Hà Nguyên
(VNTB) – Từ năm 2009 Vương Tấn Việt đã có tranh chấp tài sản và bị tố cáo về hành vi tà dâm.
Tin tức trên báo chí nhà nước
Trên tờ Pháp Luật Việt Nam (cơ quan chủ quản là Bộ Tư pháp), trên số phát hành điện tử ngày 27-12-2010, thuật tóm tắt vụ việc như sau: Một năm qua, mâu thuẫn giữa ông Vương Tấn Việt, pháp danh Thích Chân Quang với nhóm đệ tử tu hành tại chùa Phật Quang ở núi Dinh, xã Tân Hải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không được xử lý triệt để, khiến nội vụ rơi vào phức tạp gây mất ổn định tình hình địa phương.
Theo ghi nhận của tờ báo này với nhà sư Thích Chân Quang thì sáng ngày 09-12-2009, khi ông Việt đang làm việc tại Công ty TNHH Văn hóa Pháp Quang (một cơ sở của chùa tại số 28 Hoàng Diệu, quận Phú Nhuận, TP.HCM) thì có 4 đệ tử đã kéo theo khoảng 20 người xông vào lăng mạ, và ép ông ký giấy bàn giao cho họ 8ha đất tại xã Tóc Tiên, 2 căn hộ 600m2 tại phường Kim Dinh, huyện Tân Thành, 4 chiếc ô tô… Quá sợ hãi, ông Việt đã miễn cưỡng ký vào các giấy tờ do nhóm đệ tự soạn sẵn. Sự việc xảy ra, Công an phường sở tại đến lập biên bản, rồi… thôi.
Trong đơn tố cáo, ông Việt viết: “Sau đó, nhóm người này kéo về chùa Phổ Quang khống chế những đệ tử, tu sĩ trung thành của nhà chùa lấy đi 2 két sắt chứa 2,8 tỷ đồng, 185 lượng vàng và nhiều ngoại tệ khác, 60 tấn sắt, 1 đầu máy kéo, 2 máy trộn bê tông, 3 máy tời, 30 tấn xi măng, 6 xe gắn máy, 6 vi tính để bàn, 20 vi tính xách tay, 7 máy quay phim, 5 màn hình tinh thể lỏng, 10 tấn gạo, 14 máy may công nghiệp và vải vóc trị giá 800 triệu đồng; thậm chí, 5 triệu đồng của ông để trong túi áo cũng bị “móc” luôn và toàn bộ giường chiếu, bàn ghế, nồi niêu, bát đũa… cũng bị họ lấy đi…”.
Theo ông Việt thì nhóm đệ tử này còn dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc hơn 50 tu sĩ theo họ về xã Tóc Tiên để lập chùa khác mà không được sự cho phép của Hội phật giáo Việt Nam và chính quyền địa phương.
Tờ Pháp Luật Việt Nam cũng cho biết lúc đó đại tá Lê Tôi Sủng – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thông tin rằng: “Mới nghe thì có vẻ là án hình sự, nhưng sau khi thống nhất với Viện Kiểm sát, Tòa án thì xét thấy vụ việc chưa đủ yếu tố cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”, nên công an tỉnh đã có văn bản trả lời ông Việt: Đây là tranh chấp tài sản nội bộ, nếu hai bên không thỏa thuận được với nhau thì có quyền khởi kiện ra Tòa dân sự để phân xử”.
Văn bản này của Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do Phó giám đốc Lê Tôi Sủng ký số 290/TB CAT (PV24) ngày 8-11-2010, gửi ông Vương Tấn Việt.
Ghi nhận của Công an Bà Rịa – Vũng Tàu ra sao?
Tài liệu của người viết bài này cho thấy văn bản 290/TB CAT thể hiện – trích: “Ngày 9-12-2009, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (pháp danh Thích Bảo Thiện), ông Ngô Quang Phú (pháp danh Thích Bảo Nhật) cùng 17 tăng ni của chùa Phật Quang đã đến trụ sở công ty TNHH văn hóa Pháp Quang tại 28 Hoàng Diệu, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh để gặp ông Vương Tấn Việt (pháp danh Thích Chân Quang).
Tại đây, họ đã nói lên một số vấn đề liên quan và yêu cầu ông Vương Tấn Việt bàn giao một số tài sản, trong đó có 7,5 ha đất của chùa Phật Quang tại xã Tóc Tiên để họ xây dựng cơ sở tu riêng.
Trong quá trình gặp gỡ đã có sự to tiếng giữa 2 bên, cuối cùng 2 bên thỏa thuận với nội dung: ông Vương Tấn Việt đồng ý giao một số tài sản và 7,5 ha đất tại xã Tóc Tiên cho nhóm ông Thích Bảo Nhật, Thích Bảo Thiện… Việc thỏa thuận được các bên xác định bằng 2 văn bản (1 văn bản giao đất, 1 văn bản giao tài sản). Cùng xác nhận có bà Hoàng Thị Hồng Anh (pháp danh Liễu Ngộ) là thủ quỹ của chùa Phật Quang.
Ngày 11-12-2009, các tu sĩ Thích Bảo Nhật, Thích Bảo Thiện đã tổ chức vận chuyển một số tài sản của chùa Phật Quang về xã Tóc Tiên, trong đó có 1 két sắt do bà Hoàng Thị Hồng Anh giữ chìa khóa. Số tài sản trong két đã được kiểm tra và lập biên bản kiểm kê ngày 17-12-2009, có sự chứng kiến của các tu sĩ Thích Nữ Liễu Tuệ (tên khai sinh Nguyễn Thị Lan) và Thích Thái Dĩnh (tên khai sinh là Lê Quang Hoàng) đại diện cho ông Vương Tấn Việt …
Xem xét sự việc diễn ra ngày 9-12-2009 tại Công ty TNHH văn hóa Pháp Quang cho thấy: Sự việc diễn ra vào buổi sáng, có sự chứng kiến của nhiều người, của cả hai bên, mặc dù có sự to tiếng, song không có hành vi sử dụng bạo lực, đe dọa trực tiếp tính mạng của ông.
Các văn bản bàn giao tài sản do ông Đặng Hoàng Anh soạn thảo để ông Vương Tấn Việt duyệt và ký… Do vậy, không có cơ sở cho rằng tu sĩ Thích Bảo Nhật và một số tăng ni có hành vi cưỡng bức ông Vương Tấn Việt để cướp tài sản của chùa Phật Quang”…(hết phần trích).
Đơn tố cáo trên Hội Phật bút tự do Việt Nam
Trên trang mạng của Hội Phật bút tự do Việt Nam ở cùng thời điểm này đã đăng loạt hình ảnh về nội dung tường trình của các tu sĩ tại chùa Phật Quang cho rằng “Đối với giới hạnh của một người trụ trì, thầy đã có một số vi phạm giới luật người tu sĩ khiến đệ tử giảm sút đạo tâm.
Vì những lý do trên, gần như toàn bộ Đại Chúng chùa Phật Quang chúng tôi quyết định không tiếp tục ở lại tu tập tại chùa Phật Quang với thầy Chân Quang nữa, mà dời đi nơi khác tu tập”.
Cũng trên trang mạng của Hội Phật bút tự do Việt Nam chụp hình ảnh viết tay tố cáo về hành vi tà dâm của “tội đồ Chân Quang”, trong đó có đoạn: “Thầy Chân Quang đã có hành động xâm phạm tình dục một cách có hệ thống với mức độ rất nguy hiểm đối với nhiều tu sĩ nữ tại chùa Phật Quang”.
Một đơn tố cáo khác gửi Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã nêu cụ thể từng trường hợp tà dâm của Thích Chân Quang như với sư cô Thích Nữ Tâm Nhu, sư cô Thích Nữ Phương Thảo, sư cô Thích Nữ Tường Khiêm, sư cô Thích Nữ Tường Nhân, sư cô Thích Nữ Viên Trung, sư cô Thích Nữ Viên Như…
Tuy nhiên sau đó không rõ vì sao mọi đơn thư tố cáo đi dần vào quên lãng.
Thích Chân Quang từng đảm nhiệm vị trí Phó Trưởng Ban Kinh tế Tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khóa VIII. Thời gian này, tháng 8-2019, Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực Việt Nam đã trao tặng bảng vàng vinh danh “Nhân tài đất Việt thời kỳ hội nhập quốc tế” đối với Thượng tọa Thích Chân Quang.
Ở buổi vinh danh này theo tường thuật thì có sự hiện diện nhiều gương mặt “bề trên” dân sự lẫn sắc phục như ông Phạm Văn Sáu – Phó Vụ trưởng Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng; Thiếu tướng Quân đội Nguyễn Đình Được – cựu Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng; ông Nguyễn Thanh Xuân – Chuyên viên cao cấp Ban Tôn giáo Chính phủ; Đại tá Hoàng Đình Chung – Phó chủ nhiệm chính trị Quân khu 7; Đại tá Phạm Phú Quý – Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Đại tá Nguyễn Hoàng Tấn – Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Đại tá Nguyễn Thành Trung – Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu…