N.M.H
(VNTB) – Ông Nguyễn Minh Triết, lúc chuyển về làm Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã ví von: “Một người đạp ga 3, 4 người đạp thắng thì làm sao chạy tới được”. (*)
[ads_custom_box title=”” color_border=”#052be8″]
Lời tòa soạn: Tác giả bài viết này có học vị tiến sĩ, là một phó giáo sư. Trước nhận định của ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM, rằng “tỷ lệ ngân sách hiện nay được trung ương điều tiết cho TP.HCM là 18%, và đây là tỷ lệ thấp nhất thế giới”, tác giả N.M.H đã có bài viết nhắc lại một nguyên lý rất cũ kỹ: Muốn có trái ngon, ngọt phải biết vun trồng cái cây.
[/ads_custom_box]
Nhà đông anh em, anh cả chị lớn một là nghỉ học phụ cha, đỡ mẹ việc nhà, việc kiếm tiền lo cho các em hoặc may ra được học tiếp lên đại học, phải xa quê lên phố tìm kiến thức, phải vất vả vừa học vừa làm giảm gánh nặng phí cơm áo, ăn ở, học hành…
Rồi ra trường đi làm, có lương, phần lo cho bản thân trên phố phần gửi về quê phụ cha mẹ lo cho các em… Em út ở quê ngoan, bố mẹ biết chắt chiu từng đồng tiền mồ hôi nước mắt của con trên phố vất vả để có thì quý lắm… Bằng ngược lại, em út ham chơi hơn làm, bố mẹ dưới quê hứng chí, xây cổng nhà to đùng, thuê thợ đến đắp cái tượng to tổ bố làm cảnh, dù căn nhà bên trong thì ọp ẹp cần phải tu sửa hơn… Thì chắc chắn, trên phố anh chị sẽ buồn hơn, bức xúc hơn…
Trên đây là cảnh nhà khá phổ biến mà chúng ta rất dễ nhận ra trong xã hội này, nhìn rộng hơn nó chính là “cảnh nhà Sài Gòn”…
Trung bình 1 ngày Sài Gòn thu được từ các khoản cho ngân sách 1.200 – 1.500 tỷ đồng, tương đương với thu ngân sách 1 năm của tỉnh Cao Bằng (1.600 tỷ đồng), gấp đôi ngân sách thu được 1 năm của tỉnh Bắc Kạn (678 tỷ đồng)….
Tính chi ly, số thu của TP.HCM năm 2019 cao gấp 1,5 lần so với dự toán thu ngân sách của Hà Nội, gấp 6,2 lần so với Hải Phòng, gấp 14,58 lần so với Đà Nẵng và gấp 35,47 lần so với Cần Thơ.
Cách nay vài năm, chuyện Sài Gòn nộp cho Trung ương nhiều nhất nước, trong khi nhận phần phân chia lại, gọi là điều tiết, giảm dần và bây giờ thấp nhất toàn quốc, được coi là thông tin nội bộ… Sài Gòn đứng đầu về nộp và cũng đứng cuối về nhận, Sài Gòn luôn phải đứng ở 2 đầu cực, nên chuyện nó luôn bị kéo căng không thể tránh khỏi…
Một số người ở các bộ ban ngành bên trên nói rằng, phần điều tiết cho TP.HCM có giảm, nhưng xem ra sức chịu đựng của thành phố này vẫn còn tốt, vẫn còn khai thác được nữa…
Đúng là có chuyện đó, nhưng để làm được như thế cả lãnh đạo lẫn dân chúng phải gồng mình, nhón chân hết ngày này qua ngày khác (mà có ai nhón chân mãi được đâu). Nhiều vị lãnh đạo thành phố mất ăn mất ngủ, tóc bạc nhanh, cả ban lãnh đạo thành phố họp thâu đêm suốt sáng, bàn mưu tính kế làm như thế nào thu đủ được ngân sách, làm thế nào xoay ra tiền cho dự án này, công trình kia, trong khi các sở nghĩ cách làm thế nào để thu thêm phí này, lệ kia…
Trong khi sức dân, niềm tin, ý chí cũng có hạn, có phải vô cùng tận đâu. Thực ra người dân thành phố không tiếc công sức làm ra của cải để tăng ngân sách quốc gia. Nhưng cái họ tiếc là công sức khi một phần trong số tiền lớn ấy được đầu tư vào những chuyện không đâu, vào những dự án hàng ngàn tỷ đồng thua lỗ như phân bón, phân đạm, thép, xơ sợi, bột giấy.
Làm sao vui được khi “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” để làm đồng tiền nhưng lại bị tiêu phung phí, không mang lại chút hiệu quả nào. TP.HCM không có tiền để nối đường vành đai cho kín, các cao tốc đói vốn nhiều năm, trong khi ở một vài tỉnh phía cực Bắc, có những cao tốc thênh thang 8 làn xe mà cả tiếng mới thấy có vài xe qua lại. Đau lòng lắm chứ.
Người dân thành phố không đòi hỏi sự ưu tiên, không đòi hỏi được cho thêm, chỉ cần được đối xử công bằng, được nhận phần của mình làm ra một cách hợp lý, không cao hơn và cũng không thấp hơn các tỉnh thành khác.
Quy luật sơ đẳng của kinh tế và các lĩnh vực khác là “Muốn có trái ngon, ngọt phải biết vun trồng cái cây”. Không cách nào khác.
_____________________
Chú thích:
(*) https://www.sggp.org.vn/loi-giai-cho-tang-truong-ben-vung-125546.html