Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, những biến động từ thị trường Trung Quốc, giá dầu, tỷ giá… đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam 2015.
TS Cấn Văn Lực. |
Chia sẻ với chúng tôi về điều này, TS. Cấn Văn Lực – Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV cũng cho biết, đây là những biến số rất quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về lạm phát năm 2016 khi lạm phát năm 2015 đã ở mức thấp nhất 14 năm. Liệu lạm phát thấp sẽ tạo dư địa gì cho chính sách tiền tệ?
Lạm phát thấp sẽ tạo dư địa để giữ ổn định đồng tiền, áp lực giá cả thấp hơn và có dư địa áp dụng chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng thận trọng. Năm 2016 không thể chủ quan với lạm phát. Mặc dù lạm phát 2015 ở mức rất thấp nhưng chủ yếu là do giá cả hàng hóa trên thế giới, đặc biệt là giá dầu giảm mạnh.
Mặc dù năm 2016 được dự báo giá dầu sẽ giảm nhưng với triển vọng kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn 2015 thì cầu về hàng hóa sẽ tăng lên, giá cả các hàng hóa khác (ngoài dầu) tăng lên và đẩy giá hàng hóa trong nước tăng theo.
Bên cạnh đó, năm 2016 đã có một số lộ trình điều chỉnh các mặt hàng tăng giá như tiền điện, tiền nước, dịch vụ y tế, giáo dục. Tăng trưởng tín dụng năm 2015 khoảng 18%, sẽ có độ trễ đẩy áp lực lạm phát sang năm nay rất lớn. Ngoài ra, áp lực tỷ giá cũng sẽ tác động ngược trở lại đến lạm phát trong năm 2016. Đây là những vấn đề không thể chủ quan.
Như ông nói ở trên, giá dầu vẫn sẽ là một mối lo ngại trong năm 2016. Vậy giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng thế nào đến thu ngân sách của Việt Nam?
Hiện nay thế giới mới có 3 kịch bản chính cho giá dầu, đó là từ 20-30 USD/thùng; từ 30-40 USD/thùng và từ 40-50 USD/thùng. Kịch bản hồi tháng 10/2015 vẫn dự báo giá dầu từ 30-40 USD/thùng. Đến nay có một số kịch bản giá dầu xuống khoảng 25-30 USD/thùng.
Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan nên tính đến các phương án giá dầu dưới 30USD. Tất nhiên giá dầu sẽ không quá thấp đến mức 20 USD nhưng kịch bản 25 USD nên được tính toán.
Khi giá dầu giảm, thu ngân sách từ dầu thô có thể bị giảm một chút nhưng bù lại sẽ được lợi từ nhiều yếu tố khác như giá xăng dầu nhập về giảm, chi phí đầu vào giảm giúp DN đỡ khó khăn hơn, giá dầu giảm góp phần giảm bớt áp lực đối với lạm phát và tỷ giá. Đó là những mặt tích cực.
Theo quan điểm của ông, đâu sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2016?
Trong năm 2016, biến động vĩ mô thế giới tác động đến Việt Nam khó lường hơn. Do đó, kênh tiền gửi tiết kiệm với mức lãi suất ổn định vẫn là một kênh đầu tư an toàn nhất.
Kênh đầu tư thứ 2 là bất động sản. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang dần ấm lên, tất nhiên vẫn còn tùy phân khúc, tùy địa bàn và tùy nhà quản lý đầu tư. Về cơ bản, kênh đầu tư này khá hiệu quả trong năm 2015 và được dự báo tiếp tục ấm lên trong năm 2016.
Đối với kênh chứng khoán, đây là kênh bị tác động mạnh nhất trong năm qua. Năm 2015 tăng trưởng chứng khoán cũng không được bao nhiêu, khoảng 3-4%. Nếu hội nhập tốt, hiệu ứng hội nhập mạnh mẽ hơn và dòng vốn dịch chuyển ra khỏi các nước mới nổi có thể quay về Việt Nam nhiều hơn thì thị trường chứng khoán sẽ khá hơn so với năm 2015.
Bên cạnh đó, những kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ sẽ không còn dư địa để lướt sóng hay đầu cơ do lãi suất USD đã về 0%. Giá vàng khá ổn định trong 3 năm qua, thậm chí năm 2015 còn giảm. Năm 2016 dự báo giá vàng có thể giảm tiếp do đô la Mỹ tăng giá.
Ông có kiến nghị gì đối với việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách tài chính tiền tệ năm 2016?
Về cơ bản, những thuận lợi của kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2016 được dự báo tăng trưởng tốt hơn 2015, mặt bằng lãi suất thấp và ổn định. Đây là những biến số thuận lợi cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu năm 2016 có thể thấy rằng kinh tế tài chính thế giới biến động khôn lường, có nhiều cơ hội đan xen với thách thức. Do vậy, cần chú ý quan sát những biến động của thế giới, đặc biệt là 4 biến số có liên quan chặt chẽ đến việc điều hành kinh tế vĩ mô.
Thứ nhất là áp lực tỷ giá. Chúng ta đã điều hành linh hoạt hơn nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề như đô la Mỹ tăng giá, Nhân Dân tệ giảm giá và nhiều yếu tố khác.
Thứ hai là lãi suất, đặc biệt là lãi suất USD. Khi FED điều chỉnh tăng lãi suất, lãi suất USD trên thị trường tăng dẫn đến điều hành lãi suất của Việt Nam cũng phải điều chỉnh.
Thứ ba là thị trường chứng khoán. Thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến hết sức phức tạp do thị trường chứng khoán Trung Quốc biến động mạnh. Đơn cử, chỉ trong 2 tuần giao dịch đầu năm 2016, thị trường chứng khoán Việt đã mất khoảng 5 tỷ USD.
Thứ tư là giá dầu cần chú ý hơn trong năm nay. Nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu xuống 25-30 USD/thùng thì cần phân tích tác động đến Việt Nam ở cả lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Theo Trí Thức Trẻ