Tổng thống Nga Vladimir Putin chào đón Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng dinh thự Bocharov Ruchei ở khu nghỉ dưỡng Biển Đen của Sochi, ngày 15/5/2013.
12.01.2016
Đương kim thủ tướng Việt Nam vẫn là “ứng viên sáng giá” cho vị trí Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, và nếu “lên ngôi”, ông sẽ là “Putin của Việt Nam”, theo nhận định của một số nhà quan sát.
Các nguồn tin từ trong nước cho hay, gần tới ngày diễn ra kỳ đại hội đảng lần thứ 12, trong khi thông tin về việc lựa chọn “tứ trụ”, gồm vị trí tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội, được giữ kín, trên mạng xã hội dồn dập xuất hiện nhiều đồn đoán về nhân sự chủ chốt.
Ông Trương Duy Nhất, chủ trang blog “Một góc nhìn khác”, cho VOA Việt Ngữ biết rằng bây giờ dư luận trong nước “đang xôn xao” và “chú tâm vào việc là những ai sẽ ngồi vào ngôi tứ trụ đấy”.
Người ta hy vọng nhất, và bây giờ người Việt Nam lo lắng nhất là làm cách nào để thoát Trung. Với những phát biểu của ông Dũng trước đây, thì người ta hy vọng rằng nước cờ vào tay ông Dũng thì ông có thể thoát Trung được, ông ấy sẽ thân Mỹ hơn, thân phương Tây hơn
Blogger Trương Duy Nhất nói.
Cựu nhà báo này nói thêm rằng người dân “không biết làm gì ngoài chờ và kỳ vọng vào kết quả lựa chọn nội bộ trong tổ chức đảng” vì họ “chưa có quyền cầm nắm lá phiếu trực tiếp để bầu”. Blogger Nhất nói tiếp:
“Dư luận trong nước về ông Nguyễn Tấn Dũng thì nó đa chiều. Cũng có một cái luồng rất ủng hộ ông Dũng, bởi vì người ta hy vọng là ông Dũng độc tài và khi mà ông Dũng cầm trịch được thì ông sẽ xoay theo tình thế khác nào đấy. Người ta hy vọng nhất, và bây giờ người Việt Nam lo lắng nhất là làm cách nào để thoát Trung. Với những phát biểu của ông Dũng trước đây, thì người ta hy vọng rằng nước cờ vào tay ông Dũng thì ông có thể thoát Trung được, ông ấy sẽ thân Mỹ hơn, thân phương Tây hơn bởi vì không những có tư tưởng mà quan hệ gia đình, thông gia có với phía Mỹ. Nhưng mà cũng có những luồng dư luận trái chiều lại, thì người ta bảo là không hy vọng gì vào một nhân vật như ông Dũng cả, bởi vì thật sự thì qua bao nhiêu năm, hai nhiệm kỳ ông làm thủ tướng thì thấy tình hình nó cũng tệ đi, cho nên không nên kỳ vọng vào nhân vật đó mà nhường cho những nhân vật khác. Tôi kỳ vọng, tôi muốn làm mới hết, và tôi cũng không muốn ông Trọng [Tổng bí thư] ngồi lại”.
Trong một bình luận mới công bố, ông Carl Thayer, nhà nghiên cứu về Việt Nam, nhận xét rằng ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng Việt Nam hai nhiệm kỳ và đã hơn 65 tuổi, nhưng vẫn là “một ứng viên sáng giá cho vị trí Tổng bí thư.”
Tranh giành quyền lực
‘Tứ trụ’ (từ phải): Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang.
“Nếu ông ấy được bầu lại, đây sẽ là điều chưa từng có tiền lệ”, giáo sư Carl Thayer nhận định. “Chưa có quan chức cấp cao nào từng phải buộc nghỉ hưu [theo quy định] lại tìm cách được miễn để nhắm một vị trí cấp cao khác. Nói một cách khác, chưa có ai ở Việt Nam làm giống như ông Vladimir Putin, người từng làm thủ tướng rồi sau đó lại làm tổng thống”.
Giáo sư Thayer nói tiếp rằng nếu trở thành tổng bí thư, ông Dũng sẽ là người đầu tiên “nhậm chức với nhiều kinh nghiệm đối ngoại, kiến thức cơ bản khá vững về các vấn đề kinh tế quốc tế và được lãnh đạo các nước biết tiếng”.
Chuyên gia người Australia nhận xét rằng trong nền chính trị độc đảng như ở Việt Nam “không phải ai chiến thắng sẽ giành thế tuyệt đối”.
Nếu trở thành tổng bí thư, ông Dũng sẽ là người đầu tiên ‘nhậm chức với nhiều kinh nghiệm đối ngoại, kiến thức cơ bản khá vững về các vấn đề kinh tế quốc tế và được lãnh đạo các nước biết tiếng’.
Giáo sư Carl Thayer nhận xét.
Giáo sư Carl Thayer viết tiếp: “Nếu ông Dũng trở thành tổng bí thư, sẽ có những cuộc thương lượng gay go để những người chống ông ấy cũng được đại diện ở cấp cao nhất. Cuộc tranh giành quan trọng nhất sẽ là về vị trí thủ tướng và liệu người đó có phải là người được ông Dũng bảo hộ hay không”.
Ông Vladimir Putin lên làm tổng thống Nga thay ông Dmitry Medvedev kể từ tháng Năm năm 2012. Trước đó, ông từng làm tổng thống hai nhiệm kỳ, cũng như nhiều năm làm Thủ tướng Nga.
Báo chí trong nước hôm qua đưa tin, trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa đọc tờ trình của Bộ Chính trị tiếp thu ý kiến của trung ương để bổ sung nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đề cử nhân sự 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa 12.
‘Trường hợp đặc biệt’
Ông Nguyễn Tấn Dũng được cho là người có nhiều khả năng sẽ lên nắm chức Tổng bí thư từ tay ông Nguyễn Phú Trọng.
Ngoài ra, tiểu ban nhân sự và Bộ Chính trị cũng đã nghiên cứu, cân nhắc và đề nghị giới thiệu thêm một số ủy viên Trung ương khóa 11 thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa 12.
Chưa rõ là “trường hợp đặc biệt” này là ai, nhưng hiện đang có các tranh luận sôi nổi trên các trang mạng xã hội về điều này.
Các nhà quan sát tình hình chính sự ở Việt Nam lâu nay nhận định rằng ông Nguyễn Tấn Dũng là người nhiều khả năng sẽ lên nắm chức Tổng bí thư từ tay ông Nguyễn Phú Trọng.
Sự đấu đá đó càng ngày càng tăng, càng ngày càng có các thủ đoạn bẩn thỉu bộc lộ ra trước mắt công chúng qua những nguồn thông tin trên mạng, mặc dù tính xác thực của những thông tin như vậy thì rất khó xác định được. Về phía phe phái thì khó có thể dùng những từ thân Tàu hay thân Mỹ cho những phe này.
Giáo sư Vũ Tường, Đại học Oregon ở Mỹ, nói.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng đương kim thủ tướng đối mặt với nhiều thách thức vì các đối thủ của ông lo ngại rằng suy nghĩ phóng khoáng của ông có thể làm tổn hại tới sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Vũ Tường, Phó Giáo sư về khoa học chính trị, Đại học Oregon, Mỹ, nói với VOA Việt Ngữ rằng cuộc đua giành các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở Việt Nam đang ngày càng cam go. Ông nói thêm:
“Cái sự đấu đá đó càng ngày càng tăng, càng ngày càng có các thủ đoạn bẩn thỉu bộc lộ ra trước mắt công chúng qua những nguồn thông tin trên mạng, mặc dù tính xác thực của những thông tin như vậy thì rất khó xác định được. Về phía phe phái thì khó có thể dùng những từ thân Tàu hay thân Mỹ cho những phe này. Trong những cái đấu đá đó, nó có sự đan xen giữa quyền lợi, lợi ích của cá nhân, của phe nhóm, và quan điểm chính trị của họ và những đường lối chính sách, tức là nó có đan xen của nhiều thứ, trong đó vấn đề Trung Quốc và Mỹ chỉ là một trong những vấn đề dùng để bảo vệ vị trí của mình, hoặc để hạ thấp đối thủ trong cuộc tranh giành cho các chức vụ lãnh đạo.”
Trong một phát biểu mới nhất, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lại lên tiếng về biển Đông, điều một số nhà quan sát cho là một trong các “lá bài” chính trị của ông.
Phát biểu tại tiệc chiêu đãi chào mừng Cộng đồng ASEAN và năm mới 2016 tại Hà Nội tối 10/1, người đứng đầu chính phủ nói rằng Việt Nam sẽ “kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng ở biển Đông”.
Một số nhà quan sát nói với VOA Việt Ngữ rằng với tình hình chính trị “tranh tối, tranh sáng” ở Việt Nam, mọi thứ sẽ chỉ trở nên rõ ràng hơn khi có thông báo về kết quả bầu chọn cuối cùng.
Blogger Trương Duy Nhất cho biết dư luận vẫn còn đồn đoán rằng liệu ở phút 89 có “cú sút” nào đó ở đại hội đảng sắp tới hay không.
VOA