Thục Quyên
Gửi bài cho BBC từ Munich, Đức
Kiến nghị cuối cùng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh với chính phủ Việt Nam không dài một vài trang giấy như những lần trước mà dài ba năm ba tháng.
Nhưng giống như tất cả các kiến nghị trước đây, Thầy không chỉ trích nặng nề, không dùng những từ ngữ và phương cách đối kháng mà có thể làm hài lòng những người Việt Nam chống Cộng kiểu phô diễn, trong khi lại làm tăng nỗi sợ hãi của chính quyền Việt Nam là Thầy có thể muốn lôi kéo người dân lật đổ họ.
Thầy luôn luôn là Thầy, nên Thầy không ngồi ở ngoại quốc hung hăng tuyên bố, mà trao kiến nghị bằng cách trực diện, quang minh chính đại, đi thẳng vào vấn đề và tránh không làm tổn thương người kia, dù trước đó chính mình đã bị người kia làm tổn thương.
Đó là cách duy nhất để đôi bên còn tìm được một con đường giải quyết bế tắc.
Ba năm ba tháng, Thầy đã về Việt Nam để sống những gì mà các kiến nghị/đề nghị của Thầy những năm 2005, 2007, 2010 đưa ra, để làm bằng chứng hòa bình không viển vông, hòa bình có thể có mặt, nếu con người thoát được nỗi sợ hãi, cuồng tín, hận thù, tham vọng và bạo động.
Xin chính phủ thực hiện việc tách rời tôn giáo khỏi chính trị và chính trị khỏi tôn giáo… ngưng lại mọi quản chế của chính quyền trên giáo quyền, giải thể Ban Tôn giáo Chính phủ và trước hết là ngành Công an Tôn giáo. Tất cả các đoàn thể tôn giáo đều được sinh hoạt tự do trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, như bất cứ một hội đoàn văn hóa, thương mại, công nghiệp và xã hội nào.
Ba năm ba tháng Thầy cùng Tăng đoàn Làng Mai sống tại Tổ đình Từ Hiếu, chính quyền không cần phải kiểm soát hay chỉ định phải tu ra sao, Thầy và Tăng đoàn không cần phải bị buộc giữ chức vụ thế tục gì, mà không hề xảy ra bất cứ điều gì “nguy hiểm đến an ninh công cộng” như chính quyền thường lo sợ.
Phật tử tu tập mỗi ngày một đông, học hỏi sống một cuộc sống đạo đức là điều mà chính quyền đang khổ tâm mong mỏi cho đất nước.
Thầy Pháp Ấn (Giáo thọ Làng Mai) đã lên tiếng trong Lễ Trà tỳ của Thầy cám ơn các anh chị công an có mặt đã góp sức giữ buổi lễ trang nghiêm thanh tịnh, một hình ảnh đẹp được chứng minh có thể thực hiện tại Việt Nam, đâu cần phải nghi kỵ, sợ hãi nhau?
Xin cho phép Phật tử Việt Nam tự do thành lập nhiều hội đoàn Phật giáo với những nét đặc thù của mình.
Những hội đoàn này có quyền truyền bá tư tưởng và pháp tu tập của mình ra các nước ngoài (tương tự như phương thức W.T.O trong lãnh vực kinh tế). Các hội đoàn đó có thể bao gồm: Giáo Hội Phật Giáo Nguyên Thỉ, Giáo Hội Phật Giáo Thiền Tông, Giáo Hội Phật Giáo Tịnh độ Tông, Giáo Hội Phật Giáo Khất Sĩ, Giáo Hội Phật Giáo Thiên Thai Giáo Quán Tông, Giáo Hội Phật Giáo Thiền Tịnh Đạo Tràng, Giáo Hội Phật Giáo Sư Sãi Tây Nam Bộ, Giáo Hội Phật Giáo Nam Tông K’mer, Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất, Giáo Hội Đạo Bụt Nhất Quán, Giáo Hội Phật Giáo Hiện Đại Hóa, Gia Đình Phật Tử, Hội Sinh Viên Phật Tử, Hội Học Sinh Phật Tử, Hội các nhà Khoa Học Phật Tử, Hội các nhà Giáo Phật Tử, Hội Y Sĩ Phật Tử, Hội các nhà Văn Phật Tử, Hội Phật Học Nam Việt, Giáo Hội Tăng Già Chỉnh Lý, v.v…
Giáo Hội Phật giáo hiện đại hóa (Làng Mai) với những nét đặc thù Việt Nam đã mang con đường an lạc đến cho biết bao nhiêu người Việt trong nước từ khi Thầy Nhất Hạnh về thăm quê hương năm 2005, nhất là ba năm và ba tháng sau này.
Qua hoạt động của Thầy, Phật giáo Việt Nam còn sáng ngời trong sứ mạng góp sức xây dựng hoà bình thế giới.
Ba năm ba tháng qua đã chứng tỏ sự có mặt của một giáo hội khác bên cạnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam không mang lại đối nghịch mà chỉ làm giàu thêm cho nhau.
Đóa sen Phật giáo Việt Nam có ngàn cánh càng toả hương thơm ngát năm châu bốn bể.
Nhưng bấy nhiêu giáo hội Thầy Nhất Hạnh nêu ra trong kiến nghị, có lẽ vẫn không đủ để hướng dẫn tâm linh, đạo đức cho con số xấp xỉ 100 triệu dân của Việt Nam hiện nay.
Việt Nam cần tất cả những tôn giáo, đạo, niềm tin đã và đang có mặt được hoạt động tự do, nghiêm túc. Một chính phủ mạnh, dựa trên luật pháp công minh thì hà cớ phải lo sợ là “mất an ninh công cộng”, “nguy hiểm cho quốc gia”?
Tất cả những nhóm tôn giáo, đạo, niềm tin hiện nay tại Việt Nam đều không có súng ống, không có chương trình huấn luyện bạo động, mà chỉ có mục đích hướng dẫn con người sống nề nếp, đạo đức, thì mới mong đất nước được thanh bình, thịnh vượng.
Chính sách của nhà nước hiện thời để đối phó với các tệ nạn xã hội như tội phạm, mãi dâm, ma túy, trác táng và tham nhũng là xây dựng những tổ văn hóa, những thôn văn hóa, những khu phố văn hóa, v.v… Cố nhiên nhà nước đang kêu gọi mọi nỗ lực của nhân dân và tăng cường sự kiểm tra và trừng phạt, nhưng những phương tiện pháp trị ấy không đủ để đối trị được tận gốc những tệ nạn kia. Các giáo hội có chương trình đức trị gì cụ thể…?
Tình trạng đạo đức tiếp tục suy đồi thêm kể từ năm 2005 khi Thầy Nhất Hạnh trao kiến nghị cho thủ tướng Phan Văn Khải, cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam nên nắm lấy cơ hội chia sẻ trách nhiệm cho các nhóm tôn giáo, đạo, niềm tin; vực dậy cột sống của dân tộc: một nếp sống bình dị, một xã hội điều hoà bằng tình thương, thông cảm, không phải bằng những bắt bớ, đầy ải, những vụ án oan sai.
Chương trình “Happy teachers change the world” (Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới) của Làng Mai hướng dẫn toàn bộ các trường học và cấp lớp, từ mầm non đến giáo dục đại học, với những kỹ thuật áp dụng dễ dàng trong đời sống hàng ngày của các trường học.
