VNTB – Khi phóng viên bị… ngáo quyền lực

VNTB – Khi phóng viên bị… ngáo quyền lực

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Xin làm báo theo đúng nghĩa đen chứ đừng “làm báo” theo nghĩa bóng, đi làm để báo người khác…

 

Báo chí, định nghĩa dễ hiểu, là những ấn phẩm định kỳ nhằm báo cáo về các sự vật, hiện tượng hay con người nổi bật trong ngày mà xã hội quan tâm. Theo dòng thời gian cùng với sự phát triển, tiến bộ của khoa học kỹ thuật, báo chí trở nên đa dạng hơn với nhiều thể loại như báo giấy, báo hình, báo phát thanh, podcast…. Còn phóng viên (nhà báo hay ký giả) là người làm việc cho đài phát thanh, đài truyền hình, hãng thông tấn, báo, tạp chí… với vai trò, nhiệm vụ chính là viết tin, bài và ký tên cho bài báo bằng chính tên người viết hay bằng bút danh. Đôi khi họ còn là những nhà quay phim, chụp hình…

Ở nước ngoài, có khái niệm đệ tứ quyền. Đệ tứ quyền, hay quyền lực thứ tư là một thuật ngữ không chính thức để chỉ Truyền thông đại chúng như báo chí và truyền thanh. Đệ tứ quyền có nghĩa là trong hệ thống chính trị phân chia quyền lực, bên cạnh hành pháp, lập pháp và tư pháp, còn có quyền lực thứ tư. Giới truyền thông, mặc dù không có quyền lực riêng của họ để thay đổi chính sách hoặc để trừng phạt lạm dụng quyền lực, nhưng qua việc tường thuật và tranh luận công khai có thể gây nhiều ảnh hưởng đến các quy trình chính trị.

“Chẳng biết có phải như vậy nên có không ít phóng viên có thái độ không đúng đắn hay không? Như trong trường hợp mình thấy hôm tuần rồi, có hai người xưng phóng viên, có lẽ là báo viết, vào chụp hình người ta đang làm, rồi làm hư đồ người ta. Rồi thợ đang đội nón, không nói không rằng, tự tay chỉnh cái nón người ta, làm cho người ta khó chịu. Khi họ về, chủ nói, biết vậy không cho tụi nó vào lấy tin. Chính vì lẽ đó, với những phóng viên đi sau hoặc những em sinh viên đi thực tập, sẽ rất khó mà lấy tin, mà hoàn thành bài của mình”, phóng viên Hoàng Mai chia sẻ trong một lần đi tác nghiệp.

Ai là người chịu trách nhiệm cho những phóng viên thiếu ý thức?

Nói về nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam, tại Điều 6 Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 375/QĐ-TTg ngày 12/4/2023 quy định nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam có viết:

“Xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả theo quy định của pháp luật về báo chí, Điều lệ Hội và các quy định pháp luật có liên quan…

… Tổ chức giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ và công tác hội cho hội viên…”

Với viện dẫn như vậy, bên cạnh người phóng viên tự chịu trách nhiệm cho chính hành vi của mình thì Hội Nhà báo cũng có một trách nhiệm hoàn toàn không nhỏ đối với những phóng viên có thái độ không đúng với chức trách nghề nghiệp của mình.

Suy rộng ra, căn cứ khoản 1 Điều 2 Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 375/QĐ-TTg  ngày 12/4/2023 thì Hội Nhà báo Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hội) là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.

Lâu nay, có một cụm từ hay được nhắc tới để nói về cách ứng xử của một số người làm báo, đó là “phóng viên đếm tầng”, tức là phóng viên đi đến các công trình đang thi công, tìm hiểu quy mô theo giấy phép rồi bắt bẻ, tìm cho ra các lỗi vi phạm để uy hiếp, đe dọa chủ đầu tư rằng “sẽ đưa lên mặt báo”, “sẽ chuyển cơ quan chức năng”… để buộc chủ đầu tư phải “biết điều”. Cụm từ đó hiện được dùng với ý nghĩa người làm báo dùng vị trí của mình, cơ quan báo chí của mình để khống chế, bắt buộc một số chủ thể phải chi lợi ích để bỏ qua dấu hiệu vi phạm.

Ở Việt Nam, báo chí tựa như tiếng nói của người dân. Có những tổng biên tập, những trưởng phòng đại diện sẵn sàng đánh đổi cái ghế của mình cũng chỉ để bênh vực cho những người dân oan, dân nghèo.

Tuy nhiên, như kể trên, cũng có những người lạm dụng cái mác phóng viên, lạm dụng cái gọi là thẻ nhà báo để rồi tự coi mình như “ông trời con”.

Xin làm báo theo đúng nghĩa đen chứ đừng “làm báo” theo nghĩa bóng, đi làm để báo người khác…


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 4 months

    Cách làm báo của họ, theo tư di Huy Đức, không thể hiểu theo nghĩa thông thường được . Ừ thì cũng như cách Huy Đức làm báo, chả thể hiểu theo nghĩa thông thường được .

    ““sẽ đưa lên mặt báo”, “sẽ chuyển cơ quan chức năng”… để buộc chủ đầu tư phải “biết điều”

    Ah, hóa ra … Năm kia năm kìa ở Hà Nội có 1 bin đinh dám xây cao hơn Lăng Bác Hồ . Trí thức nhà mềnh nhặng xị lên . Cuối cùng chắc họ cũng “biết điều”, rùi dỡ đi mất 2 tầng cho thấp hơn lăng Bác nữa chớ . Hèn chi