Nam Nguyên, phóng viên RFA
2016-09-02
500 triệu USD mà Việt Nam nhận được của Formosa Hà Tĩnh sẽ được Chính phủ sử dụng như thế nào. Ngư dân và những người bị ảnh hưởng vì thảm họa môi trường ở 4 tỉnh ven biển miền Trung sẽ nhận được tiền mặt, tiền mặt kèm phẩm vật, hay hình thức hỗ trợ nào khác. Đây vẫn là một ẩn số vì đến 15/9 mới là hạn chót để Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế gởi kết quả xác định tổng mức thiệt hại và kinh phí bồi thường hỗ trợ của địa phương.
Trả lời Nam Nguyên vào tối 1/9/2016, ông Nguyễn Việt Thắng Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa 14 từ Hà Nội nhận định:
Qua các giải pháp của các cơ quan nhà nước thì cũng có nhiều sáng kiến, nhưng nói chung cũng có những điều chưa sát thực tiễn của người dân.
– Ông Nguyễn Việt Thắng
“Qua các giải pháp của các cơ quan nhà nước thì cũng có nhiều sáng kiến, nhưng nói chung cũng có những điều chưa sát thực tiễn của người dân. Cho nên về phía Hội Nghề Cá, chúng tôi nghĩ là các phương án ấy cũng nên bổ sung một điều là đối thoại với ngư dân, người dân ở các vùng bị thảm họa môi trường do Formosa gây ra để xem người ta có nguyện vọng như thế nào, là hợp tình hợp lý nhất đối với người ta. Tôi cho rằng phải có nội dung đấy, chứ còn các phương án nêu ra thì có tính chủ quan của các cơ quan quản lý nhà nước, tất nhiên cũng có phối hợp với các cơ quan đoàn thể ở địa phương, nhưng tôi cho rằng phải đối thoại trực tiếp với ngư dân, với bà con nông dân ở đấy để bổ sung cho các phương án ấy một cách tốt hơn.”
Hầu hết truyền thông báo chí trong nước đưa tin Formosa đã chuyển đủ 500 triệu USD bồi thường. Báo điện tử Một Thế Giới, bản tin trên mạng ngày 31/8/2016 cho biết sau khi nhận đủ 500 triệu USD, Chính phủ mở rộng đối tượng hỗ trợ thiệt hại. Tờ báo trích lời Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đồng ý bổ sung thành phần nạn nhân gián tiếp của thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Danh sách bổ sung bao gồm những người bị thiệt hại do thị trường tiêu thụ hải sản ở 4 tỉnh bị khai tử sau thảm họa cá chết hàng loạt. Đó là chủ tàu và người lao động làm thuê trên tàu cá lắp máy công suất từ 90 mã lực trên lên; chủ các cơ sở và người lao động làm thuê tại các cơ sở thu mua tạm trữ thủy sản có kho đông, kho lạnh; cơ sở chế biến nước mắm, làm mắm tôm; các cơ sở nuôi thủy sản phải tạm dưng sản xuất do nguồn nước biển bị ô nhiễm tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
Tiền tươi thóc thật
Phương hướng đền bù hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại vì thảm họa môi trường chưa có thông tin minh bạch. Trong 4 tháng qua, báo chí nhà nước nhiều lần đưa tin với cách biệt khá lớn liên quan đến tổng số người bị thiệt hại và ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường Formosa.
Người đọc báo ghi nhận cụ thể các con số này. Báo Dân Trí bản tin trên mạng ngày 28/6/2016 trích lời Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Đông Hà Quảng Trị, là có hơn 1 triệu lao động ở 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp vì thảm họa môi trường Formosa và cần được chuyển nghề.
Con số này có sự thay đổi khá nhiều, VnExpress ngày 21/7/2016 đưa tin gần 300.000 người bị ảnh hưởng vì cá chết ở miền Trung. Cụ thể khoảng 100.000 bị ảnh hưởng trực tiếp và 176.000 người phụ thuộc. Tới cuối tháng 7/2016, Chính phủ chính thức gởi báo cáo cho Quốc hội thì tổng số người chịu thiệt hại vì thảm họa môi trường chỉ còn 217.000 người, gồm 41.000 ảnh hưởng trực tiếp và 176.000 người phụ thuộc.
Vào ngày 15/9/2016 sắp tới, khi 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế gởi kết quả xác định tổng mức thiệt hại và kinh phí bồi thường hỗ trợ của địa phương cho hai Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Bộ Tài Chính, nhiều khả năng sẽ là một con số khác biệt nữa.
Nên đền bù hỗ trợ ngư dân và người dân 4 tỉnh chịu thảm họa môi trường do Formosa gây ra như thế nào. TS Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS từ Hà Nội góp ý:
“Đầu tiên việc đền bù cho bà con, trên các trang mạng xã hội rộ lên chuyện gạo chất lượng không tốt. Cách tốt nhất là trả cho người ta bằng tiền, người ta mua gạo hay dùng để kinh doanh thì để cho người ta thực hiện quyền tự chủ của mình là điều tốt nhất. Nhà nước chỉ nên khuyến khích việc này việc kia. Tôi e rằng Nhà nước mà đứng ra làm, bất kể một cái gì, từ đào tạo nghề cho tới chuyện định hướng, thì kinh nghiệm quốc tế có thể có nơi là tốt, nhưng rất đáng tiếc ở Việt Nam về cơ bản là thất bại, những cái mà Nhà nước đứng ra làm…”
Theo TS Nguyễn Quang A, chính phủ không nên trực tiếp tổ chức đền bù, hỗ trợ và chuyển nghề cho hàng trăm ngàn người. Chính phủ nên để người dân tự quyết, tự chủ và kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự, các doanh nghiệp tham gia chương trình này.
Số tiền 500 triệu USD mà Formosa đền bù cho Việt Nam trên thực tế là quá nhỏ, nếu Nhà nước dùng để bồi thường và hỗ trợ các nạn nhân trực tiếp và gián tiếp vì thảm họa môi trường. Nếu chi tiền mặt thì phụ thuộc vào con số người bị ảnh hưởng và phương cách đền bù. Giả sử đem số tiền 500 triệu USD chia đều cho 41.000 ngư dân thực sự của 4 tỉnh thì mỗi ngư dân sẽ được 12.195 USD, chưa nói gì đến 176.000 người phụ thuộc. Còn nếu chia đều cho 217.000 người bị ảnh hưởng cả trực tiếp lẫn gián tiếp thì mỗi đầu người nhận được 2.300 USD tính tròn số. Tất nhiên các tỉnh và các Bộ ngành sẽ thống nhất mức bồi thường theo một tỷ lệ nào đó, giữa người bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của thảm họa môi trường. Chi phí làm sạch môi trường biển hay kinh phí hỗ trợ đào tạo chuyển nghề cũng chưa biết lấy từ nguồn tiền nào, có bao gồm trong 500 triệu USD Formosa trả hay không.
Trước ý kiến nên trả tiền bồi thường bằng tiền mặt cho ngư dân và những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường, Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề Cá Việt Nam nhận định:
“Theo tôi nghĩ việc này phụ thuộc vào các phương án, phương án nào cần tiền thì nên có tiền; còn phương án nào thì phải qua một số kênh…bởi vì mỗi người dân khi có tiền trong tay, không phải ai cũng sáng suốt đưa hết vào để tạo một nghề, hay tạo một công việc bền vững về tương lai. Cũng có thể có nhiều người, người ta muốn thế này thế nọ… làm cho vấn đề tiền mặt có thể không hợp lý. Mà hợp lý hay không còn phụ thuộc vào các phương án cụ thể, nó cũng là một thực tiễn của Việt Nam, không phải cái gì cũng đưa tiền mặt là tốt cả.”
Cách tốt nhất là trả cho người ta bằng tiền, người ta mua gạo hay dùng để kinh doanh thì để cho người ta thực hiện quyền tự chủ của mình là điều tốt nhất.
– TS Nguyễn Quang A
Giới báo chí thường gọi giai đoạn hiện nay là “hậu Formosa”, ngày 31/8/2016 VnExpress có loạt phóng sự ảnh “4 tháng sau sự cố Formosa, ngư dân vẫn gác mái chèo.” Những bức ảnh mà nhà báo ghi nhận cho thấy một thảm trạng về đời sống và nghề đi biển ở 4 tỉnh Bắc Trung Bộ. Trong một bức ảnh mới chụp ở tâm điểm sự cố môi trường biển là Cảng cá thôn Ba Đồng, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, hàng trăm tàu thuyền nằm bờ phơi mưa phơi nắng nhiều tháng qua. Nhà báo ảnh ghi chú “Lâu ngày không ra khơi, ngư dân lấy chăn màn che thuyền, nhưng nắng gió đã làm rách tơi tả tấm che. Cách đó khoảng 2km, ống khói nhà máy trong công trường Formosa hoạt động đều đặn…”
Hậu Formosa, có thể còn có nhiều câu hỏi bức xúc hơn là chuyện trả tiền đền bù ở 4 tỉnh có thảm họa môi trường. Báo Tuổi trẻ ngày 31/8 đưa tin Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế họp phiên chất vấn, bài báo được giật tít “Làm sao phân biệt cá tôm tầng đáy gần bờ để né…”. Chẳng là các đại biểu Hội đồng nhân dân cảm thấy không hài lòng về các thông báo trước đó của Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn. Họ cho là thông tin không rõ ràng, nhất là chuyện nước biển đạt chuẩn để tắm và nuôi thủy sản, còn ăn thì chưa an toàn…hoặc là không khai thác cá tầng đáy và gần bờ, tránh ba vùng cấm mấy trăm cây số vuông…hoặc là nước biển cũng như nước trong các đầm phá có chất lượng an toàn, nhưng không ai trả lời là ăn tôm cá ở đó thì có an toàn hay không.
Theo TS Nguyễn Quang A, tất cả vẫn là một tình trạng không rõ ràng, chưa minh bạch, người dân không biết đường nào mà lần. Tuy vậy có một điều chắc chắn là khi chưa xác định cá an toàn để ăn, thì thị trường tiêu thụ hải sản ở 4 tỉnh miền Trung sẽ vẫn chưa thể hồi phục.