(VNTB) – “Chiến dịch cải cách ruộng đất là một cuộc thảm sát dân lành vô tội; nói theo thuật ngữ thời đại thì quả thật đó là vụ diệt chủng kích động bởi sự phân biệt giai cấp.”
So Sánh Hai Cuộc Cải Cách Ruộng Đất ở Miền Bắc (1953-1956) Và Miền Nam (1970)
Bối cảnh lịch sử
Cho đến giữa thế kỷ 20, Việt Nam vẫn còn là một nước nông nghiệp lạc hậu với hơn 80% dân số sống ở vùng nông thôn; đa số là nông dân nghèo, tá điền làm mướn nộp tô cho các địa chủ. Tranh chấp giữa hai thành phần nông dân và địa chủ thì hẳn nhiên là có từ ngàn đời; nhưng không đến nỗi quá quyết liệt để đi đến những đổ máu tàn khốc như kiểu đấu tranh giai cấp mà người Cộng sản khích động.
Ở miền Bắc năm 1945, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và tiếp tục các nỗ lực chiến tranh cho đến thắng lợi Điện Biên Phủ đưa đến sự phân chia Việt Nam thành hai miền đối đầu về chính trị. Trong khi miền Bắc bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội thì ở miền Nam, nước Cộng Hòa Việt Nam ra đời dựa trên lý tưởng dân chủ tự do và kinh tế thị trường.
Một trong những khác biệt giữa miền Nam và miền Bắc là sự cư xử đối với người dân của hai chế độ cũng như các biện pháp thực thi công lý xã hội. Trong bài này, chúng tôi muốn nói đến vấn đề đất đai, sự công bằng nhân đạo trong việc tái phân chia tài sản quốc gia để làm giảm mức cách biệt giàu nghèo, xóa bỏ nạn cường hào bóc lột ở nông thôn.
Cải Cách Ruộng Đất ở Miền Bắc Việt Nam
Mục tiêu
Karl Marx, người đề ra chủ nghĩa Cộng Sản đã viết trong bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (Communist Manifesto) rằng: “Cách mạng ruộng đất là điều kiện để giải phóng dân tộc.” Khi phát động chiến dịch tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội Việt Nam Cộng sản, Hồ Chí Minh đã nói những lời nhân nghĩa: “Luật cải cách ruộng đất của ta chí nhân, chí nghĩa, hợp lý hợp tình, chẳng những là làm cho cố nông, bần nông, trung nông ở dưới có ruộng cày, nhưng đồng thời chiếu cố đồng bào phú nông, đồng thời chiếu cố đồng bào địa chủ.”
Chương trình cải cách ruộng đất ở miền Bắc – cũng được gọi là cải tạo nông nghiệp – được mở đầu bằng chiến dịch giảm tô (1953-1954) gồm tám đợt; theo sau đó là các chiến dịch cải cách từ năm 1954 cho đến 1956 gồm năm đợt. Mục tiêu của chương trình này là nhằm xóa bỏ giai cấp địa chủ để chuẩn bị thiết lập nền móng vô sản chuyên chế ở nông thôn. Đảng Cộng sản chủ trương cách mạng triệt để xóa bỏ lối sống và mối quan hệ cổ truyền để thay vào đó những giá trị mới và ý thức hệ của chủ nghĩa Cộng sản. Cho nên phải xem đó là biện pháp để củng cố sự kiểm soát của đảng Cộng sản chứ không phải là thực hiện công lý xã hội qua sự tái phân ruộng đất như ông Hồ tuyên bố.
Đối với đảng Cộng Sản, bốn kẻ thù chính cần phải tiêu diệt theo như khẩu hiệu đề ra là: “Trí, Phú, Địa, Hào; Đào tận gốc, trốc tận rễ.” Không chỉ có thế, họ còn nhắm vào các tầng lớp trung lưu, trí thức, tu sĩ các tôn giáo, và những người có quan hệ hay hấp thụ văn hóa Tây Phương. Trong cuốn sách nổi tiếng nhan đề Từ Thực Dân đến Cộng Sản, ông Hoàng Văn Chí, một đảng viên Đảng Quốc Tế Công Nhân Pháp, ghi rằng có đến nửa triệu người đã bị giết chết trong cuộc cải cách ruộng đất và các chiến dịch cải tạo của Cộng Sản.
Diễn tiến
Từ năm 1953, Hồ Chí Minh đã gửi sang Trung Cộng hơn 100 cán bộ để được huấn luyện. Phía Đảng Cộng sản Trung Hoa cũng lập ra một phân bộ chuyên trách về cải cách ruộng đất và củng cố đảng do Trương Đức Quần (張 德 群 Zhang DeQun) cầm đầu để chỉ dạo cho Việt Nam thi hành chính sách. Ngày 15 tháng 3 năm 1954, Đảng Lao Động Việt Nam (tên cũ của Đảng Cộng Sản) thành lập Ủy ban Cải cách Trung ương dựa vào khuôn mẫu “thổ địa cải cách” (1946-1949) của Trung Cộng và tinh thần đấu tranh giai cấp triệt để. Ủy ban này, về mặt đảng, Hồ Chí Minh vẫn là người phát động về tư tưởng, và sự chỉ đạo thì trong tay Tổng bí thư Trường Chinh; nhưng về mặt chính quyền thì do sự chỉ huy của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng và sự giám sát chặt chẽ của đoàn cố vấn chính trị Trung Cộng do Lã Quý Ba (罗贵波 Luo Guibo) cầm đầu.
Trong hai năm 1954 và 1955, Cộng Sản Việt Nam đã thi hành tám đợt giảm tô ở 1875 xã, và năm đợt cải cách ở 3315 xã. Họ thực hiện theo từng bước như sau:
1.- Thành lập các đội cải cách từ 10 đến 15 người gửi đến phụ trách mỗi xã. Đội trưởng phải là đảng viên, có thể lấy từ bộ đội sang, đội viên là những thanh niên, đoàn viên tuyển chọn rất kỹ trong những người hăng say, nuôi mộng được vào đảng. Họ đến từng xã, mỗi đội viên sẽ tìm một gia đình coi là nghèo khổ nhất để thực hiện chính sách “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với những gia đình này.
2.- Thăm nghèo, hỏi khổ: Sống chung thân cận với gia đình nghèo, cán bộ đội sẽ tìm hiểu thu thập tình hình trong xã, về những người trong xã, ai có đất cho nông dân cày để lấy tô, ai có ăn có mặc sung sướng, ai có giao tiếp, có địa vị xã hội… Họ sẽ chọn những thành phần đáng tin cậy để huấn luyện và kết nạp làm nhân tố mà danh xưng là ‘rễ, chuỗi.’
3.- Phân loại: Bước kế tiếp là phân loại những người trong xã theo bốn thành phần chính: (1) địa chủ, (2) phú nông, (3) trung nông cứng, trung nông vừa, trung nông yếu, (4) và bần nông, cố nông. Ủy Ban Cải Cách Trung Ương đề ra việc thi đua và tưởng thưởng cho các đội truy tìm cho ra nhiều địa chủ để đấu tố. Cố vấn Trung Cộng ép buộc chỉ tiêu là mỗi xã phải tìm cho ra 5% dân số để quy cho là thành phần địa chủ. Trong cuốn Naked Earth, bà Aileen Chang đã miêu tả cách thức mà các đội viên cải cách ruộng đất bên Trung Hoa đã làm để chọn đủ chỉ tiêu này dù trong thâm tâm họ cũng thấy bất bình và xót xa! Đó là đôn người trung nông nào kha khá một chút lên hàng địa chủ cho đủ chỉ tiêu 5% ở mỗi xã. Họ không có sự lựa chọn nào khác!
4.- Đấu tố và xử án: Sau khi gieo hạt giống căm thù địa chủ tàn ác vào đầu nông dân, đội cải cách sẽ triệu tập tất cả nông dân ra sân làng và thành lập một thứ “tòa án nhân dân” do một đội viên chủ tọa. Họ sẽ lôi các địa chủ ra trước tòa bắt phải quỳ xuống để hành nhục; cán bộ đội lẫn vào đám đông hàng trăm, hàng ngàn người kể cả nông dân từ các xã lân cận để khích động, dấy lên sự phẫn nộ để rồi từng người sẽ đứng trước nạn nhân vạch ra những tội ác tày đình do bịa đặt hay phóng đại lên. Ngay cả thành viên trong gia đình như con cái, họ hàng cũng bị đẩy ra buộc tội và nhục mạ cha mẹ mình. Nạn nhân không được tự biện hộ hay có ai dám biện hộ giùm. Sau đó nạn nhân sẽ bị giam lại chờ phiên tòa sẽ tuyên án tử hình và thi hành tại chỗ.
5.- Chia quả thực: Sau buổi đấu tố và hành quyết, dân làng đổ xô về xâu xé những tài sản của nạn nhân từ bàn ghế tủ giường cho đến áo quần, nồi niêu xoong chảo, thậm chí cả cái chổi cùn, cái rế rách. Đất đai của nạn nhân thì đội lấy chia cho các gia đình bần nông. Con cái nạn nhân bị đẩy ra bìa làng nơi một xó nào đó hay bị đuổi hẳn khỏi làng. Sau cải cách, có đến cả triệu người miền Bắc con cái địa chủ phải đến tận các vùng núi rừng để tránh những đối xử bất công hà khắc nơi quê nhà.
Nạn nhân:
Cho đến nay, Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam chưa có công bố chính thức nào về số nạn nhân của chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất. Tài liệu ngoại quốc thì cho những con số khác nhau có từ vài ngàn đến nửa triệu.
Đài Phát Thanh Á Châu Tự Do dựa theo tài liệu của Viện Kinh tế Việt Nam (Vietnam Institute for Economics), cho hay trong 3,312 phiên tòa Kangaroo ở địa phương, có hơn bốn triệu nạn nhân, trong đó 172,008 bị quy là địa chủ (như nói ở đoạn trên); 18,738 trung nông bị gán cho tội cường hào ác bá. Đa số nạn nhân bị bắt chết ngay tại chỗ.
Theo ký giả Gareth Porter, số nạn nhân bị giết là từ 800 đến 2500; theo sử gia Edwin Moise, thì từ 5000 đến 15000; theo ký giả Bernard Fall, có 50,000 người bị hành quyết từ năm 1953 đến 1955; Dựa trên tài liệu thu nhận từ Bắc Việt Nam, sử gia Balazs Szalontai, người Mongolian viết trong bản tham luận “Political and Economic Crisis in North Vietnam, 1955 -56″ (Cold War History, 2005) – cho hay có 23,748 bị hành quyết trong 1,337 phiên toà. Giáo sư Turner Robert, trong cuốn Vietnamese Communism: Its Origins and Development, có đoạn viết “Theo nhiều nhân chứng ở miền Bắc Việt Nam thì trong 160 dân làng, có một người bị hành quyết. Theo đó mà tính thì cả nước có đến gần 100,000 nạn nhân. Vì chiến dịch này diễn ra chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Hồng, nên các học giả có thể chấp nhận con số ước lượng 50,000 người bị giết trong chiến dịch đó.” (Testimony from North Vietnamese witnesses suggested a ratio of one execution for every 160 village residents, which extrapolated nationwide would indicate nearly 100,000 executions. Because the campaign was concentrated mainly in the Red River Delta area, a lower estimate of 50,000 executions became widely accepted by scholars at the time).” Con số cao nhất, nửa triệu, là của ông Hoàng Văn Chí, dựa trên tỷ lệ quy chụp địa chủ 5% trên tổng số nông dân miền Bắc lúc bấy giờ.
Trong cải cách, Đảng Lao Động Việt Nam chia loại địa chủ ra ba thành phần: (1) Địa chủ ác ôn, (2) Địa chủ thường, và (3) Địa chủ có ủng hộ kháng chiến. Nhưng trong thực tế, cả ba loại địa chủ này đều bị đấu tố và giết chết tại chỗ. Một tài liệu của chính Đảng Cộng sản tiết lộ có 172,008 người bị quy tội địa chủ mà sau này khi thú nhận sai lầm, họ đã cho hay trong số đó có đến 123,266 người (71.66%) bị ghép tội oan ức. Phát biểu tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tháng 10 năm 1956, giáo sư, luật sư Nguyễn Mạnh Tường, cho hay nhiều nông dân là trung nông nhưng đã bị đôn lên hàng địa chủ bởi những anh đội cải cách. Bà Nguyễn Thị Năm, tức Cát Hanh Long, một nhà doanh nghiệp giàu có nhất nhì miền Bắc, là người từng đóng góp hàng trăm lạng vàng cho Đảng, che giấu cán bộ, có khi nuôi ăn cả đơn vị lớn; bà cũng có hai con trai theo kháng chiến làm đến Chính Ủy Trung Đoàn. Cố vấn Lã Quý Ba đã thúc ép Hồ Chí Minh phải đưa bà ra đấu tố mở màn cho chiến dịch để làm gương và tạo sự phấn khích trong nông dân. Theo ký giả Trần Đĩnh, người từng gắn bó và viết tiểu sử cho Hồ Chí Minh, viết trong cuốn Đèn Cù thì chính ông Hồ đã ngụy trang bằng cách bịt râu, đeo kính dâm để đến xem cuộc đấu tố giết chết dã man người phụ nữ ân nhân của ông ta và của Đảng Cộng sản. Cũng theo Trần Đĩnh, trong số nạn nhân của cải cách ruộng đất có khá nhiều cán bộ đảng và sĩ quan cao cấp trong bộ đội.
Ông Nguyễn Minh Cần, một cựu đảng viên cao cấp, cựu Phó Thị Trưởng Hà Nội đã phải thốt với đài Pháp RFI: “Chiến dịch cải cách ruộng đất là một cuộc thảm sát dân lành vô tội; nói theo thuật ngữ thời đại thì quả thật đó là vụ diệt chủng kích động bởi sự phân biệt giai cấp.”
Hậu quả
Tuy không biết chính xác con số nạn nhân là bao nhiêu và số nạn nhân ít so với số người chết hàng triệu trong cải cách ruộng đất ở Trung Cộng, nhưng mức độ giết lầm quả là một thảm kịch, một vết nhơ khó tẩy rửa. Cả miền Bắc Việt Nam đã bị ám ảnh bởi sự kinh hoàng trong hàng chục năm sau đó.
Nhà văn cựu đảng viên Cộng Sản Trần Mạnh Hảo – là một nhân chứng sống – đã viết: “Tôi đã chứng kiến sự hãi hùng, và tôi không thể hiểu chế độ này là thứ gì mà chỉ biết đàn áp và hủy diệt dân chúng. Họ đã đưa người ta ra cái gọi là ‘tòa án nhân dân’ rồi bắn chết tại chỗ mà không hề có phiên xử hay đưa ra bằng chứng tội phạm.” (Câu này chúng tôi dịch từ bản Anh ngữ nên có thể không hoàn toàn chính xác như lời ông Trần Mạnh Hảo)
Năm 1956, để xoa dịu sự căm phẫn của quần chúng, ông Hồ Chí Minh đã nhỏ giọt nước mắt cá sấu mà thú nhận họ đã đi quá xa và thi hành quá tàn bạo. Cuối năm 1956, hai mươi ngàn nông dân ở Nam Đàn thuộc tỉnh Hà Tĩnh (gần quê quán Hồ Chí Minh) đã nổi dậy nhưng liền bị Cộng sản đưa quân đội đàn áp thẳng tay, giết chết sáu ngàn nông dân!
Nói mục đích cải cách là để lấy đất của địa chủ chia lại cho nông dân, nhưng hai năm sau (1958), đảng và nhà nước khởi động phong trào tập thể hóa nông nghiệp và công hữu hóa công nghiệp. Hiến pháp Việt Nam Cộng Sản năm 1959 luật hóa chính sách triệt bỏ quyền tư hữu và thay nó bằng cái gọi là ‘quyền làm chủ tập thể.’ Đất đai ruộng vườn từ nay là tài sản của nhà nước. Tất cả nông dân bị buộc phải gia nhập các hợp tác xã. Cuối cùng, tay trắng hoàn trắng tay! Nông dân chưa kịp vui vì quyền làm chủ, thì lại phải trả lại đất ruộng, nông cụ để góp vào các hợp tác xã. Họ lại trở thành người làm thuê, lần này cho chủ là ông nhà nước với lối sống đoàn ngũ hóa, nhất cử nhất động đều làm theo các tiêu lệnh và tiếng kẻng hàng ngày. Bằng máu hàng trăm ngàn dân lành vô tội, Đảng Cộng sản đã thành công trong việc củng cố quyền lực, trấn áp mọi kẻ thù vừa về chính trị vừa kinh tế.
______________________
Tham Khảo:
– Cao Văn Thân. “Cải Cách Ruộng Đất và Phát Triển Nông Nghiệp, 1968-1975.”
– Dang Phong. The History of the Vietnamese Economy. Vol. 2, Institute of Economy, Vietnamese Institute of Social Sciences, 2005.
– Fall, Bernard. The Viet Minh Regime, Government and Administration in the Democratic Republic of Vietnam. Greenwood Press, Connecticut, 1975.
– Hoàng Văn Chí. From Colonialism to Communism: A Case History of North Vietnam. London: Pall Mall, 1964.
– Marx, Karl and Friedrich Engels. The Communist Manifesto. Penguin Classic, 2015.
– Munro, Don, Marx’s Theory of Land, Rent and Cities. Edinburgh University Press, 2022.
– Nguyễn Văn Canh. “Đấu Tố và Hình Phạt trong Cải Cách Ruộng Đất mà Hồ Chí Minh Thi Hành vào Đầu Thập Niên 1950 tại Bắc Việt.” August 17, 2024.
– Nguyen Ngoc-luu. Peasants, Party and Revolution the Politics of Agrarian Transformation in Northern Vietnam 1930–1975. University of Amsterdam, 1987.
– Nguyen Quang Duy. “Chương Trình Người Cày Có Ruộng tại Miền Nam.”
– Phuong Anh et al. “50 Years On, Vietnamese Remember Land Reform Terror”
https://www.rfa.org/english/news/in_depth/vietnam_landreform20060608.html#:~:text=It%20says%20700%2C000%20hectares%20were%20confiscated%20from%20landowners,total%20of%2044.6%20percent%20of%20total%20cultivated%20land
– Tô Hoài. Ba Người Khác. Nxb Đà Nẵng, 2007
– Trần Đỉnh. Đèn Cù. Người Việt Book, 2004
Turner, Robert F. Vietnam Communism: Its Origins and Development. Hoover Institution Publications, 1975.