Đảng Cộng sản Việt Nam có thể ân xá toàn bộ tù chính trị vào ngày mai và thả toàn bộ theo một đề nghị nào đó nhưng hành động đó chỉ làm cho việc tăng gấp đôi số tù nhân vào ngày tiếp theo trở nên dễ dàng hơn.
Sự sụp đổ từ bên trong của chính quyền apartheid ở Nam Phi đã đến gần một thập kỷ trước khi nó thực sự bắt đầu.
Vào tháng 2/1985, Nelson Mandela đã được những người giam giữ thông báo rằng ông sẽ được tự do để rời đảo Robben sau 1/4 thế kỷ bị giam cầm.
Ông đã từ chối lệnh ân xá này. Ông nói ông sẽ tự lựa chọn khi nào ông rời nơi giam giữ, và ông sẽ không làm điều này chỉ để cho những người giam giữ ông có thể cảm thấy hài lòng và nó sẽ không xảy ra cho đến khi tất cả các tù chính trị của chính quyền này được thả.
Thực tế, quyền lực đã chuyển tay, và Mandela cho tất cả mọi người thấy rõ rằng một chính phủ không chính danh không thể ân xá cho ông vì một tội mà ông chưa bao giờ phạm.
Từ câu chuyện này, thật đáng khích lệ khi đọc thông tin về việc tù chính trị Trần Huỳnh Duy Thức từ chối lệnh ân xá của chủ tịch nước khi những kẻ giam giữ ông nói với ông rằng ông được tự do. Ông đã được trả tự do trước thời hạn vào cuối tháng 9 vừa qua sau 16 năm giam cầm.
“Tất nhiên, ngay lập tức tôi từ chối nhận đặc xá và không ký vào đơn từ nào cả. Lý do là vì tôi phải được trả tự do theo đúng quy định mới của Bộ luật Hình sự hiện hành về hành vi mà tội bị cáo buộc vi phạm, chứ tôi không cần ra tù nhờ sự đặc xá đó.” – ông Thức sau đó cho biết.
Nhà tù phải cho 20 người vào “khiêng tôi ra khỏi cổng nhà tù trước sự phản đối của các anh em tù chính trị ở đó, rồi đưa tôi lên xe ra sân bay Vinh. Cuối cùng tôi bị buộc phải lên máy bay trong chuyến muộn vào Sài Gòn.”
Ông nói thêm: “tôi bị ép chấp nhận đặc xá”, một điều “vô tiền khoáng hậu”. Và theo ông, đây là “cưỡng bức đặc xá”.
Ông cũng biết được vì sao ông được thả trước thời hạn tám tháng: “góp phần quan trọng vào sự hỗ trợ chuyến công du Hoa Kỳ của ông Chủ tịch nước”.
Ông Thức và bà Hoàng Thị Minh Hồng, một nhà vận động môi trường, được trả tự do một ngày trước khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản – Chủ tịch nước Tô Lâm đáp máy bay đi New York để phát biểu tại Liên Hiệp Quốc và gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Khoản đặt cọc cho Tổng thống Biden
Khá rõ ràng là việc trả tự do cho tù nhân là một khoản đặt cọc từ chính phủ cộng sản ở Hà Nội để cho thấy thiện chí ở New York.
Chính phủ Mỹ không có bình luận trực tiếp về vấn đề này và Chính phủ Việt Nam cũng không chính thức đưa ra lý do gì về việc trả tự do cho các tù chính trị.
Nhưng Hà Nội nghĩ là Washington sẽ thích điều mà họ thấy.
Ông Thức và bà Hồng không phải là những tù chính trị đầu tiên mà Đảng Cộng sản đưa ra như món quà nhân quyền làm hài lòng người Mỹ. Một số người khác như Trần Thị Nga đã bị đẩy đi lưu vong ở Mỹ sau khi được ân xá.
Có lẽ Washington đã cho Hà Nội biết, ít nhất là trong bí mật, rằng họ hài lòng trước những sự kiện này. Washington chưa bao giờ có ý gì khác.
Người Việt Nam cần phải có được ý kiến riêng của mình về việc chính phủ trao đổi công dân và coi thường hệ thống tư pháp chỉ để làm hài lòng một cựu thù.
Thoả thuận nhớp nhúa này không phải là cái ông Hồ Chí Minh đã tưởng tượng khi ông ta nói rằng mong ước tột cùng của ông là “làm cho đất nước hoàn toàn độc lập, người dân hoàn toàn tự do”.
Sự trao đổi này cho thấy sự thiển cận của Washington đối với hành vi đàn áp của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng thống Biden có lẽ vẫn sẽ nói với ông Tô Lâm tại New York rằng “không có gì là quá khả năng khi chúng ta làm việc cùng nhau” ngay cả khi không có việc trả tự do cho một vài người tù chính trị.
Washington không nên chấp nhận những người tù từ phía Đảng Cộng sản Việt Nam – một đảng đã kiểm soát toà án, cho phép việc bỏ tù bất cứ ai dám thách thức quyền lực của Đảng.
Thẩm phán và bồi thẩm đoàn
Việc có thể khởi tố và rồi cưỡng ép trả tự do cho tù nhân vì lý do chính trị đặt Đảng Cộng sản Việt Nam lên trên luật pháp, cho Đảng quyền hành động như thẩm phán và bồi thẩm đoàn và thường là người duy nhất có quyền tha tội.
Một ai đó bị cầm tù vì dám lên tiếng về quyền của họ phải được ít nhất khẳng định sự vô tội của mình trước kẻ đàn áp họ.
Nhưng một tù nhân chỉ được trả tự do sớm qua ân xá, và bị ép phải chấp nhận ân xá, thì người tù đó phải ít nhất đã chấp nhận có tội.
Đây không phải là một tuyên bố vô tội, nó là một món quà tự do từ một kẻ đàn áp: lệnh ân xá của Đảng Cộng sản Việt Nam hợp pháp hoá sự chuyên chế trước đó của Đảng.
Bằng cách không khuyến khích ân xá các tù chính trị và bằng cách không lên án hành động này theo cùng cách lên án việc bắt giữ không công bằng những người thực hiện quyền của họ, Hoa Kỳ đang giúp làm suy yếu pháp quyền của Việt Nam.
Sẽ có ích hơn nếu Hoa Kỳ nói rằng họ chỉ chào đón việc trả tự do cho các tù chính trị nếu Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên trắng án cho họ, không phải là ân xá.
Đảng Cộng sản Việt Nam có thể ân xá toàn bộ tù chính trị vào ngày mai và thả toàn bộ theo một đề nghị nào đó nhưng hành động đó chỉ làm cho việc tăng gấp đôi số tù nhân vào ngày tiếp theo trở nên dễ dàng hơn.
Chỉ có pháp quyền thực sự mới giúp ngăn cản điều này. Và Washington không nên cho phép Việt Nam làm giảm giá trị của pháp quyền để thúc đẩy quan hệ song phương.
*David Hutt là nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Trung Âu về các vấn đề châu Á (CEIAS) đồng thời là một cây viết chuyên mục cho tờ The Diplomat. Ông viết bản tin Watching Europe In Southeast Asia. Các quan điểm trong bài viết là của riêng ông và không phản ánh quan điểm của RFA.
____________________
Nguồn: RFA