Báo cáo của Ân xá Quốc tế về tự do biểu đạt tại Việt Nam: ‘Hãy để chúng tôi thở!’

Báo cáo của Ân xá Quốc tế về tự do biểu đạt tại Việt Nam: ‘Hãy để chúng tôi thở!’

‘HÃY ĐỂ CHÚNG TÔI THỞ!’ KIỂM DUYỆT VÀ HÌNH SỰ HÓA TỰ DO BIỂU ĐẠT TRÊN MẠNG TẠI VIỆT NAM

Ngày 21 tháng 4 năm 2020, Facebook tuyên bố một thay đổi lớn trong chính sách của họ về kiểm duyệt nội dung tại Việt Nam. Theo chính sách này, Facebook sẽ ngày càng tuân thủ chế độ kiểm duyệt có tính trấn áp của chính quyền Việt Nam đối với những bày tỏ trên mạng bị xem là chỉ trích nhà nước.3

Facebook tiết lộ rằng họ đã đồng ý “gia tăng đáng kể” việc tuân thủ những đòi hỏi từ chính phủ Việt Nam nhằm kiểm duyệt nội dung “chống phá nhà nước” tại đây sau những áp lực có phối hợp từ giới chức trách nước này, bao gồm việc làm chậm các dịch vụ của Facebook ở Việt Nam.4

Chính phủ Việt Nam thường coi những chỉ trích chính đáng và ôn hòa nhắm vào chính phủ hay vào các thông tin liên quan tới các vụ vi phạm nhân quyền là “chống nhà nước”, mặc dù hình thức biểu đạt này được luật và các tiêu chuẩn quốc tế bảo vệ.

Quyết định này của Facebook có thể có những hệ quả rộng lớn toàn cầu, vì những chính phủ đàn áp khác trên thế giới nay có thể tìm cách áp dụng một chiến lược tương tự để buộc Facebook và các công ty công nghệ khác phải giới hạn tự do biểu đạt trên mạng.

Trước việc này, một nhà quan sát đã nhận xét: “Cách thức Google và Facebook đối phó với Việt Nam có thể đưa ra chỉ dấu về cách họ sẽ bảo vệ quyền riêng tư của người sử dụng và giải quyết trước các kêu gọi kiểm duyệt của các chế độ độc tài khác trên khắp thế giới như thế nào.”

Quyết định của Facebook đánh dấu một thay đổi rất đáng kể đối với môi trường mạng xã hội Việt Nam. Từng là niềm hy vọng lớn sẽ mở rộng tự do biểu tại đất nước này, mạng xã hội nhanh chóng trở thành nơi không có nhân quyền, nơi bất kỳ ý kiến bất đồng hay chỉ trích ôn hoà nào đối với chính phủ Việt Nam có thể bị kiểm duyệt, nơi người sử dụng tìm cách đăng những nội dung như vậy sẽ phải đối mặt với nguy cơ trang của mình bị tạm ngưng hoặc bị chặn trên loại hình mạng xã hội đó.

Báo cáo Minh bạch về Việt Nam mới đây nhất của Facebook – báo cáo đầu tiên kể từ khi Facebook tiết lộ chính sách tăng cường tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam – đem lại một cái nhìn sơ lược về quy mô của thay đổi này, cho thấy những hạn chế nội dung gia tăng ở mức 983% trên cơ sở luật địa phương so với báo cáo kỳ trước.

Báo cáo này – dựa trên các phỏng vấn với 31 nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền Việt Nam, trong đó có các cựu tù nhân lương tâm và các thân nhân của họ, các luật sư, nhà báo và nhà văn – cung cấp tài liệu về tình trạng đàn áp có hệ thống quyền tự do biểu đạt trên mạng tại Việt Nam.

Nó bộc lộ cho thấy chính quyền Việt Nam đã bắt bớ, sách nhiễu và ngược đãi các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền tham gia biểu đạt trên mạng. Báo cáo cũng phân tích vai trò đồng lõa ngày càng gia tăng của các đại công ty công nghệ như Facebook và Google trong việc kiểm duyệt những bất đồng và biểu đạt ôn hòa tại đất nước này.

Quyền tự do biểu đạt được bảo đảm theo Hiến pháp Việt Nam và theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã phê chuẩn. Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã khẳng định rằng các quyền tương tự mà mọi người được hưởng ngoài mạng cũng phải được bảo vệ trên mạng, và các quốc gia nên tạo dựng và duy trì một “môi trường mạng thuận lợi” cho việc thụ hưởng các quyền con người.11 Thế nhưng nhiều tội danh trong Bộ Luật hình sự tại đất nước này, như Điều 117 và 331, cho phép chính quyền truy tố những người tham gia thực thi hợp pháp quyền tự do biểu đạt của họ trên mạng.

Các công ty – trong đó có Facebook và Google – cũng có trách nhiệm tôn trọng mọi quyền con người ở bất cứ nơi nào họ hoạt động, trong suốt quá trình hoạt động và cả các chuỗi cung ứng của họ. Theo các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, Facebook và Google cần tôn trọng tự do biểu đạt trong các quyết định của họ về kiểm duyệt nội dung trên toàn cầu, bất kể sự tồn tại của luật pháp sở tại cấm đoán tự do biểu đạt.

Mặc dù các công ty đôi khi chỉ ra những khó khăn do các nghĩa vụ trái ngược nhau theo các tiêu chuẩn pháp lý địa phương và quốc tế, họ nên được dẫn dắt bởi Bộ Quy tắc Hướng dẫn về Doanh nghiệp và Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc trong đó nêu rõ: “Trách nhiệm tôn trọng nhân quyền là một tiêu chuẩn ứng xử toàn cầu được trông đợi ở mọi doanh nghiệp cho dù họ hoạt động tại đâu. Nó tồn tại độc lập với khả năng và/hoặc sự sẵn sàng của các quốc gia trong việc thực thi các nghĩa vụ nhân quyền của chính họ và nó không làm giảm thiểu các nghĩa vụ đó. Nó tồn tại vượt lên trên cả việc tuân thủ các quy định và luật pháp quốc gia về bảo vệ nhân quyền.” 12

Báo cáo này cho thấy Facebook và Google đóng vai trò đồng lõa ngày càng lớn vào việc chính quyền Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống đối với quyền tự do biểu đạt trên mạng tại Việt Nam. Ân xá Quốc tế đã phỏng vấn 13 nhà bảo vệ nhân quyền Việt Nam và các nhà hoạt động, những người có nội dung đăng trên trang mạng xã hội đã bị kiểm duyệt mặc dù nội dung mà họ đăng tải được bảo vệ theo luật nhân quyền quốc tế.

Tình trạng kiểm duyệt ngày càng gia tăng đối với những bày tỏ chính kiến trên mạng xã hội tại Việt Nam diễn ra trong bối cảnh việc truy cập internet đang nhanh chóng lan rộng và thực sự làm thay đổi xã hội Việt Nam, mở ra một không gian chưa từng có cho việc tự do trao đổi thông tin và tư tưởng, bao gồm các vấn đề chính trị và nhân quyền.

Trong bối cảnh kiểm duyệt nghiêm ngặt được áp dụng cho mọi hình thức xuất bản truyền thống tại Việt Nam, mạng internet trở thành nguồn chủ chốt cung cấp tin tức và thông tin độc lập để mọi người có thể lên tiếng, bày tỏ ý kiến và tham gia tranh luận chính trị.

Nhưng câu chuyện mạng xã hội tại Việt nam không chỉ là về không gian được mở rộng cho tự do biểu đạt – nó còn là một hình thức kinh doanh lớn. Việt Nam trở thành thị trường đem lại lợi nhuận cao cho các công ty công nghệ quốc tế.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, Việt Nam nay là quốc gia có doanh thu lớn nhất của Facebook và Google tại Đông Nam Á.14 Năm 2018, thu nhập của Facebook từ Việt Nam lên tới gần một tỷ đô la – chiếm gần một phần ba doanh thu từ Đông Nam Á.

Google kiếm được 475 triệu đô la Mỹ từ Việt Nam trong cùng thời gian này, chủ yếu dựa vào quảng cáo trên YouTube.15 Quy mô của những lợi nhuận này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì khả năng tiếp cận thị trường của Facebook và Google tại Việt Nam.

Tuy nhiên ngày càng cần đặt câu hỏi: Liệu tiếp cận thị trường với giá nào?

