Trường Sơn
(VNTB) – Nhiều khả năng Trần Thanh Mẫn sẽ ngồi vào ghế chủ tịch nước.
Tài khoản Facebook tích xanh chính chủ Bùi Thanh Hiếu hôm 24-4-2024 cho rằng ghế Chủ tịch nước hiện có 2 ứng viên là Trần Thanh Mẫn, phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đương nhiệm, và Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Lê Trung Khoa của tờ thoibao.de thì đoan chắc trên tài khoản tích xanh chính chủ về tân Chủ tịch nước Trần Thanh Mẫn.
Trả lời nhanh: thông tin về ứng viên Chủ tịch nước Nguyễn Văn Nên là… trật lất, vì ông Nên không phải là đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 – 2026, nên ông không thể nào được Đảng giới thiệu vào danh sách để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành các bước trình tự về thủ tục bầu chọn chức danh Chủ tịch nước như luật định.
Điểm chung trong sự nghiệp chính trị của cả ông Nên (sinh năm 1957) và ông Mẫn (sinh năm 1962) là bắt đầu tham gia bộ máy công quyền từ sau sự kiện 30 tháng tư, 1975. Trong lúc ông Nên chọn màu áo công an để bắt đầu hoạn lộ, thì ông Mẫn chọn công tác Đoàn Thanh niên để làm bàn đạp thăng tiến.
Sau sự nghiệp chủ yếu với 40 năm ở quê nhà Hậu Giang, Cần Thơ, Tây Nam Bộ, đến tháng 9 năm 2015, Bộ Chính trị quyết định cho Trần Thanh Mẫn thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Cần Thơ, thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ nhiệm kỳ 2010 – 2015 để giới thiệu bầu giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tham gia Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngày 22-6-2017, Bộ Chính trị chỉ định Trần Thanh Mẫn làm Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và giới thiệu ông cho các đại biểu tham gia hội nghị lần thứ bảy của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII, hiệp thương ông giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII nhiệm kỳ 2014 – 2019 thay thế Nguyễn Thiện Nhân, được điều chuyển nhận chức Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Đến ngày 01-4-2021, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiến hành các thủ tục bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội. Các đại biểu thông qua nghị quyết bầu Trần Thanh Mẫn làm Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội với tỷ lệ tán thành 94,79%.
Cùng đợt bổ sung nhân sự vào Ban bí thư ở Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) diễn ra vào ngày 9-5-2018 có Trần Cẩm Tú và Trần Thanh Mẫn làm Uỷ viên Ban bí thư khoá XII. Không ghi nhận về những hoạt động nổi bật trên chính trường của Trần Thanh Mẫn cả trước và ở thời gian là Ủy viên Ban bí thư.
So bó đũa chọn cột cờ cho vị trí tân Chủ tịch nước xem ra không có nhiều dữ liệu để cân nhắc bầu chọn ở cả nghị trường Quốc hội cho đến số đông cử tri. Cái ghế nóng hai năm, hai đời Chủ tịch nước trong cùng một nhiệm kỳ của Đảng dường như cũng đang khiến nhiều chính khách e dè khi nhận được đề xuất là ứng viên tân Chủ tịch nước.
Cho đến thời điểm hiện tại thì công luận vẫn là đồn đoán về những vụ được cho là sai phạm dẫn đến việc từ nhiệm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, người được ghi nhận là nhận chức Chủ tịch nước trẻ nhất Việt Nam khi nhậm chức ở tuổi 52, và cũng là Chủ tịch nước tại vị ngắn nhất khi chỉ giữ chức hơn 1 năm, từ ngày 2-3-2023 đến 21-3-2024, tức 1 năm, 19 ngày.
Một nhân vật quyền lực được cho là bao trùm cho nguyên nhân đưa đến việc từ nhiệm như của Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và cả Vương Đình Huệ có thể trong thời gian tới, là tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an với nhân danh ‘đốt lò’ để thanh trừng các đối thủ trên bước đường mà vị tướng công an này đang hướng đến, là ghế quyền lực bậc nhất trên chính trường: Tổng bí thư.
1 comment
Ngày xưa Việt Nam mình có Lưỡng quốc tướng quân, hy vọng kỳ này sẽ có Lưỡng quốc Chủ tịch