Việt Nam Thời Báo

TBT Trọng tái cử: phân bổ nhân sự và đường lối

BBC

Đại hội ĐCSVN 12Image copyrightEPA
Image captionÔng Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944 tái cử chức Tổng Bí thư Đảng CSVN tại Đại hội 12 hôm 27/01/2016.
Ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử vào chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ở kỳ Đại hội lần thứ 12, tuy nhiên còn có các câu hỏi nào để ngỏ và cần đặt ra về sắp xếp nhân sự và đường lối, chính sách của đảng và nhà nước Việt Nam từ sau Đại hội này.
Trước hết TS. Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Chiến lược Quốc tế và Viện Đông Nam Á của Singapore, bình luận về khả năng phân bổ của các ứng viên Bộ Chính trị được bầu tại kỳ Đại hội diễn ra từ ngày 21-28/01/2016.
Nhà nghiên cứu phân tích một số điểm mới về nhân sự mới của Đảng CSVN vớiTọa đàm:
“Danh sách này có mấy việc đặc biệt như thế này, tức là trường hợp của bà Trương Thị Mai, trở thành Ủy viên Bộ Chính trị là một trường hợp đặc biệt. Như vậy là trong Bộ Chính trị của Đảng CSVN có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử là có 3 ủy viên Bộ Chính trị là nữ, ngoài bà Mai thì có bà Tòng Thị Phóng, rồi bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Đây là một trường hợp rất thú vị.
“Thứ hai là trường hợp của ông Phạm Bình Minh đã trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, nó nói lên một điều rằng cái khóa 11, trong cả khóa 11 thì đã có mấy lần bỏ phiếu giữa kỳ để ông Minh trở thành (ủy viên) Bộ Chính trị, nhưng mà lại không quá bán, thì lần này ông đã trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, thì đấy là một sự kiện mới, nó có thể nói lên nhiều điều về mặt đối ngoại của Việt Nam, cũng như thực hành đối ngoại của Việt Nam trong mấy năm tới.
“Điểm thứ ba, trong dự kiến trước đây, chúng tôi thấy là có ông Phan Đình Trạc (Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Đảng) cũng được dự kiến để bầu vào Bộ Chính trị, nhưng mà lần này không thấy, có lẽ là đã chưa vào được, thì đấy là một sự kiện, vì nếu trường hợp để ông Trạc vào thì sẽ nắm Ban Nội chính, cũng là Ban quan trọng về mặt chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy sẽ nảy sinh ra vấn đề là sắp tới đây ai sẽ là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách Ban nội chính đó?
“Trường hợp ông Trương Hòa Bình, thì tôi thấy rằng cũng có khả năng ông sẽ về làm Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh và cũng có thể ông làm về Ban Nội chính chăng? Đó là một suy đoán.
TS Hà Hoàng Hợp
Image captionTS Hà Hoàng Hợp bình luận các khả năng và khía cạnh mới về phân công nhân sự Bộ Chính trị Đảng CSVN ở ĐH12.
“Còn những trường hợp khác như là trường hợp của Đại tướng Trần Đại Quang, của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì như chúng ta đã biết, báo chí cũng đã đưa, rằng là sẽ giới thiệu để ba người đó, ông Quang trở thành Chủ tịch Nước, bà Ngân thì giới thiệu để sau khi bầu cử Quốc hội thì sẽ bầu làm Chủ tịch Quốc hội, và ông Nguyễn Xuân Phúc, thì sau bầu cử Quốc hội sẽ giới thiệu làm Thủ tướng.
“Trường hợp khác như ông Nguyễn Văn Bình thì có khả năng sẽ làm Phó Thủ tướng phụ trách về kinh tế, tài chính, như là vị trí mà bây giờ ông Vũ Văn Ninh đang làm.”

Ứng viên Bí thư Hà Nội?

Về một số trường hợp nhân sự cao cấp khác, nhà phân tích chính trị Việt Nam, TS. Hà Hoàng Hợp bình luận tiếp từ Hà Nội:
“Nếu ông Trương Hòa Bình về TP. Hồ Chí Minh, thì ông (Võ Văn) Thưởng (Phó Bí thư Thường trực TPHCM), vì đã trong lịch sử từng có lúc mà TP. Hồ Chí Minh có 2 Ủy viên Bộ chính trị, thậm chí chỉ cần một Ủy viên Bộ Chính trị mà ông Trương Hòa Bình ngồi vào đó, thì có thể ông Thưởng sẽ điều ra trung ương làm cái gì đó chẳng hạn…
“Trường hợp của ông Hoàng Trung Hải rất là quan trọng vì ông Hoàng Trung Hải là người đã làm Phó Thủ tướng 2 kỳ và lần này đưa vào Bộ Chính trị là một bước tiến vô cùng quan trọng trong việc xem xét về nhân thân, và có nghe nói là có khả năng ông Hải sẽ là một trong những ứng cử viên để về làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội… Vì trước đây người ta có nói là gia đình có người gốc Hoa.
“Quy chế trước đây thì người ta không muốn đưa những người gốc Hoa vào trong bộ máy, nay thì quy chế đó đã được xem xét và ông Hải được đánh giá cao về mặt hiệu quả công tác, cũng như về mặt thành tích công tác, cũng như là tầm lãnh đạo của ông Hải. Nên bầu ông Hải vào (Bộ Chính trị) kỳ này là một thay đổi rất lớn về mặt chính sách nhân sự của Đảng cộng sản Việt Nam.”
“Về ông Tô Lâm…, theo quy hoạch, Bộ Công an chỉ được một Ủy viên Bộ Chính trị thôi, trường hợp ông Trần Đại Quang lên Chủ tịch Nước thì quy hoạch và cơ cấu để ông Tô Lâm lên làm Bộ trưởng (Bộ Công an). Cũng như trường hợp ông Phạm Bình Minh, ông Phạm Bình Minh sẽ giữ, vẫn giữ chức vụ Phó Thủ tướng kiêm Bộ Trưởng ngoại giao.
“Đấy là cơ cấu cứng, thì cả ba bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng phải được cơ cấu vào Ủy viên Bộ Chính trị. Và như thế ông Ngô Xuân Lịch, khả năng rất cao sẽ thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng hiện nay mới có một Ủy viên Bộ Chính trị thôi…”
Đại hội 12Image copyrightAFP
Image captionMột số ứng cử viên cho chức Tổng Bí thư kế nhiệm ông Trọng trong thời gian tới đây, khi ông có thể bàn giao trong 1 năm hoặc hơn, đang được giới quan sát bình luận và đề cập.
Về khả năng bố trí nhân sự cao cấp khác cho một số Ban quan trọng của Đảng như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức và Nội chính, bên cạnh một số ứng viên Bộ chính trị khác, ông Hà Hoàng Hợp bình luận tiếp:
“Ví dụ trường hợp của ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thì tôi chắc hôm nay đã bầu rồi và bầu khả năng lớn là bầu ông Trần Quốc Vượng, vì cái đấy cũng nằm trong cơ cấu và quy hoạch.
“Còn chức vụ khả năng mà ông Đinh La Thăng nắm thì có thể là Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề kinh tế như là chức vụ hiện nay mà ông Hoàng Trung Hải đang làm, bởi vì ông Hoàng Trung Hải theo quy chế bây giờ, lẽ ra làm Phó Thủ tướng 2 kỳ rồi, thì sẽ không làm Phó Thủ tướng đến kỳ thứ ba nữa, mà sẽ chuyển đi đâu đó.
“Ban Nội chính… thì hiện chưa biết bởi vì… lẽ ra là bầu một người để vào Bộ Chính trị để phụ trách (ban) đấy, tức là ông Phó Trưởng ban Thường trực Ban nội chính, nhưng mà ông ấy dường như lại không trúng, hay là chưa chúng…”

Ai ‘rốt cuộc’ sẽ là TBT?

Đại hội 12Image copyrightGetty
Image captionĐại hội 12 đã chứng kiến việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái cử và đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra đi.
Trước câu hỏi nếu ông Nguyễn Phú Trọng, người vừa được tái cử vào chức Tổng Bí thư Đảng CSVN ở Đại hội 12, chỉ tại vị thêm từ 1-2 năm như một số dự phóng, thì rốt cục ai sẽ thay ông Trọng khi ông Trọng ra đi trong thời gian tới đây, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp trả lời:
“Tôi nghĩ ông Nguyễn Phú Trọng ở lại làm Tổng bí thư lần này và cũng nghe nói là ở lại một thời gian ngắn thôi, tức là khoảng từ một năm cho đến hơn một năm một tí, thì cái đó là để thực hiện cái việc làm sao chuyển giao quyền lực Tổng bí thư cho một người nào đó trong số những người vừa mới được bầu vào Bộ Chính trị.
“Cũng theo dự kiến và cơ cấu quy hoạch của Đại hội 11, thì thấy có tên ông Trần Đại Quang.
“Cũng có thể là sẽ có thêm một người nữa vào quy hoạch để có thể chuyển giao chức vụ Tổng Bí thư, có thể đấy là ông (Đinh Thế) Huynh, hoặc là một người nào nữa đó thì chúng ta chưa thẩy rõ, nhưng mà nếu căn cứ vào quy hoạch cũ thì khả năng là sẽ có bàn giao giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Trần Đại Quang.
“Và khi đó có thể ông Trần Đại Quang sẽ bàn giao chức vụ Chủ tịch Nước cho một người khác.”
Chia sẻ với BBC tại Tọa đàm, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà Báo độc lập Việt Nam, từ Sài Gòn nói:
“Trước Đại hội 12, BBC có phỏng vấn tôi và có làm một chương trình dự đoán về vai trò của Tổng bí thư, lúc đó tôi có dự đoán ông Trần Đại Quang có nhiều cơ hội nhất để trở thành ông Tổng Bí thư, nhưng mà bây giờ ông Trần Đại Quang chỉ là nhân vật số hai, ông Nguyễn Phú Trọng mới là nhân vật số một.
“Thành thử tôi phải nói là tôi đã sai trong dự đoán của mình. Đó là điều thứ nhất.”

Cuộc chiến Hai Hoa Hồng

Và nhà báo độc lập đồng thời là nhà quan sát, vận động cho xã hội dân sự ở Việt Nam, bình luận tiếp:
“Điều thứ hai, tôi đánh giá là việc phe ông Nguyễn Phú Trọng thắng lợi mà không chỉ thắng lợi, mà đây là một thắng lợi lớn, cho thấy là đã kết thúc một cuộc chiến mà tôi gọi là cuộc chiến Hai Hoa Hồng kéo dài suốt từ những năm 2010, 2011 cho đến nay. Và nếu chúng ta có thể thấy cuộc chiến Hai Hoa Hồng nó tồn tại trong thời kỳ Trung Cổ, thì Đại hội 12 này cũng tung ra đủ thứ là đơn thư tố cáo và các thủ đoạn, kể cả tài liệu chính trị nội bộ. Tôi cho là cũng gần gần như là thời Trung Cổ.
TS Phạm Chí Dũng
Image captionĐã có ‘một cuộc chiến’ Hai Hoa Hồng xảy ra từ năm 2010 tới nay mà ‘thắng lợi to lớn’ rút cuộc đã nghiêng về phe Đảng ở Đại hội 12, theo TS. Phạm Chí Dũng.
“Nhưng mà nó có một điểm đặc trưng là như thế này, là chưa bao giờ quyền lực của một Tổng bí thư lại tập trung như bây giờ, tôi muốn dùng lại cái từ là ‘tập trung’ của ông Nguyễn Phú Trọng, ‘rất tập trung’. Kể từ thời Nông Đức Mạnh, thời cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cho tới nay, ông Nông Đức Mạnh không thể có những thế lực mạnh như ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay.
“Chúng ta nhìn cái dàn hiện nay là cánh ở bên ông Trọng, từ các ban Đảng cho tới các tướng lĩnh quân đội, như là Ngô Xuân Lịch, kể cả Đỗ Bá Tị, như là Trần Đại Quang, kể cả Tô Lâm và Vương Đình Huệ… Vương Đình Huệ năm 2013 bị trượt Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng mà kỳ này vào. Mà tôi tin là Vương Đình Huệ kỳ này sẽ góp một tay khá khá cho Nguyễn Phú Trọng về khâu điều chỉnh một số vấn đề về kinh tế và kể cả Phạm Bình Minh.
“Và tôi chỉ đặt thêm một câu hỏi là tại sao vào năm 2013 khi mà Nguyễn Tấn Dũng còn thì Phạm Bình Minh không được vào Bộ Chính trị, còn nay Nguyễn Tấn Dũng không còn thì Phạm Bình Minh lại vào Ủy viên Bộ Chính trị? Tôi muốn trở lại vấn đề đó để cho thấy thế này, đã có một sự thay đổi và sự thay đổi này có lợi cho phe Đảng và tập trung quyền lực vào cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng.
“Kể từ Đại hội 12 trở đi, không biết bao lâu thì cuộc chiến Hai Hoa Hồng, cuộc chiến giữa hai phe nó đã thực sự chấm dứt và hiện nay chỉ còn có một phe mà thôi. Mà quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng, tôi muốn nhắc lại là, Cuộc Bình luận của BBC lần trước, chúng ta đã nói khá nhiều về Quyết định 244, thì phải nói rằng một trong những đòn bẩy kích thích tố lớn nhất để cho ông Trọng giành chiến thắng quyết định trong trận cuối cùng này, đó chính là Quyết định 244.
“Và tôi tin rằng bên cạnh ông Trọng có một tham mưu rất đắc lực nữa, đó là ông Tô Huy Rứa và ông Rứa đã giúp cho ông Trọng làm mọi công tác tổ chức có thể được, chặt chẽ đến mức để cho những người khác không cục cựa được gì hết,” TS. Phạm Chí Dũng nói với Tọa đàm của BBC.

Không có chuyện thân TQ

Bình luận với Bàn tròn về tác động hay điều chỉnh chính sách, chiến lược của Việt Nam sau Đại hội 12 với dàn lãnh đạo mới trong đó có Tổng Bí thư tái cử Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt về chính sách đối ngoại, phóng viên Nguyễn Hoàng của BBC Việt ngữ, người đã đang theo dõi, tường thuật Đại hội trực tiếp từ Hà Nội, nói:
“Tôi muốn bổ sung thêm một chút về ý của anh Hà Hoàng Hợp nói rằng tới đây chính sách ngoại giao của Việt Nam cũng không có gì thay đổi, nhưng mà theo tôi, dựa vào những cuộc nói chuyện của tôi, giữa tôi với một số nhà quan sát, học giả tại Việt Nam, khi mà chúng ta nói về ‘foreign policy’, tức là chính sách đối ngoại, thì rõ ràng vẫn là Trung Quốc và Mỹ.
“Thế thì tới đây, điều quan trọng tức là bây giờ giải quyết vấn đề Biển Đông như thế nào? Thì rõ ràng là Trung Quốc không ở lập trường để đàm phán rồi, còn tới đây nó là như thế nào và người ta nói rất nhiều về sự cố Giàn khoan 981, là kể từ đó cái gọi là ‘4 tốt, 16 chữ vàng’ càng rõ ràng là giới lãnh đạo Đảng và nhà nước, trong đó có các Ủy viên Bộ Chính trị đã nhìn ra cái đó rồi.
Phóng viên Nguyễn Hoàng
Image captionTheo một số nhà bình luận và quan sát trong nước thì ‘không có chuyện’ có nhà lãnh đạo A hay là B ‘thân Trung Quốc’ như là trên mạng nói, phóng viên Nguyễn Hoàng nói với Tọa đàm.
“Và người ta cũng nói thêm là không có cái mà một số người nói rằng là ông A hay là ông B thân Trung Quốc, thì cái đó phải để thời gian kiểm chứng… nhưng ít nhất là có một số người người ta nói là không có những chuyện như vậy. Tức là nó trái hẳn với những đồn đoán trên mạng là có ông A hay là ông B thân Trung Quốc.
“Thì các học giả ở trong nước, hay một số nhà quan sát, họ nói là không có chuyện đó,” nhà báo Nguyễn Hoàng nói với Tọa đàm.
Trước đó, bình luận về đường lối đối ngoại và đối nội của Việt Nam trong ‘nhiệm kỳ kéo dài’ của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, TS. Hà Hoàng Hợp nói:
“Tôi nghĩ rằng chính sách đối ngoại của ngành đối ngoại Việt Nam trong 5 năm tới sẽ không thay đổi lớn.
“Cái thay đổi xảy ra ở chỗ sẽ có những hoạt động đối ngoại năng động hơn, chủ động và tích cực hơn, nhưng đường lối thì sẽ không có thay đổi. Vì cái đường lối này nó đã được xác định từ rất lâu rồi và nó được khẳng định trong khóa 11 với sự đóng góp rất lớn của Chính phủ.
“Tôi nhấn mạnh sự đóng góp rất lớn của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và của Bộ Ngoại giao cũng như của các Bộ khác như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.”

Ba vấn đề đối nội

Về đối nội, nhà phân tích Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm:
“Đối nội thì có những vấn đề lớn và là lập tức phải đổi mới vì không có con đường nào khác cả là phải đổi mới tiếp tục.
“Đổi mới tiếp tục ở ba khu vực thế này: thứ nhất là tiếp tục xây dựng cái nhà nước pháp quyền, thứ hai là tiếp tục xây dựng nền kinh tế Việt Nam nó độc lập hơn, tự chủ hơn, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn hay nói đúng hơn là hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó có cả hội nhập chính trị.
“Và thứ ba là tạo tiếp tục một nền tảng vững chắc hơn cho việc phát triển xã hội dân sự ở Việt Nam,” Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói với Bàn tròn của BBC.
Tin cho hay, vị trí Tổng bí thư ở Đại hội 12 thuộc về ông Nguyễn Phú Trọng, 72 tuổi, người được tái đắc cử nhằm mục đích bảo đảm “kế thừa và đoàn kết” trong nội bộ Đảng CSVN.
Hôm thứ Tư 27/1, Đại hội XII nghỉ họp, trong khi các ủy viên mới được bầu hôm 26/1 họp Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, bỏ phiếu chọn ra cơ quan lãnh đạo cao nhất của mình. Bộ Chính trị mới được nói có 19 vị, tăng ba người so với trước.
Danh sách Bộ Chính trị cho tới tận trước khi bầu gây nhiều chú ý và đồn đoán, vì dựa vào đó có thể suy luận ra ai sẽ đứng đầu các lĩnh vực quan trọng nhất của nền chính trị, kinh tế và xã hội Việt Nam.
Cuộc Tọa đàm Bàn tròn đặc biệt nhân sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng được tái cử chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra hôm thứ Tư, 27/01 với các vị khách mời là nhà báo, nhà bình luận, phân tích và quan sát tình hình thời sự chính trị, xã hội Việt Nam.

Mời qúy vị theo dõi toàn bộ nội dung Bàn tròn trên kênh Youtube của chúng tôi tại đây

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo