Việt Nam nỗ lực tham gia các khu vực thương mại tự do với tính cách hội nhập sâu rộng. Tuy vậy đa số chuyên gia trong nước bày tỏ sự lo ngại lớn lao vì thực trạng nội lực yếu kém sẽ làm nền kinh tế quốc dân bị ảnh hưởng xấu.
Trưởng đoàn đàm phán của đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ bà Barbara Weisel (trái) và ông Trần Quốc Khánh đại diện của Việt Nam tham dự cuộc họp báo chung tại Singapore vào ngày 13 Tháng Ba năm 2013. |
Sức ép cạnh tranh
Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về hội nhập kinh tế thương mại quốc tế, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh được báo chí VN trích lời đã trấn an rằng, sự lo lắng về sức ép cạnh tranh là lo lắng không hợp lý. Ông Khánh đã tuyên bố như vừa nêu tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015 diễn ra ở TP.Vinh vào hạ tuần tháng 4 vừa qua.
TS Lê Đăng Doanh là chuyên gia kinh tế tham dự Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015, ông đã bày tỏ những ý kiến rất khác biệt với quan điểm của ông Trần Quốc Khánh. Từ Hà Nội TS Lê Đăng Doanh nhận định:
Chúng tôi thấy hết sức lo lắng, bởi vì nếu như các hãng nước ngoài như ngươi Thái nắm siêu thị Metro, rồi nhiều công ty khác như Malaysia thì có siêu thị Parkson, người Nhật có siêu thị Aeon và Family ..v..v lúc bấy giờ khi thuế suất hàng hóa nước ngoài vào nước ta sẽ bằng 0, họ sẽ đưa hàng hóa của họ vào siêu thị và sẽ đẩy hàng hóa của chúng ta ra khỏi các siêu thị.
-TS Lê Đăng Doanh
“Chúng tôi thấy hết sức lo lắng, bởi vì nếu như các hãng nước ngoài như ngươi Thái nắm siêu thị Metro, rồi nhiều công ty khác như Malaysia thì có siêu thị Parkson, người Nhật có siêu thị Aeon và Family ..v..v lúc bấy giờ khi thuế suất hàng hóa nước ngoài vào nước ta sẽ bằng 0, họ sẽ đưa hàng hóa của họ vào siêu thị và sẽ đẩy hàng hóa của chúng ta ra khỏi các siêu thị. Và nếu như siêu thị của họ phục vụ tốt hàng hóa lại bán rẻ có chất lượng tốt thì lúc bấy giờ hàng hóa của Việt Nam sẽ không có đất sống và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể tồn tại được. Điều đó sẽ đe dọa với cả nền nông nghiệp Việt Nam, thí dụ trái cây Thái Lan rẻ và ngon, trái mít cũng ngon hơn trái mít của chúng ta, quả nhãn quả xoài cũng ngon hơn. Ngay bây giờ thuế suất chưa về 0 nhưng tôi về đồng bằng Cửu Long đã thấy trái cây Thái Lan khá nhiều, tôi không muốn dùng chữ tràn ngập nhưng đã là khá nhiều rồi…thế thì tôi thấy những điều ấy rất là lo lắng.”
Theo những gì chúng tôi đọc được trên Thời báo Kinh tế Saigon Online, thì có vẻ Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh tin tưởng rằng hội nhập càng sâu thì Việt Nam càng đổi mới nhanh và cá nhân ông cho rằng đổi mới lần thứ 2 đã bắt đầu. Trong khi các chuyên gia ngoài chính phủ đều cho thấy cải cách ở Việt Nam chậm chạp và không hiệu quả thì ông Trần Quốc Khánh vẫn tin tưởng vào tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng. Người giữ trọng trách đàm phán của Chính phủ về hội nhập kinh tế thương mại quốc tế cho rằng chưa có gì thay đổi đột ngột ngay trong năm 2016, dù Việt Nam có cam kết AEC Cộng đồng kinh tế ASEAN. Và nếu TPP Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định thương mại tự do FTA với EU có ký kết được vào tháng 6 này thì vẫn không có gì thay đổi trong năm 2016 vì Việt Nam cũng như các nước đều cần quá trình phê chuẩn của Quốc hội kéo dài từ 12 tới 16 tháng.
Rõ ràng sức ép cạnh tranh khi hội nhập sâu với thế giới là một mối quan ngại sâu xa, tuy vậy Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định cạnh tranh là bản chất của nền kinh tế Việt Nam và nếu doanh nghiệp không cạnh tranh nổi thì phải phá sản.
Nhiều chiến lược chưa thành công
Câu chuyện có vẻ không giản đơn như lời Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, khi mà nhiều Diễn đàn kinh tế do Quốc hội tổ chức đều có chung quan ngại về sự bế tắc trong công cuộc cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế.
Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2015 diễn ra hai ngày 21 và 22 tháng 4 tại thành phố Vinh tỉnh Nghệ An.
Phó Giáo sư TS Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế ở Hà Nội nhận định:
“Trong cạnh tranh vấn đề giá và chất lượng là hàng đầu. Trong bối cảnh hiện nay rất nhiều chiến lược của Việt Nam nói thẳng ra là chưa thành công. Bởi lẽ là những chiến lược đó xây dựng theo tư duy không phải kinh tế thị trường mà phần lớn còn theo tư duy nửa vời của cơ chế cũ, cho nên mới dẫn đến hậu quả như vậy.
