Giá xăng dầu vừa về dưới 20.000 đồng/lít chưa được bao lâu. Vừa tạm yên lòng, thì người dân cả nước lại thót tim trước thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chuẩn bị tăng giá điện từ 1.508,85 đồng/kWh lên 1.652,19 đồng/kWh (gần 10%), bắt đầu từ quý 1/2015
Lý do tăng giá điện lần này được EVN lý giải là để thu thêm được khoảng 700 tỷ đồng, và dự kiến số tiền đó sẽ được sử dụng vào mấy việc sau: Dành 166,52 tỷ thanh toán chi phí bổ sung môi trường rừng các năm 2011; 2012 của các nhà máy điện có công suất dưới 30 MW. Dành 267,4 tỷ thực hiện đề án lắp đặt tụ bù, giảm tổn thất điện năng. Số còn lại là hạch toán được một phần chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn.
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, EVN còn kiến nghị phân bổ một phần lỗ chênh lệch tỷ giá còn tồn đến 31/12/2013 là 8.811 tỷ đồng vào chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2015. Và điều quan trọng hơn, theo cơ quan này, là việc tăng giá điện sẽ kích thích, thu hút đầu tư, tăng nguồn cung điện và phát triển thị trường điện lực cạnh tranh.
Ở các nước khác, khi khách có nhu cầu dùng điện, bên bán điện sẽ kéo dây, lắp công tơ tận nhà mà không tính tiền. Còn ở ta thì ngược lại. Muốn dùng điện, người dùng phải bỏ tiền làm đường dây, phải mua công tơ và chỉ những công tơ do ngành điện bán mới được coi có giá trị.
Có nơi, hàng ngàn người dân đã mua phải công tơ rởm, khiến chỉ số điện tăng vọt. Không ít địa phương, cứ vài ba năm người ta lại tìm lý do phải thay công tơ, bắt dân mua công tơ mới. Và tất nhiên, những công tơ đó vẫn là do ngành điện bán.
Có những bất công và ngược đời đó, phải chăng do ngành điện lắm “sáng kiến”. Nào mua điện của Trung Quốc giá cao. Rồi thì đầu tư ra ngoài ngành gây lỗ nặng. Xây dựng những “biệt thự công vụ”, nhưng thực chất là những biệt thự cao cấp cho người ở, có giá trị đến sáu, bảy trăm tỷ đồng…
Tất cả những khoản lỗ đó đều được đổ lên đầu người dân. Tăng giá điện để lấy tiền “lắp tụ bù, giảm tổn thất điện năng”? EVN giảm được tổn thất điện năng, nhưng túi của người tiêu dùng lại bị tổn thất.
Việc tiếp nhận lưới điện nông thôn về cho ngành điện quản lý rất đơn giản. Nhưng vì sao phải dùng tới gần 300 tỷ đồng, chỉ để “hạch toán được một phần chi phí tiếp nhận”?
Rồi khoản lỗ tỷ giá tồn từ năm 2013. Tới đây, nếu được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh điện theo đề xuất của EVN, thì giá điện năm 2015 sẽ còn tiếp tục lên nữa chứ không dừng lại ở mức dự kiến tăng gần 10% vào quý 1/2015.
Còn việc tăng giá điện, nghĩa là móc thêm túi người dân, để kích thích, thu hút đầu tư, tăng nguồn cung điện, thì quả thật lại tiếp tục một “sáng kiến” của ngành điện. “Sáng kiến” này xứng đáng được “nhân rộng” ra để tất cả các ngành kinh tế chủ chốt của nước ta học tập.
Muốn thu hút đầu tư, chỉ cần tăng giá vô tội vạ những gì mình sản xuất được. Và người dân, xin hãy ráng chịu, để năm, sáu chục năm hay một trăm năm nữa, khi ngành điện thu hút được thật nhiều nguồn đầu tư rồi, thì sẽ được giảm giá.
Vũ Hữu Sự
(Nông Nghiệp)