ICTnews
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC
Hiện cộng đồng ICT đang lên tiếng mạnh mẽ về Bộ luật Hình sự mới được Quốc hội khóa 13 thông qua. Có ý kiến cho rằng Điều 292 về “tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” sẽ tạo ra hiệu ứng xin – cho, là miền đất hứa cho nhũng nhiễu và tham nhũng.
Đi ngược lại với quan điểm của Đảng và Nhà nước?
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC cho rằng, việc đưa ra Điều 292 bộ Luật Hình sự 2015, đặc biệt là quy định tại điểm e Khoản 1 của Điều 292 “các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thôngtheo quy định của pháp luật” là đi ngược lại các quan điểm của Đảng và Nhà nước. Ông Nguyễn Trung Chính lý giải, trong khi chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh doanh cho phép doanh nghiệp được kinh doanh những điều pháp luật không cấm và không hình sự hóa các hoạt động kinh doanh bằng việc bãi bỏ điều 159 tội kinh doanh trái phép trong bộ Luật Hình sự năm 1999.
Trong khi 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện không bị hình sự hóa thì việc đưa 5 điểm a,b,c,d,đ, e nhất là điểm e khoản 1 điều 292 sẽ đưa tất 16 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông vào điều 292 của luật hình sự vậy loại kinh doanh này nguy hiểm hơn các điều kiện kinh doanh khác hay không? Tại sao điều 159 bộ Luật Hình sự 1999 đã được bãi bỏ nay chỉ riêng ngành CNTT với 5 điểm lại bị khép vào tội hình sự.
“Đảng có nhiều chủ trương và nghị quyết thúc đẩy ngành CNTT phát triển trong đó có Nghị quyết 36 về khuyến khích phát triển ngành CNTT và Chính phủ có Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến 2020. Trong cuộc gặp gỡ đầu năm của Thủ tướng chính phủ với cộng đồng DN, Thủ tướng chính phủ tuyên bố ủng hộ sự phát triển của doanh nghiệp và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Vậy tại sao lại xây dựng điều 292 này? Có đi ngược với chủ trương của Đảng và Nhà nước hay không?” ông Chính đặt ra câu hỏi.
Hệ lụy như thế nào nếu bộ Luật Hình sự mới được thực thi?
Ông Nguyễn Trung Chính cho rằng trong Điều 292 điều chỉnh hành vi “ Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, viễn thông” sẽ làm hoang mang và nản lòng tất cả cộng đồng doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực Internet vì bị phân biệt đối xử với các ngành kinh doanh khác và luôn luôn lo sợ nhỡ vi phạm thì sẽ bị đi tù, vậy ai còn muốn kinh doanh ngành lĩnh vực này.
Điều này sẽ làm thui chột ý định nghiên cứu thử nghiệm các sản phẩmdịch vụ Internet mới, một trong những đặc điểm quan trọng của nhóm doanh nghiệp này là luôn đi tìm và xây dựng cái mới, vì đơn giản nếu nhỡ làm sai và không xin phép là bị đi tù. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp start-up mà ngay cả với doanh nghiệp đang hoạt động khi nghiên cứu thử nghiệm dịch vụ Internet mới.
Ông Nguyễn Trung Chính phân tích tiếp, ngay trong các điểm được liệt kê a,b,c,d cũng còn gây tranh cãi việc có nên quản lý cấp phép hay không, có loại hình kinh doanh trước đây khuyến khích siết chặt nếu ngày mai lại mở thì có cần sửa đổi điều luật này không (VD kinh doanh vàng mà báo chí đang tranh luận), thì ở điểm e khoản 1 đưa ra khái niệm chung chung vô hình chung trói chặt toàn bộ những gì liên quan đến dịch vụ Internet.
“Khi điều 292 xảy ra có thể nói ảnh hưởng đến toàn bộ các doanh nghiệp CNTT chứ không riêng gì doanh nghiệp vừa và nhỏ hay doanh nghiệp start up, vì ngay Viettel, VNPT, FPT, CMC nếu không xin phép trước cũng không được thực hiện thử nghiệm dịch vụ, ứng dụng trên mạng Internet kể cả miễn phí, với điểm e khoản 1 điều 292 bộ Luật hình sự thì không cẩn thận bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể vướng vòng lao lý nếu không tuân thủ nguyên tắc trước khi làm nhất nhất phải đi xin phép. Điều này sẽ làm doanh nghiệp chùn chân và gây ra tâm lý lo sợ làm gì cũng phải đi xin, tạo ra hiệu ứng xin – cho là miền đất hứa cho nhũng nhiễu và tham nhũng” ông Chính nhận xét.
Vẫn theo ông Nguyễn Trung Chính, với doanh nghiệp cung cấp nội dung trên Internet có quy mô doanh thu hàng tỷ đô la mỗi năm có nguy cơ bị ảnh hưởng hoặc nhà nước không thu được thuế vì các doanh nghiệp sẽ không đăng ký dịch vụ tại Việt Nam mà sẽ chuyển sang các nước có điều kiện thông thoáng hơn.
Như vậy, ngay bản thân doanh nghiệp trong nước thì mất đi cơ hội và nhà nước mất nguồn thu thuế. Ví dụ nhà nước không thu được đồng thuế nào của các công ty game của Trung Quốc, Facebook, Google từ doanh thu dịch vụ quảng cáo của họ… trong khi các doanh nghiệp trong nước làm ăn đàng hoàng đóng thuế đầy đủ không thể cạnh tranh lại được với doanh nghiệp lậu từ nước ngoài. Với Điều 292 nguy cơ các doanh nghiệp trong nước bị các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh ngay trên chính sân nhà vì chính sách không cạnh tranh và tương đồng với các quốc gia khác.
“Trong khi dịch vụ Internet đang trở thành xu thế của thế giới và nhân loại và Internet của vạn vật, vạn vật kết nối qua Internet mở ra cơ hội cho phát triển kinh doanh và tiếp cận với kho tri thức của nhân loại, đem lại những lợi ích vô cùng to lớn cho con người thì Điều 292 đưa ra đi ngược lại xu thế này.
Điều này có thể làm cho Việt Nam mất chỗ đứng trong bản đồ công nghệ thông tin trên thế giới, một lĩnh vực có tiềm năng với đất nước chúng ta khi chỉ cần dựa vào năng lực con người, không cần tài nguyên khoáng sản có thể phát triển đất nước lại bị đối xử như là một nguy cơ lớn cho xã hội” ông Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh.
Bộ luật Hình sự mới được Quốc hội khóa 13 thông qua tại Kỳ họp thứ 10 vào tháng 11/2015, đã được công bố và thời điểm bộ luật này có hiệu lực là từ ngày 1/7/2016. Tuy nhiên, vào ngày 29/6/2016, Quốc hội khóa 13 đã ra Nghị quyết 144 về việc lùi hiệu lực của BLHS năm 2015 và 3 đạo luật liên quan. Theo đó, Quốc hội quyết định lùi hiệu lực thi hành bộ Luật Hình sự 2015 từ 1/7/2016 cho đến khi sửa xong các lỗi trong luật và luật mới có hiệu lực.
Theo Thái Khang
ICTnews