Lâm Viên
(VNTB) – Người dân lãnh đủ hậu quả do chính sách chống dịch sai lầm, ông Vũ Đức Đam lại hạ cánh an toàn.
Giờ là thời điểm những ngày cuối năm Quý Mão, ở ngoài kia, biết bao nhiêu con người với đủ mọi lứa tuổi (nam phụ lão ấu) đang tất bật mưu sinh, kiếm đồng tiền để mong có một cái Tết tương đối ấm áp dưới sự khó khăn của công việc? Đó phải chăng không chỉ là câu chuyện khó khăn của kinh tế mà còn là ảnh hưởng của phương pháp chống dịch Covid-19 sai lầm đã “ăn quá sâu” vào đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân. Hậu quả thì người dân lãnh, còn người gây ra nguyên nhân lại chẳng ảnh hưởng gì…
Theo số liệu từ Cục y tế dự phòng, tính đến ngày 30/12/2021, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.714.742 ca nhiễm, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 17.383 ca nhiễm).
Có thể nói, đợt dịch có sự xuất hiện của biến thể Delta và Omicron, bùng phát và lây lan mạnh khắp cả nước; cao điểm nhất trong các ngày tại Thành phố Hồ Chí Minh; biến chủng phụ XBB là 1 bệnh nhân của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, là ám ảnh của không ít người dân ở Sài Gòn nói chung cũng như một số nơi khác nói riêng. Cái ám ảnh ở đây, không chỉ đơn thuần là nhiễm bệnh rồi chết. Mà cái ám ảnh ở đây là chết ở khu cách ly, là chết vì đói…
“Nhớ lại cũng ám ảnh, mình là tiểu thương, theo diện được chích cũng không phải quá trễ. Nhưng khi xét nghiệm ra nhiễm, rồi ba người đi ba nơi khác nhau cách ly. Nghe đi cách ly là đã thấy mệt mỏi rồi, bước vô là không bao giờ quên được”, ông Phước, một người từng đi cách ly ở bệnh viện dã chiến nhớ lại.
Tạm gác câu chuyện xét nghiệm, quẹt mũi hay Việt Á sang một bên, chỉ nhìn ở góc độ người dân, góc độ “của dân, do dân, vì dân”, vì hành vi chống dịch sai lầm đến từ Trưởng ban phòng chống dịch Covid-19 quốc gia khi đó là ông Vũ Đức Đam (khi đó ông còn là phó thủ tướng) đã gây thiệt hại về tính mạng và của cải của người dân rất nhiều. Tưởng chừng như sau khi sống chung với dịch, sẽ truy cứu vai trò, trách nhiệm của ông Đam, thì không…
Đối với lý do miễn nhiệm chức vụ Phó thủ tướng Chính phủ của các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, thông cáo của Quốc hội cho hay, xét nguyện vọng cá nhân, tại Công văn số 5731 ngày 23.12.2022, Bộ Chính trị đã đồng ý để ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 và ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII, Phó thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 thôi giữ các chức vụ lãnh đạo, nghỉ công tác và nghỉ hưu theo quy định.
Căn cứ khoản 6 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định như sau:
Miễn nhiệm là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.
Tại 1 Điều 2 Quy định 41-QĐ/TW năm 2021 quy định miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.
Lưu ý: Miễn nhiệm không phải là một hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức.
Cũng có ý kiến cho rằng, đó không phải hoàn toàn do lỗi của ông Đam, bởi Ông chưa có kinh nghiệm trong xử lý đại dịch.
Xin thưa, trước khi đại dịch bùng lên ở phía Nam, trước đó đã có đợt dịch ở Đà Nẵng, Hải Dương và “anh chàng đeo kiếng” với bề ngoài thư sinh, trí thức đã được suy tôn là anh hùng chống dịch.
Thôi thì tạm quên sự việc kể trên, nếu như là một người mới toanh, chưa có nhiều kiến thức về lĩnh vực này, tại sao ông Vũ Đức Đam không lắng nghe ý kiến từ chính quyền địa phương?
“…Trao đổi với Phó thủ tướng, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức lý giải lượng lớn người ra đường là shipper (người giao hàng), xuất phát từ nhu cầu của người dân. Ông Vũ Đức Đam cho biết sáng nay, ông chụp hình rất nhiều trường hợp “100% không phải shipper” mà là người mặc đồ thể thao, đi chơi…” (hết trích)
Nếu là một sinh viên, có lẽ không lạ lẫm gì với khi nói ra một luận điểm, phải có luận cứ, khảo sát (nếu có thể đưa ra số liệu tổng hợp từ các khảo sát thực tế) và đưa ra dẫn chứng. Đằng này, với một người gọi là lý lịch học vấn cũng tương đối ổn như ông Vũ Đức Đam, khẳng định một vấn đề, bác bỏ một vấn đề chỉ bằng 1 lý do chụp hình. E rằng, có vẻ chưa đủ để thuyết phục. Bởi, dân gian có 1 câu nói: “Cái áo không làm nên thầy tu”.
Chợt nhớ lại một câu của La Bruyere: “Đối với kẻ biết nghe chỉ cần nói nửa lời”. Quá rõ ràng, ông Vũ Đức Đam là một con người không biết lắng nghe, kể cả lắng nghe ý kiến của các cấp lãnh đạo địa phương. Một con người duy ý chí, để rồi gây ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống của không biết bao nhiêu con người, rồi những mất mát không bao giờ quên được.
Việt Á phần nào lôi ra ánh sáng, còn trách nhiệm của ông Đam thì đã hoá bùn?