- Chiến dịch vận động toàn khu vực và toàn cầu
Ngày 3 tháng 10, 2020
Ngay trước cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 24 giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, 3 dân biểu Hoa Kỳ viết thư yêu cầu Ngoại Trưởng Mike Pompeo kêu gọi Việt Nam trả tự do do Ông Nguyễn Bắc Truyển, tín đồ Phật Giáo Hoa Hảo và luật gia nhân quyền, và tất cả tù nhân lương tâm.
“Việc trả tự do cho Nguyễn Bắc Truyển sẽ là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá sự cải thiện nhân quyền ở Việt Nam và chứng tỏ chính phủ Việt Nam cam kết cải thiện các quyền tự do cá nhân trong phạm vi biên cương của họ.”
Trong số 3 vị dân biểu đồng tác giả, có 2 người đã bảo trợ Ông Truyển trong “Đề Án Bảo Vệ Tự Do” của Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos của Hạ Viện Hoa Kỳ: Bà Zoe Lofgren và Ông Harley Rouda. Người thứ ba ký tên là Dân Biểu Alan Lowenthal. Cả 3 đều thuộc Đảng Dân Chủ và ở California.
Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) cho biết gần đây họ liên lạc nhiều lần với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về hồ sơ của Ông Truyển. Phó Chủ Tịch của Uỷ Hội này, nữ Luật Sư Anurima Bhargava, bảo trợ Ông Truyển trong chương trình tù nhân lương tâm tôn giáo của Uỷ Hội.
Ngày 28 tháng 9, 40 tổ chức nhân quyền và 30 cá nhân ký tên chung bức thư gửi Ngoại Trưởng Pompeo để yêu cầu Hoa Kỳ nêu vấn đề tự do cho Ông Truyển tại buổi đối thoại sắp đến. Bức thư này thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các thành viên của mạng lưới toàn cầu cho tự do tôn giáo hay niềm tin.
“Tháng 3 năm 2016, Ông Nguyễn Bắc Truyển đồng sáng lập Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam và là điều phối viên của bàn tròn này cho đến ngày bị bắt và đi tù,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết.
Theo Ts. Thắng, bàn tròn đa tôn giáo là một diễn đàn thường trực nhằm tạo mạng lưới hợp tác và tương trợ rộng rãi giữa mọi nhóm tôn giáo và không tôn giáo cho tự do tôn giáo hay niềm tin.
“Đây là một mô hình mới,” Ts. Thắng giải thích. “Năm 2016 chỉ có 3 bàn tròn đa tôn giáo: Hoa Kỳ, Liên Âu và Việt Nam.”
Đến nay đã có 30 bàn tròn đa tôn giáo được hình thành trên thế giới và đang có nỗ lực để phối hợp hành động giữa các bàn tròn này với nhau, tạo nên “mạng lưới của các mạng lưới”.
Như một thể hiện của sự liên kết toàn cầu này, ngày 30 tháng 7, 68 nghị sĩ thuộc 25 quốc gia đã ký thư chung gửi Thủ Tướng Việt Nam, kêu gọi trả tự do cho Ông Truyển và nhấn mạnh là Việt Nam đang là Chủ Tịch luân phiên khối ASEAN, cho nên cần “thể hiện sự lãnh đạo gương mẫu trong khu vực.”
Bức thư này do mạng lưới các nghị sĩ cho tự do tôn giáo hay niềm tin (Inter-Parliamentarian Platform for Freedom of Religion or Belief, IPP/FORB) và tổ chức Các Nghị Sĩ ASEAN Cho Nhân Quyền (ASEAN Parliamentarians for Human Rights, APHR) cùng khởi xướng. APHR còn sản xuất một video để đánh động quần chúng ở trong khu vực ASEAN về trường hợp của Ông Truyển.
Hiện nay, nhiều thành viên của mạng lưới toàn cầu này đang chia nhau vận động các quốc gia Anh, Đức, Na Uy, Hoà Lan và khối Liên Âu cùng lên tiếng với Hoa Kỳ để vận động tư do cho Ông Truyển.
Song song, Ts. Thắng cho biết Ông cu~ng kêu gọi liên minh các quốc gia cho tự do tôn giáo và niềm tin, do Hoa Kỳ khởi xướng và hiện có 31 quốc gia tham gia, góp tiếng nói. Ts. Thắng ở trong hội đồng tư vấn không chính thức cho liên minh các quốc gia này.
“Chúng tôi tin rằng trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được thông điệp từ nhiều chính quyền và cả khối xã hội dân sự trong khu vực và trên thế giới về trường hợp của Ông Truyển,” Ts. Thắng cho biết.
________________
Các thông tin liên quan:
– Thư của 3 dân biểu Hoa Kỳ, ngày 2 tháng 10, 2020: https://dvov.org/wp-content/ uploads/2020/10/10022020- pompeo-VN-US-Human-Rights- Dialogue.pdf
– Thư của các nghị sĩ quốc tế, ngày 30 tháng 7, 2020: https://dvov.org/wp-content/ uploads/2020/10/IPPFORB- advocacy-letter-re.-Nguyen- Bac-Truyen.pdf
– Video của APHR: https://www.facebook.com/ aseanmp/videos/ 317817286261054/ UzpfSTQyMzk5MzIzMTAzNzc5NzoyNz A2Mzk5MzUyNzk3MTYy/
– Thư chung của các tổ chức xã hội dân sự Hoa Kỳ và quốc tế: https://dvov.org/wp-content/ uploads/2020/10/BPSOS-Joint- letter-calling-for-release-of- PoC-Nguyen-Bac-Truyen-09-28- 2020.pdf