Chỉ vài ngày trước khi đại hội 12 của đảng cầm quyền khai mạc tại Việt Nam, đã có xác nhận chính thức từ phía những cơ quan có trách nhiệm của đảng về “bầu có số dư”, nghĩa là không còn vai trò “độc diễn” của Tồng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng.
Xác nhận trên được đưa ra bởi ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo trung ương – một trong những cơ quan “còn đảng còn mình” kiên định nhất.
Ông Hoàng cũng khẳng định với báo chí về việc sẽ không hạn chế quyền ứng cử, đề cử của đại hội (tức của các đại biểu dự đại hội 12).
Tuy nhiên, vẫn chưa biết được quy định nào sẽ cho phép các đại biểu được đề cử bao nhiêu người, có trường hợp nào đề cử thuộc loại “đặc biệt” (tức quá tuổi) hay không.
Trước phát ngôn của ông Vụ Ngọc Hoàng, một quan chức khác là ông Nguyễn Đức Hà, hàm vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương cũng đã nêu một đánh giá mới: “Căn cứ vào đó Đại hội XII sẽ tiếp tục đề cử, ứng cử. Như thế bỏ phiếu quyết định trúng hay không trúng vẫn là Đại hội, chứ không phải cứ Trung ương giới thiệu là đã trúng, vì bầu có số dư”.
Có vẻ như tình hình đã diễn biến khác khá nhiều so với tính toán ban đầu của Tổng bí thư Trọng. Nếu trước Hội nghị trung ương 14, ông Trọng còn tự tin vào việc Tiểu ban nhân sự của ông, thay mặt Bộ chính trị, đưa ra phương án nhân sự cho “tứ trụ” trong đó có ông tái nhiệm chức vụ tổng bí thư, và phương án này là duy nhất, thì nay vẫn còn cơ hội cho không chỉ ông Trương Tấn Sang mà cả ông Nguyễn Tấn Dũng, khi quyền được đề cử thuộc về đại hội đảng toàn quốc, tức được trả về cho “cơ quan cao nhất” của đảng và cao hơn cả Bộ chính trị.
Mới đây, dư luận ồn ào về việc cả ba ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Sinh Hùng đều “rút”. Nhưng đặc biệt nhất là vị thế trôi tuột đáng quan ngại của Thủ tướng Dũng, nếu so với thời điểm tháng Giêng năm 2015, ông Dũng còn được cho là đứng đầu bảng Bộ chính trị về chỉ số thăm dò tín nhiệm.
Nếu kịch bản “bầu có số dư” được giữ nguyên tại đại hội 12, tình thế của ông Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ chẳng “triển vọng” hơn ông Nguyễn Tấn Dũng là bao. Cho dù có hoàn tất được sứ mệnh “loại Dũng”, ông Trọng lại phải đối mặt với nguy cơ chính mình bị loại bởi những đối thủ do đại hội đề cử – trẻ hơn và có thể có năng lực hơn.
Sau hàng loạt xung đột và bất ngờ tại các hội nghị trung ương 13 và 14, vẫn có thể xảy ra những xung đột và bất ngờ lớn nữa tại đại hội 12. Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ làm gì để đại hội và Ban chấp hành trung ương “tập trung” hơn trong việc bầu cho ông tái nhiệm tổng bí thư?
Còn nếu trong đại hội phát sinh phản ứng mạnh với ông Trọng, liệu có xảy ra tình huống chính ông sẽ phải “xin rút”?
Lê Dung / SBTN