Việt Nam Thời Báo

Di sản Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới bị dự án cáp treo đe dọa

Hang động Sơn Đoòng tại tỉnh Quảng Bình, được phát hiện vào năm 2009, hiện đang giữ kỷ lục hang động lớn nhất thế giới và là điểm tham quan kỳ thú nhất của quần thể Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã được Unesco công nhận là di sản thế giới. Tờ báo New York Times xếp hang Sơn Đoòng đứng thứ 8 trong số 52 địa điểm xứng đáng đến du lịch trên toàn cầu trong năm 2014.

Di sản Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới bị dự án cáp treo đe dọa
Thế nhưng thắng cảnh độc đáo này lại đang bị đe dọa bởi một dự án quy mô của tập đoàn Sun Group : làm tuyến cáp treo dài trên 10 km từ động Phong Nha đến động Sơn Đoòng, vận chuyển 1.000 khách/ giờ ; bên cạnh đó là các tổ hợp khách sạn, sân gôn…
Vườn nhiệt đới Edam trong hang động lớn nhất thế giới
Phó giáo sư tiến sĩ Tạ Hòa Phương, khoa Địa chất, trường đại học Khoa học Tự nhiên ở Hà Nội, chủ tịch Hội Cổ sinh – Địa tầng Việt Nam cho biết, không chỉ kích thước khổng lồ mang lại sự hùng vĩ cho Sơn Đoòng, mà bên trong kỳ quan dưới lòng đất này lại có cả một khu rừng nhiệt đới với trên 200 loài thực vật. Những thạch nhũ to lớn với nhiều hình thù khác nhau, rồi hàng triệu viên ngọc động hình thành từ cacbonat canxi tức đá vôi, những làn sương khói mong manh…khiến khung cảnh bên trong hang Sơn Đoòng trông huyền ảo như là tiên cảnh.
Hiện nay người ta vẫn cho rằng hang Sơn Đoòng là hang lớn nhất thế giới. Đúng là cũng có những hang khác được coi như là « tranh chấp » với nó, nhưng chính thức cho tới nay như tôi được biết, hang Sơn Đoòng giữ kỷ lục lớn nhất thế giới.
Nó lớn như thế nào ? Thực chất cũng không phải do dài nhất, mà lớn về tổng thể tích, và đặc biệt là những khoang rộng nhất của nó. Ví dụ như chiều dài thì chỉ khoảng trên 8 kilômét, nhưng có chỗ cao tới 195 mét, và chiều ngang 150 mét. Kích thước đó là khổng lồ, và người ta cho rằng có thể đưa vào đấy một tòa nhà 50-60 tầng trọn vẹn bên trong vẫn cứ lọt thỏm. Hoặc là tượng Nữ thần Tự Do ở Nữu Ước nếu cho vào đấy vẫn vừa được.
Kích thước lớn sẽ quy định những khoảng không bao la. Người ta có thể quay phim, chụp ảnh và vào đấy ngắm, phóng tầm mắt. Và đặc biệt là nó không phải hoàn toàn tối om, vì rất nhiều chỗ không có ánh sáng vào ; nhưng hang Sơn Đoòng lại là một cái hang mà trong đó có hai chỗ trần bị sụp. Khi sụp trần thì hở ra một khoảng ở trên mà người ta gọi là giếng trời. Cái giếng trời này có độ sâu khoảng 200 mét, nhưng ánh sáng từ trên chiếu rọi xuống, làm phía dưới lòng hang được ánh sáng rọi vào nên cây cối phát triển lên.
Có hai hố sụp. Hố thứ nhất thì cây còn nhỏ, nhưng hố sụp thứ hai thì cây cối rất lớn, tạo thành một rừng nhiệt đới, gọi là vườn Edam. Tên Edam này lấy từ tên gốc của một khu rừng châu Âu. Nhiều người cứ nhầm lẫn, bảo đó là vườn Eden (Địa đàng), nhưng thật ra không phải.
Khu rừng nhiệt đới mà lại hiện diện trong một hang động là điều rất đặc biệt, rất lý thú ! Trong đó hiện nay các nhà sinh vật học thống kê được khoảng trên 200 loài thực vật đã được phát hiện. Tất nhiên còn nhiều loại động vật khác nữa.
Vào trong một hang động mà lại gặp rừng cây thì rất thú vị. Đặc biệt là khi ánh sáng từ trên chiếu xuống, từ một khoảng không gian mênh mông, qua những làn sương khói làm cho phong cảnh cứ như là tiên cảnh. Nó cuốn hút khách du lịch, và nhất là những nhà nhiếp ảnh quốc tế.
Rất nhiều hãng làm phim quốc tế đã vào đây. Như tôi được biết là có ít nhất là năm, sáu hoặc bảy bộ phim điện ảnh quốc tế đã từng quay ở đây. Ở Việt Nam, đài truyền hình trung ương cũng đã tổ chức một chuyến quay phim ở đó, và theo tôi được biết, đấy cũng là một cuốn phim rất đặc sắc, sẽ chiếu vào dịp Tết sắp tới.
Thác thạch nhũ…
Nhà khoa học giải thích thêm về sự hình thành những thạch nhũ muôn hình vạn trạng kỳ vĩ, những « dòng sông ngọc » bên trong hang động Sơn Đoòng.
Ngoài không gian mênh mông, những thành tạo địa chất trong đó cũng lớn. Ví dụ có những cột thạch nhũ cao tới khoảng 80 mét, hoặc nếu là chuông đá thì từ trên ròng xuống gần sát với trần luôn, là những thành tạo khổng lồ. Có những chỗ tạo thành nơi quần tụ của những thạch nhũ. Những quần thể này thường được những người trong hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đặt tên. Vì họ là những người phát hiện ra đầu tiên, nên có quyền đặt tên cho nó. Do đó có những chỗ ví dụ như người ta gọi là Dây Thun, Khủng Long, có chỗ đặt tên là Bàn Tay Chó – thực ra là chân chó, trông giống như những chiếc chân chó giơ lên trời…
Tất cả những cái đó khi chụp ảnh, dưới những ánh đèn hòa sắc nhân tạo, đẹp long lanh tuyệt vời ! Với khoảng cách và những không gian mênh mông, đấy là những bức ảnh mà người ta vẫn cho rằng, ở trong hang động mà có được những không gian như thế thì rất quý hiếm. Đặc biệt là hòa sắc xen với ánh sáng từ trên trời rọi xuống, ở những chỗ có hố sụp thứ nhất hoặc thứ hai đều rất đẹp. Cộng với mặt nước hồ trong đó soi xuống – nhiều khi luồng ánh sáng chiếu xuống mặt nước trông như là ở ngoài trời, như một cánh buồm ánh sáng soi xuống bóng nước long lanh…
…và những « dòng sông ngọc »
Ngoài những cái rất lớn, rất vĩ đại và đặc biệt như thế, trong hang Sơn Đoòng lại còn có những thực thể, hay đúng ra là những thành tạo địa chất rất nhỏ, rất mỏng manh và dễ bị phá hủy.
Ví dụ những cái người ta gọi là ngọc động, thực chất là những thạch nhũ bằng cacbonat canxi, được gắn kết hay đúng hơn là kết tủa xung quanh những nhân kết tinh. Và những nhân kết tinh đó, trong quá trình thành tạo lại được giòng nước chảy qua, cuối cùng là vừa kết tủa vừa lớn lên, xoay tròn, tạo thành những viên giống như hòn bi hay quả trứng…nói chung là có cấu tạo đồng tâm.
Chính vì thế nó tạo nên cả một thế giới của những viên ngọc động trong hang Sơn Đoòng này, nhiều tới mức khó thể biết là bao nhiêu. Cả hàng triệu viên, nằm trong những ngăn, mà những ngăn này cũng làm bằng chất cacbonat canxi, tức là chất đá vôi. Những ngăn đó rất là mỏng mảnh, nhưng cũng tạo thành hàng vạn, hàng triệu ngăn như vậy. Trong những ngăn đó lại đựng những viên ngọc động.
Do vậy mà chúng tôi gọi là những cánh đồng chứa ngọc. Nhiều người còn ví von như những dòng sông ngọc. Đó là những thành tạo ở những nơi khác đôi khi cũng có thể thấy, nhưng thấy một cách riêng lẻ, hoặc ít, hoặc không đẹp. Nhưng trong động Sơn Đoòng thì nó tạo thành một thế giới ngọc động lung linh rất đẹp, dưới góc độ của các nhà quay phim, nhiếp ảnh, người ta làm nên được những bức ảnh về ngọc động trong hang Sơn Đoòng, mà ai cũng muốn được một lần trong đời có thể nhìn thấy nó.
Hoặc những thành tạo được gọi là phitokarst hay biokarst, cũng là những thành tạo do đá vôi hình thành nên, nhưng dưới tác dụng của những loại sinh vật như nấm, tảo…Những nấm, tảo đó, ví dụ như tảo lại cần ánh sáng. Chính những luồng ánh sáng từ những hố sụp – lúc nãy tôi có nói đến hai cái – ánh sáng xuyên vào trong động, tác động của nó làm cho tảo phát triển trên bề mặt của đá vôi.
Và khi tảo phát triển, nó tiết ra một thứ axit có tác dụng ăn mòn đá vôi, nhưng đó là ăn mòn sâu theo hướng đối diện với tia sáng. Có nghĩa là, chỗ nào tia sáng chiếu vào thì nó khoét sâu theo hướng sáng đó, cuối cùng tạo thành những cấu tạo như những bó que. Rất nhiều bó que chĩa thẳng về phía ánh sáng, tạo nên một thứ mà ở ngoài đời không bao giờ có được. Ở Việt Nam tôi chưa thấy ở đâu có phitokart.
Còn một thành tạo kiểu khác là biokarst. Đấy là do những loại nấm hoặc vi khuẩn, cũng sống bám và tạo nên những chất bài tiết trên bề mặt của trầm tích cacbonat, bảo vệ cho trầm tích đó khỏi bị phá hủy. Ở bên trên, những giọt nước có thể chảy xuống, nhưng gặp chỗ nào có những sản phẩm do tảo, nấm tạo nên thì được giữ lại. Còn những chỗ xung quanh thì bị bào mòn theo chiều thẳng đứng xuống, cuối cùng tạo thành những cột.
Những cột đá đó có thể lớn hoặc nhỏ, nhưng tạo thành những quần tụ, nếu nhìn xa trông như một cánh rừng thẳng tắp gồm những cây có khi màu trắng tinh, rất độc đáo ! Những thành tạo này tôi đặt tên là biokarst. Tôi không biết trên thế giới có nơi nào có như thế không, tôi chưa được trông thấy, nhưng ở Việt Nam chắc chắn chưa có ở đâu có cả. Đó là những thành tạo rất nhỏ và rất độc đáo có trong động Sơn Đoòng. Những nơi khác tôi thấy có rất ít và kích thước nhỏ, nhưng trong động Sơn Đoòng này những viên ngọc động cũng rất lớn có viên thậm chí nặng tới một, hai ký.
Có rất nhiều những thành tạo to như thác, gọi là những thác thạch nhũ cao tới 80 mét, thậm chí vượt qua nó là cả một hành trình cực kỳ gian nan. Tôi đã cố gắng vượt qua được bức tường đó. Các nhà Hang động Hoàng gia Anh thì người ta đặt tên nó là Bức tường lớn của Việt Nam (Great Wall of Vietnam). Chính vì thế mà vượt qua nó rồi thì bắt đầu đi sang cửa sau chỉ còn khoảng 200 mét nữa, từ đó bắt đầu đi ra dễ dàng hơn. Nhưng để vượt qua bức tường đó thì không phải là chuyện đơn giản.
Thế giới sinh vật và vật hóa thạch độc đáo
Một điểm độc đáo khác nữa là thế giới sinh vật trong hang Sơn Đoòng. Có nhiều loại sinh vật sống tại đây, chúng có những đặc điểm không giống ở bất cứ nơi nào khác vì phải thích ứng với môi trường. Bên cạnh đó là những chứng nhân của quá khứ : các hóa thạch động vật có xương sống, các quần thể san hô bốn tia màu trắng nổi bật trên nền đá vôi đen 300 triệu năm tuổi…rất thú vị đối với những nhà cổ sinh vật học.
Độc đáo khác nữa là trong động Sơn Đoòng còn có những loại sinh vật rất nhỏ, sống trong bóng tối triền miên, những chỗ không hề có ánh sáng vào bao giờ. Nhưng dưới ánh sáng đèn pin hay ánh sáng dưới mũ những người đi thám hiểm hang động, có thể nhìn thấy những con vật thuộc bộ không cánh hoặc phụ ngành nhiều chân – lớp chân khớp chẳng hạn – bò trên mặt đất. Đất ấy chắc chắn có mùn, và mùn đó là do dòng nước có thể chảy qua, mang từ những nơi khác đến, đưa vào trong hang động. Chính vì có một chút thức ăn gì đó, mà những con vật này có thể sống được trong bóng tối.
Còn có những con nhện hay con gì đó thuộc ngành chân khớp khác nữa, chúng tôi cũng chưa thể biết tên hết được. Hoặc là đối với những động vật có xương sống, thì trong này chúng tôi thấy có một loại cá màu trắng tinh – chỉ dài cỡ vài centimet, bơi trong những hốc nước, sống trong bóng tối triền miên, do vậy mà chúng trắng muốt như cá ngân. Một số động vật như thế chúng tôi có thể thấy được.
Những thứ đó làm nên điều kỳ diệu về sự sống và thành tạo trong hang động. Ngoài ra, về sự sống của quá khứ thì trong này cũng có những hóa thạch, ví dụ như hóa thạch hội biển, hóa thạch san hô bốn tia thì có vô vàn.
Thí dụ xung quanh hố sụp thứ nhất, có một ngách đi sâu vào trong một túi nhỏ. Trên trần và vách của ngách hang đó có rất, rất nhiều hóa thạch san hô bốn tia chi chít xung quanh. Tôi chưa thấy ở đâu bên ngoài đời này chỗ nào có nhiều hóa thạch bốn tia như thế. Không những nhiều mà lại còn to và trông rất rõ ràng, bởi vì nó màu trắng, thể hiện lên trên màu đen của đá vôi có tuổi cacbon cách đây khoảng 300 triệu năm. Có nghĩa là đá vôi mà hình thành nên động Sơn Đoòng khoét sâu trong tầng đá vôi từng được hình thành dưới đáy biển cách đây khoảng 300 triệu năm.
Đấy là một điều rất là kỳ diệu. Vì đi vào trong hang mà lại gặp những quần thể san hô bốn tia hoặc là hội biển nhiều tới mức như vậy thì tôi chưa thấy ở ngoài đời có những quần tụ lớn và nhiều đến như thế. Có nghĩa là những nhà cổ sinh vật học, những người chuyên nghiên cứu về những sinh vật cổ còn di tích lại ở trong tầng đá, thì họ đều có thể đến đấy nghiên cứu, và có thể xác định được giống loài dựa trên những bức ảnh có thể chụp trực tiếp ở đấy. Còn lấy ra thì hơi khó vì trần hang rất cao, kể cả vách hang. Trông như thế nhưng rất rắn, để đục được ra một con hóa thạch thì không đơn giản tí nào. Mà có lẽ cũng không nên đục, nên để đấy thành di tích cho rất nhiều người có thể đến chiêm ngưỡng về sau.
Ngoài ra hóa thạch của động vật có xương sống – đặc biệt là của thú, động vật có vú, thì có một con hóa thạch thuộc bộ có vuốt, có nghĩa là động vật ăn cỏ. Bây giờ cũng chưa thể xác định chính xác đó là con gì, nhưng theo một người bạn của tôi – tiến sĩ Vũ Thế Long, ông bảo rằng con này chắc chắn hoặc là con nai, hoặc là con dê, vì nó không có đầu nhưng hộp sọ bị biến mất. Chính vì thế mà với bộ xương còn lại tương đối nguyên vẹn, ông cho rằng nó không phải động vật ăn thịt như hổ, báo…
Những người địa phương, đặc biệt là ông Hồ Khanh – người phát hiện ra động Sơn Đoòng này đã cho rằng chắc nó là một con hổ. Và nó trấn ở cửa sau của động Sơn Đoòng để bảo vệ vật linh thiêng của hang. Nhưng qua nghiên cứu sơ bộ của chúng tôi, thì nó là động vật ăn cỏ – cũng là một bộ xương dài cỡ trên một mét. Và với tất cả những xương còn giữ lại trên nền thạch nhũ, và cũng tại quả đồi thạch nhũ nho nhỏ đó, có rất nhiều viên ngọc động nằm rải rác chung quanh, tạo nên một phong cảnh rất độc đáo.
Với những người nghiên cứu về khảo cổ học hoặc cổ sinh vật học như chúng tôi thì thấy rất thú vị. Có thể có những du khách không quan tâm lắm, thì cũng là chuyện bình thường. Nhưng trong con mắt nghề nghiệp của chúng tôi, thì đây là một trong những bộ xương hóa thạch của động vật có vú đẹp nhất của Việt Nam.
Tuyến du lịch đẳng cấp quốc tế duy nhất tại Việt Nam
Phó giáo sư tiến sĩ Tạ Hòa Phương nói thêm, chính những cảnh quan tráng lệ, tính đa dạng sinh học của hang động có từ 2 đến 5 triệu năm tuổi này, đã làm say mê nhiều khách quốc tế thích du lịch mạo hiểm. Hang Sơn Đoòng hiện là tuyến du lịch đẳng cấp quốc tế duy nhất tại Việt Nam, tuy giá đắt – một tour đến 3.000 đô la, nhưng thậm chí đã bán hết vé cả trong năm 2015. Nếu xây dựng cáp treo đưa nhiều khách đến, biến thành điểm du lịch đại trà, thì môi trường hoang sơ, dễ bị tổn thương này có nguy cơ bị phá vỡ.
Vì vậy trong năm 2014 này, hãng du lịch Oxalis khai thác du lịch mạo hiểm. Đây là tuyến du lịch mạo hiểm đẳng cấp quốc tế duy nhất của Việt Nam, với cái giá khá cao. Chỉ đi trong vòng 4 đến 6 ngày, giá khoảng 3.000 đô. Đây là một hành trình mà đúng là ở Việt Nam không có nơi nào đặt giá cao như thế nhưng rất nhiều người đăng ký.
Cho tới nay trên 1.000 người đăng ký, và với mức độ của năm 2014 này thì chỉ có khoảng 245 người được vào. Trong năm 2015 chỉ mở ra bán vé trong vài ngày thôi, thì họ cũng đã bán hết vé, khoảng 500. Hiện nay khai thác chỉ ở mức độ như vậy. Nếu khai thác nhiều hơn, có thể sẽ gây ảnh hưởng không tốt đối với môi trường, có thể làm hỏng.
Hiện người ta đang cố gắng làm thế nào giữ được vẻ hoang sơ nguyên vẹn như hàng triệu năm nay nó vốn như thế, không có sự hiện diện của con người. Bây giờ chúng ta đến đấy ồ ạt thì có thể làm cho nó bị phá hủy, từ nhiều nhân tố.
Ví dụ như con người vào thì chắc chắn phải có những hoạt động đi lại, để lại dấu vết, nấu ăn…kể cả hơi thở, mồ hôi, chất thải… đủ mọi thứ đều có thể ảnh hưởng tới môi trường và tác động xấu tới sự hoang sơ vốn có của nó.
Chính vì thế hiện nay rất nhiều người muốn làm sao giữ được, bảo vệ nó, không chỉ cho Quảng Bình, cho Việt Nam mà cho cả thế giới vì rất nhiều người hâm mộ, coi đó là một trong những điểm đến lý thú nhất trên Trái Đất.
Cáp treo Sơn Đoòng, sẽ lại thêm một « việc đã rồi » ???
Ông Nguyễn Văn Mỹ, ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam khi nhắc lại những dự án trước đây, bày tỏ mối quan ngại là công chúng bị đặt trước việc đã rồi. Tuy hoan nghênh các nhà đầu tư, nhưng với tư cách doanh nhân, ông cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm xã hội, đặc biệt là đối với một di sản thế giới.
Thật ra thông tin này tôi biết cách đây hơn nửa năm, và tôi rất lo lắng, bởi vì kinh nghiệm bản thân cho thấy dân người ta đồn là đúng nhiều lắm. Trước đây cáp treo Fansipan cũng nghe đồn, và Ủy ban tỉnh Lào Cai cũng như Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch trấn an là không có gì cả, nhưng đùng một phát, khởi công không cho ai biết, có cả Phó thủ tướng đến dự và kết luận đó là cần thiết ! Mọi người không kịp có ý kiến, tất cả bị đặt trước chuyện đã rồi.
Làn sóng phản đối ghê gớm lắm, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Không chỉ người Việt ở nước ngoài, mà cả những người bạn nước ngoài yêu Việt Nam. Bây giờ chuyện đó đang muốn lặp lại, không chỉ ở Sơn Đoòng mà cả Hạ Long. Điều đáng chú ý là tất cả những dự án này đều của tập đoàn Sun Group hết.
Thường thì làm cáp treo chỉ tốn chừng ba, bốn trăm triệu là tối đa. Nhưng dự án cáp treo ở Fansipan lên tới hơn 8.000 tỉ, tức là gấp 20 lần dự án cáp treo cao cấp. Dự án cáp treo Tây Ninh rất hiện đại mới làm xong chỉ tốn có 208 tỉ thôi, trong khi dự án Sơn Đoòng đến 4.500 tỉ, dự án cáp treo Hạ Long khoảng 6.000 tỉ. Thì phải hiểu một điều : đây là những dự án phức hợp rất lớn, bao gồm cả khách sạn 5 sao, sân gôn và nhiều thứ khác nữa, chứ không chỉ có cáp treo.
Dưới góc độ của người vừa làm quản lý, vừa đi dạy, vừa làm hướng dẫn viên, thì cần khẳng định thế này. Nhiều người thấy tôi phát biểu có vẻ hơi gay gắt thì họ cứ tưởng mình làm khó nhà đầu tư. Thật ra dưới góc độ công dân cũng như góc độ quản lý, bản thân chúng tôi hết sức hoan nghênh khi có bất cứ nhà đầu tư nào từ trong nước hay nước ngoài đến đầu tư. Và dự án hàng ngàn tỉ thì không chỉ có tỉnh mừng mà ngành cũng mừng, vì Nhà nước không đủ khả năng, nhờ những dự án đó mà ngành du lịch có thêm sản phẩm, khách du lịch có thêm nhiều lựa chọn.
Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận những dự án nhắm mắt để đầu tư. Đầu tư mà không quan tâm gì đến lợi ích của cộng đồng, không quan tâm tới môi trường. Tôi cũng làm chủ doanh nghiệp, tôi biết. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng thể hiện trước hết, sản phẩm của mình làm ra không gây tổn hại gì tới môi trường văn hóa, nhân văn cũng như tự nhiên. Thứ hai là việc sản xuất thi công không được làm tổn hại tới môi trường. Thứ ba là phải chăm sóc đời sống cho những người nhân viên của mình, làm sao họ đảm bảo được cuộc sống tối thiểu. Thứ tư là chia sẻ lợi nhuận sau thuế với cộng đồng, thông qua các hoạt động từ thiện.
Sơn Đoòng là di sản thế giới, không thể cứ muốn làm thì làm. Ai ủng hộ việc này ? Đó là các nhà đầu tư và chính quyền địa phương, chứ còn dân thì số ít, hầu hết họ đều phản đối. Tôi nhắc lại, tôi không phản đối các nhà đầu tư, nhưng phản đối những dự án có nguy cơ rất cao đến môi trường sinh thái của cả cộng đồng.
Vì sao cứ phải làm những dự án « hoành tráng » ?
Ông Nguyễn Văn Mỹ đặt dấu hỏi trước những dự án quy mô, trong khi những dịch vụ phục vụ du khách chỉ cần đầu tư ít hơn lại không được quan tâm. Và tại sao một dự án lớn như thế, có thể ảnh hưởng đến một di tích có một không hai, mà các nhà khoa học lại không được tham khảo ý kiến một cách cẩn trọng ?
Có một điều phải ghi nhận là tỉnh Quảng Bình cũng thật thà, cho biết đồng ý cho tiến hành khảo sát. Theo thông tin tôi biết bên lề, thật ra đó là thuật ngữ chuyên môn thôi. Họ đã bằng lòng về mặt chủ trương, chỉ chờ thời điểm phù hợp mới công bố, và làm sao thuyết phục dư luận, thuyết phục lãnh đạo của tỉnh thông qua Hội đồng Nhân dân.
Tôi rất ngạc nhiên khi một đại biểu Quốc hội – nếu tôi nhớ không lầm thì đó là ông Nguyễn Văn Phương phát biểu tại Quốc hội là « cáp treo Sơn Đoòng không thể không làm, vì trời đã cho không làm thì phí ». Một phát biểu hết sức là giản đơn ! Chủ tịch tỉnh Quảng Bình thì khẳng định không ảnh hưởng gì tới hang động cả. Dựa vào đâu mà nói như vậy ? Số liệu đâu, dữ liệu khoa học đâu ? Phải chăng là những lãnh đạo này chỉ dựa vào cam kết miệng của các nhà đầu tư ?
Nhà đầu tư đã mất công gởi một ông giám đốc tập đoàn khu vực Đông Nam Á của Áo đến để khẳng định thế giới có mấy chục cáp treo đi qua di sản, và Trung Quốc có 26 cái trong đó có 22 đi qua di sản. Tôi hoàn toàn nghi ngờ con số này. Cần phải được kiểm chứng cụ thể, chứ không phải nói cho cố. Tôi đi Trung Quốc cũng nhiều rồi, có thể có nhưng mà không nhiều như thế đâu. Và Trung Quốc là một trong những nước vi phạm môi trường nhiều nhất nên không thể lấy Trung Quốc mà « hù » mình được.
Vừa rồi có một ngạc nhiên nữa, là tỉnh lại bảo một dự án to như thế, liên quan tới cả quốc tế, mà ban đầu thì nói đưa cáp treo vào hang Sơn Đoòng, bây giờ thì nói cách Sơn Đoòng 300 mét. Tôi thấy rằng không thuyết phục được người dân chứ đừng nói bản thân chúng tôi. Ví dụ người ta lý luận rằng cáp treo sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm, tôi bảo coi chừng nó lại làm thất nghiệp thêm nhiều người. Vì sao ?
Sơn Đoòng hiện nay là cái hang số một của thế giới. Như vậy khi chọn chỗ đẹp nhất để làm, thì chắc chắn khách sẽ tụ đến đó và những chỗ khác sẽ thất nghiệp. Và ở vùng đó làm sân gôn để làm gì ?
Thay cho dự án như thế, tôi mong làm sao trải nghiệm thử hình ảnh một chiếc tàu đưa khách trên sông Hương. Tàu gỗ, bị nước vào, rồi đời sống khó khăn nên nhiều người lái đò cũng tìm cách gợi ý để khách cho thêm tiền. Hiện nay ở cả Quảng Bình không có chỗ nào ăn uống cho đàng hoàng, khách nội địa còn không tiếp được, làm sao mà dám đưa khách quốc tế đến ? Mà cái chán nhất là nhà vệ sinh. Những việc đó tại sao mình không làm ?
Không cần bỏ tới mấy nghìn tỉ, tôi nghĩ chỉ có mấy trăm tỉ thôi. Nếu thật lòng vì du lịch Quảng Bình, vì người dân, vì cái chung thì tại sao không làm một việc đơn giản trong tầm tay của mình mà lại vẽ ra những dự án như thế. Tôi nghĩ cái này cũng giống như đường cao tốc – cứ đòi làm những chuyện lớn quá sức mình trong khi quản lý rất kém.
Tôi cũng không hiểu đằng sau đó có gì. Có người bảo là rửa tiền, tôi bảo cái đó tôi không biết và cũng không dám kết luận. Tôi chỉ thấy vì những dự án đó ảnh hưởng tới cộng đồng, tới di sản nên tôi quan tâm. Tại sao những dự án thế này lại không hỏi những nhà khoa học – mà phải là khoa học đàng hoàng chứ không phải là khoa học ba phải, những nhà khoa học bàn giấy và đã bị lobby trước. Tại sao không hỏi Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, những người đã từng khám phá và khẳng định về hang Sơn Đoòng ?
Gần đây dư luận đã bắt đầu lên tiếng, cả trên báo chí nhà nước lẫn trên các mạng xã hội. Trong đó, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam hôm 19/11 cũng đã ra tuyên bố cảnh báo trước ý định xây dựng cáp treo, gây nguy hiểm cho di sản thiên nhiên Sơn Đoòng. Tuyên bố nhấn mạnh, dự án này vi phạm Công ước Di sản Thế giới, Công ước quốc tế về du lịch văn hóa, và cả Luật Di sản Văn hóa của Việt Nam năm 2009 ; kiến nghị Unesco có những hành động kiên quyết, đòi hỏi tính minh bạch của dự án trên.
Những người yêu thiên nhiên hy vọng vẻ đẹp nguyên sơ của hang động Sơn Đoòng sẽ được bảo vệ, trước « phong trào » làm cáp treo đã và đang diễn ra tại hàng loạt thắng cảnh của Việt Nam. Và như lời cảnh báo của ông Howard Limbirt, trưởng đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh : Hãy cẩn thận giữ gìn cảnh quan và quần thể sinh vật của di sản độc đáo này, vì chúng rất mong manh, những gì bị phá hủy hôm nay, thì phải mất cả hàng triệu năm sau mới có thể phục hồi lại được.
Nguồn: RFI

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.