Từ 10 năm trước, nhiều tỉnh thành ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu cấm không cho xe lôi lưu thông trên một số tuyến đường. Vì lý do đó, hình ảnh chiếc xe lôi chỉ còn lay lắt trên phố phường một vài nơi.
Hiện tại, thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang) còn lượng xe lôi nhiều nhất nhưng vì phải cạnh tranh với xe lôi máy, xe ôm nên số lượng xe lôi cũng ngày một giảm dần.
Ngồi ngay bên lề đường Lê Lợi, đoạn gần với bến phà Châu Giang, anh Hiếu chia sẻ nghề chạy xe lôi bây giờ ế lắm, phương tiện cá nhân hầu như ai cũng có hết. Quần quật suốt cả ngày chỉ mong kiếm được non 100 ngàn bạc là mừng rồi. Vất vả, thu nhập ít, anh Hiếu chạy nợ mua được chiếc xe gắn máy chạy xe ôm được 2 tháng.
Tưởng rằng anh đã thoát được nghề phu xe lôi vất vả, nào ngờ thằng con trai đầu bị bệnh, anh phải cầm chiếc xe gắn máy để có tiền chữa bệnh cho con, rồi thuê lại chính chiếc xe lôi mà trước đây anh đã bán cho người khác tiếp tục cảnh phu xe để kiếm tiền trang trải cuộc sống, tiếp tục chữa bệnh cho con và còn phải lo đóng tiền lãi chiếc xe máy trong tiệm cầm đồ.
Cuộc đời anh Hiếu chưa bao giờ thoát khỏi vòng lẩn quẩn của cái nghèo. Và cũng bởi vì nghèo mà người vợ anh hết mực yêu thương chìu chuộng đã lạnh lùng ra đi theo tiếng gọi khác đầy đủ, sung túc, bỏ lại cho anh 2 đứa con nhỏ thui thủi ở chốn quê.
Suốt 7 năm sống cảnh gà trống nuôi con, Hiếu chỉ biết lăn lóc chật vật khắp mọi nơi để làm thuê kiếm sống. Cuộc đời đã cho người phu xe này rút ra một kết luận cay đắng rằng các cô gái miền Tây đi làm – kể cả chấp nhận làm cái nghề mà người đời thương cho rằng “tận đáy xã hội” – khắp mọi miền đất nước chỉ vì họ quá ngán ngẩm cánh sống nghèo khổ. Đa số họ đều không có điều kiện được học đến nơi đến chốn và thiếu suy nghĩ, vợ anh trước đây cũng nằm trường số này.
Anh Khải – bạn của Hiếu, nhà ở dưới Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú) nhưng ngày nào cũng lên chợ Châu Đốc đạp xe lôi. Anh Khải kể làm nghề kéo xe lôi được hơn chục năm nay. Có thể, anh chỉ kéo khoảng dăm năm nữa rồi về nghỉ, chăn nuôi cá, ếch ở ao nhà chứ không đi nghề này nữa bởi các con anh sắp trưởng thành rồi.
Đứa con gái lớn đã lên Long Xuyên làm công nhân được nửa năm, cũng bắt đầu có tiền dành dụm gửi về cho cha mẹ. Bây giờ, cả nhà chỉ tập trung nuôi cậu con trai út đang học đại học trên Sài Gòn. Khi nào con trai ra trường và đi làm, anh sẽ bỏ nghề đạp xe lôi. Vừa nói, anh Khải vừa nhìn ra dòng sông Hậu, ngậm ngùi: “Mà có khi sắp tới, như ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho người ta cấm chạy xe lôi trước khi thằng con tốt nghiệp ra trường thì tôi chẳng biết lấy gì nuôi nó nữa”.
“Rồi tụi tui biết sống bằng gì?”
Khó khăn lớn nhất của anh em hành nghề xe lôi đạp hiện nay là phụ thuộc giá cả vào các công ty du lịch lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Lê Văn Manh, Nghiệp đoàn phó xe lôi đạp Châu Đốc nói, một khách Tây theo tour đến Châu Đốc, khi đi xe lôi, công ty chỉ trả 9.000 đồng/khách. Trong khi đó, mỗi chiếc xe lôi đạp, khách Tây chỉ đi một người, nên thu nhập của anh em quá thấp, để đủ sống phải là 30.000 đồng/người/chuyến.
“Theo tôi được biết, đa số anh em chạy xe lôi đạp đều có hoàn cảnh khó khăn. Hằng ngày, họ bám chiếc xe lôi để kiếm sống nuôi gia đình và các con ăn học. Cuộc sống quá bấp bênh nên nhiều gia đình phải cho con nghỉ học giữa chừng. Có gia đình, hành nghề xe đạp từ cha truyền con nối, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo”, ông Manh nói.
Những tuần lễ chộn rộn cuối năm, giới xe lôi đạp ở Châu Đốc lo o bế lại “cần câu cơm” vì mùa tết kéo dài đến tháng tư âm lịch là đắt khách hành hương từ khắp nơi tìm về dự Vía Bà Chúa Xứ.
Có hai câu chuyện hay được “dân xe vua” (tên gọi khác của xe lôi đạp) kể theo cách tếu táo của dân miền Tây về giấc mơ đổi đời:
Lâm Ngọc Khuân trước đây là một thanh niên lái xe lôi tuyến Trà Cuông – Sóc Trăng với gần 30 cây số. Sau khi rời quê Trà Cuông ở xã Thạnh Qưới, của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) về thành phố Sóc Trăng lập nghiệp, ông Khuân lái xe lôi thời gian ngắn rồi kinh doanh bột mì, xăng dầu, xe gắn máy trước khi chuyển qua mở công ty thủy sản.
Vào năm 1991, tình hình khan hiếm nhiên liệu giúp ông Khuân ăn nên làm ra. Vài năm sau đó miền Tây bước vào thời hoàng kim của tôm sú. Quê hương Trà Cuông của ông Khuân cũng xuất hiện mô hình “con tôm ôm cây lúa” giúp nông dân khá giả. Gặp thời vận, ông Khuân trở thành đại gia ngành thủy sản đình đám. Vài năm sau, kinh tế nước nhà đi xuống, ông Khuân phải bỏ trốn biệt xứ, và nghe đâu đang ở tận quận Cam bên xứ California.
Câu chuyện thứ hai là một giả định… cười ra nước mắt. Tại một cuộc họp về… cấm xe lôi ở Châu Đốc. Ông nhà nước than phiền xe lôi làm mất vẻ mỹ quan đô thị, rối rắm hệ thống giao thông, trật tự công cộng quá đi, quê mùa, nhếch nhác quá đi. Những thành phố khác như anh Sài Gòn, hay xa mút chân trời như anh Cà Mau cũng cấm xe lôi, xe vua, xe ba gác rồi. Bề thế, hoành tráng nhất miền Tây Nam Bộ như Cần Thơ cũng cấm xe lôi từ lâu lắm…
Cuộc họp bàn này may mắn là “mở rộng dân chủ”. Ý kiến anh Nguyễn Văn A, thợ mộc ở phường X: tui không thích cấm xe lôi vì tui không thể mua tấm ván ép mà phải gọi điện thuê nguyên chiếc xe tải dù nhỏ nhưng giá thuê sẽ không nhỏ chút nào… Ý kiến của chị Trần Thị B, bán quán cơm bình dân nổi tiếng ở đường Danh Nhân: Rồi tui chở rau củ, thịt thà từ chợ về nhà bằng gì hả trời?
Ý kiến của chú Lý Hoàng C, nuôi heo trong hẻm Cây Lứt: Mấy ông tính sao chớ, không lẽ tui kêu taxi chở cám hả trời? Mà, hẻm nhà tui hẹp đến nỗi gặp mấy người bụng bự giữa đường còn ngại, làm sao xe nào vô được đây?
Ý kiến của bé Mén, học lớp 4 trường Anh Hùng Dân Tộc: con thích xe lôi vì đi xe lôi từ nhà tới trường chỉ tốn có một ngàn đồng, con còn dư lại một ngàn để mua… cà rem.
Anh xe lôi như anh Khải, anh Hiếu thì không nói nhiều, từ đầu tới cuối buổi ngồi se cái nón bạc màu trong tay, trên khuôn mặt cháy nắng đen đúa buồn lo rối bời. Tơi tả trong lòng là học phí cho con trẻ, là thuốc thang cho mẹ già, là người vợ đang oằn mình tảo tần với gánh chè, gánh cháo. Anh nghẹn lời hỏi: “rồi tụi tui biết sống bằng gì?”.
Người viết bài này ngẫm nghĩ, giả sử, có cuộc họp đó, thì anh thư ký sức mấy mà ghi vào biên bản cái giọng nói run rẩy, chua xót, lo âu, hẫng hụt của anh xe lôi. Làm sao, có ngôn ngữ nào (mà anh biên bản thì rất hạn chế ngôn ngữ cuộc đời, khả năng diễn đạt hành chánh anh có, ngôn từ kêu, sáo, tha thướt trên đầu cây ngọn cỏ anh có, nhưng chúng không thể gắn vào miệng dân đen) để nói lên cái cảm giác đau ứa ra khi ngồi để người ta bàn tán, định đoạt công việc, chén cơm, manh áo, sinh mạng của người thân mình, tương lai của con mình…
Người bênh vực thì ai cũng có tình có lý nhưng miệng không thép không gang. Người có quyền quyết định thì khăng khăng chữ “Cấm!”.
Thôi xa xôi làm gì. Ở tận trung ương, vẫn hay nói “có Đảng và Nhà nước” lo toan hết rồi mà…