Bắt đầu vững chắc với giáo viên và tất cả những người làm việc với học sinh, phương pháp của Làng Mai nhấn mạnh rằng các nhà giáo dục trước tiên phải chính họ thực hành chánh niệm, vì mọi thứ họ làm trong lớp học sẽ dựa trên nền tảng đó:
Học và dạy đạo đức học truyền thống, đạo đức học toàn cầu và đạo đức học ứng dụng để ngăn ngừa và đối phó các tệ nạn xã hội, bạo hành gia đình, ly dị, tự tử, ma túy, đĩ điếm, tham nhũng và lạm quyền, thành lập các khu phố và khu ấp đạo đức gương mẫu.
Nhà cầm quyền Việt Nam có thể tham khảo với Hội đồng giáo thọ Làng Mai hoặc chính thức nhờ họ phối hợp với các nhóm tôn giáo lớn tại Việt Nam để cùng chung sức củng cố và xây dựng một nền giáo dục vững chãi, nhân bản tại quê hương.
Vì trong Cẩm nang Tâm tang, Thầy Nhất Hạnh đã nói rõ nguyện ước của Thầy, là Thầy về Việt Nam ba năm ba tháng cuối cùng không phải vì Thầy quá nhớ Việt Nam, mà vì Thầy muốn đệ tử của Thầy dù người Việt hay không, dù người tu hay cư sĩ, nhớ nơi đây là chốn Tổ.
Nếu được yêu cầu, hẳn rằng các đệ tử của Thầy phải ưu tiên thời gian và công sức của họ để nắm tay các tôn giáo bạn mà lo cho tiền đồ đất nước.
Ân xá cho những người bị lưu đày và tù tội, trong đó có những người có tội góp ý cho chính quyền, kêu gọi đa nguyên – đa đảng, đa giáo hội, kêu gọi tự do tôn giáo, tự do ngôn luận. Cho phép một số nạn nhân được chuộc tội bằng công tác xã hội dưới sự giám sát, bảo lãnh của các vị xuất gia thuộc các tôn giáo.
Mỗi dân tộc chỉ có một số nhân tài hữu hạn. Đây là một giải pháp tốt và khả thi, không đặt ra câu hỏi đúng sai trong dĩ vãng mà chỉ chú tâm làm sao cho dân tộc Việt Nam không tiếp tục bị “xuất huyết nhân tài”, để có thể xây dựng đi lên và tạo tin tưởng với quốc tế.
Chính phủ Đức đã hiến nhà, hiến đất cho Viện Phật Học Ứng Dụng tại Waldbröl để cầm chân Thầy. Thầy về Việt Nam thì đại sứ Mỹ Kritenbrink vừa nhậm chức cuối năm 2018 đã bay ngay ra Huế cùng với bà tổng lãnh sự Tanowka thăm Thầy.
Và đầu năm 2019 các thượng nghị sĩ Leahy, Murkowski, Stabenow, Whitehouse, Udall, Portman, Baldwin, Hirono và Kaine cũng bay từ Mỹ qua Huế để tỏ lòng luôn luôn gắn bó với Làng Mai.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In là nguyên thủ quốc gia lên tiếng phân ưu rất sớm….
Một vài điểm cho thấy những quốc gia bạn của Việt Nam rất chú trọng đến một Việt Nam tự do nhân bản, xã hội ổn định, để có thể tin tưởng cùng đầu tư xây dựng.
Nhà nước Việt Nam đã bước được bước đầu khó khăn, đã có lòng tin, đã tôn trọng di huấn của Thầy Nhất Hạnh, đã giúp cấp visa cho các học trò lớn của Thầy từ khắp nơi trên thế giới về Huế dự Lễ Tâm tang.
Mong rằng những bước tiếp sẽ đến một cách nhẹ nhàng, tự nhiên cho quê hương cha ông ta để lại có một cơ hội chuyển mình.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một người ủng hộ Tăng đoàn Làng Mai, hiện đang sinh sống ở Munich, CHLB Đức.
1 comment
Ôn hòa thì ôn hòa cho trót . Tại sao người Việt nghe lời Thầy không xin thống nhất với Tây Tạng ? Tây Tạng là đất Tổ của toàn đạo Phật trên thế giới lun