Phương Nguyên
(VNTB) – Chính phủ không bơm/cung tiền, mà chỉ có Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới có chức năng này
Về chuyên môn quản trị thì cần lưu ý rằng chính phủ không bơm/cung tiền, mà chỉ có Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới có chức năng này. Chính phủ muốn tăng chi tiêu nhưng không có tiền thì phải vay mượn từ nền kinh tế, và tiền này cuối cùng sẽ được cung cấp thêm bởi NHNN.
Hồi giữa năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay trong hơn 1 triệu tỷ đồng thì gửi 230 ngàn tỷ đồng ở Ngân hàng Thương mại và khoảng 800 ngàn tỷ đồng gửi ở Ngân hàng Trung ương. Vấn đề ở đây theo người đứng đầu ngành tài chính đó là tiền ngân sách nhà nước nằm ở tài khoản Ngân hàng Trung ương là nằm trong kho, không vào nền kinh tế được. Nếu 800 ngàn tỷ đồng này được chi tiêu như kế hoạch, thì tổng phương tiện thanh toán phải tăng cao trên nền tảng tổng cung tiền hiện nay lên đến 14 triệu tỷ đồng chứ không thấp như hiện tại (tháng 6-2023).
Vẫn theo ông Hồ Đức Phớc thì một lượng tiền rất lớn qua phát hành trái phiếu chính phủ và tín phiếu Kho bạc Nhà nước mà người mua là doanh nghiệp và các ngân hàng trên thị trường lại tiếp tục hút về “nhốt” ở Ngân hàng Trung ương vì giải ngân cho đầu tư công và các chương trình mục tiêu không tốt. Trong khi đó, ngân sách vẫn phải trả lãi suất 3-4% cho kỳ hạn 5-10 năm.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương mua hơn 10 tỷ đô la nhưng ngay sau đó lại hút về trung hòa bằng các công cụ qua thị trường mở. Nếu nhạy bén hơn, số tiền này nên để lại nền kinh tế thì vẫn có dư dả về dòng tiền, giúp thanh khoản tốt hơn. Có nghĩa là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ – theo ông Hồ Đức Phớc vẫn chưa được phối hợp nhuần nhuyễn để giảm tình trạng thiếu tiền nền kinh tế.
Việc “bơm tiền” được Ngân hàng Trung ương chọn sử dụng trong các phương thức sau: mua chứng khoán trên thị trường mở, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và giảm lãi suất tái chiết khấu. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương có thể thực hiện cả ba biện pháp cùng một lúc.
Theo đó, nghiệp vụ thị trường mở (OMO) là một công cụ của chính sách tiền tệ, hoạt động của Ngân hàng Trung ương nhằm cung cấp thanh khoản bằng đồng tiền của mình cho một ngân hàng hoặc một nhóm ngân hàng. Khi muốn tăng cung tiền, Ngân hàng Trung ương mua tín phiếu kho bạc từ các Ngân hàng Thương mại và công chúng. Số tiền mà Ngân hàng Trung ương cung cấp cho các Ngân hàng Thương mại và công chúng sẽ làm tăng dự trữ của các ngân hàng. Điều này sẽ cho phép các ngân hàng tăng cường cho vay. Nhờ đó, cung tiền trên thị trường sẽ tăng theo mục tiêu của Ngân hàng Trung ương.
Cũng được hiểu là “bơm tiền” khi Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cung tiền tăng lên, doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn, hoạt động kinh doanh cũng được khuyến khích mở rộng. Ngược lại, khi tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nguồn vốn mà các công ty có thể tiếp cận sẽ giảm, và tình hình của các công ty cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Lãi suất tái chiết khấu được hiểu là Ngân hàng Trung ương sẽ ấn định lãi suất tái chiết khấu để điều tiết lượng tiền cung ứng. Nếu ngân hàng muốn tăng cung tiền, nó sẽ giảm lãi suất cho vay. Và ngược lại, nếu ngân hàng muốn giảm cung tiền thì lãi suất tái chiết khấu sẽ tăng lên. Các Ngân hàng Trung ương sử dụng các khoản vay chiết khấu một mặt để kiểm soát cung tiền, và mặt khác để giúp đỡ các tổ chức tài chính khi họ gặp khó khăn.
Vấn đề của nền kinh tế lúc này – theo ông Nguyễn Quốc Hùng, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho biết ngân hàng đang thừa thanh khoản nên cũng “đỏ mắt” tìm khách hàng. Tuy nhiên, cầu tín dụng khá yếu, nhiều doanh nghiệp còn cơ cấu tài sản, đem tiền gửi ngân hàng…
“Vấn đề hiện nay là lo giá đầu vào tăng cao, chi phí đẩy mới làm lạm phát tăng, chứ cung tiền ít như vừa qua thì chỉ làm thanh khoản cạn kiệt, thanh toán đứt gãy. Nếu không thông hiểu hoàn cảnh hiện tại thì rất khó có thể bơm tiền ra nền kinh tế” – chuyên gia Phạm Xuân Hòe, cựu Phó viện trưởng viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước, nhận xét.
Cũng về chuyện “bơm tiền”, để dễ hình dung hơn, đó còn là việc bốn ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước là VietinBank, BIDV, Vietcombank, Agribank – thông qua báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023, sơ bộ hé lộ năm lãi lớn của “Big4” cùng tốc độ bơm tiền ra nền kinh tế như sau: Gộp tổng dư nợ tín dụng nhóm này hết năm 2023 hơn 6,07 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 44,7% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế (13,56 triệu tỷ đồng).
Như vậy ước tính 4 ông lớn đã “bơm” khoảng 800.000 tỷ đồng trong năm ngoái, trong khi số dư huy động vốn đạt gần 6,7 triệu tỷ đồng cuối năm 2023.