Đã hội nhập thì chơi một sân chung mà sân chung thì luật chơi phải thống nhất là chính vì vậy một trong những vấn đề cốt lõi hiện nay là vấn đề đổi mới thể chế, thực chất là đổi mới những luật chơi mà tôi đã nói…luật chơi làm sao phải phù hợp với kinh tế thị trường, phải đảm bảo là có sự cạnh tranh thực sự, cạnh tranh bình đẳng. Nếu mà anh không bảo đảm được điều đó thì coi như anh sẽ thua cuộc; trước mắt 2015 này hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN nếu anh hội nhập mà không theo đúng luật chơi về thị trường, thì chắc chắn anh sẽ bị ra ngoài quỹ đạo, anh sẽ bị thua….”
Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên ban tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ hiện sống và làm việc ở Hà Nội cũng bày tỏ sự quan tâm của mình khi trả lời chúng tôi. Bà nói:
“Tôi cũng có mối lo ngại như vậy, không phải chỉ những cam kết sâu và mạnh như TPP hoặc là FTA với EU không thôi, mà ngay sự việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN. Các doanh nghiệp Việt Nam cho đến nay có vẻ thiếu sự chuẩn bị cần thiết cho nên rất có thể họ sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra khu vực RCEP cũng đang được bàn thảo và hình thành giữa 10 nước ASEAN và 6 nước ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ cũng sẽ đặt sức ép cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiệp. Muộn thì là muộn nhưng không bao giờ là quá muộn, nếu như có thể khẩn trương lên để mà thúc đẩy giải quyết việc chuẩn bị. Ở đây phải chuẩn bị cả hai mặt, một mặt là của Nhà nước phải chuẩn bị môi trường kinh doanh đến các vấn đề pháp lý và việc tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước phát triển. Một mặt khác là bản thân các doanh nghiệp phải tăng tốc lên để chuẩn bị cho chính mình.”
Trong cạnh tranh vấn đề giá và chất lượng là hàng đầu. Trong bối cảnh hiện nay rất nhiều chiến lược của Việt Nam nói thẳng ra là chưa thành công. Bởi lẽ là những chiến lược đó xây dựng theo tư duy không phải kinh tế thị trường mà phần lớn còn theo tư duy nửa vời của cơ chế cũ, cho nên mới dẫn đến hậu quả như vậy.
-PGS Ngô Trí Long
Tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015, chuyên gia Võ Đại Lược được SaigonTimes Online dẫn lời cho rằng, Việt Nam đã ký 8 Hiệp định thương mại tự do FTA và đang trong quá trình đàm phán 6 Hiệp định nữa. Nói như thế có nghĩa kinh tế Việt Nam đối diện cạnh tranh toàn cầu. Theo lời ông, Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh cả về thể chế quốc gia trong khi thể chế của Việt Nam là bất cập so với nhiều nước khác. Ông Võ Đại Lược đưa ví dụ, lãi suất cho vay ở Việt Nam từ 9 tới 10% trong khi ở các nước từ 2 tới 3% thì làm sao doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh được. Vị chuyên gia nhấn mạnh khu vực đầu tư nước ngoài thống lĩnh gần 70% tổng giá trị xuất khẩu và cũng gần 70% giá trị sản xuất công nghiệp. Theo lời ông Võ Đại Lược doanh nghiệp nội địa yếu quá, chẳng có gì và nếu mọi người không nhận thức đầy đủ thì sẽ gặp thách thức rất lớn.
Liệu có là quá trễ khi mà cả nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều thời gian. TS Lê Đăng Doanh nhận định:
“Theo tôi bây giờ vẫn còn thời gian nhưng mà phải nhanh chóng và khẩn trương lên rất nhiều. Bởi vì vấn đề các doanh nghiệp của chúng ta phần lớn là quá nhỏ. Hiện nay thì khu vực kinh tế tư nhân những doanh nghiệp có đăng ký tức là hoạt động hợp pháp chỉ chiếm khoảng 12% GDP thôi, còn nền kinh tế hộ gia đình thì chiếm đến 32%. Kinh tế hộ gia đình thì quá bé không có tiền vốn cho nên họ không có năng lực cạnh tranh gì cả. Cho nên nếu Việt Nam cạnh tranh quốc tế mà lại cạnh tranh với các hộ gia đình quá nhỏ thì điều ấy là một nguy cơ quá lớn. Tôi có báo động rằng phải liên kết các doanh nghiệp lại, phải tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp nhận được sự đầu tư từ ngân hàng và liên kết các ngân hàng với doanh nghiệp để cho các doanh nghiệp và người nông dân có thể lớn mạnh lên và có thể có một qui mô có năng lực cạnh tranh và vận dụng tốt hơn khoa học công nghệ.”
Việt Nam đã có cuộc đổi mới lần thứ nhất cuối thập niên 1980 đạt được một số tiến bộ, nhưng thể chế chính trị không cho phép việc thực hiện một nền kinh tế thị trường thực sự. Do vậy nhu cầu cho cuộc đổi mới lần thứ hai là rất lớn, khi sân chơi hội nhập rộng lớn hơn rất nhiều.
Một câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng, liệu việc hội nhập sâu và nhanh trong thời gian tới sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế hay không? Dù rằng Việt Nam vẫn khẳng định đường lối kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khi mà chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đã khẳng định làm gì có mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đó mà đi tìm và theo đuổi.
Theo Nam Nguyên | RFA