Thiên Điểu
Ảnh minh họa
(VNTB) – Có hay không hàng loạt các báo cáo, giải trình với những chi tiết, số liệu đánh tráo, vòng vo nhằm tung hỏa mù từ Công ty cà phê Đak Nông, đẩy UBND Tỉnh Đak Nông vào thế sai càng sai?
Nhập nhằng chính sách – Số phận người dân lênh đênh
Như bản tin trước đã đưa, việc xảy ra vụ khiến kiện liên quan giữa 300 hộ xã viên với Nông trường Đăk Ngo – Trực thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê Đăk Nông, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam. Mấu chốt vấn đề phát sinh chủ yếu là do vấn đề chuyển đổi từ Hợp đồng Hợp tác sản xuất từ 30 năm xuống 5 năm sau khi Nông trường Đăk Ngo chuyển từ Công ty cà phê 719 sang Công ty TNHH MTV Cà phê Đăk Nông.
Trở lại thời kỳ Nông trường Đak Ngo còn thuộc Công ty 719 (nay là Công ty TNHH MTV cà phê Đăk Nông). Từ trước năm 2000, Công ty 719 đã ký Hợp đồng liên kết sản xuất cà phê tại Nông trường Đăk Ngo, xã Quảng Tín. Theo đó: Hai bên cùng góp vốn đầu tư sản xuất cà phê tại Nông trường Đăk Ngo thuộc Công ty cà phê 719. Tỷ lê góp vốn đầu tư: Nông trường 60% bao gồm: Khảo sát thiết kế, khai hoang, trang thiết bị sản xuất (hồ đập, máy tưới, cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu..) và quản lý. Người lao động (công nhân) là 40% bao gồm: Đầu tư nhà cửa, lán trại, công cụ, dụng cụ sản xuất, công lao động, chăm sóc.v.v. sản phẩm sau thu hoạch theo định mức khoán, người lao động hưởng 40% + 100% sản lượng vượt, Nông trường hưởng 60%.
Về các nghĩa vụ khác: Phía Nông trường chịu trách nhiệm bố trí đất ở, đất canh tác, xây dựng các cơ sở an sinh xã hội như trường, trạm, đường giao thông.. để đảm bảo công nhân sinh hoạt ổn định lâu dài.
(Trích nội dung Hợp đồng và Báo cáo của Giám đốc Công ty cà phê 719 ký ngày 5/1/2000).
Ngày 19/5/2005, Công ty TNHH MTV Cà phê Đak Nông được thành lập theo quyết định số 5471/CT-TCCB/QĐ của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, trên cơ sở sát nhập Nông trường Đức Tín thuộc Công ty cà phê Việt Thắng, Nông trường Đak Ngo thuộc Công ty cà phê 719 vào Công ty vật tư Cà phê Tây Nguyên, đổi tên thành Công ty cà phê Đắc Nông.
Như vậy, mọi tài sản của Nông trường Đak Ngo hiện nay là tài sản hợp thành từ vốn đầu tư nhà nước (Nông trường Đak Ngo) và người lao động trong Nông trường. Công ty cà phê Đak Nông hiện nay, tiếp nhận và chịu trách nhiệm về mọi vấn đề liên quan quyền lợi và nghĩa vụ từ Công ty cà phê 719 trước đây.
Quyết định giao đất số 140/QĐ-UBND của UBND Tỉnh Đak Nông ký ngày 24/1/2008, giao cho Công ty cà phê Đak Nông thuê 7.829.076 m2 đất tại xã Đak Ngo được ghi là ‘’Xét đề nghị của Công ty cà phê Đak Nông tại tờ trình số 173/TTr-CT ngày 26/9/2007 về việc cho thuê đất, thu hồi đất trả về địa phương theo phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh Đak Nông.’’. Riêng việc ra quyết định này của UBND Tỉnh Đak Nông – do ông PCT Tỉnh Đỗ Thế Nhữ ký – đã làm nảy sinh một yếu tố bất hợp lý. Đúng ra UBND Tỉnh Đak Nông phải ra ‘’Quyết định thay đổi pháp nhân trên Giấy CNQSDĐ’’ nếu như trước đây có giao đất cho Công ty 719, nay đổi tên khác thì thay đổi trên GCNQSDĐ. Vì trên phương diện quản lý đất đai, Nông trường Đak Ngo chỉ thay đổi chủ sở hữu về tên gọi từ Công ty cà phê 719 thành Công ty cà phê Đắc Nông chứ không có bất cứ thay đổi nào khác. Hoặc ‘’Quyết định thu hồi đất’’ đối với phần đất canh tác cà phê của 300 hộ dân ở Đak Ngo để giao cho Công ty cà phê Đak Nông nếu như giải thể Công ty 719, trả đất về địa phương rồi mới thành lập Công ty cà phê Đak Nông như nội dung đã đề cập trong Quyết định cho thuê đất đã nói trên. Rõ ràng, Quyết định cho thuê đất số 140/QĐ-UBND cho Công ty Cà phê Đak Nông thuê đất đã bỏ qua quyền lợi của 300 hộ dân tại đây, vốn đã trực tiếp khai thác, canh tác cả chục năm trước đó.
Phải chăng đã có sự mập mờ ngay trong tờ trình của Công ty cà phê Đak Nông và việc sắp xếp lại doanh nghiệp khi chuyển từ Công ty 719 thành Công ty TNHH MTV cà phê Đak Nông, dẫn đến quyết định cho thuê đất trên phần đất do thể nhân khác đứng quyền sử dụng mà không có thu hồi, bồi thường như luật định?
Vận dụng chính sách ngược: Có hay không chiêu trò đổ lỗi cho người dân?
Từ cơ sở quyết định giao đất của UBND Tỉnh, giải trình về việc thay đổi hợp đồng từ 30 năm xuống 5 năm, cả Công ty cà phê Đak Nông và Thanh tra của Tổng công ty cà phê Việt Nam đều nói là áp dụng theo Nghị định 135/2005/CP và Thông tư 102 ngày 13/11/2006 của Bộ Nông nghiệp & PTNT.
Trong khi đó, tại Điểm 3, Điều 17 trong ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH ghi rõ: ‘’Đối với diện tích đã thực hiện giao khoán cho bên nhận khoán thuộc đối tượng nhận khoán tại Khoản 2, điều 2 Nghị định này nếu thực hiện đúng hợp đồng khoán, sử dụng đúng mục đích thì tiếp tục sử dụng đất theo hợp đồng đã ký..’’.
Nhằm chứng minh cơ sở các hộ dân ở đây “không thực hiện đúng hợp đồng” để áp dụng Nghị định 135, Công ty cà phê Đak Nông lấy lý do người dân có hộ nợ sản lượng, trồng xen cây điều trong vườn cà phê…
Thế nhưng, tại báo cáo công bố kết luận kiểm tra của Tổng công ty cà phê Việt Nam ngày 26/5/2014, trang 7, mục 3, nội dung thứ 3 có đoạn viết: ‘’Giai đoạn trồng mới và kiến thiết cơ bản cà phê tại dự án Nông trường Đak Ngo do chưa kịp trồng cây đai rừng và cây che chắn gió nên mức độ xói mòn về mùa mưa, gió về mùa khô ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng vườn cây cà phê. Mặt khác, thời điểm năm 2002-2003 giá cà phê xuống thấp trong khi đó một số diện tích cà phê đầu tư chăm sóc không được tốt nên vườn cây phát triển kém. Vào thời điểm trên Nông trường Đak Ngo thuộc Công ty cà phê 719 đã ứng mua cây điều giống và phân bón (sau đó thu lại tiền) để người dân nhận khoán trồng xen trong một số diện tích cà phê xấu đồng thời khuyến khích người lao động trồng trên diện tích bờ lô để tăng thu nhập. Tuy nhiên một số lao động đã tự ý trồng xen điều trong lô cà phê khác mà Nông trường buông lỏng quản lý, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời’’.
Như vậy, với việc trồng điều, giảm sản lượng dẫn đến nợ sản lượng (chỉ số rất ít trong số 300 hộ bị thiếu nợ sản lượng), rõ ràng lỗi thuộc về ban lãnh đạo Nông trường, và Công ty cà phê Đak Nông (Công ty cà phê 719) không thể lấy lý do đó để đổ lỗi cho dân nhằm áp dụng Nghị định 135 của Chính phủ. Chưa nói xuất phát điểm của Nông trường Đak Ngo là hình thành từ cả một số hộ dân khai hoang lập nghiệp từ trước, trong đó có những vườn cà phê được trồng và thu hoạch trước khi thành lập Nông trường.
Người dân từ những nông dân chân chất, vất vả phải đáo xứ tha phương, tin vào chính sách, tin vào chính quyền đã không ngần ngại từ bỏ đất đai –trường hợp những gia đình khai hoang từ trước – góp vốn vào Nông trường (cho mượn 800kg cà phê nhân), hợp tác đầu tư sản xuất nhằm tìm kiếm cơ hội no cơm ấm áo…, thì nay bỗng dưng bị gạt ra ngoài mọi quyền lợi do chính mình tạo dựng nên.
Việc thay đổi thời hạn Hợp đồng với lý do vận dụng chính sách một cách bừa bãi như vậy đã đẩy cả nghìn con người tại đây đối diện với nguy cơ mất trắng tài sản. Tương lai không biết đi đâu, về đâu bởi gần 20 năm qua họ sinh sống và lao động tại đây nhưng chưa hề có tên trong bất cứ hồ sơ quản lý hành chính nào của địa phương ngoài Nông trường.
Có hay không hàng loạt các báo cáo, giải trình với những chi tiết, số liệu đánh tráo, vòng vo nhằm tung hỏa mù từ Công ty cà phê Đak Nông, đẩy UBND Tỉnh Đak Nông vào thế sai càng sai?
(còn tiếp)
Phần 2: Sống vô gia cư, chết vô địa táng
——————–
Xem lại:
http://www.ijavn.org/2014/12/ak-nong-bat-nguoi-khieu-kien-e-ngan.html