sát thẩm vấn và nhiều lần bị các quan chức chính quyền địa phương tố khổ công khai tại các cuộc họp trong thị trấn. Năm 2004, ông bị kết án tám năm tù vì tham gia biểu tình ôn hòa ủng hộ tự do tôn giáo cho người Thượng. Vào ngày 8 tháng 4, tám thành viên khác trong hội thánh của ông bị tạm giữ để thẩm vấn. Là một phần của cuộc đàn áp này, vào cùng ngày, cảnh sát Tỉnh Đắk Lắk công bố khởi tố hình sự vắng mặt Mục sư A Ga, hiện là thường trú nhân tại TP. Raleigh, Tiểu bang North Carolina, người sáng lập Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, và là một người bảo vệ tự do tôn giáo được quốc tế biết đến.

Chính sách của Việt Nam buộc các Kitô hữu Hmong từ bỏ đức tin của họ thậm chí còn ảnh hưởng đến người công dân Mỹ. Tháng 8 năm ngoái, ông Khuê Vàng, người Hmong có quốc tịch Hoa Kỳ và là một cư dân tiểu bang Wisconsin, đang về thăm vợ và bốn đứa con, từ 6 đến 13 tuổi, tại Tỉnh Nghệ An, Việt Nam. Kiểm tra nhà, cảnh sát địa phương phát hiện ra rằng ông là một Cơ đốc nhân; họ trục xuất ông khỏi huyện. Sau khi ông Vang trở về Hoa Kỳ, công an đã cố ép vợ ông, bà Lỳ Y Xò, bỏ đạo Thiên chúa, bà từ chối. Công an đã tịch thu giấy tờ tùy thân của bà và giấy khai sinh của các con và đe dọa bỏ tù bà. Bà trốn vào Đắk Lắk, dắt theo các con. Không có các giấy tờ tùy thân cần thiết, họ không thể đăng ký tạm trú tại địa điểm mới. Bà Xò mưu sinh bằng nghề nông, nhưng không có đất canh tác và không thể tìm được việc làm hợp pháp ở bất cứ đâu. Các con của bà không được đi học và không được tiếp cận với các dịch vụ hoặc phúc lợi xã hội cơ bản. Không có giấy tờ tùy thân trong nước hoàn cảnh của họ thật bi đát và bấp bênh.

Các thành viên của Hội thánh Cao Đài, những người phản đối việc chiếm đóng các cơ sở của Hội thánh của họ bởi Giáo phái Cao Đài mới do chính phủ thành lập đã nhiều lần bị đàn áp, trừng phạt bằng lệnh cấm đi lại. Vào ngày 1 tháng 4, cảnh sát kiểm soát biên giới đã ban hành một thông báo cấm đi lại trễ hạn đối với ba chức sắc Cao Đài khi họ đang trở về Việt Nam từ Campuchia. Cục quản lý du lịch nước ngoài đã chậm trễ trong việc thông báo cho cảnh sát kiểm soát biên giới về các lệnh cấm du lịch nhắm vào ông Lê Văn Một, ông Trần Quốc Tiến, bà Lương Thị Nở. Tín đồ Cao Đài thứ tư, bà Nguyễn Hồng Phượng, bị chặn lại ở ngã ba trên đường sang Campuchia vì giấy báo cấm đi lại đã đến kịp thời với cảnh sát kiểm soát biên giới. Giữa tháng 3, một chức sắc Cao Đài là bà Nguyễn Xuân Mai bị thông báo Quyết định xử phạt “vi phạm hành chính” vì đăng video công an phá rối sinh hoạt tôn giáo tại nhà một người thân, mà bà đã tham dự.

Mặc dù chính phủ chính thức cho phép và quản lý Giáo hội Công giáo, nhưng họ vẫn luôn đàn áp các linh mục và tín đồ Công giáo, những người mà họ cảm thấy không chứng tỏ có quan tâm về sự kiểm soát của chính phủ. Ngày 22 tháng 3, chính quyền Huyện Ngọc Hồi, Tỉnh Kon Tum, đột nhập, ngăn Linh Mục Lê Tiên cử hành Thánh lễ tại một nhà nguyện địa phương của Giáo xứ Thánh Phao Lô. Họ tắt đèn, và một trong số họ lấy đi cuốn Kinh thánh Cha Tiên đang đọc. Họ giải tán tất cả những người đi lễ và yêu cầu Cha Tiên đến đồn cảnh sát để thẩm vấn. Đây là vụ việc thứ ba trong năm qua chính quyền địa phương đã cắt ngang việc cử hành Thánh lễ tại giáo xứ thánh Phao Lô. Giáo xứ này được thành lập từ năm 2017 nhưng vẫn chưa được chính quyền địa phương công nhận. Giáo xứ xây dựng một ngôi nhà nguyện bằng gỗ, nhưng chính quyền địa phương đã nhiều lần đe dọa phá bỏ, và cảnh sát thường xuyên ngăn cản các linh mục và giáo dân cử hành Thánh lễ.

Vào năm 2019, chính quyền tỉnh Kon Tum đã san bằng hoàn toàn chùa Sơn Linh, ngôi chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất bị đặt ngoài vòng pháp luật. Trụ trì của chùa phải sống trong một nhà kho không an toàn. Vào năm 2021, Thượng Tọa Thích Nhật Phước trở thành trụ trì mới. Ông đã nhiều lần yêu cầu được phép dựng lại nhà kho không an toàn nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Vì vậy, vào tháng 12 năm 2021, ông đã tiếp tục gia cố nhà kho bằng các tấm nhôm. Vào ngày 13 tháng 12 năm 2022, chính quyền đã phá hủy nơi ở của ông. Trụ trì bây giờ phải sống trong một căn lán tạm bợ gần nhà vệ sinh, đó là tất cả những gì còn sót lại của chùa Sơn Linh. Ngày 22 tháng 3 năm 2023, Thượng Tọa Thiên Thuận, Thượng Tọa Thích Nhật Phước bị chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra lệnh phá dỡ nhiều công trình kiến trúc tại chùa của mình. Chính quyền địa phương ra hạn chót là ngày 30 tháng 8 năm 2023, sau đó sẽ cử đội phá dỡ đến và sẽ phạt Thượng Tọa Thích Thiện Thuận một số tiền tương đương 42.200 USD.

Như một ví dụ cuối cùng về việc gia tăng đàn áp các tổ chức tôn giáo và giáo hội độc lập, ngày 13 tháng 3 năm 2023, hơn một trăm công an đã tiến hành một cuộc đột kích vào cơ sở của một nhóm Phật giáo có tên là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ. Họ tách bốn nữ tu ra để thẩm vấn, khiến tất cả các thành viên trong nhóm hầu hết là phụ nữ và trẻ em đều sợ hãi. Vào tháng 7 năm 2022, người sáng lập 90 tuổi của nhóm và 5 nhà sư trẻ đang tu tập đã bị xét xử vì vi phạm Điều 331 BLHS (“Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân /hoặc công dân”).

Họ bị kết án tổng cộng 23,5 năm tù. Cơ quan công an gần đây đã khởi tố hình sự hai luật sư bào chữa cho nhóm Phật tử này, cũng theo Điều 331.

Điều vô cùng đáng quan ngại là việc bắt giữ Nhà truyền giáo Y Krech Bya và tuyên bố truy tố Mục sư A Ga, thường trú nhân hợp pháp tại Hoa Kỳ ngay sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào ngày 29 tháng 3. Cuộc nói chuyện cấp cao này có thể củng cố niềm tin của giới lãnh đạo Việt Nam rằng họ có thể vi phạm nhân quyền và đàn áp các cộng đồng tín ngưỡng mà không ảnh hưởng đến mối quan hệ với Hoa Kỳ. Do đó, chúng tôi đề nghị Ngài thông báo với các nhà lãnh đạo Việt Nam rất rõ ràng và thẳng thắn rằng sự cam kết hơn nữa giữa hai nước phải dựa trên việc Việt Nam cải thiện thành tích về nhân quyền và tôn trọng tự do tôn giáo. Đặc biệt, chính phủ Việt Nam nên:

(1) Chỉ đạo chính quyền các cấp địa phương, huyện và tỉnh chấm dứt ngay hành vi ép buộc từ bỏ đức tin và tôn trọng quyền của các hội thánh Cơ đốc tại gia được tiến hành các hoạt động tôn giáo độc lập với các tổ chức tôn giáo được chính quyền phê chuẩn;

(2) Sửa đổi các Điều 116 (“phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”) và 331 (“lợi dụng các quyền tự do dân chủ”) của Bộ luật Hình sự để phù hợp với các công ước nhân quyền của Liên hợp quốc;

(3) Trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Phật tử Hòa Hảo Nguyễn Bắc Truyển, Mục sư người Thượng Y Yich, Nhà truyền đạo người Thượng Y Pum Bya, Cơ đốc nhân người Thượng Y Krech Bya, tất cả các thành viên của Hệ phái Phật giáo Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ (Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương, Lê Thanh Nhất Nguyên, Cao Thị Cúc, Lê Thanh Nhị Nguyên), và khoảng 80 tù nhân tôn giáo khác; Và

(4) Chấm dứt mọi hành động đàn áp xuyên quốc gia nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền trong cộng đồng người Việt hải ngoại.

Cảm ơn Ngài đã xem xét những yêu cầu của chúng tôi và ban điều hành của Ngài đã quan tâm những vấn đề quan trọng này.

(*) Nguyên văn thư chung bằng tiếng Anh:

https://dvov.org/wp-content/uploads/2023/04/2023-04-13-Joint-letter-to-Secretary-Blinken.docx-2.pdf

Quang Nguyên chuyển sang tiếng Việt

Việt Nam Thời Báo đã  ký tên chung với 35 tổ chức bênh vực nhân quyền tại Hoa Kỳ và trên thế giới.

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Quan hệ Việt- Mỹ và câu chuyện hè phố cà phê

Phan Thanh Hung

VNTB – Tô Lâm là ai? (Bài 10)

Do Van Tien

VNTB – Việt Nam giữ cân bằng giữa Biden và Trump

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo