“Tất cả các khoản trả nợ gốc và lãi đang bào mòn ngân sách với tốc độ rất lớn. Đây là hệ quả của việc sau một thời gian dài liên tục đi vay một cách tràn lan, xong đầu tư không đem lại hiệu quả”.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh
Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Đoàn TP. Hải Phòng) nói khi thảo luận về kết quả kinh tế xã hội 5 năm 2011 – 2016.
Phát biểu trước Quốc hội, ông Vinh bày tỏ lo lắng trước vấn đề nợ công và bội chi ngân sách của nước ta trong những năm trở lại đây. Theo vị đại biểu này, nợ công đã ở mức báo động cao.
“Sự tích lũy nợ công tăng chóng mặt những năm gần đây, cho thấy sự liên quan lớn giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức nợ công của Chính phủ. Trung bình mỗi năm tổng số nợ công tăng thêm 2%/GDP, tăng 4% trong năm 2015.
Tất cả các khoản trả nợ gốc và lãi đang bào mòn ngân sách với tốc độ rất lớn. Đây là hệ quả của việc sau một thời gian dài liên tục đi vay một cách tràn lan, xong đầu tư không đem lại hiệu quả”, ông Vinh cho biết.
Để kìm hãm tốc độc phi mã của nợ công hiện nay, đại biểu Vinh đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn vay của các địa phương và các dự án lớn. Cải thiện cơ chế chính sách nhằm giải phóng tiềm lực kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và thu hút vốn nhàn rỗi trong nhân dân, thay đổi cơ cấu nợ công, xây dựng một cơ chế quản lý nợ công hiệu quả hơn.
Thứ hai, về tình hình bội chi ngân sách, ông Vinh cho hay Báo cáo của Chính phủ năm 2016 thừa nhận tình hình bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu 4,5% GDP. Bên cạnh những vấn đề như lãng phí đầu tư công, rút ruột công trình và nợ công không được xử lý ổn thỏa.
“Về lâu dài, tình trạng ngân sách cạn kiệt và việc chi tiêu không được quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng cho tình hình kinh tế tài chính của Việt Nam. Khi nguồn thu không đủ chi sẽ dẫn đến bội năm này, qua năm khác không kìm hãm được sẽ không có tiền để trả nợ mà còn phải tiếp tục vay để trả nợ cũ”.
Theo ông Vinh, điều này minh chứng quản lý ngân sách nhà nước đang có vấn đề. Ngân sách không có tiền để đầu tư là điều rất nguy hiểm. Do vậy, ông Vinh đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng trên trong nhiệm kỳ tới.
Ngoài vấn đề nợ công, bội chi ngân sách, ông Vinh cũng đặc biệt quan tâm đến những bất cập khi áp dụng ưu đãi đầu tư FDI.
Bên cạnh những tích cực do nguồn vốn FDI mang lại cho nền kinh tế nước ta, như thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đặc biệt là những ngành có thế mạnh về xuất khẩu thì việc ưu đãi đầu tư quá nhiều cho các dự án FDI đã khiến cho các doanh nghiệp trong nước bị chèn ép, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu công nghiệp và dịch vụ.
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng chưa thực sự hiệu quả. Việc tiếp cận nguồn vốn giãn, hoãn, khoanh nợ thuế, điều chỉnh lãi suất, xử lý nợ xấu hàng tồn kho cung cấp không thông tin, điều kiện tiếp cận thị trường v.v… chỉ có tác dụng đối với doanh nghiệp làm ăn có lãi, còn các doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ thì không có tác dụng.
Để nền kinh tế có bước tăng trưởng bền vững, ông Vinh đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng các dự án FDI, chỉ nên đầu tư thu hút nguồn vốn này vào những ngành, lĩnh vực ta còn thiếu và yếu thay thế thu hút đầu tư FDI một cách tràn lan, thiếu định hướng, nội lực yếu kém của nền kinh tế, chỉ ra sự mất cân bằng giữa các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Theo Bizlive