Mặc dù internet mang đến cơ hội chưa từng có cho người dân Việt Nam để bày tỏ và trao đổi các quan điểm chính trị, nhưng nó cũng khiến người sử dụng internet có nguy cơ bị quấy rối, đe dọa, hành hung và truy tố ngày càng gia tăng bởi các cơ quan nhà nước vốn tìm mọi cách loại bỏ bất đồng chính kiến.

Ngoài tình trạng kiểm duyệt nội dung do các công ty công nghệ thực hiện, báo cáo này cũng cung cấp tài liệu về việc những nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam – cũng như gia đình họ – phải đối mặt với những đe dọa đáng kể tới tự do và an toàn của mình do các hoạt động trên mạng của họ.

Ngày nay Việt Nam là một trong những môi trường bị đàn áp nhất thế giới về phương diện tự do biểu đạt trên mạng. Vào thời điểm công bố báo cáo này, Ân xá Quốc tế nhận thấy có ít nhất 170 tù nhân lương tâm tại Việt Nam, con số cao nhất kể từ khi Ân xá Quốc tế bắt đầu theo dõi về tù nhân lương tâm tại nước này.

Trong số đó 69 người bị bỏ tù trên cơ sở đã thực thi ôn hòa quyền tự do biểu đạt trên mạng của họ (xem Phụ lục A). Trong số 27 tù nhân lương tâm mới bị bỏ tù trong năm 2020, 21 người (78%) là bị buộc tội trên cơ sở biểu đạt trên mạng.

Báo cáo này ghi lại những trải nghiệm của hàng chục nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền Việt Nam, những người hoạt động trong sự đe doạ thường xuyên sẽ bị bắt giữ tuỳ tiện và bị bỏ tù dài hạn chỉ vì bày tỏ ý kiến của mình trên mạng. Việc sử dụng rộng rãi Bộ luật Hình sự để đàn áp những biểu đạt hợp pháp trên mạng nhấn mạnh sự cần thiết của việc các công ty công nghệ quốc tế phải áp dụng các tiêu chuẩn và chính sách kiểm duyệt nội dung có thể áp dụng toàn cầu.

Luật nhân quyền và các tiêu chuẩn quốc tế không chỉ cung cấp thông tin mà còn là cơ sở thực sự cho các chính sách và tiêu chuẩn đó. Cách tiếp cận hiện tại của các công ty công nghệ trong việc kiểm duyệt nội dung trên cơ sở luật pháp địa phương chỉ đơn giản là đang tạo điều kiện cho những đòi hỏi tuỳ tiện và có tính áp chế của các chính phủ để tìm cách đàn áp quyền tự do biểu đạt.

Các bloggers, những người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động khác tại Việt Nam tham gia bày tỏ ý kiến trên mạng không những phải đương đầu với mối đe doạ thường xuyên có thể bị bắt và bị truy tố một cách tuỳ tiện, mà họ còn phải chịu mối đe doạ bị tấn công tàn bạo, bị hăm doạ và theo dõi ngầm,

thân nhân bị quấy nhiễu và bị bắt nạt và ngược đãi trên mạng. Những cách thức ngoài vòng pháp luật này đôi khi được các nhân viên hoặc những người ủng hộ chính quyền Việt Nam hoặc Đảng Cộng sản Việt Nam (CPV) thực hiện, thường là nhân viên mặc thường phục không rõ danh tính. Giải pháp và trách nhiệm giải trình trước những hành vi ngược đãi và đối xử tàn tệ đó rất khó có được, tới mức gần như không tồn tại – những người bảo vệ nhân quyền kêu lên với chính quyền sau khi họ bị đánh đập hoặc sách nhiễu đều hiếm khi được xem xét một cách nghiêm túc.

Về các trường hợp được ghi nhận trong báo cáo này, Ân xá Quốc tế không tìm được bằng chứng về một cuộc điều tra đáng tin cậy nào đã được cảnh sát tiến hành, hay thấy có bất cứ trường hợp nào người bị nghi ngờ chịu trách nhiệm về các vi phạm và lạm dụng các quyền của những người bảo vệ nhân quyền đã bị đưa ra trước pháp luật.

Một số nhà bảo vệ nhân quyền được Ân xá Quốc tế phỏng vấn đã mô tả họ bị cảnh sát đánh đập dã man trong thời gian bị cảnh sát giam giữ. Những người khác cho biết đã bị những người không rõ danh tính, có vũ trang phục kích và bị đánh bất tỉnh ngay trước mặt các nhân viên cảnh sát mà cảnh sát không hề can thiệp. Nhiều người cho biết họ bị thương nặng, như gãy xương sườn, xương đòn và tay.

