Hàn Lam
(VNTB) – Đồng rúp của Nga đã mất khoảng 40% giá trị kể từ đầu năm nay, khiến hàng hóa nhập khẩu vào Nga đắt đỏ hơn.
Số liệu do Cục Thống kê quốc gia Nga (Rosstat) công bố cho thấy lạm phát giá tiêu dùng ở Nga đã tăng nhanh trong nhiều tháng qua và đạt mức cao nhất trong sáu năm vào tháng 2-2022. Theo đó, tỉ lệ lạm phát hằng năm 9,15% do Rosstat ghi nhận ở Nga vào tháng trước đánh dấu lần đầu tiên tỉ lệ này vượt quá 9% kể từ tháng 1-2016.
Trong khi đó, giá lương thực tăng gần 11,5%.
Tỉ lệ lạm phát nói trên cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 4% của Ngân hàng Trung ương Nga. Dữ liệu này chưa tính tới ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây để đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Ảnh hưởng dễ thấy nhất từ thời sự ở trên trong chuyện đồng rúp (ruble) mất giá là hàng hóa nhập về từ Việt Nam được tính giá bằng USD, trong khi bán ở Nga thì chỉ thu được rúp, mà người tiêu dùng Nga đang phải thắt lưng buộc bụng, khiến cho hàng hóa nhập khẩu trở thành xa xỉ, nên đương nhiên không thể nhập được nhiều hàng từ Việt Nam sang nữa.
Về mặt nhập khẩu, khi đồng rúp mất giá thì hàng hóa xuất khẩu của Nga ra thế giới nói chung và vào thị trường Việt Nam nói riêng trở nên rẻ một cách bất ngờ, “chấp” tất cả các loại hàng rào thuế quan bảo hộ mậu dịch mà Việt Nam đã dựng lên với hàng hóa của Nga.
Tuy nhiên nan đề ở đây là các hợp đồng ngoại thương sẽ khả năng ách tắc ở khâu thanh toán khi mà đang có 7 ngân hàng thương mại lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Thật ra thì nan đề với nền kinh tế Việt Nam lúc này là chuyện sẽ rất chật vật trong tiếp tục giao thương cả hai chiều với Nga, bởi ở đây còn có một lý do nữa là việc nhiều hãng tàu biển lớn như Maersk Line, Hapag Lloyd, MSC, Ocean Network Express… thông báo việc ngừng hoặc ý định ngừng khai thác tuyến đường với Nga. Với động thái này, hàng hóa nhập và xuất khẩu vào Nga sẽ bị nghẽn nghiêm trọng, từ đó làm đình trệ cỗ máy kinh tế.
Ghi nhận hiện tại thì những cú đòn liên tiếp đánh vào chuỗi cung ứng đã khiến cho thị trường hàng hóa tiêu dùng của Nga rúng động. Tại các chợ lớn, tiểu thương kinh doanh hoàng hóa nhập khẩu hoặc liên đới nhiều đến nhập khẩu ngập ngừng không dám bán hàng.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nga, ông Lê Trường Sơn cho rằng trước mắt cần tháo gỡ khó khăn về thanh toán do các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Ông cũng cho biết các hãng tàu biển có thị phần lớn ở Nga đã ngừng khai thác tuyến vận tải đến nước này, vì thế hoạt động logistics sẽ bị gián đoạn, tác động mạnh đến các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa và vật tư để sản xuất.
Ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga, nhận định tình hình tại Nga hiện nay sẽ rất khó khăn và lâu dài. Ông đánh giá trong tình hình này, người Việt Nam tại Nga cần hết sức bình tĩnh, để có những phương cách ứng xử phù hợp nhất, khi mà tình hình sở tại chắc chắn sẽ còn diễn biến phức tạp và kéo dài.
Ý kiến lạc quan hơn cho rằng Việt Nam đã học được bài học là không để mình bị lệ thuộc vào một nguồn. Thời gian qua, Việt Nam đã đa dạng hóa, đã phát triển quan hệ thương mại với nhiều nước. Nền kinh tế hiện nay, với các doanh nghiệp Nhà nước lẫn tư nhân đã trưởng thành về nhiều mặt, nên dù có tác động tiêu cực đi chăng nữa thì Việt Nam vẫn có thể chống chọi được.
“Trong khi các mặt hàng xuất khẩu của Nga đứng trước nguy cơ bị nhiều quốc gia cấm vận thì các nhà xuất khẩu thép hàng đầu của Việt Nam có cơ hội gia tăng sản lượng trong thời gian tới. Đặc biệt tại EU, Nga và Ukraine lần lượt là 2 quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ 2 và thứ 4 vào khu vực này trong 11 tháng năm 2021 với khoảng 21% tổng sản lượng.
EU cũng là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ 3 của Việt Nam trong năm 2021, chủ yếu là mặt hàng tôn mạ. Do đó, những doanh nghiệp thép của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ diễn biến này” – nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT.
Trên Sàn giao dịch Moskva, đồng rúp có thời điểm giao dịch ở mức 120,83 rúp đổi 1 USD, trước khi đóng cửa ở mức 120 rúp đổi 1 USD. Vấn đề khác là sự mất giá “ăn theo” của nhiều đồng tiền của những quốc gia lân bang chí cốt và/ hoặc có liên minh, có quan hệ thương mại chặt chẽ với Nga như Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Turkmenistan, Kazakhstan, Armenia, và Belarus.
Đang có hy vọng là với căng thẳng địa chính trị tại Nga sẽ gián tiếp giúp thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam, do nhiều nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch, tìm đến nơi an toàn và Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến tốt.