Hà Nguyên
(VNTB) – Miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho người đưa hối lộ nếu chủ động khai báo trước khi bị phát hiện.
Theo Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thì, “Chủ động khai báo trước khi bị phát giác” quy định tại khoản 7 Điều 364 và khoản 6 Điều 365 của Bộ luật Hình sự là trường hợp hành vi phạm tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ chưa bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, chưa bị ai tố giác nhưng người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ đã tự khai báo toàn bộ sự việc đưa hối lộ, môi giới hối lộ mà mình thực hiện.
Cũng theo Nghị quyết nêu trên, thì, “Chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ, là trường hợp người phạm tội đã tự mình nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ sau khi phạm tội. Cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ đối với trường hợp người phạm tội sau khi phạm tội đã tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại hoặc không phản đối việc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản mà mình tham ô, nhận hối lộ.
Đối với trường hợp trong cùng vụ án, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội, trong đó có tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ và tội khác, nhưng đã chủ động nộp lại số tài sản bằng ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ thì cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ, trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng xác định tài sản có nguồn gốc từ tội phạm khác.
Ví dụ: Nguyễn Văn A có hành vi tham ô số tiền 4.000.000.000 đồng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền 2.000.000.000 đồng. Sau khi A bị khởi tố, vợ của A đã chuyển nhượng nhà đất là tài sản riêng của mình để thay A nộp lại số tiền 3.000.000.000 đồng thì được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô”.
Trên thực tế thì cùng tình tiết chủ động khai báo trước khi bị phát giác, nhưng có vụ thì cơ quan điều tra đề nghị miễn tội, Viện Kiểm sát yêu cầu khởi tố; có vụ thì đề nghị truy tố, Viện Kiểm sát lại miễn tội…
Chẳng hạn, trong vụ đánh bạc ngàn tỷ đồng liên quan đến hai cựu tướng công an và 90 đồng phạm tại tỉnh Phú Thọ, bị cáo Nguyễn Văn Dương khai đã đưa hối lộ cho ông Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) 2,7 tỷ đồng và 1 triệu USD, đưa cho ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng C50, Bộ Công an) 22 tỷ đồng. Ngoài ra, Dương còn khai đã cho ông Vĩnh một đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD. Ông Vĩnh thì nói rằng đã mua đồng hồ này và đã trả cho Dương 1,1 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra từng đề nghị truy tố Dương tội đưa hối lộ nhưng sau đó Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ miễn trách nhiệm hình sự cho Dương với lý do để thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước theo điểm c khoản 2 Điều 29 và đoạn 2 khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự.
Còn trong vụ VN Pharma, suốt quá trình tố tụng cơ quan điều tra đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho cựu phó tổng giám đốc VN Pharma Ngô Anh Quốc về tội đưa hối lộ theo khoản 6 Điều 289 Bộ luật Hình sự 1999 (tương ứng khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015) vì đã chủ động tự thú khi vụ án chưa được phát hiện, góp phần hiệu quả vào việc phá án. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu khởi tố. Sau đó hai cấp tòa đều tuyên án Quốc năm năm tù về tội đưa hối lộ.
1 comment
Hay quá nhảy! Người đưa HL chủ động khai báo trươc khi bị phát hiện thì được miễn TNHS. Thế này thì chết con mẹ cái đám Môi giới và Nhận HL rồi?
Người nhận Hl chỉ cần nộp lại 3/4 số tiền đã nhận là ok rồi.Thích thật, kiểu gì cũng còn đến 1/4 cơ mà?