Minh Tâm
(VNTB) – Hòa thượng Thích Không Tánh đã kiến nghị đến ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Nguyễn Hoài Nam, phó Chủ tịch UBND quận 2, yêu cầu nhà cầm quyền tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân và phải bảo vệ các Cơ sở Thờ tự tại bán đảo Thủ Thiêm.
Hòa thượng Thích Không Tánh, thuộc Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, trụ trì Chùa Liên Trì và là thành viên Ban Đại diện Hội đồng Liên tôn Việt Nam, xác nhận: “Cách đây nửa tháng, UBND quận 2, phường An Khánh và các ban ngành đoàn thể có hơn 10 người, họ mời chúng tôi lên làm việc, o ép yêu cầu giải tỏa Chùa Liên Trì và nói rằng tuyệt đối sẽ không có Cơ sở Tôn giáo nào ở Thủ Thiêm. Tất cả đều phải di dời, không có ai được ở lại.”
Chưa được tiếp cận về hồ sơ của việc di dời, giải tỏa Chùa Liên Trì, bài viết này ghi nhận ý kiến của thạc sĩ Tạ Thu Thủy, Viện Khoa học Thanh tra – Thanh tra Chính phủ, về tình hình khiếu nại đất đai liên quan đến tôn giáo (Minh Tâm thực hiện).
Chưa có quy định riêng về giải quyết khiếu nại liên quan tôn giáo
Theo Th.S Tạ Thu Thủy, cho đến nay vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn, hay văn bản quy phạm pháp luật riêng về việc giải quyết các khiếu nại liên quan đến tôn giáo.
Công tác giải quyết khiếu nại liên quan đến tôn giáo được dựa vào các văn bản quy phạm pháp luật về khiếu nại hiện hành, đặc biệt là dựa vào những quy phạm pháp luật và chủ trương chính sách về tôn giáo để giải quyết các khiếu nại liên quan đến tôn giáo.
Cụ thể như: Nghị quyết số 25/NQTW ngày 12-3-2003 của BCHTW Đảng khoá IX; Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo số 21/2004/PL-UBTVQH11 ngày 18-6-2004; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01-3-2005 về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị số 01/CTTg, ngày 04-02-2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành; Chỉ thị số 1940/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31-12-2008 về giải quyết nhà đất liên quan đến tôn giáo và các văn bản quy phạm pháp luật khác của từng lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội khác.
Khiếu nại về nhà đất ngày càng gia tăng
Ghi nhận của Thanh tra Chính phủ, các vụ việc khiếu nại về nhà đất liên quan đến tôn giáo ngày càng gia tăng. Nội dung khiếu nại này tập trung vào các vấn đề chủ yếu như: tranh chấp đất đai, cơ sở thờ tự, cơ sở vật chất có nguồn gốc tôn giáo giữa các tôn giáo với nhân dân, giữa các tôn giáo với Nhà nước, trong đó phần nhiều là những cơ sở và đất đai tôn giáo trước đây đã hiến tặng cho các cơ quan nhà nước mượn hoặc bị trưng thu, trưng dụng (tịch thu, tịch biên không qua phán quyết tòa án); khiếu nại về việc cơ sở thờ tự bị lấn chiếm đề nghị chính quyền giải toả; xây dựng, cải tạo không phép, sai phép tại cơ sở thờ tự hoặc ảnh hưởng đến cảnh quan nơi thờ tự; xin đất, cơ sở thờ tự để xây dựng lại hoặc xây dựng mới,…
Đứng đơn loại khiếu nại này có thể là tổ chức các tôn giáo, tập thể hoặc cá nhân chức sắc các tôn giáo, tập thể hoặc cá nhân tín đồ các tôn giáo, gồm các dạng sau:
Một, đất đã hiến tặng (tự nguyện hoặc không tự nguyện); đất của tôn giáo chính quyền tiếp quản (có văn bản hoặc không có văn bản), tịch thu, trưng thu, qua một số vụ án; đất giải tỏa nghĩa trang của tôn giáo; đất có nguồn gốc tôn giáo hiện do các tổ chức, cá nhân sử dụng được chính quyền cho rằng không hiệu quả, không đúng mục đích hoặc không sử dụng.
Hai, đất tôn giáo bị dân lấn chiếm; chính quyền cấp cơ sở hoặc các tổ chức tôn giáo cơ sở bố trí cho tín đồ tôn giáo của mình vào ở.
Ba, chính quyền thu hồi đất tôn giáo với lý do bị bỏ hoang không sử dụng, không canh tác.
Bốn, đền bù giải tỏa không thỏa đáng đối với tổ chức, cá nhân tôn giáo.
Lỗi của cơ chế?
Th.S Tạ Thu Thủy cho rằng sở dĩ khiếu nại liên quan đến tôn giáo ngày càng gay gắt và phức tạp, xuất phát từ một số nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, nhận thức về quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước và các văn bản pháp luật quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của một số cán bộ ở các cấp, các ngành còn hạn chế, chưa đầy đủ nên khi thực hiện, giải quyết các khiếu nại liên quan đến vấn đề về tôn giáo chưa tạo được sự thống nhất cao từ trên xuống dưới.
Thứ hai, việc các tổ chức tôn giáo kiên trì đòi lại các cơ sở có nguồn gốc liên quan đến tôn giáo, vì tổ chức tôn giáo cho rằng đó là các cơ sở có lịch sử lâu đời, gắn với quá trình phát triển, lịch sử của giáo hội.
Thứ ba, thực tế đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về các cơ sở nhà, đất có nguồn gốc liên quan đến tôn giáo còn có một số khó khăn, bất cập nhất định, cụ thể như: hiện nay, hầu hết tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất có nguồn gốc liên quan đến tôn giáo đều không còn lưu giữ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến cơ sở cũ.
Do đó, khi tổ chức tôn giáo có đơn khiếu nại, kiến nghị xin, đòi lại các cơ sở có nguồn gốc liên quan đến tôn giáo thì chính quyền không có cơ sở để xem xét, giải quyết. Hoặc một số cơ quan, đơn vị được giao sử dụng, quản lý cơ sở nhà, đất có nguồn gốc liên quan đến tôn giáo chưa quan tâm đúng mức đến việc quản lý, sử dụng cơ sở đúng mục đích được giao, nên gây ảnh hưởng đến tình cảm tôn giáo của người có đạo…, vì vậy dẫn đến tình trạng một số tổ chức tôn giáo vẫn kiên trì khiếu nại, xin lại một số cơ sở có nguồn gốc liên quan đến tôn giáo.
Vẫn tiếp tục nóng
Th.S Tạ Thu Thủy nhận định: “Khiếu nại liên quan đến đất đai vẫn tiếp tục tăng lên. Nếu không có chính sách thống nhất và biện pháp giải quyết một cách cơ bản thấu tình, đạt lý thì tình hình khiếu nại liên quan đến đất đai tôn giáo có thể vẫn xảy ra điểm nóng phức tạp”.
Th.S Tạ Thu Thủy đề xuất công tác giải quyết khiếu nại liên quan đến tôn giáo cần tập trung vào các nội dung như sau:
Một là, tìm hiểu rõ vụ việc, phân loại, phân tích nguyên nhân của việc khiếu nại; phải hiểu đầy đủ, tường tận diễn biến của vụ việc, các yếu tố chủ quan, khách quan dẫn đến việc khiếu nại liên quan đến tôn giáo.
Hai là, phải thực hiện đầy đủ đúng đắn chính sách tôn giáo, đối với nhu cầu chính đáng của cá nhân, tổ chức tôn giáo phải quan tâm giải quyết để triệt tiêu một trong những nguyên nhân của việc khiếu nại.
Ba là, có sự phân cấp rõ ràng và phối hợp giữa các cấp, các ngành có liên quan trong việc giải quyết khiếu nại liên quan đến tôn giáo.
Bốn là, chính quyền địa phương tránh ứng xử mang tính kích động. Do tôn giáo là lĩnh vực tâm linh, nhạy cảm, có yếu tố tâm lý, đám đông, do vậy cần khéo léo trong quá trình giải quyết để tránh tạo ra điểm nóng về khiếu nại liên quan đến tôn giáo.