Việt Nam Thời Báo

Hội nghị 14: Ông Trọng ở hay về?

Khác với vài hội nghị trước, một số tin tức ngoài lề đã cho hay về ngày khai mạc và thời gian diễn biến của Hội nghị trung ương 14 đảng Cộng sản Việt Nam trước khi hội nghị “tối quan trọng” này diễn ra vào ngày 11/1/2016.
Sau Hội nghị trung ương 13, có tin cho biết những nhân vật được Ban chấp hành trung ương viết phiếu thuận nhiều nhất là Trần Đại Quang, Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Xuân Phúc.
Bà Kim Ngân – hiện là Phó chủ tịch quốc hội – xem ra là nhân vật ít biến động nhất. Dường như được lòng của cả hai phe đảng và chính phủ, bà Ngân nhiều khả năng sẽ giữ cương vị chủ tịch quốc hội sau đại hội 12, sau khi ông Nguyễn Sinh Hùng rời cương vị này để đảm trách một chức phận mới: Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Tuy nhiên số phận ông Nguyễn Xuân Phúc là khá chao đảo. Dù được coi là nhận trực tiếp sự ủng hộ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và những người bên đảng, ông Phúc đã phải chịu một số đơn thư tố cáo về tài sản bất minh từ đầu năm 2015 và đặc biệt trong khoảng thời gian từ Hội nghị trung ương 13 đến nay.
Được một số dư luận ngoài lề “cơ cấu” vào vị trí thủ tướng hoặc chủ tịch nước, vị thế của ông Nguyễn Xuân Phúc còn phải phụ thuộc vào sự thắng thế hay không của phe đảng, và việc tổng bí thư tại đại hội 12 là ai.
Trong khi đó, ông Trần Đại Quang được một số dư luận đánh giá là “có mặt nhiều nhất” trong các phương án nhân sự của đảng, tính đến thời điểm này.
Ẩn số còn lại của phương trình là cuộc đấu chủ yếu giữa hai ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng.
Phương án đến lúc này vẫn là ông Trọng xin tái nhiệm với lý do “tổng bí thư phải là người miền Bắc, phải là người có lý luận”, và “muốn bảo vệ sự đoàn kết trong đảng”. Nếu được Ban chấp hành trung ương chuẩn y thì ông Trọng có thể tiếp tục chức vụ tổng bí thư ít nhất nửa nhiệm kỳ tới.
Tuy nhiên, ý đồ trên của ông Trọng đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía ông Dũng và các cộng sự. Những người ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng lên án tính độc đoán của quyết định 244 của đảng, mà đã khiến tính dân chủ trong công tác giới thiệu, đề cử và bầu cử trong đảng bị bóp nghẹt; đồng thời đòi hỏi quyền lực phải thuộc về Ban chấp hành trung ương – địa chỉ mà nhóm ông Nguyễn Tấn Dũng còn giữ được một số ghế – thay vì Bộ chính trị quyết định hoàn toàn các kịch bản nhân sự.
Tình thế ngang ngửa trên đang dẫn đến hai khả năng: hoặc tất cả cùng “ở lại”, hoặc tất cả đều “ra đi”.
Khái niệm “tất cả” trên là dành cho “tứ trụ” cũ, bao gồm các ông Trọng, Sang, Hùng, Dũng.
Nếu tại Hội nghị trung ương 14 xuất hiện nhiều ý kiến phản đối cách thức cơ cấu nhân sự theo lối “dân chủ nhưng phải tập trung” của nhóm ông Nguyễn Phú Trọng. Có khả năng ông Trọng sẽ phải tính đến việc rút lui tại đại hội 12, kéo theo việc những nhân sự được ông “gợi ý” vào chức vụ tổng bí thư như Đinh Thế Huynh, Phạm Quang Nghị cũng có thể “rớt đài”.
Nếu khả năng “tất cả cùng nghỉ”, hoặc chỉ có 1 trong 4 người thuộc “tứ trụ” cũ ở lại, dàn nhân sự “tứ trụ” mới sẽ bao gồm đa số khuôn mặt khác.
Những nhân vật cầu toàn và nổi tiếng có “số may mắn” như ông Nguyễn Thiện Nhân – hiện là Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam – cũng bởi thế sẽ có hy vọng được bất ngờ “nâng lên một tầm cao mới”.
Lê Dung / SBTN

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo