Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc (26/6), Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos của Hạ viện Hoa Kỳ kêu gọi trả tự do cho ba nhà hoạt động người Việt tiêu biểu đang bị cầm tù.
Ngày 27/6, uỷ ban chuyên vận động tự do cho các tù nhân chính trị trên toàn cầu, ra lời kêu gọi phóng thích gần 20 nhà hoạt động khắp thế giới, trong đó có nhà báo-nhà bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang và hai nhà hoạt động về quyền tự do tôn giáo người Thượng là Y Yich và Y Pum Bya.
Ba nhà hoạt động trên nằm trong Dự án Bảo vệ Tự do (Defending Freedoms Project) của Uỷ ban Tom Lantos, trong đó Dân biểu Liên bang Ro Khanna bảo trợ cho nhà báo Phạm Đoan Trang còn Dân biểu Liên bang Glenn Grothman bảo trợ cho hai tù nhân lương tâm còn lại.
Ủy ban Tom Lantos cho biết, một phần ba trong số các tù nhân lương tâm thuộc dự án này đã phải chịu một số hình thức tra tấn, trong đó ba tù nhân lương tâm người Việt bị bỏ bê về mặt y tế, đề nghị tất cả họ “phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện”.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về lời kêu gọi của Uỷ ban Tom Lantos, nhưng chưa nhận được phản hồi. Cơ quan này thường không trả lời email của RFA.
Việt Nam thường khẳng định không giam giữ tù nhân chính trị hay tù nhân lương tâm, mà chỉ cầm tù những người vi phạm hình sự.
Mục sư Y Yich bị bắt vào giữa tháng 5/2013 và sau đó bị kết án 12 năm tù về tội danh “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc.” Còn nhà truyền đạo Tin Lành người Thượng tại Đắk Lắk – Y Pum Bya bị bắt vào giữa tháng 4/2018 và đầu năm 2019 ông bị kết án 14 năm tù giam với cùng tội danh.
Ông Y Phic Hdok, sáng lập viên của tổ chức Người Thượng vì Công lý (Montagnards Stand for Justice- MSFJ) hiện đang định cư ở Mỹ đánh giá về lời kêu gọi của Uỷ ban Tom Lantos:
“Hành động kêu gọi của Ủy ban Tom Lantos đòi trả tự do cho tù nhân lương tâm Y Yich và Y Pum là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế đối với tình trạng nhân quyền nghiêm trọng tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các dân tộc thiểu số đang bị áp bức.
Tôi tin rằng sự kiện này sẽ tạo ra áp lực đáng kể lên Chính phủ Việt Nam và có thể dẫn đến những cuộc đối thoại quan trọng về nhân quyền. Điều này cũng cho thấy sức mạnh của các nỗ lực vận động từ các nhà hoạt động và tổ chức nhân quyền.”
Tuy nhiên, theo nhà hoạt động đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo và quyền của người sắc tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên, cộng đồng quốc tế cần theo dõi liên tục và bền bỉ để bảo đảm rằng những lời kêu gọi này sẽ dẫn đến hành động cụ thể.
Ông cũng hy vọng sự việc này sẽ mở ra cơ hội để xem xét lại các trường hợp tương tự khác và thúc đẩy cải thiện tình hình nhân quyền nói chung ở trong nước.
Bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của nhà báo Phạm Đoan Trang, cho biết bà rất vui khi được tin Uỷ ban Tom Lantos kêu gọi trả tự do cho con gái bà cũng như hai nhà hoạt động người Thượng.
Bà nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 01/7 về con gái mình:
“Đoan Trang đấu tranh cho một đất nước có dân chủ và nhân quyền, người dân được sống trong hạnh phúc. Mục đích chỉ là chống chế độ độc tài, công an trị thôi chứ người phụ nữ nhỏ nhắn không có một tấc sắt trong tay thì làm sao lật đổ được chính quyền!”
Bà nói tinh thần của con gái rất vững vàng dù đang bị đày đoạ trong Trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương) bằng bản án dài hạn:
“Đoan Trang kiên định lập trường lắm, không sợ bất kỳ một thế lực nào làm nhụt ý chí của nó. Nó còn động viên tôi là ‘mẹ phải vui sống chờ ngày con về, nếu mẹ buồn chán là thua chúng nó’.”
Đây là lần thứ hai Uỷ ban Tom Lantos kêu gọi Hà Nội trả tự do cho Phạm Đoan Trang trong vòng hai tháng. Trước đó, vào ngày 3/5, nhân ngày Ngày Tự do Báo chí Thế giới, uỷ ban này cũng đưa ra lời kêu gọi phóng thích nhà báo này cùng với ông Trần Huỳnh Duy Thức, một doanh nhân và là một nhà bất đồng chính kiến đang thụ án tù 16 năm tại Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).
Phạm Đoan Trang từng là phóng viên của một số tờ báo nhà nước. Bà là tác giả của nhiều cuốn sách bị chính quyền cấm lưu hành như Chính Trị Bình Dân, Cẩm Nang Nuôi Tù, và Phản Kháng Phi Bạo Lực. Bà cũng tham gia viết nhiều báo cáo song ngữ về tình hình nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam mà nổi bật là Báo Cáo Đồng Tâm viết về vụ công an cưỡng chế đất gây chết người ở ngoại thành Hà Nội hồi năm 2020 gây phẫn nộ trong dư luận.
Bà bị bắt vào đầu tháng 10/2020 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Năm sau, bà bị kết án 9 năm tù giam. Bà bị đưa đi thi hành ở Trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương, cách xa gia đình đến hơn 1.000 km.
____________
Nguồn: RFA