VNTB – Tiếc nuối một hàng thông

VNTB – Tiếc nuối một hàng thông

Ban Mai

 

(VNTB) – Thông bị chặt. Than thở bị rào. Đồi thông hai mộ bị xây tường. Thung lũng tình yêu cũng không còn như trước….

 

Đà Lạt, nhắc kể nhớ về, đối với những du khách ở lứa tuổi trung niên, đó có thể là tiết trời se lạnh của sáng sớm, có thể là một ấp Ánh Sáng; một chợ Âm phủ Đà Lạt với những ly sữa đậu nành nóng; là một nhà hàng Thuỷ Tạ với những hồi ức cùng gia đình vừa ngồi dưới cái lạnh vừa nhâm nhi một ly cà phê, một ly sữa nóng… vừa chuyện trò;… hoặc chăng, đó còn có thể là những hàng thông.

Nhắc đến Đà Lạt, trong hồi ức của ông Hai, không nói đến thông, e là một điều thiếu sót. Tuy không sinh ra lớn lên ở Đà Lạt nhưng thời trai trẻ, ông Hai từng có một khoảng thời gian khá dài làm việc ở Đà Lạt. Với ông Hai, mỗi khi nhắc đến hai tiếng Đà Lạt là ông cảm thấy bồi hồi chi lạ, những hình ảnh của quá khứ như ùa về.

“Tui rất muốn lên lại Đà Lạt, không phải là do tài chính hay sức khoẻ, nhưng con cháu tui đi du lịch về, kể lại. Nó không còn là một Đà Lạt của ngày xưa. Nên thôi, tui muốn những kỷ niệm của tui với Đà Lạt là nguyên vẹn, chứ không phải là những mảnh ghép của công trình”.

Ghi nhận thông tin từ báo chí, tóm lược trong những năm gần đây.

Ngày 22/4/2021: Xót xa hàng loạt cây thông trăm tuổi bị cưa hạ giữa Đà Lạt. Ngày 14/7/2023: Lâm Đồng: Gần 150 cây thông hàng chục năm tuổi bị cưa hạ trái phép. Ngày 2/10/2023: Nhiều mảnh rừng thông ở Lâm Đồng bị kẻ gian hạ độc, chết khô. Ngày 24/10/2023: Hơn 800 cây thông ‘biến mất’ trong dự án khu du lịch ở Đà Lạt…. Có thể thấy, số lượng cây thông ở Đà Lạt đang bị suy giảm hằng năm.

Hàng loạt thông cổ thụ trăm tuổi có đường kính rất lớn ngay trung tâm TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng bị bức tử, cưa hạ nằm la liệt, còn ứa nhựa khiến nhiều người bức xúc.

“Nó chặt cây nó làm công trình, nó xây dựng đủ thứ nhà này nọ. Mấy năm trở lại đây, thấy không, lô cốt rồi công trình, thông bị hạ ráo trọi”, một ông thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà giấu tên vì sợ chính quyền làm khó dễ chia sẻ bức xúc.

“Nhà nước nó chặt, nó cưa ra, nó xẻ ra để bán gỗ đó. Hồi xưa thì nó nhiều, giờ thì nó còn lại bao nhiêu đâu. Theo quan sát của cô thì 100 cây còn chắc khoảng 20 cây. Hồi xưa chạy lên tới bờ hồ cây thông nhiều lắm, bây giờ cưa, còn ít, cưa nhiều lắm. Mất tiếc. Mà cũng làm được gì? Cũng mong muốn trồng cây cho có bóng mát. Chứ thời tiết giờ ít lạnh hơn hồi xưa.”, bà Thâm, một cư dân sống lâu năm ở Đà Lạt chia sẻ.

“Nếu như lúc trước nói đi Đà Lạt, thật sự mê. Mê cái không khí trên đó, sáng sáng với cái không khí se lạnh. Phần mình cũng có kỷ niệm với gia đình trên Đà Lạt nữa. Nhưng giờ, đi Đà Lạt về, hết mê. Biết là theo cuộc sống, mọi thứ phải phát triển nhưng cách phát triển hiện tại của Đà Lạt, ai mê mình không biết nhưng cá nhân mình thấy nó không ổn. Lên Đà Lạt để tránh mấy công trình, tránh sự ồn ào, tránh khói bụi… chứ không phải lên Đà Lạt để tận hưởng một “Thành phố Hồ Chí Minh thu nhỏ”, một du khách đã chia sẻ như vậy trong chuyến công du Đà Lạt cách đây hai năm.

Chợt nhớ lại 1 đoạn trong bài hát Thương về miền đất lạnh của tác giả Minh Kỳ & Dạ Cầm: “Cam Ly vô tư lên tiếng than muôn đời/ Thông reo vi vu Than Thở như ngậm ngùi/ Lữ khách bâng khuâng, thương nhớ vô vàn/ cuộc tình duyên nàng Trinh Nữ”.

Thông bị chặt. Than thở bị rào. Đồi thông hai mộ bị xây tường. Thung lũng tình yêu cũng không còn như trước…. Nói theo suy nghĩ của ông Hai, xem ra, lưu giữ một Đà Lạt của ngày xưa, vẫn hay hơn nhiều…


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)