VNTB – Bà Hồ Thị Kim Thoa đã biến mất

VNTB – Bà Hồ Thị Kim Thoa đã biến mất

Nguyễn Nam

(VNTB) – Tin tức trên báo chí về khởi tố và cho tại ngoại hậu tra với ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa. Tuy nhiên ít ai biết rằng trên thực tế bà Hồ Thị Kim Thoa đã bóng tăm chim cá từ lâu rồi.

Bà Hồ Thị Kim Thoa đã có quỹ thời gian quá dư dã cho tất toán mọi sai lầm, kể cả việc ‘biến mất’ khỏi Việt Nam.

Trở ngược thời gian. Từ ngày 25 đến 27-7-2017, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) Trần Quốc Vượng đã chủ trì kỳ họp thứ 16 của cơ quan này. Tại kỳ họp này, UBKTTW đã xem xét, thi hành kỷ luật bà Hồ Thị Kim Thoa, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương.

Cụ thể, UBKTTW đã xem xét các vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (từ 1-2004 đến 5-2010) như đã kết luận tại Kỳ họp thứ 15 của UBKTTW.

“UBKTTW nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa là nghiêm trọng. Căn cứ Quy định số 181 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKTTW quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với bà Hồ Thị Kim Thoa. Căn cứ Quy định số 260 của Bộ Chính trị, UBKTTW kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm các chức vụ hiện nay của bà Hồ Thị Kim Thoa” – kết luận của UBKTTW được báo chí đăng tải công khai, cho biết như vậy.

Đến ngày 29-8-2017, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về việc bà Hồ Thị Kim Thoa nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội kể từ ngày 1-9-2017. Trước đó ít hôm, vào ngày 16-8-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa. Và sau khi có quyết định của Thủ tướng, bà Hồ Thị Kim Thoa đã đi một nước cờ là vào ngày 28-7-2017, bà có đơn xin nghỉ việc vì “lý do cá nhân”.

Một nguồn tin khả tín cho biết, ngay sau lá đơn xin nghỉ việc đó, bà Hồ Thị Kim Thoa đã rời Việt Nam, và định cư ở châu Âu. Bà Hồ Thị Kim Thoa cũng đã kịp sang nhượng toàn bộ số cổ phần đứng tên sở hữu ở công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (DQC).

Hai người con gái của bà Thoa là Nguyễn Thái Nga và Nguyễn Thái Quỳnh Lê đều học hành từ Mỹ và trở về Việt Nam, nắm giữ tổng cộng 6,35 triệu cổ phiếu DQC, chiếm tỷ lệ 23,06% vốn điều lệ công ty. Ngoài ra, theo dữ liệu tính đến ngày 31-12-2019, mẹ của bà Thoa là bà Trần Thị Xuân Mỹ cũng đang sở hữu 1,22 triệu cổ phiếu DQC, tỷ lệ 4,43%.

Hai em trai của bà Thoa là ông Hồ Quỳnh Hưng, và ông Hồ Đức Lam đang lần lượt sở hữu 2,51 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 9,14%) và 1,65 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 6,01%) Bóng đèn Điện Quang. Cháu ruột của bà Thoa là ông Hồ Đức Dũng (con trai ông Hồ Đức Lam) cũng đang nắm giữ 4,9% cổ phần của Điện Quang.

Phân tích dưới giác độ quản lý nhà nước, một trong những nguyên nhân đưa đến sai phạm hình sự của bà Hồ Thị Kim Thoa là việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bổ nhiệm bà Thoa giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương vào ngày 12-5-2010, lúc đó bà Thoa vẫn đang sở hữu số lượng lớn cổ phiếu DQC.

Thời điểm đó, với quyết định bổ nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, đã có hàng loạt thắc mắc đặt ra, song tất cả đều không nhận được phản hồi từ chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng. Đó là những vấn đề cụ thể như sau:

Thứ nhất, khi ở vị trí thứ trưởng Bộ Công thương, mặc dù sở hữu lượng lớn cổ phần tại Công ty Điện Quang nhưng tại sao bà Thoa vẫn được Bộ Công thương phân công quản lý chính lĩnh vực có liên quan đến công ty này?

Việc một cán bộ nhà nước và người nhà sở hữu lượng lớn cổ phần tại doanh nghiệp, nhưng lại đồng thời nắm vai trò quản lý lĩnh vực liên quan sẽ có nguy cơ tạo nên đặc quyền, đặc lợi cho doanh nghiệp trên thị trường. Như vậy, có thể sẽ tạo ra sự thiếu minh bạch và thiếu công bằng với doanh nghiệp khác trên thị trường.  Do đó, với trường hợp này cần xem xét có hay không việc vi phạm quy định tại Luật doanh nghiệp, Luật phòng chống tham nhũng.

Thứ hai, cần làm rõ những nghi vấn về quá trình thâu tóm cổ phần tại công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang của gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.

Tài sản ấy từ đâu mà có? Phải chăng nó là kết quả của những cái “bắt tay quyền lực” để lũng đoạn chính sách? Phải chăng nó được hình thành từ những cái “sân sau” của cán bộ lãnh đạo? Phải chăng nó còn là hệ quả của việc chưa kiểm soát được quyền lực, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn?

Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm giải đáp rõ: Tại sao bà Thoa lại có nhiều cổ phần như vậy? tiền mua cổ phiếu của bà Thoa lấy từ nguồn nào? kênh nào? có minh bạch không? Việc sở hữu cổ phần của bà Thoa có hợp pháp không? Về việc các thành viên gia đình có quá nhiều cổ phần tại công ty này, thì cần làm rõ, liệu việc cổ phần hóa doanh nghiệp này có được thực hiện một cách minh bạch? Cổ phần đó được mua đi bán lại ra sao?…

Tuy nhiên phải đến sau một năm khi ông Nguyễn Tấn Dũng rời ghế Thủ tướng, cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương của Đảng mới đưa ra loạt sai phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa. Để rồi vụ việc dằng dai đến tuần lễ đầu tháng bảy vừa qua mới khởi tố bà Hồ Thị Kim Thoa, về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo điều 219 Bộ luật Hình sự.

Và giờ thì cơ quan công an đang làm thủ tục của việc truy nã quốc tế đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)