Báo cáo này còn ghi lại hoạt động của “đội quân không gian mạng” của Việt Nam – được gọi là “Lực lượng 47” – một đơn vị quân đội được thành lập với 10.000 người mà nhiệm vụ của họ là “đấu tranh chống các quan điểm sai trái và thông tin xuyên tạc trên internet” bằng việc sách nhiễm, đe doạ các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền trên các loại hình mạng xã hội.18 Báo cáo còn ghi nhận thêm các hoạt động tương tự của “Dư luận viên”- “những người định hướng dư luận” – đội ngũ chủ yếu gồm các tình nguyện viên hoạt động cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các nhà bảo vệ nhân quyền và các cá nhân bày tỏ quan điểm chỉ trích trên mạng bị các nhóm do nhà nước bảo trợ này đe doạ giết và chửi rủa ác độc khiến một số nhà hoạt động lo sợ cho tính mạng của mình. Họ còn tiến hành các chiến dịch báo cáo phối hợp dẫn tới các tài khoản của những người đang là mục tiêu của họ bị hạn chế về nội dung hay bị tạm khoá. Trong báo cáo này, Ân xá Quốc tế đã ghi lại và phân tích lời kể của hàng chục các nhà hoạt động trên khắp Việt Nam về trải nghiệm của họ khi bị đội quân không gian mạng và các dư luận viên nhắm mục tiêu trong hai năm qua.

Theo ghi nhận của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc: “Tự do quan điểm và tự do biểu đạt là những điều kiện không thể thiếu cho sự phát triển toàn diện của con người. Chúng là tối cần thiết cho bất kỳ xã hội nào… Tự do biểu đạt là điều kiện cần để thực hiện hoá các nguyên tắc minh bạch và trách nhiệm giải trình, mà chính những nguyên tắc này là tối cần thiết cho việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người.”19

Cần có biện pháp khẩn cấp khắc phục tình trạng đàn áp có hệ thống quyền tự do biểu đạt trên mạng tại Việt Nam. Chính quyền Việt Nam phải đảm bảo một môi trường an toàn và tạo điều kiện cho các nhà bảo vệ nhân quyền và tất cả những ai tham gia thực thi ôn hoà các quyền con người, cả trên mạng và ngoài mạng.

Các nhà chức trách phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân lương tâm đang bị giam giữ chỉ vì đã thực thi ôn hoà các quyền con người của họ và bảo vệ các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền cũng như những người bày tỏ quan điểm của mình trên mạng trước tình trạng bị hành hung, đe dọa và bị ngược đãi trên mạng.

Thêm vào đó họ phải tiến hành các cuộc điều tra hiệu quả, minh bạc, độc lập và kỹ lưỡng trước mọi cáo giác về những vi phạm đó và đưa những người chịu trách nhiệm ra trước công lý.

Các công ty công nghệ kể cả Facebook và Google phải khẩn cấp xem xét sửa đổi chính sách kiểm duyệt nội dung của họ để đảm bảo các chính sách này chắc chắn dựa trên các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Các chính sách đổi mới phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, với sự tham gia thực sự của người sử dụng mạng và xã hội dân sự.

Việc cải tổ các chính sách này sẽ cung cấp cho các công ty cơ sở vững chắc khi họ tìm cách cưỡng lại các yêu cầu kiểm duyệt hà khắc của chính quyền Việt Nam và các chính phủ khác trên thế giới.

Chính phủ Hoa Kỳ cũng phải ngay lập tức thực hiện các bước để đề ra các quy định với các công ty công nghệ đặt trụ sở tại quốc gia này nhằm đảm bảo họ tôn trọng nhân quyền trong mọi hoạt động của họ trên toàn cầu, phù hợp với Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về Kinh doanh và Nhân quyền, và đảm bảo rằng các cá nhân đã bị ngược đãi về nhân quyền do hành động của các công ty Hoa Kỳ có thể tiếp cận các biện pháp khắc phục hiệu quả.

Toàn văn báo cáo: https://www.amnesty.org/download/Documents/ASA4132432020VIETNAMESE.pdf

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)