Bỏ quy định “cấp báo Nhân dân cho người bị tạm giam”
Dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam mới nhất do Bộ Công an xây dựng, đưa ra lấy ý kiến góp ý đã bỏ nội dung “trung bình 20 người bị giam, giữ được cấp một số báo Nhân dân”.
Đó là thông tin mà một thành viên ban soạn thảo Luật tạm giữ, tạm giam cung cấp cho phóng viên Dân trí chiều 3/1/2015.
Việc lựa chọn báo Nhân dân cho những người đang bị tạm giữ, tạm giam đọc giải trí đã được thực hiện từ năm 1998, khi Chính phủ ban hành Nghị định 89/1998 về quy chế tạm giữ, tạm giam. Sau hơn 16 năm thực hiện, bản dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam lần đầu được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi cách đây chưa lâu vẫn giữ nguyên quy định này.
Theo đó, tại điều 45 của dự thảo quy định trung bình 20 người bị tạm giữ, tạm giam được cấp một số báo Nhân dân hoặc báo địa phương; thủ trưởng cơ sở giam, giữ tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam nghe Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh hoặc truyền thanh địa phương, đọc báo Nhân dân hoặc báo địa phương. Nếu có điều kiện thì tổ chức cho người bị giam, giữ xem một số chương trình truyền hình Trung ương và địa phương.
Quy định trên gây ra nhiều băn khoăn trong dư luận.
“Ngay khi nghe được phản hồi từ dư luận chúng tôi đã nghiên cứu lại và quyết định điều chỉnh nội dung này. Theo đó, bản dự thảo mới nhất đang lấy ý kiến rộng rãi của người dân và các bộ ngành liên quan chỉ còn quy định về việc cho người tạm giữ, tạm giam đọc “một tờ báo của Trung ương hoặc báo địa phương” mà thôi. Trước đây quy định như vậy là vì báo Nhân dân là tờ báo chính thống, nhưng hiện nay cũng có nhiều tờ báo chính thống mà nội dung giáo dục đều tốt cả nên ban soạn thảo thống nhất chỉ ghi chung là báo Trung ương và báo địa phương. Sau này việc lựa chọn tờ báo nào sẽ do từng trại tạm giam, tạm giữ lựa chọn – vị thành viên ban soạn thảo cho biết.
Theo vị này, tùy vào điều kiện giáo dục cụ thể mà các trại tạm giam, tạm giữ sẽ lựa chọn tờ báo để đạt được mục đích giáo dục tốt nhất. “Ví dụ như cần giáo dục đối với đối tượng phạm tội chưa thành niên thì sử dụng báo nào, cần nâng cao giáo dục về pháp luật thì chọn báo pháp luật chuyên ngành nào, báo chính trị- xã hội thì chọn báo nào cho phù hợp sẽ không thể ghi cụ thể, rõ ràng trong luật này được” – vị này nói.
Thế Kha
Dân Trí
——————————–
* Tựa đề do VNTB đặt