“Nhân dân tệ hóa Việt Nam”: Âm mưu trói buộc mới



Ái Nghĩa
(VNTB) – Với sự chiếm lĩnh đồng RMB tại Việt Nam, Trung Quốc có thể thoải mái tìm cách gắn nhãn sản phẩm nước mình trong giao dịch chính ngạch, ở các mức độ/ cấp độ/ chủng loại sản phẩm hàng hóa khác nhau. Đây cũng là cách thức khiến Trung Quốc vừa bành trướng được kinh tế thương mại, vừa thải công nghệ cũ của mình.
Hiệp hội DN Trung Quốc tại Việt Nam, Ngân hàng Công Thương Trung Quốc vừa có kiến nghị gửi một số cơ quan chức năng ở Việt Nam đề nghị cho phép mở rộng phạm vi giao dịch đồng Nhân dân tệ (RMB).

Lý do cho kiến nghị này là chính phủ Trung Quốc đang muốn quốc tế hóa RMB. Bên cạnh đó, nhu cầu giao dịch thanh toán bằng RMB tại Việt Nam là rất lớn và đang phát triển không ngừng theo chiều tăng trưởng thương mại Việt – Trung.

Đồng thời, hai đơn vị đưa ra kiến nghị trên cho rằng: “Nếu đồng tiền thanh toán thương mại từ đồng USD… được thay thế bằng RMB, đây chỉ là sự thay thế về đồng tiền thanh toán mà không ảnh hưởng gì đến tình hình xuất siêu hay nhập siêu”.
Kẻ trói buộc mới

Về tổng thể, nền kinh tế Việt Nam hiện nay là hết sức nhỏ bé trước Trung Quốc, và luôn phải chịu sức ép ngày một lớn, theo chiều hướng bất lợi cho nước ta (nhập siêu). Báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác năm 2015 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 31/12 cho biết, Việt Nam vẫn phải nhập siêu lớn từ Trung Quốc với kim ngạch ước tính lên tới 28,9 tỷ USD, tăng 21,8% so với năm trước, hầu hết các hàng tiêu dùng, máy móc, trang thiết bị…

Dù nhập siêu, nhưng một trong những lý do chính khiến cho RMB tác động một cách hạn chế lên nền kinh tế Việt Nam chính là “phạm vi sử dụng còn rất hẹp, với giá trị hạn chế (đồng RMB chưa chuyển đổi hoàn toàn)”.

Tuy nhiên, trong khi xu hướng sắp tới của RMB là tăng (do sự đẩy mạnh của chính quyền Trung Quốc tích cực cho vay để thúc đẩy RMB), thì Việt Nam lại hướng đến nội địa hóa ngành công nghiệp, dẫn đến việc đẩy mạnh nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghiệp và nguyên phụ liệu… Do đó, dùng RMB tuy giúp cho doanh nghiệp và tiểu thương bớt hao phí phần chuyển đổi, nhưng ngược lại, đến một biên độ vừa đủ, RMB sẽ “trói buộc” nền kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc.

Cụ thể, nếu một doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc và nhập khẩu máy móc công nghệ từ các nước phát triển để phục vụ cho chế biến nông sản (đảm bảo các yêu cầu thị trường khắt khe) thì việc giao dịch bằng đồng USD có thể tiến hành nhập khẩu bất kỳ máy móc – công nghệ từ bất kỳ quốc gia nào, và bản thân sản phẩm cũng đủ đáp ứng nhiều loại thị trường khác nhau. Thế nhưng, nếu chấp nhận thanh toán bằng đồng RMB thì nhu cầu thị trường sẽ dẫn đến sự mặc nhiên của RMB trong thanh khoản giao dịch, và dù muốn hay không, thì doanh nghiệp và phía ngân hàng buộc phải tích trữ. Đến một thời điểm, RMB sẽ trở thành đồng ngoại tệ giao dịch chính, lúc này sẽ hạn chế hoàn toàn khả năng đa dạng hóa tìm kiếm máy móc, thiết bị bên ngoài, chưa kể sản phẩm không còn đáp ứng một số thị trường vốn đã khắt khe trước đó như EU, Nhật Bản… Trong khi, với sự chiếm lĩnh đồng RMB tại Việt Nam, Trung Quốc có thể thoải mái tìm cách gắn nhãn sản phẩm nước mình trong giao dịch chính ngạch, ở các mức độ/ cấp độ/ chủng loại sản phẩm hàng hóa khác nhau. Đây cũng là cách thức khiến Trung Quốc vừa bành trướng được kinh tế thương mại, vừa thải công nghệ cũ của mình.

Vương quốc Nhân dân tệ

Dù RMB được giao dịch càng nhiều, nhưng nó mới chỉ xảy ra ở mức song phương trực tiếp. Và hầu hết các quốc gia chấp nhận trao đổi ngang RMB đều là những quốc gia không có tuyến giáp biên, và như thế, mọi giao dịch đều phải thông qua ngân hàng, điều này hàm ý kiểm soát về ngoại tệ. Việt Nam lại ngược lại, chẳng những giáp biên mà giao dịch RMB qua đường tiểu ngạch bấy lâu nay hầu như mất kiểm soát giao dịch… Và một trong số đó là vùng Lạng Sơn (nơi tiếp giáp biên giới Trung Quốc) đang “thoải mái” sử dụng RMB, biến cả khu vực nơi đây trở thành “Vương quốc Nhân dân tệ”.

Sự mất kiểm soát ở tiểu ngạch khiến nguy cơ “RMB hóa” ở chính ngạch không phải là không có. Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm cũng từng nhấn mạnh sự nghiêm trọng của vấn đề này: “Đồng tiền ấy mạnh lên, mình phụ thuộc vào nó, phụ thuộc vào tỷ giá, tỷ lệ phát hành.., nhất là ta đang nhập siêu lớn như thế này. Ngoại tệ vào nhiều, ta không chủ động được. Kiểm soát bình thường đã khó, có thiểu phát, lạm phát thì càng bị động hơn”.

Trung Quốc, một đất nước với tăng trưởng nóng thường cho thấy sự thuận lợi trước mắt và những cái hại về lâu dài, cho nên rất có ít các quốc gia mặn mà với việc tăng cường giao dịch bằng đồng RMB hay vay bằng RMB. Ngay cả Nga –  một nước với nền tài chính đối diện với cuộc khủng hoảng trầm trọng, và nước này chịu hai tầng sức ép lớn từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và tình trạng giá dầu thế giới không ngừng suy giảm, thì việc Trung Quốc liên tục “gạ gẫm” Nga tăng cường sử dụng RMB trong giao dịch cũng không ngoài mục đích – trói buộc Nga vào thị trường Trung Quốc nhưng đáp lại sự nhiệt tình đó, là thái độ hờ hững.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)