(VNTB) – ROVR không chỉ là một chương trình định cư, mà còn là biểu tượng của lòng nhân đạo và ý chí đấu tranh không mệt mỏi.
Chỉ còn vài tháng nữa, người Việt cả trong và ngoài nước sẽ cùng nhìn lại chặng đường 50 năm kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 – một cột mốc không thể phai nhòa trong lịch sử dân tộc. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng vết thương lớn trong lòng Mẹ Việt Nam vẫn âm ỉ chảy máu, nhắc nhở chúng ta về những đau thương, chia ly và cả những khát vọng vươn lên từ tro tàn.
Ở trong nước, đó có thể là những bài ca ngợi chiến thắng, những lời tự hào về sự “vô địch” của đảng cộng sản. Nhưng ở hải ngoại, đó lại là những dòng nước mắt, những tiếng thở dài tiếc thương cho quê hương đã mất, cho những người bỏ xác nơi rừng thẳm, biển sâu và cho những cuộc đời phải gánh chịu cảnh tha hương.
Những câu chuyện đau thương ấy thường gắn liền với những chương trình nhân đạo đã cứu giúp hàng trăm ngàn người Việt vượt biển, vượt biên, như HO hay Đoàn Tụ Gia Đình. Nhưng có một chương trình ít được nhắc đến hơn, dù đã cứu thoát hơn 18.000 người từng chịu đựng khổ đau tột cùng: chương trình ROVR (Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees).
ROVR không chỉ là một chương trình định cư, mà còn là biểu tượng của lòng nhân đạo và ý chí đấu tranh không mệt mỏi. Nó đã giải thoát những con người từ các trại tỵ nạn – nơi họ bị giam lỏng, bị trả về Việt Nam để tiếp tục chịu cảnh hành hạ – đưa họ đến Hoa Kỳ sau nhiều năm dài đấu tranh đầy cam go của những người đã đấu tranh và đi cùng chương trình này. Tuy nhiên, đến nay, câu chuyện về ROVR, những người khởi xướng chương trình gần như không còn nhớ đến do những bề bộn công việc hàng ngày, và ngay cả nhiều người được cứu giúp, dường như đang dần lãng quên.
Loạt bài này mong muốn tái hiện lại giai đoạn đấu tranh đầy gian truân để hình thành chương trình ROVR, đồng thời làm sống lại giá trị nhân đạo cao cả và những thành quả đáng tự hào mà nó đã mang lại. Mong rằng, qua đây, ký ức về ROVR sẽ được khơi dậy, không chỉ như một dấu ấn lịch sử, mà còn như một lời nhắc nhở về tinh thần nhân ái, kiên cường của con người.
Để bắt đầu loạt bài này, chúng tôi hân hạnh gửi đến quý bạn đọc bài trả lời phỏng vấn của cựu Đại Sứ Joseph Rees, người trực tiếp nhúng tay vào chương trình từ ngày khởi đầu. Nếu muốn biết chi tiết hơn chúng tôi mời quý vị xem đường link https://www.youtube.com/watch?v=U6015MPVMfU. Video này được phụ đề Việt Ngữ.
Tóm lược nội dung cuộc nói chuyện của cựu Đại Sứ Joseph Rees:
Cuộc nói chuyện ca ngợi ROVR như một thành tựu quan trọng trong lịch sử bảo vệ người tị nạn của Hoa Kỳ, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa nhân đạo và trách nhiệm quốc tế.
Cuộc nói chuyện tập trung vào Chương trình Kế hoạch Hành động Toàn diện (Comprehensive Plan of Action – CPA) và Chương trình ROVR (Resettlement Opportunities for Vietnamese Returnees) liên quan đến người tị nạn Việt Nam, đặc biệt là những “thuyền nhân” rời khỏi Việt Nam, Lào và Campuchia vào cuối thập niên 1980 và đầu 1990.
1. Bối cảnh CPA:
– CPA được thiết lập nhằm quản lý làn sóng người tị nạn Đông Nam Á, đặc biệt là người Việt Nam chiếm số đông.
– Trước CPA, tất cả người rời khỏi Việt Nam, Lào, Campuchia được tái định cư ở các nước an toàn mà không qua quá trình kiểm tra. CPA giới thiệu việc sàng lọc, chỉ định cư người tị nạn có lý do chính đáng (như bị đàn áp chính trị, tôn giáo, hoặc sắc tộc) và yêu cầu trả lại quê hương những người được coi là di cư vì lý do kinh tế.
– Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng chính quyền ở các nước Đông Dương, đặc biệt là Việt Nam, sẽ trừng phạt những người bị ép trở về.
2. Vấn đề trong CPA:
– Tỷ lệ được chấp nhận làm người tị nạn qua CPA rất thấp, khoảng 10%, và những người làm công tác sàng lọc thường không được đào tạo bài bản.
– Có những sai sót lớn trong việc phân loại người tị nạn: nhiều người bị ngược đãi như các tu sĩ, nhà thơ chống cộng, hay người khuyết tật chiến tranh bị đánh giá sai thành di cư kinh tế và bị trả về.
– Việc trả về bắt đầu trở thành ép buộc dù được tuyên bố là “tự nguyện”.
3. Chương trình ROVR:
– Do những vấn đề nhân quyền nghiêm trọng trong CPA, các nhà hoạt động như Dr. Nguyễn Đình Thắng (BPSOS) đã vận động Quốc hội Hoa Kỳ can thiệp. Dưới sự lãnh đạo của nghị sĩ Chris Smith, bốn phiên điều trần được tổ chức để làm rõ vấn đề.
– Quốc hội Mỹ đã thông qua điều luật yêu cầu chỉ những người không đủ điều kiện tị nạn theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ mới bị trả về. Mặc dù bị Tổng thống Clinton phủ quyết, một thỏa thuận đạt được: người bị trả về Việt Nam sẽ được phỏng vấn lại bởi viên chức Hoa Kỳ, những người được đào tạo về luật tị nạn. Đây là tiền đề cho Chương trình ROVR.
4. Kết quả Chương trình ROVR:
– Khoảng 19,000 người bị trả về Việt Nam được phỏng vấn lại, và hơn 18,000 người được công nhận là tị nạn và tái định cư ở Hoa Kỳ.
– Tuy nhiên, còn rất nhiều người không đủ điều kiện phỏng vấn theo ROVR hoặc bị bỏ lại tại Việt Nam, dù họ có thể cũng đủ điều kiện là người tị nạn.
5. Ý nghĩa và thành công:
– ROVR cứu được hơn 18,000 người khỏi hoàn cảnh nguy hiểm, giúp họ tái định cư tại Hoa Kỳ.
– Những người đến qua ROVR sau này đã hòa nhập, đóng góp tích cực vào xã hội Mỹ. Chương trình thể hiện nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc sửa chữa các cam kết chưa hoàn thành với người Việt Nam.
– Đại sứ Joseph Rees nhấn mạnh sự biết ơn với các nhà hoạt động nhân quyền, đặc biệt là Dr. Nguyễn Đình Thắng, vì những nỗ lực không ngừng để bảo vệ quyền lợi cho người tị nạn.
(Còn tiếp).