Người bạn thân thiết của các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) độc lập ở Việt Nam – bà Elenore Kanter, Phó Đại sứ, Tham tán sứ quán Thụy Điển – đã khẳng định như vậy trong cuộc trò chuyện với một nhóm blogger trẻ ở Hà Nội trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình. Và bà có lời nhắn gửi rằng, “XHDS là một thành tố rất quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam”.
Elenore Kanter và các blogger trong chiến dịch 258, tháng 8/2013 |
Một buổi tối giữa tháng 7, vài ngày trước khi bà Elenore Kanter chính thức rời Việt Nam (17/7). Tiếp các blogger trẻ là một người phụ nữ ăn mặc giản dị với một lối nói chuyện cởi mở, chân thành. Hình ảnh đó khác xa với những gì người ta luôn thấy về một chính trị gia. Chính sự thân thiện đó đã giúp xóa tan khoảng cách và làm cho cuộc trao đổi trở nên cởi mở hơn rất nhiều.
Sau gần ba năm ở Việt Nam, bà nhận thấy tình hình xã hội Việt Nam hiện tại như thế nào? Có tự do không?
Tôi nghĩ là tự do là một trong những giá trị căn bản nhất của loài người. Ở Thụy Điển, tự do đối với chúng tôi rất tự nhiên, nó là một cái gì đó hiển nhiên. Nhưng tôi rất buồn khi phải nói rằng quá nhiều quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam bị hạn chế, ví dụ như quyền tự do biểu đạt, quyền được lựa chọn lãnh đạo và đảng phái, quyền được tụ tập, như chúng ta đang ngồi đây chẳng hạn. Các quyền ấy vẫn còn bị hạn chế lắm.
Tuy nhiên, tôi cũng cố gắng để có cái nhìn tổng thể. Tôi đã nói chuyện với nhiều người Thụy Điển ở Việt Nam hồi những năm 70, 80 của thế kỷ trước, họ mô tả cho tôi nghe một Việt Nam khác hẳn bây giờ. Hồi đó, người nước ngoài và người Việt Nam không được tiếp xúc với nhau. Tôi từng nghe những chuyện tình buồn Thụy Điển – Việt Nam; họ yêu nhau mà phải dấm dúi, trốn tránh, trốn công an.
Nếu nhìn một cách tổng thể như tôi thì sẽ thấy Việt Nam đã có một sự phát triển tốt theo hướng tích cực. Ít nhất là tôi và các bạn có thể ngồi đây nói chuyện cởi mở, tuy rằng chủ đề vẫn còn nhạy cảm và nguy hiểm.
Bà có nhận xét gì về phong trào dân chủ Việt Nam?
Tôi muốn nói một chút về XHDS. Tôi đã ở đây gần ba năm, trong ba năm đó, tôi thấy rõ sự phát triển của phong trào XHDS ở Việt Nam. Trước đây, ở Việt Nam có rất ít tổ chức XHDS độc lập. Họ hoạt động ngấm ngầm, kín đáo, không công khai, không minh bạch và không mạnh mẽ. Chúng ta có thể gọi là phong trào dân chủ, nhưng quả thật họ hoạt động rất bí mật.
Điều làm tôi rất ấn tượng là trong ba năm qua, có rất nhiều tổ chức XHDS độc lập được thành lập, như Mạng lưới Bloger Việt Nam, Hội Phụ nữ Nhân quyền, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo, Hội Nhà báo Độc lập v.v. Tôi còn ấn tượng bởi họ có cách tiếp cận minh bạch và công khai. Họ nói rõ họ là ai, họ muốn gì, tại sao họ muốn cái đó.
Và tôi cho đây là một điểm rất tích cực: Họ nhìn vào những công ước quốc tế, những tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết, và họ tuyên bố với chính quyền: “OK, quý vị đã ký rất nhiều, đã nói thế này, đã nói thế kia. Và việc của chúng tôi bây giờ chỉ là làm sao để quý vị thực hiện những điều đó”.
Bạn biết đấy, vai trò quan trọng nhất của XHDS là sự giám sát. Là hoạt động độc lập với nhà nước, luôn luôn đòi hỏi thông tin, yêu cầu giải trình, luôn luôn đặt câu hỏi cho nhà nước.
Vì thế, khi bạn hỏi tôi về dân chủ, tôi lại muốn nói về XHDS. Vì tôi tin rằng XHDS là thành tố chủ chốt của phong trào dân chủ ở Việt Nam, và bởi vì tôi đã chứng kiến những thay đổi rất tích cực của nó.
Elenore Kanter và nhà hoạt động nhân quyền trẻ Phạm Lê Vương Các. |
Theo bà, như vậy, phong trào XHDS ở Việt Nam đang phát triển nhanh hay chậm?
Phong trào XHDS ở Việt Nam phát triển rất nhanh chóng, nhanh hơn nhiều so với hình dung của tôi lúc đầu. Khi tôi mới đến đây mới chỉ có khoảng vài ba tổ chức hoạt động bí mật, mà đến nay đã có đâu đó 20 tổ chức XHDS ở Việt Nam. Tôi biết họ vẫn chưa có nhiều thành viên, nhưng dù sao đó cũng là một sự thay đổi tích cực.
“PHẢI HỌC CÁCH LÀM VIỆC CHUNG”
Theo bà, để có thể phát triển thì các tổ chức XHDS độc lập cần chú ý những gì?
Thứ nhất, chúng ta đều hiểu là mỗi tổ chức XHDS đại diện cho một lợi ích khác nhau. Điều đó là biểu hiện của sự đa nguyên và nó hoàn toàn tự nhiên. Cần phải có nhiều tiếng nói. Do vậy, các tổ chức XHDS cần phải cởi mở, khoan dung, chấp nhận nhau và chấp nhận phần còn lại của xã hội, thu hút và lôi kéo xã hội với một tinh thần xây dựng.
Thứ hai, các tổ chức XHDS cần học cách cùng làm việc cùng nhau, nếu các bạn muốn có một nền dân chủ bền vững. Các bạn phải hợp tác được với nhau bất chấp khác biệt về chính kiến, thành phần dân tộc, tôn giáo, trẻ hay già, sinh viên hay giáo sư, trí thức hay doanh nhân, v.v.
Một điều thú vị mà tôi thấy được ở phong trào bảo vệ cây xanh gần đây là họ thu hút được nhiều giới cùng tham gia. Tôi hiểu là việc hợp tác này không dễ. Rõ ràng là khi bạn suy nghĩ nhiều về một vấn đề nào đó và quyết tâm theo đuổi nó, bạn luôn nghĩ: “Phải làm thế này mới đúng. Phải làm như tôi mới được”. Bạn hiểu về vấn đề đó và dấn sâu vào nó quá, nên bạn không chấp nhận ý kiến của người khác. Nhưng đã là XHDS thì khi làm việc với nhau chúng phải lắng nghe ý kiến khác, phải biết chấp nhận những cái mới, chấp nhận phương pháp mới, chấp nhận mỗi người có một vai trò.
XHDS là một thành tố rất quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Và tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải bình thường hóa mọi chuyện. Không có gì là bất thường cả khi chúng ta công khai đến với nhau và cùng hoạt động vì một mục đích chung. Chúng ta đôi khi có thể đồng ý với chính quyền, đôi khi có thể bất đồng với chính quyền, đó cũng là một điều rất bình thường.
Thành thực mà nói thì, trong phong trào XHDS ở Việt Nam, có những cá nhân theo đuổi lợi ích bản thân nhiều hơn là những giá trị chung như nhân quyền, dân chủ-tự do… Theo bà, từ kinh nghiệm của Thụy Điển, làm thế nào để phong trào XHDS không bị ảnh hưởng xấu bởi những thành phần tiêu cực?
Trong thế giới của XHDS, không có khái niệm “loại trừ”, “loại bỏ” một ai đó. Đồng ý với bạn là phong trào nào cũng có những người tham gia vì lợi ích cá nhân. Thế nhưng đã là XHDS thì mọi người đều phải được tổ chức và dẫn dắt bởi các ví dụ, bởi sự thị phạm. Chính mỗi người hãy làm gương. Hãy là người cởi mở, có thái độ xây dựng. Hãy vươn ra ngoài, hội nhập và kết nối thêm người mới.
Đừng tập trung nghĩ về các cá nhân tiêu cực, mà hãy tập trung vào chính mình, vào công việc của mình. Tóm lại, các bạn hãy thật sự theo đuổi những giá trị mà bạn đang đòi hỏi người khác phải có.
Chúng tôi hiểu điều đó, nhưng đôi khi thật là khó khăn khi hoạt động dân chủ-nhân quyền trong một môi trường đầy ức chế như Việt Nam…
Tôi kể các bạn nghe câu chuyện này. Có lần tôi gặp một nhà hoạt động nhân quyền ở Hà Nội. Anh ấy là cựu tù nhân lương tâm, bây giờ đã tự do rồi nhưng vẫn bị công an theo dõi gắt gao. Hôm trước khi tôi gặp anh ấy, anh ấy vừa bị câu lưu một ngày. Tôi có hỏi về việc đó, và anh ấy bảo: “Không có gì, Elenore ạ, thậm chí còn rất tốt. Tôi đã ở trong đồn 12 tiếng. Vậy là tôi có thể nói chuyện với an ninh suốt 12 tiếng về dân chủ, về nhân quyền, về quyền của chính công an… Và tôi có thể cho họ thấy rằng tôi không phải “thế lực thù địch”. Tôi là một người cha của hai đứa con. Tôi là bác sĩ. Tôi không có gì xa lạ và hoàn toàn phi bạo lực”.
Các bạn biết không, tôi đã rất ấn tượng. Sống dưới áp lực lớn có thể khiến bạn dễ dàng trở thành một người đầy thù hận, bất mãn, cay đắng. Nhưng với nhà hoạt động đó, anh ấy nhìn sự việc theo một hướng khác hẳn, ngược hẳn lại. Anh ấy nghĩ rằng nói chuyện với an ninh là một điều tốt, rằng anh ấy đã có tới 12 tiếng đồng hồ trao đổi với an ninh ở đồn công an.
Tôi biết các bạn ở đây đều cảm thấy mất tự do. Tôi hiểu và tôi hoàn toàn thông cảm. Nhưng tôi nghĩ đã đến lúc bình thường hóa mọi chuyện, từ gặp gỡ đến biểu đạt ý kiến và hoạt động dân chủ-nhân quyền.
Tôi mong các tổ chức XHDS ở Việt Nam sẽ đi từ trạng thái hoạt động “ngầm” đến công khai và độc lập. Hãy xóa bỏ mọi hàm ý tiêu cực khi nói đến XHDS, làm sao để ai tham gia cũng thấy tự hào: “ Tôi tự hào là thành viên của một tổ chức XHDS”.
Tôi thực sự mong muốn như thế, và tôi chúc các bạn sẽ sớm nói rằng “Tôi tự hào là thành viên của khối XHDS độc lập, đấu tranh vì một nước Việt Nam tươi đẹp hơn”.
Cảm ơn bà về cuộc gặp hôm nay. Hy vọng khi trở lại Việt Nam, bà sẽ nhận thấy sự thay đổi của XHDS, trong đó có chúng tôi.
Chân dung bà Elenore Kanter. |
Theo Dân Luận