Việt Nam Thời Báo

Nguyễn Bá Thanh, cốt cách và số phận

Viết từ Sài gòn
Với người dân Đà Nẵng nói riêng, và với người dân miền Trung, thậm chí người dân Việt Nam nói chung, Nguyễn Bá Thanh là một nhân vật chính trị khá đặc biệt. Tính đặc biệt này nằm trong nhiều khía cạnh nhưng rõ nét nhất vẫn là cốt cách và số phận của ông. Dù nói gì, đứng trên chính kiến nào thì Nguyễn Bá Thanh cũng là một lãnh đạo thành phố có cốt cách hơn người và là nhà chính trị có số phận khá hẩm hiu, trên mọi nghĩa.
Sở dĩ nói ông có cốt cách đặc biệt, có lẽ cũng nên nhắc đến người cha của ông, tức ông Nguyễn Bá Tùng, một trong những công thần khai quốc của Việt Minh, sau này là công thần của đảng Cộng sản tại miền Trung. Nguyễn Bá Tùng là một trí thức, có phong cách điềm đạm, dáng người quắc thước (ông Thanh không bằng cha ở điểm này). Sau biến cố 1975, không hiểu sao ông Tùng lại lui về ở ẩn khá sớm trên núi Túy Loan để làm vườn, chăm sóc con cái. Ông Thanh là thành quả nuôi dạy con của ông Tùng.
Có lẽ vì sống ở nơi hoang vắng, núi rừng, gần với thiên nhiên nên cốt cách ông Thanh rất khác người với cá tính mạnh mẽ, quyết đoán và hành xử đôi khi rất bản năng, nói là làm, gần với khí cốt của giới giang hồ hơn là giới lãnh đạo chính trị. Ngay từ thời làm chủ nhiệm nông trường Quyết Thắng, thay vì trồng thơm để cải thiện đời sống, ông xem việc này là việc của kẻ “trí ngu”, tại sao sống ngay trên mảnh đất có nhiều quặng vàng mà không khai thác, đãi lấy vàng, cứ đào lên lại lấp xuống? Ông Thanh âm thầm cho đàn em khai thác vàng ở đây.
Kết quả là năm nào nông trường Quyết Thắng cũng đóng thuế đầy đủ, công nhân mập mạp, có rượu bia để uống và có nhà để ở. Đương nhiên việc ông làm là cái gai trong mắt của nhiều lãnh đạo bảo thủ, trong đó có chú ruột của ông là Nguyễn Bá Lấn (em ruột ông Nguyễn Bá Tùng), hễ cứ đi đâu, gặp ai hỏi về ông Thanh thì ông Lấn đều chê “thằng đó hí hố…”.
Khi lên làm chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, ông gặp cũng không ít mũi dùi (trận chiến với trung tá công an Trần Văn Thanh là cú đánh vỗ mặt đầu tiên Nguyễn Bá Thanh nghênh chiến với thế lực ẩn nấp sau lưng ông Trần Văn Thanh). Đó cũng là cái giá của một con người quen sống với cá tính và dám làm dám chịu khi đương đầu với một hệ thống (dù là cấp thành phố) vốn quen chạy theo lối mòn.
Và sau vụ này, ông Thanh tiếp tục xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành hòn ngọc miền Trung. Thiết nghĩ, chuyện này không cần bàn thêm nữa. Vấn đề là với cá tính như vậy, ông Thanh sẽ làm được gì? Đương nhiên, đứng đầu một thành phố, đứng mũi chịu sào, ông Thanh sẽ làm được rất nhiều việc vì ông là người quyết đoán, quyết liệt và dám làm dám chịu. Thành phố Đà Nẵng như đang thấy là thành quả của tố chất này.
Nhưng, cá tính này chỉ hợp với vị trí lãnh đạo, đứng đầu, nếu cấp thành phố thì đương nhiên ở hàng Thị trưởng, Chủ tịch… Nếu ở cấp trung ương, cũng không nằm ngoài vị trí ông ta phải đứng đầu, tư duy của ông ta sẽ làm mất lòng không ít người, tham vọng của ông ta sẽ làm thay đổi nhiều thứ và làm tổn thương cũng không ít nhưng thành tựu của ông ta thì chắc chắn không nhỏ chút nào, nếu không muốn nói là rất lớn.
Rất tiếc là chức danh Trưởng Ban Nội chính trung ương chỉ là cái chức danh có chức mà không có vị, có quyền mà không có lực. Chính vì thế, ông Thanh mau chóng trở thành con bù nhìn khó ưa ở Hà Nội. Mặc dù cố gắng cựa quậy, bứt thoát để làm một điều gì đó tốt đẹp hơn cho đảng Cộng sản nhưng có vẻ như ông càng cố gắng, càng nỗ lực thì càng có nhiều kẻ thù.
Và dĩ nhiên là kẻ thù của ông thừa sức để biết rằng ông chỉ hô mây gọi gió khi ông đứng ở vị trí thủ lĩnh, nếu ông đứng ở vị trí lính lác, cá tính của ông sẽ hại ông. Nhất là lúc ông làm việc ở Hà Nội, giữa một bộ sậu đa tính cách, khác biệt về văn hóa bản địa, ông càng dễ bị “chiếu tướng”. Hơn hết, chẳng ai muốn một con người cá tính mạnh như Nguyễn Bá Thanh lên ngồi ghế lãnh đạo để chỉ huy, điều hành mình. Chính vì thế, con đường hoạn lộ của Nguyễn Bá Thanh trở nên hẩm hiu khi ông ra Hà Nội.
Ngay tại quê nhà của ông, cũng lắm kẻ muốn chơi lại ông cho bõ ghét bởi trước đây, khi làm lãnh đạo, ông từng đe nẹt họ nhiều lần. Và những kẻ từng là đàn em thân tín của ông mau chóng trởi thành đàn em của những kẻ có nguy cơ thành đối thủ, thậm chí thù địch với ông.
Có thể nói, Tết năm 2013 – 2014 là cái Tết buồn nhất của gia đình Nguyễn Bá Thanh tại Đà Nẵng. Nếu như khi ông còn làm việc tại Đà Nẵng, Tết đến, người ta xum xoe, bợ đỡ ông bao nhiêu thì khi ông ra Hà Nội, người là ghẻ lạnh với ông bấy nhiêu. Nguyên một cái Tết, chỉ có lèo tèo vài bằng hữu đến thăm gia đình ông, khác với con số vài trăm người vào ra chúc tụng thời ông làm “vua Đà Nẵng”.
Và khi ông Thanh ra Hà Nội nhậm chức cũng là lúc ông rơi vào tình trạng cô thế trên mọi nghĩa, số phận chính trị rất hẩm hiu của ông ngày càng rõ nét. Cho đến thời điểm bây giờ, khi những thông tin về bệnh nhân Nguyễn Bá Thanh đang chuẩn bị lên máy bay cứu thương để bay về quê (mà chưa chắc đã được bay về nhà!) chẳng khác nào vết thương cuối cùng của một chiến binh trước khi anh ta ngã quị, giã từ sự sống!
Có thể trong cuộc đời làm chính trị của mình, ông Nguyễn Bá Thanh từng phạm không ít sai lầm, như vụ Giáo Xứ Cồn Dầu chẳng hạn! Nhưng công tâm mà nói, khi vứt bỏ mọi biên kiến về đảng phái, chủ nghĩa, thì Nguyễn Bá Thanh là một con người có cốt cách và tính khí đặc biệt, sự hiện hữu của ông rất cần thiết cho Việt Nam, cho một dân tộc vốn chìm đắm quá lâu trong sợ hãi và lạc hậu!
Rất tiếc, khí cốt chỉ là chuyện tính cách con người nhưng hệ thống anh theo đuổi lại quyết định số phận của anh và cả những con người, rất nhiều người chịu sự chi phối của anh! Nguyễn Bá Thanh, đến thời điểm này, chỉ biết nói một câu: Tiếc cho ông, số phận ông thật là hẩm hiu!
Viết từ Sài gòn

(Blog RFA)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo