Việt Nam Thời Báo

Mất đúng 1 năm, VN mới chuẩn bị phê chuẩn Công ước chống tra tấn

VNTB: Mất đúng một năm kể từ ngày tham gia vào Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, giới quan chức mẫn cán Việt Nam mới rục rịch chuẩn bị trình ra Quốc hội công đoạn phê chuẩn Công ước chống tra tấn – một văn bản tối quan trọng không chỉ trên thế giới mà đặc biệt tại quốc gia thường xuyên xảy ra cảnh “bỗng dưng treo cổ trong đồn công an” như Việt Nam. 
Dù gì, việc đưa ra Quốc hội văn bản đầu tiên chế tài đối với nạn bức cung, nhục hình và tra tấn ở Việt Nam cũng là một thông tin có phần an ủi trong nột đất nước quá chậm lụt về nhân quyền. 
Cho đến nay, Bộ luật hình sự vẫn chưa có tội danh nào cho “tra tấn”.
Hồi giữa năm nay, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao đã tổ chức triển khai Công ước chống tra tấn. Tuy nhiên, hình thức triển khai chỉ mới là… hội nghị. Còn trong thực tế, vẫn tiếp tục xảy ra những cái chết trong trụ sở công an. Gần đây nhất là quang cảnh hàng trăm người biểu tình quan tài ở Móng Cái. Xà lim giam người treo cổ được cho biết có chiều cao không đủ để thắt dây thòng lọng.

—————————-

Quốc hội báo cáo về việc phê chuẩn 2 Công ước của Liên hợp quốc
(Xây dựng) – Ngày 23/10, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII tiếp tục chương trình làm việc với phần trình bày của Chủ tịch nước về Tờ trình phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; Tờ trình phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Ủy ban thường vụ Quốc hội.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.

Vì lợi ích dành cho người khuyết tật

Theo Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày, Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 13/12/2006, là Công ước quốc tế toàn diện nhất về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. Tính đến 3/2014, trên thế giới đã có 158 quốc gia ký Công ước và 141 quốc gia đã phê chuẩn Công ước này. Trong khối ASEAN, đã có 8 nước phê chuẩn Công ước, 2 nước đã ký Công ước nhưng chưa phê chuẩn là Việt Nam và Brunei. Việt Nam đã ký Công ước Quyền của người khuyết tật vào ngày 22/10/2007. Việc phê chuẩn Công ước này là bước hoàn thành thủ tục để Việt Nam trở thành thành viên Công ước.

Công ước Quyền của người khuyết tật là một điều ước quốc tế về nhân quyền. Công ước xác định các quyền của người khuyết tật và nghĩa vụ của các quốc gia tham gia Công ước nhằm bảo vệ và đẩy mạnh các quyền này. Việc phê chuẩn Công ước vào thời điểm hiện nay của Nhà nước ta là rất quan trọng, nhằm thực hiện đúng cam kết của quốc gia, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền và trao đổi với các nước, các tổ chức quốc tế về nhân quyền. Việc phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật sẽ là một cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật. Đây cũng là một trong những căn cứ pháp lý để Việt Nam khẳng định quan điểm của mình đối với thế giới trong lĩnh vực người khuyết tật nói riêng và nhân quyền nói chung, có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật là điều ước Quốc tế về quyền con người, do đó căn cứ quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam sửa đổi năm 2013, Chủ tịch nước trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Công ước.

Sau phần trình bày của Chủ tịch nước, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.

Trình Quốc hội phê chuẩn Công ước chống tra tấn

Về nội dung làm việc thứ hai, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng, trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Theo báo cáo thẩm tra, Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1984, có hiệu lực thi hành ngày 26/6/1987 và hiện có 155 quốc gia thành viên, 10 quốc gia đã ký nhưng chưa phê chuẩn Công ước, trong đó có Việt Nam. Ngày 18/9/2014, Chủ tịch nước đã có Tờ trình số 03/TTr-CTN đề nghị Quốc hội phê chuẩn Công ước theo quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp năm 2013. Ngày 25/9/2014, Chính phủ đã có Báo cáo số 344/BC-CP báo cáo Quốc hội về việc phê chuẩn Công ước.

Tại phiên họp lần thứ 22 (ngày 15/10/2013), Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ký Công ước chống tra tấn. Trên cơ sở ý kiến đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ngày 7/11/2013, Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã thay mặt nước CHXHCN Việt Nam ký Công ước chống tra tấn tại Trụ sở Liên hợp quốc. Theo quy định tại Hiến pháp năm 2013, Công ước chống tra tấn là điều ước quốc tế về quyền con người nên phải được trình Quốc hội phê chuẩn. Điều 25 Công ước chống tra tấn cũng quy định Công ước phải được phê chuẩn. Như vậy, việc phê chuẩn Công ước là bước hoàn thành thủ tục để Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của Công ước chống tra tấn theo quy định tại Điều 25 của Công ước và theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng: Các nội dung của Công ước chống tra tấn về cơ bản phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013, hệ thống các văn bản pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền con người nói chung và về chống tra tấn nói riêng. Để chuẩn bị cho việc gia nhập Công ước, Bộ Công an đã thành lập Ban nghiên cứu để tổ chức rà soát công phu nhằm đánh giá sự tương thích giữa các quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước chống tra tấn, từ đó đưa ra những đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan.

Cần công nhận chức năng thanh tra của Bảo hiểm xã hội

Cũng trong phiên làm việc sáng nay, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi).

Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tại kỳ họp thứ 7, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Sau kỳ họp Quốc hội, các Đoàn Đại biểu, Đại biểu Quốc hội chuyên trách đã tiếp tục đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng: BHXH Việt Nam là cơ quan nhà nước được giao trách nhiệm đối với trụ cột an sinh xã hội chủ yếu, đó là bảo hiểm xã hội, quản lý quỹ tài chính rất lớn liên quan đến an sinh xã hội của hàng chục triệu người lao động, không phải là đơn vị sự nghiệp chuyên môn thuần túy mà là một tổ chức tài chính, được nhà nước giao chức năng quản lý, sử dụng, đầu tư sinh lời đối với quỹ BHXH và tổ chức cung cấp dịch vụ công. Việc bổ sung chức năng thanh tra đóng BHXH sẽ tạo điều kiện để nâng cao trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm xã hội, khắc phục mạnh mẽ hơn những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật BHXH, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động.

Đóng góp ý kiến tại Hội trường, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng: Tôi rất đồng tình với với chức năng thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, vì việc thanh tra sẽ giảm được phần nợ đọng BHXH hiện nay. Chúng ta phải xác định Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một tổ chức xã hội đặc thù, bởi đây là một doanh nghiệp, nhưng không phải doanh nghiệp vì không quyết định được lương cho cán bộ của mình. Vì vậy tôi rất nhất trí với quyền thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định) cho biết: Tôi đề nghị đưa quy định những người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng BHXH. Thực tế những người hoạt động không chuyên trách của cấp xã hoạt động trong các công việc quan trọng của địa phương, mặt khác họ là những người làm việc cho nhà nước ở cấp xã, được khẳng định chức danh. Ngoài ra những cán bộ cấp xã này chỉ được hưởng phụ cấp 1,86 và không được tăng lương, việc quy định như thế này là bất cập xã hội, gây nên tâm lý chán nản, khiến một lượng lớn cán bộ cấp xã chán nản, không hăng say với công việc. Theo tôi, cách tính BHXH nên quy định một cách linh hoạt, không cứng nhắc theo khung để người đóng BHXH có những mức lựa chọn hình thức đóng bảo hiểm của mình.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng: Về dự án Luật BHXH lần này đã có những điểm thuyết phục, đó là một giải pháp để chúng ta củng cố nội lực. Tôi cho rằng quy định về những đối tượng lao động từ 1 đến 3 tháng đều phải đóng BHXH bắt buộc là một việc đúng và phải được đưa vào quy định. Về khẳng định vị thế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thì phải khẳng định cơ quan BHXH là cơ quan nhà nước, có chức năng thực hiện sự nghiệp công, do vậy chúng ta phải công nhận chức năng quản lý nhà nước của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và hoàn toàn nhất trí với chức năng thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Vũ Chiến
Xây Dựng

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.