Việt Nam Thời Báo

Sông chết lâu rồi

 Trần Đức Chính

Một đoạn sông ô nhiễm tại Hà Nội. Nguồn: Internet.

Đến hôm nay, nhiều cây đổ trong cơn mưa giông ở Hà Nội 3 tuần trước vẫn còn ngổn ngang, nhiều cây đứng nghiêng chẳng có ai chặt hạ hay chống lên. Có vẻ như thành phố đã “hết sức”, và cũng chẳng ai nói lại chuyện cây trồng vô tội vạ, thiếu trách nhiệm, sai qui định…

    Nhớ bài thơ “Bão” của Tế Hanh: “Cơn bão tạnh lâu rồi/ Hàng cây xanh thắm lại/ Nhưng em đã xa xôi/ Và cơn bão lòng ta thổi mãi”. Đó là thơ tình. Còn người Hà Nội cũng trông chờ sau “cơn bão”, lãnh đạo thành phố nhận cho một câu và nêu danh tính ai là người để Hà Nội mang tiếng đến cái cây cũng không biết trồng cho đúng cách. Điệp khúc đổ lỗi cho nhà đầu tư, nhà thầu chẳng có ý nghĩa gì, chỉ chứng tỏ chủ nghĩa quan liêu đã như căn bệnh mãn tính, chỉ có thể chữa khỏi khi – như Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang vừa nói ở TPHCM: “Cởi áo mũ cân đai ra, tôi cũng là dân”!

    Chúng ta cần nhớ thêm một điều, nếu không tuyên bố từ hôm nay Hà Nội sẽ “trồng cây gì” cho đẹp, mát, sạch đô thị và không đổ khi giông bão thì mọi chuyện sẽ qua đi và lặp lại như cũ. Cây mọc hoang trên rừng là chuyện của rừng. Cây đường phố trồng thành hàng, khi đã xếp hàng là thành đội quân, có chỉ huy, có mục đích tập hợp, trong trường hợp đang nói đây là có tư duy văn hóa, ấy là chưa nói tiền tiêu của dân một cách hiệu quả.

    Tuần qua, một tờ báo ở TPHCM đăng một phóng sự lớn với nhiều hình ảnh minh họa “sông “chết” bao vây Hà Nội”. Tác giả còn đóng ngoặc kép với từ “chết”, ý nói ví von thế thôi. Nếu chúng tôi nói, sẽ không cần có ngoặc gì cả. Tất các các dòng sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Sông Lừ, Sông Sét… của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội đã chết từ lâu, đã trở thành cống nước thải, dòng “kênh đen” như Nhiêu Lộc – Thị Nghè TPHCM. Nhưng Nhiêu Lộc – Thị Nghè nay đã khác, thành sông du lịch, còn các dòng sông Hà Nội đang bị lấp hẳn dưới hình thức cống hộp. Chôn cả một hệ thống sông ngòi xuống lòng thành phố thành cống thoát nước, có lẽ chỉ có Hà Nội… làm được (!) Cũng may con sông Nhuệ và sông Đáy mùa mưa lũ còn có nước sông Hồng pha loãng dòng chảy bẩn, nhưng cũng đang hấp hối cả rồi. Hà Nội giờ làm gì còn lũ khi hệ thống thủy điện đã chặn dòng từ thượng nguồn…

    Là người Hà Nội, chúng tôi biết đời cha ông mình ngày xưa Hà Nội đều quay mặt ra sông để làm kinh tế, buôn bán, vận chuyển. Thời ấy chưa có ôtô, tàu hỏa, tàu bay. Giao thông bộ không bằng ngựa, ngựa không bằng thuyền. Tất cả các dòng sông chảy qua các thành phố trên thế giới, kể cả ở Việt Nam không có thành phố nào quay lưng lại với sông như Hà Nội đối xử với sông Hồng. Quay lưng và xả nước thải, rác, thải trực tiếp xuống Hồng Hà lịch sử. Không hiểu đến thế kỉ bao nhiêu mới có người lo việc này cho chúng ta. “Sĩ phu Bắc Hà” đi đâu cả rồi?

    Lao động

    Leave a Comment

    This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.